Con trai tôi năm nay sắp vào lớp 1. Như các cụ từ xưa đã nói “Con hát mẹ khen”, tôi luôn thấy cháu là một cậu bé rất đáng yêu và thông minh, nhưng so với các bạn cùng lứa tuổi, cháu có hạn chế hơn ở khả năng ngôn ngữ giao tiếp.
So với các bạn chuẩn bị vào lớp 1, cậu bé của tôi có những điểm mạnh, cũng có những điểm yếu khá rõ ràng cho hành trình học tập nhiều năm sắp tới. Bởi vậy với tôi, ngoài việc sẵn sàng dành tối đa thời gian đồng hành cùng con, việc chọn được ngôi trường phù hợp cho con là điều quan trọng.
Thực ra, không chỉ riêng con trai mình, tôi vẫn cho rằng, mỗi đứa trẻ sinh ra ở mọi gia đình đều là một cá thể độc lập với những điểm mạnh và điểm yếu riêng của mình. Việc cung cấp cho chúng môi trường giáo dục phù hợp với cá tính của chúng là điều người lớn chúng ta phải cố gắng thực hiện.
Để có đủ kiến thức hỗ trợ cho bước khởi đầu học hành của con, tôi đã dành khá nhiều thời gian tìm hiểu những ngôi trường cụ thể ở Hà Nội, các mô hình giáo dục, các chương trình giáo dục. Tôi tìm đến website của Bộ Giáo dục - Đào tạo, nguồn thông tin gốc cho mọi câu chuyện giáo dục của Việt Nam. Ở đó có toàn văn đề án Chương trình giáo dục phổ thông mới, được Bộ đăng tải công khai vào cuối năm 2018.
Nhiều người cũng đã nghe nói đến chương trình quan trọng này, ban đầu dự kiến được áp dụng từ năm học 2017 – 2018, một năm trước thời điểm con tôi sẽ vào lớp 1. Giờ do quá trình chuẩn bị chưa đủ nên chương trình sẽ bắt đầu từ năm học 2020 – 2021, con tôi sẽ không phải học theo chương trình mới này. Một sự chậm trễ tôi cho là may mắn.
Trong quá trình áp dụng một chương trình với nội dung mới và phương pháp giảng dạy mới, những bất cập của nó sẽ bộc lộ ra trong năm học đầu tiên. Tôi khi là học sinh lớp 1 năm học 1981 – 1982, lớp học sinh đầu tiên của chương trình cải cách giáo dục của nước Việt Nam thống nhất cách đây gần 40 năm. Đó là một chương trình cải cách mạnh đến mức thay đổi cả cách viết bảng chữ cái tiếng Việt, sinh ra kiểu "chữ cải cách" lai ghép giữa chữ viết thường và chữ in, một sự bất hợp lý mà sau một vài năm, nhà trường đã phải bỏ để quay về cách viết truyền thống.
Nhưng dù không theo học chương trình mới, nó vẫn liên quan mật thiết đến môi trường học tập của mọi đứa trẻ sẽ theo học phổ thông ở Việt Nam, là một người cha sắp có con đi học, tôi vẫn cẩn thận đọc hết toàn văn những nội dung của đề án Chương trình giáo dục phổ thông mới. Và tôi choáng váng với các thông tin trong mục các phẩm chất chủ yếu và các năng lực chung được Bộ Giáo dục - Đào tạo yêu-cầu-cần-đạt với những đứa trẻ của chúng ta.
Hơn 13 trang A4 trong nội dung Chương trình tổng thế chỉ để liệt kê các "yêu cầu cần đạt", lập bảng chia cột với các tiêu chí cụ thể dành cho học sinh từng cấp Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông. Lấy mức dành cho học sinh hoàn thành chương trình phổ thông, tôi đếm được đề án quy định cần đạt 5 phẩm chất chủ yếu (với 10 phẩm chất cụ thể) và 3 năng lực chính (với 20 năng lực cụ thể). Tổng cộng có 68 gạch đầu dòng quy định các phẩm chất và năng lực cần đạt.
Thí dụ như một nội dung cụ thể trong phẩm chất Trung thực, Bộ quy định: "Tự giác tham gia và vận động người khác tham gia phát hiện, đấu tranh với các hành vi thiếu trung thực trong học tập và cuộc sống, các hành vi vi phạm chuẩn mực đạo đức và quy định của pháp luật". Hay là trong năng lực Hội nhập quốc tế thì có ba quy định cụ thể: "Có hiểu biết cơ bản về hội nhập quốc tế; Biết chủ động, tự tin giao tiếp với bạn bè quốc tế, biết chủ động, tích cực tham gia một số hoạt động hội nhập quốc tế phù hợp với bản thân và đặc điểm của nhà trường, địa phương; Biết tìm đọc tài liệu nước ngoài phục vụ công việc học tập và định hướng nghề nghiệp của mình và bạn bè".
