Liên quan đến lệnh trừng phạt mà Mỹ công bố hôm 23/8 (giờ địa phương) nhằm vào ngành quốc phòng Nga và các bên thứ ba, bao gồm một số nước trong đó có Trung Quốc, cả Moscow và Bắc Kinh đã ngay lập tức đưa ra các tuyên bố đáp trả.
Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính Mỹ mới đây đã công bố lệnh trừng phạt toàn diện đối với gần 400 cá nhân và 60 công ty liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine.
Cụ thể, bất kỳ tài sản hoặc quyền lợi nào đối với tài sản của những cá nhân được liệt kê, dù trực tiếp hay gián tiếp, đều đã bị chặn và phải được báo cáo cho Chính phủ Mỹ. Bất kỳ giao dịch nào giữa công dân Mỹ hoặc công dân nước ngoài tại Mỹ với cá nhân, tổ chức trong danh sách trừng phạt đều bị cấm.
CNN dẫn lời Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Wally Adeyemo nêu rõ: “Bộ Tài chính Mỹ tiếp tục thực hiện các cam kết do Tổng thống Joe Biden và những người đồng cấp của ông tại Nhóm các nền công nghiệp phát triển (G7) đưa ra nhằm phá vỡ chuỗi cung ứng cơ sở công nghiệp-quốc phòng và các kênh thanh toán của Nga".
Theo Bộ Tài chính Mỹ, có khoảng 10 mạng lưới riêng biệt với hơn 100 cá nhân và tổ chức trên 16 khu vực pháp lý, bao gồm Trung Quốc, Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất liên quan tới lệnh cấm. Đáng chú ý, 18 công ty có trụ sở tại Hong Kong (Trung Quốc) bị cáo buộc có liên hệ với ngành công nghiệp quân sự Nga.
Phản ứng trước áp lệnh của Mỹ, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cho rằng, đây là hành động nhằm chống lại Moscow và có thể dẫn đến khủng hoảng. Các biện pháp hạn chế kinh tế không chỉ gây hại cho người tiêu dùng trong nước mà còn ảnh hưởng tới các đối tác của Mỹ ở các nước thứ ba.
Ông Anatoly Antonov nhấn mạnh Nga sẽ sớm có biện pháp đáp trả và tái khẳng định rằng bất chấp sức ép của Mỹ và phương Tây, Chính phủ Nga dưới sự điều hành của Tổng thống Putin vẫn vững bước vượt qua khó khăn.
Cùng ngày, đại diện đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ cũng ngay lập tức ra tuyên bố, cương quyết phản đối lệnh cấm vận đơn phương của Mỹ và cho rằng việc giao thương bình thường giữa Trung Quốc và Nga không nên bị phá hoại.
Mỹ và các đồng minh đã áp đặt hơn 22.000 lệnh trừng phạt đối với Nga kể từ năm 2014, khi Moscow sáp nhập bán đảo Crimea, đưa Nga trở thành quốc gia bị cấm vận nhiều nhất thế giới. Tuy nhiên, Moscow nhiều lần tuyên bố họ đã vượt qua được những thách thức và chính phương Tây đang gánh chịu hậu quả từ những đòn cấm vận này.
Trong một diễn biến khác, nhằm thể hiện sự ủng hộ liên tục của Washington đối với Kiev trong cuộc xung đột với Moscow, vào đêm trước ngày độc lập của Ukraine, Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 23/8 cũng công bố gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine giữa lúc giao tranh với Nga tăng nhiệt ở vùng Kursk và Donbass.
Theo thông báo của Nhà Trắng, gói viện trợ quân sự này trị giá 125 triệu USD, bao gồm tên lửa phòng không để bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine; thiết bị chống máy bay không người lái và tên lửa chống tăng để chống lại các chiến thuật đang thay đổi của Nga trên chiến trường; cũng như đạn dược cho binh lính tiền tuyến và hệ thống tên lửa di động bảo vệ họ.
Ngày đăng: 08:31 | 25/08/2024
Kim Ngọc / CAND