Trong thư gửi tới VietNamNet, các thầy giáo ở 3 miền Bắc Trung Nam đã hiến kế để ngăn chặn hiện tượng chất lượng đội ngũ giáo viên thấp, góp phần chấn hưng giáo dục nước nhà.
Nhà báo Phạm Mạnh Hà (Hà Nội): Chặn ngay thảm hoạ “thầy giáo 3 điểm”
Với tình trạng "thầy giáo 3 điểm", đầu tàu giáo dục kể như không còn sức kéo, thì lấy đâu ra đưa được tương lai dân tộc đi đến vẻ vang?
Quy luật vĩnh viễn là phải có thầy giỏi mới có trò giỏi. Vậy thì hỡi ôi, thầy giáo 3 điểm thì sẽ đào tạo ra trò cũng lại 3 điểm?
Hãy nhìn thẳng vào sự thật, thì sẽ thấy ngay rằng, nguyên nhân của tai họa "thầy giáo 3 điểm" này, chính là do "thương mại hóa" giáo dục, các trường phải tự làm tự ăn, nên thành ra trình độ như vậy cũng được tuyển đào tạo làm thầy, miễn sao để có đủ số học phí sinh viên đóng góp để nuôi nhà trường.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, nguyên nhân của việc các trường sư phạm này phải cực chẳng đã tuyển sinh như vậy là bởi ngành giáo dục hiện nay quá thừa sinh viên thất nghiệp.
Để kịp thời ngăn chặn đầu tàu giáo dục đang lao chệch hướng, trước mắt Bộ GD-ĐT cần phanh gấp ngay hiện tượng nguy hiểm "thầy giáo 3 điểm". Sau đến nữa là cần phải sửa chữa bằng cách rà soát lại, đưa ra tiêu chí tuyển sinh cho các trường. Trường nào không thu hút được chỉ tiêu với tiêu chí tuyển sinh đó thì dứt khoát cho giải thể.
Nhà giáo Tùng Sơn (Hải Dương):Đã từng có hàng loạt giáo viên “Không có điểm nào vẫn vào sư phạm”
Vào đầu những năm 2000, Trung tâm học tập cộng đồng của Trung ương Hội Khuyến học đã liên kết với các trường cao đẳng địa phương như CĐSP Phú Yên, Quảng Ngãi, Bắc Ninh,… đào tạo hàng loạt giáo viên tiểu học. Đầu vào của những lớp sư phạm này là những học sinh thi trượt đại học, cao đẳng; những học sinh tốt nghiệp bổ túc cấp 3; những người lao động tốt nghiệp hệ 2 năm 3 lớp bổ túc THPT,…Tờ thông báo tuyển sinh của trung tâm là đào tạo để đáp ứng cho vấn đề thiếu giáo viên miền núi. Thế nhưng suốt từ năm 2000 đến 2008-2009, chẳng biết có mấy giáo sinh bất đắc dĩ này đi vùng cao dạy học.
Rồi ĐH Hải Phòng và một số Trung tâm Giáo dục thường xuyên cấp tỉnh cũng tuyển những lớp sư phạm Thể chất, Sinh, Tiếng Anh,… để đào tạo. Thế mới có câu: “Không có điểm nào vẫn vào sư phạm”.
Những giáo viên này tuổi đời rất trẻ, năm nay chỉ trên dưới 30. Họ còn công tác lâu dài lắm. Dù rất cố gắng nhưng những lỗ hỏng về kiến thức là những gì không thể bù đắp. Chuyện sai chính tả thì không thể kể hết. Một số hiệu trưởng có sáng kiến là cứ đầu năm học, yêu cầu những giáo viên này viết đơn xin soạn giáo án trên máy tính. Những lá đơn đó không thể kể hết những sai về cấu trúc, diễn đạt và chính tả.
Những giáo viên này không giải được nhiều bài trong sách toán lớp 4, 5 là chuyện thường. Đa số họ được phân công dạy lớp 2 -3 cho phù hợp. Nhưng thế vẫn chưa yên lòng lãnh đạo vì có lần đi dự giờ, chính mắt tôi đã thấy cô giáo viết lên bảng yêu cầu của bài tập: “Điền số thích hợp vào ô chống”. Cả nhà cười rơi nước mắt.
Điều đáng nói là, lực lượng giáo viên này ở các tỉnh Bắc Bộ rất đông, một số đã được bổ nhiệm tổ trưởng. Chưa biết chừng, một ngày không xa, nhiều người trong số họ sẽ trở thành hiệu phó, hiệu trưởng…
Nói một cách hình ảnh, ươm lứa hạt giống đầu vào hơn 3 điểm mỗi môn sẽ kéo theo nhiều mùa cây con thất bát. Nhưng hình như sự bí tắc ấy rất khó giải quyết vì thấy các trường CĐSP cấp tỉnh vẫn cắn răng lấy cho đủ chỉ tiêu đề ra. hưa thấy trường sư phạm nào dừng tuyển và báo cáo lên: “Thấp quá, chúng tôi chỉ tuyển được 10%, xin gửi lại Bộ 50% số giảng viên của trường.”
Thầy yếu thì trò yếu là một quy luật mang tính khách quan. Rất mong Bộ chủ quản vào cuộc để trả lại chất xám chân chính cho nghề giáo.
