''Chiến lược mới của Trung Quốc chỉ đơn giản nhằm hợp thức hóa những hoạt động bành trướng của họ tại các vùng tranh chấp, trong đó có Biển Đông''

Mục đích của Bắc Kinh

Mới đây, phát biểu tại lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc, đồng thời là Chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình nhấn mạnh, Trung Quốc phải xây dựng một hệ thống chiến lược quốc gia và năng lực trong phát triển quốc phòng gắn với dân sự.

Ông Tập Cận Bình khẳng định, việc tăng cường phát triển mối liên kết giữa quốc phòng và dân sự là một chiến lược quốc gia, đồng thời là thành tựu quan trọng của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong sự nghiệp phát triển kinh tế và bảo vệ đất nước.

Trước chiến lược mới của Trung Quốc, nhiều ý kiến cho rằng, tình hình Biển Đông trong thời gian tới sẽ có nhiều biến động.

Bình luận về vấn đề này, Ths. Hoàng Việt, giảng viên Đại học Luật TP.HCM, thành viên Quỹ Nghiên cứu Biển Đông cho rằng, trên thực tế hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông sẽ không có nhiều thay đổi. Chiến lược mới của Trung Quốc chỉ đơn giản nhằm hợp thức hóa những hoạt động bành trướng của họ tại các vùng tranh chấp, trong đó có Biển Đông.

Nói cách khác, tàu cá Trung Quốc sẽ được trang bị vũ khí một cách công khai, tràn ra khắp Biển Đông để xác thực cái mà Bắc Kinh gọi là đường chín đoạn (đường lưỡi bò). Song song với đó, các hoạt động xâm lấn, bồi đắp, xây dựng tại các đảo mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền sẽ được thực hiện dưới danh nghĩa \'\'hoạt động dân sự\'\'.

phai tinh tao truoc chien luoc moi cua trung quoc
Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương-981 tới Biển Đông năm 2015

\'\'Trước đây Trung Quốc vẫn làm như vậy, cho tới bây giờ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố việc tăng cường phát triển mối liên kết giữa quốc phòng và dân sự là một chiến lược quốc gia thì rõ ràng Bắc Kinh đã công khai hóa chiến lược của họ.

Chiến lược mới này sẽ gây nhiều bất lợi cho các nước đang xảy ra tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc, trong đó có Việt Nam. Sức mạnh của Trung Quốc càng ngày càng tăng lên, gần như không có quốc gia nào có thể ngăn cản họ. Trước đây còn có Hoa Kỳ, nhưng giờ đây, có vẻ Hoa Kỳ cũng không đủ sức mạnh để ngăn cản Trung Quốc.

Do đó, có thể trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ thực hiện chiến lược mới mà ông Tập Cận Bình vừa đưa ra, thậm chí họ còn phát triển mạnh hơn để bành trướng thế lực trên Biển Đông\'\', ông Việt nêu quan điểm.

Theo vị chuyên gia, trong Luật biển các bộ luật khác đã quy định, nếu một quốc gia mang quân đội của mình đi xâm phạm chủ quyền của các quốc gia khác thì sẽ bị coi là hành động tuyên chiến. Các quốc gia khác có thể dựa vào đó để đưa ra những hành động tự vệ.

Trong trường hợp của Trung Quốc, nếu Bắc Kinh chỉ sử dụng các lực lượng dân sự để thực hiện ý đồ của mình thì các quốc gia khác không thể chứng minh được Trung Quốc đang xâm lược, tấn công vũ trang họ.

Thứ hai, chiến lược mới của Trung Quốc có thể giúp họ không bị cô lập trong lĩnh vực ngoại giao. Bởi lẽ, nếu Trung Quốc có các hoạt động xâm lược quốc gia khác bằng vũ lực, thì điều đó trái với tinh thần chung của thế giới. Nhiều quốc gia trên thế giới sẽ phản đối và cô lập Trung Quốc về ngoại giao.

Việt Nam nên làm gì?

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc, các nước đã và đang xảy ra tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc, đặc biệt là Việt Nam nên có sách lược đối phó như thế nào đối với chiến lược mới mà ông Tập Cận Bình mới tuyên bố, Ths. Hoàng Việt cho rằng:

Chúng ta phải tỉnh táo trước những cái bẫy khiêu khích của Trung Quốc.

Trung Quốc dù sao cũng là một nước lớn và họ đang là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Do đó, sẽ rất khó khăn cho các quốc gia nhỏ hơn nếu xảy ra xung đột nhưng nếu chúng ta không hành động kiên quyết thì chúng ta sẽ không bảo vệ được chủ quyền của Tổ quốc.

Đây là những vấn đề quan trọng mà một quốc gia phải xem xét trước khi đưa ra chiến lược đối phó với Trung Quốc trong tương lai\'\'.

Theo vị chuyên gia, Việt Nam từng xử lý rất tốt sự kiện giàn khoan Hải Dương 981. Cụ thể, chúng ta cũng có những lực lượng dân sự như lực lượng cảnh sát biển, tàu kiểm ngư... để theo sát những hoạt động của Trung Quốc.

Chúng ta kiên quyết không tấn công dù tàu Trung Quốc có những hành động khiêu kích vào tàu của chúng ta. Sự kiên trì của Việt Nam cùng với áp lực từ dư luận quốc tế đã buộc giàn khoan của Trung Quốc phải rời khỏi vùng biển chủ quyền của Việt Nam.

\'\'Tôi nghĩ rằng, nếu những trường hợp tương tự xảy ra thì có thể cách chúng ta làm không giống hoàn toàn với sự kiện giàn khoan Hải Dương 981, nhưng về cơ bản, chủ trương chúng ta nên tiếp tục như vậy\'\', Ths. Hoàng Việt đề xuất.

Ngày đăng: 07:00 | 04/08/2017

/ Hoàng Hải/baodatviet.vn