Trường mầm non Vườn Xanh bị đổ sập “không có vấn đề gì” về thủ tục xin cấp phép xây dựng cũng như thiết kế qua lần kiểm tra gần nhất vào ngày 22.8.2017 của Đội Thanh tra xây dựng Nam Từ Liêm (Hà Nội). Nhưng vấn đề là, chất lượng xây dựng thì ai giám sát, kiểm tra…?
Sập công trình trường mầm non ở HN: Trách nhiệm thuộc chủ đầu tư? |
Trường mầm non đang xây bị sập ở Hà Nội |
Hiện trường đổ sập (ảnh: HT) |
Phần đổ sập của công trình thi công Trường mầm non Vườn Xanh có diện tích lên đến 1.700m2, không hề nhỏ nếu không muốn nói là khá lớn.
Khi nghe tin công trình đổ sập, không ít người đã “hú hồn” vì không xảy ra thiệt hại về người đang thi công tại công trình. Một giả thiết đặt ra là, nếu công trình đã hoàn thành và đã được đưa vào sử dụng mà xảy ra sự cố như trên, thì hậu quả có thể sẽ còn đau đớn và nặng nề đến nhường nào.
Các yếu tố như thủ tục xây dựng, qui hoạch, thiết kế… chỉ là những yếu tố cần. Khi một công trình đã đầy đủ các thủ tục và yếu tố này, mà bị đổ sập, tất nhiên vấn đề nằm ở khâu thi công, đặc biệt là chất lượng công trình, trên một diện tích xây dựng rộng chứ không chỉ lẻ tẻ một vài hạng mục.
Việc làm rõ nguyên nhân hẳn nhiên cần đến cơ quan chuyên môn kiểm định, về qui trình và kĩ thuật thi công, về nguyên vật liệu, thiết bị… Chỉ có cơ quan chuyên môn, làm việc một cách công tâm và thấu đáo, mới có thể sớm đưa ra được nguyên nhân của vụ đổ sập hi hữu này.
Song có một sự liên quan, mà thiết nghĩ các cơ quan chuyên môn và đặc biệt là cơ quan quản lí cần lưu tâm, đó là nhà thầu thi công hay đơn vị thi công là ai, những công trình họ đã thi công ở đâu và có cần xem xét đến hay không. Cùng là công trình xây dựng, nhưng công trình dân dụng trường học sẽ rất khác với công trình nhà kho chẳng hạn, bởi hậu quả sẽ lớn hơn rất nhiều nếu để xảy ra sự cố đổ sập.
Được biết, công trình vừa đổ sàn tầng hai xong thì bị sập và tâm điểm dư luận đang chú ý đến qui trình và kĩ thuật đổ sàn bêtông.
Ở một số quốc gia, sau khi kiểm định và nguyên nhân đã được xác định rõ ràng do lỗi thi công, thì nhà thầu xây dựng cũng như đơn vị trực tiếp thi công sẽ bị “cắt” quyền hành nghề - tức không cho phép thi công những loại công trình tương ứng hoặc những công trình xây dựng nói chung trong một khoảng thời gian nhất định chứ không chỉ đơn thuần nhận sai và sửa sai bằng lời hay bằng văn bản và chấp nhận phạt, bồi thường là xong.
Là bởi vấn đề lớn hơn và xa hơn, nhất thiết phải kiểm soát, chính là nguy cơ xảy ra trong tương lai chứ không phải chỉ đối với sự cố đã xảy ra.
https://laodong.vn/dien-dan/phai-goi-duoc-dung-ten-nguyen-nhan-truong-mam-non-bi-sap-566704.ldo
Ngày đăng: 08:19 | 27/09/2017
/ Thế Lâm/Báo Lao động