Những con số thương vong không ngừng gia tăng trong trận động đất lớn ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria cho thấy động đất là một trong những thảm họa lớn nhất với con người, đồng thời đặt ra vấn để làm thế nào để có thể giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do thảm hỏa này gây ra.
Thảm khốc hậu quả động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria
Số người thiệt mạng trong trận động đất lớn xảy ra ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ và phía Bắc Syria đã tăng lên khoảng 9.500 người, trong đó ở Thổ Nhĩ Kỳ đã có 6.000 tòa nhà đổ sập và gần 7.000 người tử vong trong khi con số này này tại Syria là khoảng 2.500 - theo số liệu cập nhật mới nhất tính tới hết ngày 8-2. Các lực lượng cứu hộ đang chạy đua với thời gian trong điều kiện mùa Đông khắc nghiệt để cứu những nạn nhân còn sống sót trong đống đổ nát của những tòa nhà bị sập trong trận động đất độ lớn 7,8 richter xảy ra rạng sáng 6-2 (giờ địa phương) với tâm chấn ở độ sâu khoảng 18km gần thành phố Gaziantep của Thổ Nhĩ Kỳ, cách biên giới Syria khoảng 60km.
Lực lượng cứu hộ chạy đua với thời gian để ứng cứu các nạn nhân trong thảm họa động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ |
Như vậy, số nạn nhân thiệt mạng đã lên tới 9.500 người, gần chạm mốc mà Cơ quan Khảo sát địa lý Mỹ (USGS) dự báo trước đó. Dựa trên các mô hình động đất lịch sử, USGS cho rằng 47% khả năng số tử nạn sẽ lên tới 10.000 người. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) còn đưa ra một dự báo u ám hơn khi cho rằng có thể có khoảng 20.000 nạn nhân thiệt mạng. Báo cáo từ các lực lượng cứu hộ cho biết, đến nay đã giải cứu hơn 8.000 người bị mắc kẹt dưới các đống đổ nát chỉ riêng tại Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng nhiệt độ xuống dưới mức đóng băng khiến thời gian để hy vọng tìm kiếm thêm nạn nhân động đất sống sót còn rất ít.
Các lực lượng cứu hộ đang chạy đua với thời gian trong điều kiện mùa Đông khắc nghiệt để cứu những nạn nhân còn sống sót trong đống đổ nát của những tòa nhà bị sập trong trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Dự kiến số nạn nhân thiệt mạng trong trận động đất kinh hoàng ngày 6-2 sẽ còn tiếp tục tăng lên khi mức độ nghiêm trọng của thảm họa này trở nên rõ ràng hơn. Một quan chức Liên hợp quốc nhận định có thể hàng nghìn trẻ em đã thiệt mạng. Đến nay, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại 10 tỉnh. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc hàng nghìn người thiệt mạng ở cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria do động đất đã vượt quá năng lực cứu hộ, cứu nạn của bất kỳ quốc gia riêng lẻ nào. Chính vì thế, cộng đồng quốc tế cũng đẩy nhanh công tác hỗ trợ cho hai nước.
Phát biểu tại cuộc họp của Ban điều hành Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Quan chức cấp cao về Tình trạng Khẩn cấp WHO Adelheid Marschang cảnh báo, nhu cầu viện trợ nhân đạo đang ở mức độ cao nhất tại Syria sau trận động đất. Bà Adelheid Marschang cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ dù thiệt hại nặng nề hơn nhưng có năng lực tốt để đối phó với cuộc khủng hoảng, và những nhu cầu chính hiện chưa được đáp ứng tại Syria ngay lập tức và trong trung hạn.
Theo WHO, khoảng 23 triệu người, trong đó có 1,4 triệu trẻ em, tại 2 nước Thổ Nhĩ Kỳ và Syria có thể chịu ảnh hưởng của trận động đất. Cơ sở hạ tầng dân sự và khả năng cả cơ sở y tế đều bị thiệt hại. WHO cũng cho biết, đang gửi hàng cứu trợ khẩn cấp, trong đó có các bộ dụng cụ phẫu thuật, đồng thời kích hoạt mạng lưới đội ngũ y tế khẩn cấp nhằm hỗ trợ khu vực xảy ra động đất. Cộng đồng quốc tế cũng đã hành động nhanh chóng nhằm hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ và Syria khắc phục thảm họa động đất.
Theo ước tính, năng lượng giải phóng ra từ trận động đất ở khu vực biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria tương đương 32 quả bom nguyên tử đã thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản năm 1945. Tuy không phải là trận động đất có độ lớn nhất từng được ghi nhận trên Trái đất, song các chuyên gia cho rằng, trận động đất ngày 6-2 gây thiệt hại lớn do xảy ra ở khu vực đông dân cư và vào rạng sáng khi nhiều người còn đang ngủ.
Ngoài ra, tâm chấn nông cũng là yếu tố gia tăng mức độ tàn phá. Một nhân tố khác cũng ảnh hưởng đến mức độ tàn phá là chất lượng xây dựng của các tòa nhà trong khu vực. Theo dữ liệu của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), cấu trúc của phần lớn các tòa nhà trong khu vực đều rất dễ chịu tác động của các đợt rung chấn.
