Vẫn là thứ “văn” rất cũ: “Khoản thu tự nguyện”, “hội cha mẹ học sinh đề xuất”, và những kỷ lục về lạm thu đầu năm học liên tục bị phá bỏ. Trường Minh Tân 9,1 triệu; trường Đặng Cương 10,1 triệu, rồi trường Chu Văn An “ta cần có 16,7 triệu”! Và chưa chắc đó đã phải là con số cuối cùng.

Lạm thu đầu năm học: Khi chữ được bán với giá cắt cổ
Đình chỉ Hiệu trưởng trường thu hơn 9 triệu đồng/học sinh
Trường THCS Minh Tân (Hải Phòng).

Chưa đầy 24 giờ sau khi Hiệu trưởng Trường Minh Tân (Hải Phòng) bị đình chỉ để làm rõ những khoản thu đầu năm bị tố lên tới 9,1 triệu đồng thì lại có một kỷ lục mới được lập, cũng ngay tại Hải Phòng.

Đó là trường Đặng Cương. Đây là những khoản thu mà chính một thầy giáo trong trường đã liệt kê, cho một học sinh lớp 1: Hồ sơ nhập học: 100.000; ủng hộ cơ sở vật chất, CLB hè: 2,65 triệu; SGK: 1,8 triệu; đồng phục: 400.000; kỹ năng sống: 1 triệu; Tiếng Anh theo đề án ngoại ngữ: 2 triệu. Tổng cộng: 10.131.000 đồng.

Học sinh lớp 4 còn có một số khoản: BHYT, bảo hiểm toàn diện, tin nhắn, trải nghiệm sáng tạo, hoạt động ngoài giờ, tạp phí, tăng giờ, gửi xe.

Rồi Đặng Cương chưa qua, đã tới trường Chu Văn An, Cao Lãnh, Đồng Tháp với kỷ lục “chúng ta cần có 16,7 triệu”!

9-16 triệu cho mỗi học sinh nhập học. Thật khó tìm được từ ngữ nào khác diễn giải cho đúng ngoài hai chữ “bóc lột”!

Nhìn từ Minh Tân, qua Đặng Cương, rồi Chu Văn An, chúng ta nhìn thấy rất rõ rằng đó không hề là những cá biệt cho một tình trạng đã xảy ra từ cả thập kỷ nay, lặp đi lặp lại và không cách gì khắc phục. Nhìn thấy rất rõ mỗi trường thu một cách, tùy vào sự... sáng tạo của thầy hiệu trưởng.

Và nhìn thấy cả cách giải thích sau mỗi scandal này, cách giải thích đã thành... truyền thống, thành giai thoại: Nào là khoản thu tự nguyện, nào là đề xuất của hội cha mẹ học sinh. Cứ như thể nhà trường ngây thơ vô tội vậy.

Năm 2010, khi vấn đề lạm thu được chất vấn gay gắt trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục khi ấy là ông Phạm Vũ Luận đã ngắn gọn thế này: UBND tỉnh/thành là cấp có nhiệm vụ quản lý việc thu-chi học phí, lệ phí và các khoản thu hợp pháp khác. Quả bóng đã được đá bay về phía các địa phương. Và vì thế, lạm thu vẫn cứ là chuyện... mỗi đầu năm.

Năm ngoái, ở Nghệ An có tới 1.900 học sinh bỏ học. Ngay tại đầu tàu kinh tế TPHCM hơn 5.000 học sinh cũng phải bỏ ngang. Báo Pháp Luật TP dẫn ý kiến một thầy hiệu trưởng nhìn nhận: Đa số là học sinh ngoại thành phải đi học xa hoặc gia đình quá khó khăn.

Thưa các thầy hiệu trưởng, các thầy giám đốc sở, và cả các thầy ở Bộ GDĐT không biết các thầy có còn thương xót những đứa trẻ phải bỏ học vì quá nghèo trước những khoản thu choáng váng đầu năm?

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/phai-cho-chung-toi-song-voi-chu-564216.ldo

Ngày đăng: 08:22 | 13/09/2017

/