Thêm đường, thêm hướng tiếp cận, thêm cổng là giải pháp phải làm để tránh ùn tắc khi sân bay Tân Sơn Nhất được mở rộng
Lượng hành khách thông qua sân bay Tân Sơn Nhất (TSN) năm 2017 vào khoảng 36 triệu lượt, đạt hơn 103% so với kế hoạch năm. Sân bay TSN mở rộng về phía Nam với 1 nhà ga mới - nơi có các tuyến đường như Trường Sơn, Cộng Hòa, Hoàng Hoa Thám..., hiện đã quá tải trầm trọng - công suất khai thác sẽ tăng thêm 20 triệu hành khách mỗi năm, vậy giải pháp nào để giải quyết áp lực giao thông cho khu vực quanh TSN?
Thêm đường song hành với đường Cộng Hòa
Ông Nguyễn Vĩnh Ninh, Giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 - Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, cho rằng phía Nam sân bay TSN với các tuyến đường nêu trên đang được triển khai nhiều dự án. Trong đó, 2 dự án cải tạo, mở rộng đường Cộng Hòa và Hoàng Hoa Thám đã có nhà thầu, đang chờ công tác giải phóng mặt bằng từ UBND quận Tân Bình. Còn dự án mở rộng đường Hoàng Minh Giám (quận Phú Nhuận), ông Ninh thông tin đã cơ bản hoàn tất, chỉ còn khoảng 20 m, đoạn gần giao lộ với đường Đào Duy Anh do chưa có mặt bằng thi công.
Tuy nhiên, ông Ninh nhấn mạnh những dự án nêu trên chỉ mang tính chất cấp thời nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông hiện hữu ở các tuyến đường này. Thế nhưng, khi sân bay TSN được mở rộng về phía Nam, khu vực trên sẽ phải chịu áp lực nặng nề hơn, đối mặt với nguy cơ ùn tắc giao thông nghiêm trọng hơn. Một trong những giải pháp nhằm giải quyết tình trạng này đang được nghiên cứu là dự án xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa (song hành đường Cộng Hòa). Dự án này nếu được triển khai, một khu đất quốc phòng với diện tích khoảng 6,65 ha sẽ bị thu hồi và hiện UBND TP đã cơ bản thống nhất quy mô, hướng tuyến, có công văn báo cáo Bộ Quốc phòng cùng Bộ GTVT xem xét, phê duyệt.
TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP HCM, đánh giá phương án mở đường song hành với đường Cộng Hòa là phù hợp và cấp thiết trước tình hình hiện nay. Theo ông, đường song hành khi được mở không chỉ giải quyết đáng kể tình trạng kẹt xe cho khu vực này mà còn bảo đảm nhu cầu giao thông đối ngoại giữa TP HCM và phía Tây Bắc nối qua Campuchia. Ông Cương nhìn nhận đây là một giải pháp ổn định và lâu dài, có hiệu quả lớn đối với sự phát triển của TP HCM, ngành hàng không cũng như an ninh quốc phòng. Việc thực hiện, các bên được hưởng lợi có thể cùng chia sẻ kinh phí đầu tư cho dự án.
Bên cạnh đó, TS Võ Kim Cương cũng cho rằng khu vực phía Nam sân bay TSN trước mắt cần phải tổ chức lại giao thông theo hướng tách hướng di chuyển trên các tuyến đường như Phạm Văn Đồng, Hoàng Minh Giám, Bạch Đằng... nhằm giảm lượng xe dồn vào đường Trường Sơn - tuyến "độc đạo" ra vào sân bay. Ông đánh giá tình trạng kẹt xe xung quanh sân bay TSN, đặc biệt là ở hướng Nam, không chỉ do lưu lượng phương tiện ra vào sân bay lớn mà còn bởi lượng xe "quá cảnh" nhiều. Trong khi chờ xây dựng sân bay Long Thành (tỉnh Đồng Nai) và các trục đường trên cao, đường sắt đô thị theo quy hoạch thì buộc phải thực hiện những giải pháp cấp thời như trên, ít tốn kém nhưng hiệu quả.
