Gói viện trợ quan trọng trị giá 61 tỷ USD cho Ukraine đã được Hạ viện Mỹ thông qua sau nhiều tháng trì hoãn từ các đảng viên Cộng hòa. Như vậy, sau khi Thượng viện phê duyệt và Tổng thống Joe Biden ký thành luật trong tuần này, gói viện trợ sẽ hoàn tất thủ tục.
Giới phân tích nhận định, đây là “phao cứu sinh” cho Ukraine trong bối cảnh đang đối mặt với nhiều thách thức từ cuộc chiến.
Theo các nhà phân tích quân sự của Ukraine và châu Âu, gói viện trợ quân sự của Mỹ sẽ bổ sung cho kho vũ khí đang cạn kiệt của Kiev, là nguồn lực và tạo cơ hội cho nước này ngăn những bước tiến của quân đội Nga trên chiến trường. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cảm ơn các nhà lập pháp Mỹ tại Hạ viện đã thông qua dự luật, nhưng cũng nhấn mạnh rằng, “khoảng thời gian giữa việc phê duyệt dự luật và việc tăng cường sức mạnh cho các chiến binh phải càng ngắn càng tốt”. Thời gian là cốt yếu đối với Ukraine - quốc gia đang yêu cầu có thêm hệ thống phòng không, pháo binh và đạn dược - để ngăn chặn làn sóng tấn công của Nga ở miền Đông Ukraine.
Khi gói viện trợ bị đình trệ suốt 6 tháng tại Quốc hội Mỹ, quân đội Ukraine đã phải vật lộn với tình trạng thiếu đạn dược và nhân lực, trong khi lực lượng quân sự Nga liên tục tận dụng thời cơ để tấn công mạnh mẽ trên khắp các mặt trận. Mátxcơva ngày càng sử dụng nhiều loại bom lượn phóng từ trên không thô sơ nhưng nguy hiểm để tàn phá tiền tuyến, từ những khoảng cách mà Kiev không thể chống trả. Nga cũng có lợi thế về nhân lực trên chiến trường và có thể khai thác lợi thế này cùng với những loại vũ khí hạng nặng.
Các nhà phân tích quốc phòng cho rằng, thông tin về nguồn tài trợ có thể tạo tinh thần chiến đấu mới vào chiến dịch quân sự của Ukraine, nhưng viện trợ và vật tư phải được gửi đến quốc gia Đông Âu ngay lập tức. “Các lực lượng Ukraine có thể phải chịu thêm nhiều thất bại trong những tuần tới trong khi chờ đợi sự hỗ trợ của Mỹ, nhưng Kiev có thể sẽ ngăn chặn được cuộc tấn công hiện tại của Nga nếu sự hỗ trợ của Mỹ đến kịp thời”, các nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Washington (Mỹ) lưu ý.
Về vấn đề này, Giám đốc khoa học quân sự tại tổ chức tư vấn quốc phòng Rusi ở London (Anh) Matthew Savill tiết lộ, mặc dù việc mua sắm trang thiết bị mới có thể chậm trễ, song Lầu Năm Góc đã chuẩn bị trước một số khí tài quân sự để chuyển cho Ukraine nhằm giảm thiểu thời gian giao hàng. Cựu tướng chỉ huy quân đội Mỹ ở châu Âu Ben Hodges cho biết, gói viện trợ hiện nay sẽ cho phép Ukraine "ổn định mặt trận, có thời gian để phát triển và xây dựng lại quân đội cũng như xây dựng năng lực công nghiệp quốc phòng của chính mình".
Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng nhận định, nguồn tài trợ dài hạn cho Kiev vẫn là một vấn đề gây tranh cãi. Họ chỉ ra rằng, viện trợ tiếp theo của Mỹ không được bảo đảm, đặc biệt khi xét đến kết quả không chắc chắn của cuộc bầu cử Tổng thống vào cuối năm nay. Nhà kinh tế và cộng tác viên trong chương trình Nga và Á - Âu tại tổ chức tư vấn Chatham House của Anh Timothy Ash nhận định, viện trợ mới nhất không thay đổi được thực tế là Ukraine sẽ tiếp tục cần những khoản tài trợ đáng kể.
Ngoài ra, thiếu hụt đạn dược không phải là vấn đề duy nhất mà Ukraine phải đối mặt. Nhân lực cũng là một thách thức lớn cho Kiev. Vấn đề tuyển dụng thêm nhân lực cho tiền tuyến “có thể là chìa khóa cho tình trạng xung đột vào năm 2025”. Konrad Muzyka, Giám đốc Công ty Tư vấn quân sự Rochan ở Ba Lan, cho biết: “Nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến điểm yếu của Ukraine là thiếu nhân lực”. Hiện tại, khoảng 1 triệu người phục vụ trong quân đội Ukraine đang dần xuống sức vì cuộc chiến dai dẳng. Nhiều người lính nghĩa vụ đã chiến đấu được hơn hai năm và hàng chục nghìn binh lính đã thiệt mạng hoặc bị thương nặng, theo tờ The New York Times. Gần đây, Quốc hội Ukraine đã thông qua dự luật huy động binh sĩ nhằm tuyển thêm hàng nghìn quân nhân và nước này cũng hạ tuổi nhập ngũ từ 27 xuống 25. Tuy nhiên, Ukraine vẫn gặp khó khăn trong quá trình tuyển dụng và một trong những lý do là về mặt nhân khẩu học, nước này có rất ít nam thanh niên trong độ tuổi 18 đến 30.
Giới bình luận quốc tế không kỳ vọng Ukraine sẽ xoay chuyển được thế trận trên chiến trường vào năm 2024. “Điểm mấu chốt là gói viện trợ của Mỹ có lẽ chỉ có thể giúp ổn định vị thế của Ukraine trong năm nay và bắt đầu chuẩn bị cho các hoạt động vào năm 2025”, Matthew Savill thuộc tổ chức Rusi đánh giá, trong khi nhiều người cho rằng, 2024 có lẽ là “năm cạnh tranh công nghiệp”, khi cả Nga và Ukaine đều cố gắng tích lũy nguồn lực nhằm tung ra đòn quyết định vào năm tới.
Ngày đăng: 08:29 | 24/04/2024
Thùy Dương • / HNM.com.vn