Luôn sẵn sàng ứng phó động đất
Động đất là một trong những thiên tai mà nhân loại phải đối mặt. Tính ra, mỗi ngày trên thế giới xảy ra hơn một triệu trận động đất lớn nhỏ, trong đó tuyệt đại đa số là động đất nhỏ, rất nhỏ, tuy nhiên cũng có thể xảy ra những trận động đất mạnh kéo theo sóng thần, với sức tàn phá khủng khiếp như “thảm họa động đất” từng xảy ra tại Indonesia và Nhật Bản hay mới nhất là trận động đất ở khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.
Hiện, thế giới chưa có nước nào dự báo được chính xác thời điểm xảy ra hiện tượng thiên tai này. Không giống như các loại thiên tai khác như mưa bão có thể dự báo trước vài ngày thậm chí cả tuần, hiện tượng động đất chỉ có thể được thông báo nhận định về địa điểm, độ lớn khi nó đã xảy ra. Nhiều hiện tượng khác lạ trong tự nhiên cũng đã được ghi nhận trước khi xảy ra động đất như ếch nhái di cư, chó nằm trong nhà chạy ra sân… nhưng không thể dùng những hiện tượng này để khuyến cáo người dân, tổ chức sơ tán được. Tùy thuộc vào hệ thống kỹ thuật, từ lúc phát hiện động đất tới khi ra được bản tin thông báo nhanh cũng phải mất nhiều phút đồng hồ.
Trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Việt Nam, các trận động đất lớn chủ yếu xảy ra ở phần “Vành đai lửa” Thái Bình Dương (một trong những khu vực xảy ra động đất và núi lửa phun trào nhiều nhất trên thế giới), đi từ Nhật Bản qua Đài Loan, xuống Philippines rồi qua Indonesia.
Còn trong phạm vi gần hơn với nước ta, nếu động đất mạnh xảy ra ở các nước láng giềng như Trung Quốc (vùng Côn Minh, Vân Nam), Lào (Bắc Lào) có thể ảnh hưởng đến nước ta, nhưng không lớn. Còn Nam Lào và Camphuchia dường như động đất bé nên ảnh hưởng không nhiều.
Việt Nam nằm ở phần Đông Nam của mảng lục địa Âu - Á, giữa mảng Ấn Độ, mảng Philippines và mảng châu Úc. Lãnh thổ Việt Nam không nằm ở rìa các mảng, do vậy ít bị tổn thương bởi động đất so với các nước trong khu vực như Indonesia, Philippines, Malaysia. Nhưng trên lãnh thổ và lãnh hải của nước ta tồn tại hệ thống đứt gãy hoạt động phức tạp: đứt gãy Lai Châu - Điện Biên, đứt gãy sông Mã, đứt gãy Sơn La, đới đứt gãy sông Hồng, sông Cả, đứt gãy kinh tuyến 109-110 độ, do vậy động đất cũng thường xuyên xảy ra ở những khu vực này.
Theo Viện Vật lý địa cầu thuộc Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam, thực tế, những trận động đất mạnh nhất với độ lớn đạt tới 6,7-6,8 độ và tương đương đã được ghi nhận trong lịch sử tại nước ta, trong đó có 1 trận vào thế kỷ 14 và 2 trận vào thế kỷ 20 ở khu vực trên phần Tây Bắc. Cũng theo thống kê trong 10 năm từ 2011-2021 của Viện Vật lý địa cầu, cả nước đã ghi nhận hơn 400 trận động đất xảy ra trên lãnh thổ và thềm lục địa của Việt Nam, hoặc có ảnh hưởng tới nước ta. Độ lớn của các trận động đất dao động trong khoảng 2,5-6,1 richter.
Dù ít có nguy cơ xảy ra động đất lớn tại Việt Nam nhưng không phải vì thế mà có thể chủ quan, phải luôn sẵn sàng ứng phó bởi thiên tai này có thể xảy ra bất cứ lúc nào và ở đâu. Chúng ta đã có cơ quan chuyên môn là Viện Vật lý địa cầu với hệ thống các trạm đo đạc, quan trắc để kịp thời phát hiện các trận động đất, đồng thời đưa ra các cảnh báo, khuyến cáo.
Thủ tướng chính phủ vào tháng 5-2022 đã ban hành Kế hoạch quốc gia ứng phó thảm họa động đất, sóng thần, trong đó đưa ra các kịch bản động đất với các khu vực trên cả nước: Tây Bắc, Đông Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ và Tây Nguyên và Nam bộ. Theo đó, bên cạnh khuyến cáo người dân và chính quyền các khu vực này cần quan tâm đến các yếu tố kháng chấn trong xây dựng; các cấp chính quyền cần thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân các biện pháp phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra động đất mạnh. Đặc biệt, khi có động đất xảy ra, yêu cầu chính quyền và người dân tại khu vực bị ảnh hưởng cần thực hiện nghiêm theo các quy định về Kế hoạch quốc gia ứng phó thảm họa động đất, sóng thần.
https://www.anninhthudo.vn/phai-luon-san-sang-ung-pho-voi-tham-hoa-dong-dat-post530493.antd
Ngày đăng: 09:39 | 09/02/2023
HOÀNG TUẤN / ANTD