68 đầu mũ nội dung cụ thể quy định phẩm chất và năng lực này cho một học sinh Trung học phổ thông còn chưa bao gồm 13 năng lực đặc thù liên quan đến các môn học trong nhà trường mà ngành giáo dục yêu cầu mỗi học sinh cần phải đạt được.
Tôi là một cán bộ quản lý nhiều năm, đơn vị của tôi cũng có hơn 100 người trưởng thành đang làm việc, nhưng thực sự tôi không dám chắc là có ai trong số đó (bao gồm cả tôi) đạt được một nửa trong số 30 phẩm chất và năng lực mà Bộ Giáo dục – Đào tạo đang đòi hỏi một học sinh phổ thông của Việt Nam cần phải có?
Những học sinh kết thúc chương trình 12 năm học phổ thông nào mà đạt đủ được 30 năng lực, phẩm chất như Bộ quy định, tôi không thể dùng từ mô tả nào khác là "thiên tài" và có thể cho giữ trọng trách luôn trong bộ máy nhà nước hoặc các tập đoàn kinh tế, hoặc bất kỳ vị trí công việc nào của đất nước.
Xét về các nội dung (tổng số tôi đếm được là 68 mục cho 30 năng lực, phẩm chất cá nhân) thì không có cái nào sai, bất cứ ai đạt được điều nào trong số đó cũng đều tốt cho bản thân và xã hội, đạt được tất cả thì là tuyệt vời. Nhưng khi Bộ Giáo dục – Đào tạo quy định những điều đó là những điều bắt buộc cho hàng triệu học sinh trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, nó lại thành phi thực tế.
Quy định được văn bản hóa chính thức từ Bộ, tức là toàn bộ hệ thống nhà trường phổ thông sẽ phải vận hành theo hướng buộc mọi học sinh phải làm được những điều đó, với các quy định cụ thể hơn dành cho các thầy cô giáo trong nhà trường để rèn cho được học sinh đạt được những quy định đó (ít nhất là trên giấy tờ), bất kể thực tế là chúng ta có hàng triệu học sinh với những cá tính khác nhau, phẩm chất khác nhau, năng lực khác nhau.
Đọc hết 13 trang A4 quy định các phẩm chất, năng lực chung cho các học sinh phổ thông Việt Nam thế kỷ 21 với câu cú chặt chẽ như trong những hợp đồng kinh tế, những nội dung mà tôi không nghĩ sẽ có mấy học sinh của chúng ta học thuộc để mà làm theo, tôi lại nhớ đến bài thơ "Năm điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng":
"Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào
Học tập tốt, lao động tốt
Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt
Giữ gìn vệ sinh thật tốt,
Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm"
Con trai tôi sắp sửa vào lớp 1, nếu để lựa chọn dạy dỗ các phẩm chất cá nhân mong con lớn khôn trưởng thành, tôi vẫn thích cháu học từ bài thơ có 30 chữ kia hơn là đu theo cái bảng chia cột dài tới 13 trang của Bộ Giáo dục - Đào tạo Việt Nam trong thế kỷ 21. Vì bài thơ ấy dễ nhớ, dễ dạy, hợp và cũng khá đủ cho một đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi học.
42/43 học sinh giỏi: Đã đến lúc phụ huynh phải biết sợ… thành tích!
Thành tích của các con cuối mỗi năm học là niềm vui, sự tự hào của các bậc phụ huynh. Nhưng, nếu thành tích ấy ... |
“Tôi kinh ngạc khi thấy con thi được 10 điểm”
Đây là tâm sự của một phụ huynh có con đang học tại một trường tiểu học quốc tế ở TP.HCM. |
Thưởng học sinh giỏi chỉ bằng tờ giấy: Trưởng Phòng GD&ĐT Cầu Giấy viết thư xin lỗi
Thay mặt lãnh đạo Phòng GDĐT quận Cầu Giấy, tôi xin gửi tới các vị phụ huynh, các em học sinh lời xin lỗi chân ... |
Hoàng Trọng Hiếu
Ngày đăng: 15:00 | 24/05/2019
/ VnExpress