Nhà giáo Nguyễn Hoàng (Huế): Chưa cần thiết các dự án nghìn tỷ
Xin không nhắc lại những thông tin ảm đạm, chua xót trong những ngày qua mà thử nêu một số biện pháp khả thi để chấn hưng ngành sư phạm như sau:
1.Giải quyết nạn thất nghiệp của người tốt nghiệp sư phạm:
Hiện tại, sĩ số của một lớp học khá đông, khoảng 40 – 50 HS; nay chia lớp khoảng 25 –30 HS/lớp, khi đó cần số lượng GV nhiều hơn. Vê phòng học thì trước mắt có thể chia 2 ca, sáng chiều. Nơi nào đã học 2 ca rồi mà vẫn thiếu phòng thì phải xây thêm phòng học. So với nhiều công trình kinh tế, hành chính khác, việc trang bị, xây mới một phòng học quá đơn giản, không tốn tiền nhiều.
2. Nhà nước phải cân đối ngân sách, dành khoản tài chính xứng đáng với chủ trương “giáo dục là quốc sách”. Những dự án hàng nghìn tỉ như thay đổi chương trình, sách giáo khoa; dự án VNEN, dự án tích hợp, phân hóa,... tốn hàng chục ngàn tỉ đồng chưa thật cần thiết trong tình hình hiện nay. Dùng số tiền đó để nâng cấp trường ốc, trả lương thêm cho GV, cấp thêm ngân sách cho các trường sư phạm để động viên học sinh giỏi theo ngành. Lúc đó, các trường sư phạm không phải tuyển quá nhiều SV với chất lượng thấp để có thêm kinh phí. Để thực hiện việc này, các vị lãnh đạo ngành phải có tầm nhìn xa, dũng cảm dẹp bỏ các nhóm lợi ích; phải lấy hiệu quả thiết thực làm thước đo các dự án đã, đang và sẽ thực hiện.
3.Tuyển chọn hiệu trưởng có năng lực quản lý, uy tín về giảng dạy, có trách nhiệm và dũng cảm để “đứng mũi chịu sào” trong mỗi trường học. Trả mức lương “chấp nhận được” để không phải “ăn bẩn” vào giáo viên, học sinh. Như vậy, hiệu trưởng mới “ngẩng cao đầu” để chịu trách nhiệm với ngôi trường của mình.
4.Đã chấp nhận nghề giáo là chấp nhận cuộc sống bình dị, ở mức trung bình của xã hội và yên tâm với nghiệp của mình. Nếu GV nào yếu kém, không chịu vươn lên thì cần phải chuyển ngành. Việc đánh giá, phân loại sẽ diễn ra ở tổ chuyên môn, ở trường học, ở hội phụ huynh học sinh. Giáo viên chất lượng kém, không được tín nhiệm thì ra khỏi ngành.
Thầy giáo Nguyễn Hoàng Chương, hiệu trưởng Trường THPT Lộc Phát (Lâm Đồng): Đừng để quốc sách hàng đầu là "mơ ước"
Viễn cảnh buồn của sư phạm đã được cảnh báo từ những năm 80 của thế kỷ trước với câu: “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”.
Hiện nay, nghề giáo được tuyển chọn và đào tạo thật đáng lo ngại: Hiện tượng yêu cầu thấp ở đầu vào và dễ dàng ở đánh giá đầu ra không phải là hiếm. Nhiều sinh viên sư phạm mất kiến thức, kỹ năng căn bản, văn hóa nhà giáo khá mờ nhạt. Lúc ra trường (mà không ít trường hợp phải xoay sở mới xin được việc) đối mặt với cuộc sống khó khăn, những tình huống sư phạm thách thức. Môi trường sư phạm nhạt nhòa niềm tin, trống vắng niềm vui. Thay vào đó là giáo điều, sáo rỗng; học đường bị thương mại hóa, quan hệ thầy và trò biến tướng theo “kẻ bán – người mua”.
Tôi xin đề xuất mấy biện pháp:
1. Bồi dưỡng, đào tạo, đào tạo lại cho sinh viên sư phạm và giáo viên; tăng cường các hoạt động trải nghiệm, kiến tập, thực tập; tạo môi trường sinh hoạt, học tập tươi vui – lành mạnh – tích cực – năng động – kỷ cương….
2. Sắp xếp lại các trường ĐHSP, CĐSP và các trường ĐH, CĐ có khoa sư phạm; mạnh dạn giải thể các trường không đảm bảo điều kiện về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất; chỉ nên duy trì khoảng 15 trường ĐHSP; từ 3 đến 5 tỉnh, thành phố có 1 trường CĐSP (trực thuộc toàn diện Bộ GD-ĐT).
3. Cân đối lại chỉ tiêu tuyển sinh cho phù hợp “cung – cầu”.
4. Giảng viên các trường sư phạm phải đủ sống bằng chính đồng lương của mình, không thể để tình trạng thầy cô quá bận với việc hướng dẫn học viên cao học và nghiên cứu sinh, ngồi các hội đồng bảo vệ luận văn, luận án và ... “chạy sô”.
5. Tốt nghiệp sư phạm, người học phải có việc làm, lương đủ sống, môi trường làm việc thân thiện – tích cực.
6. Trung ương cần tổng kết Nghị quyết trung ương II và Nghị quyết 29, những mặt tồn tại, khiếm khuyết sớm thay đổi để giáo dục thực sự là “quốc sách hàng đầu” đã nêu ra khá lâu nhưng mới chỉ là mong ước.
Ngày đăng: 11:22 | 14/08/2017
/ Theo Vietnamnet