Nếu gia đình bạn có người nhiễm HIV/AIDS, cầm làm gì để không bị lây nhiễm HIV của họ, đồng thời không khiến người bệnh có cảm giác bị bỏ rơi, bị xa lánh hay bị coi thường.
 

Người nhiễm HIV được chia làm 4 thời kỳ

Thời kỳ cửa sổ (phơi nhiễm):

Thời kỳ này rất dễ lây lan cho người khác vì số lượng virus trong máu rất cao, nhưng chưa có kháng thể. Người bệnh thường bị sốt, viêm họng, nổi hạch,nhức đầu, khó chịu, phát ban.

Do không có triệu chứng HIV gì đặc hiệu nên thầy thuốc thường hay chẩn đoán chung là nhiễm siêu vi. Kháng thể kháng HIV xuất hiện trong máu muộn hơn, sau 6 tuần (thông thường là 3 tháng) mới xét nghiệm tìm kháng thể.

phai lam gi khi trong gia dinh co nguoi mac hivaids de khong bi lay nhiem
Phải làm gì khi trong gia đình có người mắc HIV/AIDS để không bị lây nhiễm?

Thời kỳ nhiễm không triệu chứng HIV:

Số lượng tế bào T4 giảm, nhưng lượng T4 không giống nhau ở mỗi người và sự giảm lượng T4 cũng không tỉ lệ thuận với mức độ nặng của bệnh. Lượng kháng nguyên tăng lên phản ánh sự nhân lên của virus mà hệ thống miễn dịch của cơ thể không khống chế được.

Thời kỳ nhiễm có triệu chứng HIV, giai đoạn sớm:

Việc chuyển giai đoạn thể hiện qua các triệu chứng HIV sau: sốt, vã mồ hôi về đêm, tiêu chảy mãn (do HIV xâm nhập tế bào ở niêm mạc ruột), nổi hạch và đau đầu. Bắt đầu mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội như: nhiễm nấm Candida albicans ở niêm mạc miệng, nhiễm khuẩn hô hấp, viêm nha chu.

Thời kỳ nhiễm có triệu chứng HIV, giai đoạn muộn:

Số lượng tế bào T4 ngày càng giảm thì khả năng mắc bệnh cơ hội ngày càng tăng. Khi T4 còn 200 tế bào/ml máu thì dễ bị viêm phổi và viêm màng não do Toxoplasma gondii, khi còn 100 tế bào/ml máu thì dễ bị nhiễm nhiều loại: Mycobacterium tuberculosis, nấm Candida albicans ở thực quản, viêm phổi do Herpes virus.

Để hạn chế sự lây nhiễm và tích lũy thêm kiến thức để chung sống với người nhiễm HIV cần:

Về ăn uống, sinh hoạt:

Bạn có thể ăn uống, sử dụng chung bàn, ghế, giường, tủ... với những người nhiễm HIV/AIDS mà không sợ lây nhiễm nhưng với điều kiện những đồ đạc, dụng cụ đó không dính máu của người bệnh.

Đối với bàn, ghế, giường bị dính máu, mủ, tinh dịch của người bị nhiễm thì cần được làm sạch đúng cách để phòng lây nhiễm. Đổ dung dịch Chlorine 0,5% hoặc Javen lên bề mặt bị dính máu, mủ, dịch chờ 10 - 20 phút, sau đó đeo găng tay cao su và dùng nước sạch cọ rửa chỗ bẩn đó. Nếu không có hóa chất trên thì dùng xà phòng bột hòa nước thay thế.

Ngủ:

Người nhiễm HIV/AIDS có thể ngủ cùng với những người khác trong gia đình mà không sợ lây virus cho người đó. Người nhiễm HIV và người ngủ cùng vẫn có thể ôm ấp, nhưng tránh không để cho các chỗ da bị tổn thương của hai người tiếp xúc với nhau.

Quan hệ tình dục:

Nhất thiết phải dùng bao cao su ngay từ khi bắt đầu quan hệ. Với hai người cùng nhiễm HIV vẫn nên sử dụng bao cao su vì HIV có nhiều chủng khác nhau, mỗi người mắc HIV đều mang trong mình những chủng riêng biệt, nếu như không sử dụng biện pháp phòng tránh thì sự kết hợp của các chủng này với nhau sẽ làm cho người nhiễm HIV nhanh chóng chuyển sang giai đoạn AIDS, mức độ tử vong đến với người bệnh nhanh hơn.

Quần áo, đồ dùng cá nhân:

Người nhiễm HIV/AIDS có thể mặc chung quần áo với người khác. Tuy nhiên quần áo của người nhiễm HIV nếu có dính máu và dịch thì nên ngâm riêng trong dung dịch Chlorine nồng độ 0,5% hoặc dung dịch Javen trong khoảng 30 phút sau đó giặt lại bằng xà phòng. Nếu dính các chất đặc như nôn, phân thì phải gột nước cho sạch bớt trước khi ngâm Javen và giặt lại.

Khi thu dọn các đồ thải dính máu, mủ hoặc tinh dịch của người nhiễm HIV (giấy, bông, băng gạc, kim tiêm…), cần dùng găng tay cao su hoặc kẹp dài để gắp rồi cho vào 2 lần túi ny-lon không bị thủng, sau đó đổ dung dịch Chlorine 0,5% hoặc nước Javen vào, ngâm 20 - 30 phút rồi buộc chặt túi nylon và cho vào thùng rác.

Bên cạnh đó, bệnh nhân phải dùng riêng một số đồ dùng như: bàn chải đánh răng, dao cạo, cái nạo lưỡi, đồ làm móng tay.

Nếu người trong gia đình bị những vật bén nhọn dùng cho bệnh nhân nhiễm HIV như kim tiêm, dao cạo... làm bị thương, cần để máu chảy và rửa vết thương dưới vòi nước sạch bằng xà phòng, sát trùng bằng cồn 70 độ. Sau đó, phải liên hệ ngay với cơ sở điều trị để được hướng dẫn điều trị dự phòng.

Hơn nữa, trong gia đình có người nhiễm HIV/AIDS ngoài những việc trên cần làm, bạn nên điều chỉnh thái độ và tâm lý của mình. Không nên tỏ ra quá lo lắng, lo sợ hay xa lánh, né tránh người thân của mình. Tạo cho họ cảm giác được yêu thương, được chăm sóc như trước khi họ mắc HIV/AIDS.

http://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/cac-loai-benh/nguoi-trong-gia-dinh-mac-hiv-aids-phai-lam-gi-de-khong-bi-nhiem-389730.html

Ngày đăng: 17:00 | 13/09/2017

/ Theo PV/Vietnamnet