Một đoàn xe chở 3 cây gỗ "khủng", đi suốt từ cao nguyên xuống đồng bằng, lọt qua hết các trạm kiểm soát. Mãi đến địa phận tỉnh Thừa Thiên - Huế mới bị CSGT huyện Phú Lộc chặn lại.
Do cả ba xe đều vi phạm lỗi quá khổ, quá tải, không xuất trình được giấy phép lưu hành đặc biệt nên CSGT đã lập biên bản, xử phạt hành chính gần 82 triệu đồng. Mỗi cây trên đoàn xe đều có chiều dài chừng 15 m, chu vi hơn 6 m, phần ngọn có nhiều nhánh dài. Phần bầu rễ của mỗi cây có chu vi trên dưới 15 m. Các tài xế khai báo chở cây thuê cho Công ty Hải Sơn ở TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Trả lời Báo Người Lao Động, giám đốc Công ty Hải Sơn cho biết công ty có nhận chở 3 cây đa cổ thụ cho một nhà chùa từ Đắk Lắk về Hà Nội. Ông cũng cho rằng "nói chúng tôi chở cây cho một vị thiếu tướng như trên mạng là sai sự thật" và vị thiếu tướng nọ trước đó cũng đã phủ nhận thông tin này trên báo chí.
Chân tướng vụ việc trước sau rồi cũng sẽ phơi bày. Sự thật không thể chối bỏ hiện tại là rất nhiều cây rừng đã bị đốn hạ và vận chuyển về khắp nơi. Cây khủng này có thể được trồng trong nhà dân nào đó, cũng có thể để trồng ở chùa như ông giám đốc nọ đã nói nhưng cũng không loại trừ khả năng để trồng làm cảnh trong biệt phủ, tư dinh.
Thủ tướng ra lệnh đóng cửa rừng từ năm 2016. Nhưng rừng lim cổ thụ tại lâm phận Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam sông Bung, ở huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam mới đây bị đốn hạ 33 cây lim xanh và 1 cây xoan đào, tổng khối lượng hơn 235 m3. Nếu tính cả số cây rừng bị đốn hạ trong vài năm trở lại đây thì khối lượng lớn hơn nhiều. Lâm tặc mở đường, cưa cây, xẻ thành phách, chuyển theo đường bộ và đường thủy rầm rộ như một công trường nhưng các cơ quan hữu trách ở địa phương "không biết". Khi "phát hiện" ra thì vào cuộc chậm trễ và nay đang chỉ đạo điều tra, làm rõ…
Những năm gần đây có hiện tượng cán bộ, doanh nhân khoe với nhau giàu sang, phú quý bằng vật dụng nội thất là đồ gỗ đắt tiền, toàn là gỗ loại cực quý, cấm khai thác. Những cây cột tròn to vật vã, những bộ bàn ghế chạm trổ cầu kỳ, những tượng, những tranh, những hành lang dài hun hút ốp gỗ quý… Chỉ nhìn thôi là người ngoài đủ choáng ngợp bởi sự xa hoa. Gia chủ mặt mày hân hoan khoe giàu có. Nhưng với người thức giả, có lòng tự trọng lại thấy xót xa và cả khinh bỉ, căm phẫn khi nghĩ đến những cánh rừng bị tàn sát dã man, những trận lụt hãi hùng, những cơn lũ quét kinh hoàng gieo rắc tang thương cho đồng bào hằng năm trên đất nước này…
Rừng vẫn bị chảy máu và bao kẻ giàu lên từ rừng, bất chấp luật pháp, bất chấp luật đời, nhân quả. Dĩ nhiên, các cơ quan chức năng không thể khoanh tay đứng nhìn, không thể chịu thua lâm tặc. Song rất cần báo chí thông tin, cần các cơ quan quản lý cán bộ, công chức đưa ra những chuẩn mực về quan trí. Ngày xưa, trong ca dao, ăn sâu trong đầu gã phú ông là "bè gỗ lim", đem ra để dụ dỗ thằng Bờm. Ngày nay, loại cán bộ "phá của rừng", "khoe mẽ bằng của rừng" không ít. Khi không có lương tâm và là loại "mục hạ vô nhân" thì cũng nên cho nghỉ bớt là vừa.
Quảng Nam: “Máu” rừng lại đổ
Nhận thông tin rừng phòng hộ Sông Kôn (huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) bị tàn phá, ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch ... |
Từ chuyện “quái thú” xuyên không 20 tỉnh, thành
Cảnh sát giao thông (CSGT) đã ở đâu khi chiếc xe “quái thú” chở cây cổ thụ trùm kín diện tích mặt đường đi qua ... |
Rừng phòng hộ Quảng Nam bị xẻ thịt như thế nào
Lâm tặc chọn những cây gỗ lớn, chặt hạ suốt thời gian dài ở rừng phòng hộ Sông Kôn (Quảng Nam) nhưng không bị phát ... |
Phá rừng – “phá” luôn niềm tin
429 hộp gỗ thuộc nhóm 2 đến nhóm 6 với khối lượng gần 97m3 bị phát hiện khai thác trái phép tại khu vực rừng ... |
HOÀNG HOA
Ngày đăng: 09:21 | 03/04/2018
/ https://nld.com.vn