Thêm hướng tiếp cận
PGS-TS Phạm Xuân Mai, Trường ĐH Bách khoa TP HCM, phân tích với khoảng 50 triệu lượt khách mỗi năm khi sân bay được mở rộng thì mỗi ngày, trung bình có gần 137.000 lượt người ra vào. Chưa kể, lượng phương tiện lưu thông ở các tuyến đường xung quanh nhưng không vào sân bay cũng rất lớn khiến áp lực giao thông càng cao. Vì vậy, theo ông Phạm Xuân Mai, giải pháp bắt buộc là phải mở thêm hướng tiếp cận cho sân bay TSN, có thể từ đường Cộng Hòa. Với phương án này, có thể tận dụng các tuyến hẻm trong khu dân cư và mở rộng vì sẽ giúp giảm chi phí giải phóng mặt bằng. Còn về lâu dài, ông Mai cho rằng nên có đường trên cao để có thêm hướng tiếp cận sân bay, giảm áp lực giao thông phía dưới.
TS-KTS Ngô Viết Nam Sơn thì nói sân bay TSN đã là một đô thị sân bay nhưng trong quy hoạch với đô thị xung quanh lại "không khớp", dẫn đến áp lực giao thông ở các tuyến đường ra vào ngày càng cao. Ông Sơn nhìn nhận sân bay TSN đang phục vụ cho cả một vùng đô thị chứ không chỉ riêng TP HCM nên một trong những giải pháp bắt buộc và cấp thiết là mở thêm cổng ra vào sân bay.
Về vấn đề này, Sở GTVT TP cũng đồng tình và cho biết trước đó đã đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu mở thêm cổng tiếp cận sân bay trên đường Thống Nhất (quận Gò Vấp) hoặc một số vị trí khác trên các tuyến đường Trường Chinh, Phạm Văn Bạch (quận Tân Bình); Tân Sơn, Quang Trung (quận Gò Vấp)… Sở GTVT TP HCM cho rằng với phương án điều chỉnh quy hoạch Cảng Hàng không quốc tế TSN theo hướng tăng thêm các cổng tiếp nhận hành khách ra vào cũng sẽ nâng cao hiệu quả khai thác cho sân bay.
Kết nối giao thông công cộng
Trước đó, tại hội thảo tìm các giải pháp giải tỏa ùn tắc giao thông khu vực sân bay TSN, PGS-TS Nguyễn Bá Hoàng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH GTVT TP HCM, cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông khu vực sân bay TSN là do khu vực này hầu như chưa có sự kết nối với giao thông công cộng. TSN hiện có 2 tuyến xe buýt nhưng việc kết nối với mạng lưới giao thông công cộng chung ở TP lại quá hạn chế.
Vì vậy, theo ông Hoàng, nên tăng cường đầu tư hệ thống giao thông công cộng tại đây. Cụ thể, xây dựng hệ thống monorail (tàu điện) chạy vòng quanh sân bay. Lý do là tàu điện phù hợp với khoảng cách ngắn, không sử dụng quá nhiều diện tích đất và chi phí đầu tư cũng không nhiều nên sẽ rất hiệu quả trong bối cảnh chưa hoàn thiện các tuyến đường vành đai.
Bài và ảnh: Gia Minh
Bộ Quốc phòng sẽ bàn giao đất để mở rộng Tân Sơn Nhất
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết Bộ sẽ cập nhật báo cáo lại Thủ tướng phương án quy hoạch, đầu tư các ... |
Bộ Giao thông kêu gọi doanh nghiệp đầu tư sân bay Tân Sơn Nhất
Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) sẽ đầu tư nhà ga T3, còn các công trình phụ trợ sẽ kêu gọi nhà ... |
Lấy ở đâu 18.000 tỷ để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất?
Nói về nguồn vốn 18.000 tỷ đồng để nâng cấp, mở rộng Tân Sơn Nhất, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, hạng ... |
Ngày đăng: 23:27 | 31/03/2018
/ https://nld.com.vn