Không phải báo cáo thành tích, phát biểu khai giảng của PGS Văn Như Cương – Hiệu trưởng Trường Lương Thế Vinh (Hà Nội) – luôn là những bài học sâu sắc, lời nhắn gửi gan ruột của người thầy cao tuổi dành cho các thế hệ học trò và cả những phụ huynh tin tưởng gửi gắm niềm tin vào nhà trường.
Hãy học tập không chỉ bằng khối óc mà còn bằng cả trái tim mình!
Đó là lời nhắn gửi của PGS Văn Như Cương đến học trò thân yêu trong lễ khai giảng năm học 2014 – 2015. Mở đầu bằng việc ôn lại lịch sử Việt Nam từ quá trình dựng nước và giữ nước, Hiệu trưởng Trường Lương Thế Vinh mong mỏi “chúng ta hãy thể hiện tình yêu nồng thắm và lớn lao đối với đất nước mình”.
Thầy giáo của nhiều thế hệ học trò Hà Nội chia sẻ: Thật là xúc động trong buổi tựu trường ngày hôm nay, chúng ta mặc cho mình bộ đồng phục với lá cờ linh thiêng của Tổ quốc Việt Nam yêu dấu!
Tôi đề nghị mọi người cùng giơ cao bàn tay phải của mình, và đặt lên lồng ngực bên trái…Chúng ta sẽ cảm nhận tiếng đập của trái tim mình, một trong 90 triệu trái tim Việt nam, tiếng đập rộn ràng dưới sắc vàng của ngôi sao năm cánh.
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, trái tim Việt Nam không ít lần cảm thấy tê tái, thậm chí còn rỉ máu đau thương… Đó là khi bọn ngoại bang từ phương Bắc, phương Tây đến dày xéo đất nước ta, hãm hại đồng bào ta, đè đầu cưỡi cổ nhân dân ta…; đó là khi mà đất nước chúng ta đã dành được độc lập và thống nhất, mà chúng vẫn luôn luôn dòm ngó, âm mưu thôn tính bờ cõi, biển đảo của chúng ta; và đôi lúc đó là là khi trái tim Việt Nam ta vì quá nhân hậu, quá chí tình chí nghĩa mà thiếu cảnh giác, đề phòng âm mưu xảo quyệt nham hiểm của kẻ thù…
Nhưng lịch sử hào hùng của dân tộc ta cũng chứng tỏ rằng trái tim Việt Nam không bao giờ bị khuất phục, cuối cùng chúng ta đã đánh thắng bất kì một kẻ thù nào, đưa đất nước ta thống nhất toàn vẹn nối liền một dải từ Bắc chí Nam, từ đất liền đến biển đảo…
Các em học sinh thân yêu ! Hôm nay, mở đầu một năm học mới , sân trường chúng ta tràn ngập sắc màu của lá cờ Tổ quốc vinh quang.
PGS Văn Như Cương cùng học trò trong lễ khai giảng năm học mới
Buổi tựu trường hôm nay sẽ nhắc nhở chúng ta rất nhiều điều.
Chúng ta hãy thể hiện tình yêu nồng thắm và lớn lao đối với đất nước mình. Chúng ta yêu núi cao, sông dài, yêu rừng xanh, biển bạc, yêu đất liền và đảo xa. Một nắm đất ở vùng biên giới, một vốc cát ở Trường Sa, hay Hoàng Sa đều do ông cha ta để lại, đều không thể mất…Chúng ta hãy yêu mến nhân dân mình, gần gũi nhất là yêu gia đình mình, yêu bạn bè , yêu thầy cô…Hãy nhớ rằng chúng ta được nuôi dưỡng bằng dòng sữa MẸ VIÊT NAM, tuy rất ngọt ngào nhưng được chắt lọc từ biết bao nhọc nhằn và cay đắng…
Tình yêu thương đất nước và nhân dân sẽ là động lực lớn thúc đẩy các em làm tốt nhiệm vụ của mình trong lúc còn ngồi trên ghế nhà trường: Nhiệm vụ đó chính là học tập tốt về mọi mặt. Hãy học tập không chỉ bằng khối óc mà còn bằng cả trái tim mình.
Các em hãy nhớ lời của Bác Hồ : “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, mà một dân tộc yếu thì không làm chủ được chính mình, không bao giờ đạt được điều chung ta mong muốn là ‘’dân giàu, nước mạnh,xã hội văn minh’’.
Học sinh Trường Lương Thế Vinh trong lễ khai giảng năm học mới
Những điều được học ở trường không phải là những “cẩm nang thần diệu”
Nhắn gửi học sinh, việc học không chỉ ở trường, trong sách vở, PGS Văn Như Cương, trong lễ khai giảng năm học 2015 – 2016 đã trao gửi bài học từ chính kinh nghiệm cuộc đời mình:
Thầy nói: Đã bao giờ các em suy nghĩ một cách nghiêm túc để trả lời đúng đắn cho một câu hỏi có vẻ tầm thường sau đây : “Hàng ngày chúng ta đến trường để học cái gì?”. Phần lớn các em đếu nhanh chóng có câu trả lời: “ Học những điều có trong sách vở, cụ thể nhất là trong sách giáo khoa.” Chính vì thế mà người ta nói: “Cắp sách đến trường”…..
Thầy năm nay đã 79 tuổi. Thầy được “cắp sách đến trường” liên tục từ cấp 1, cấp 2, câp 3, rồi Đại Học, sau Đại Học , nghiên cứu sinh và lấy bằng Tiến sĩ….
Và bây giờ khi nhìn lại cuộc đời đã qua của mình, Thầy phải thừa nhận rằng những điều mình đã được học ở trường thực ra không phải là toàn là những “bảo bối”, cũng không phải là những “cẩm nang thần diệu” giúp cho thầy bước vào cuộc sống đời thường, một thực tế rất sôi động, đầy cơ hội và cạm bẫy…
Trong đó cái đúng, cái sai, cái thiện, cái ác nhiều khi khó phân định rõ ràng. Bởi vì hồi bấy giờ nhà trường chỉ truyền thụ những kiến thức thuần túy sách vở, ít gắn liền với đời sống xã hội ngoài nhà trường.
Cũng còn may là ở cái thuở thiếu thời ấy, thầy không chỉ chúi đầu vào sách vở, mà do hoàn cảnh gia đình, thầy còn phải làm nhiều việc khác nhau, ngẫm nghĩ những vấn đề khác nhau…Dẫu sao thầy vẫn ân hận và lấy làm tiếc cho cái thuở đến trường ấy đã không tranh thủ để học được nhiều hơn những bài học bổ ích vốn không nằm trong chương trình và sách giáo khoa.
Bởi vậy với tư cách là một thầy giáo nhiều tuổi nghề và nhiều tuổi đời, thầy muốn nhắn nhủ với các em rằng: “ Biển học là mênh mông, trong đó sách vở tuy quan trọng nhưng cũng chỉ là những vùng biển gần bờ mà thôi.”
Nhấn mạnh nền giáo dục đang bắt đầu đổi mới theo xu hướng tiến bộ hơn, tích cực hơn, PGS Văn Như Cương cho rằng, học sinh muốn thành đạt thì ngoài những kiến thức sách vở, họ còn phải thành thạo các kĩ năng xã hội, kĩ năng sống để phát triển toàn diện, họ cần phải được trang bị các giá trị chuẩn mực về tính cách, phẩm chất và những đạo đức tốt đẹp.
Đừng mắc bệnh lười vì thời gian sống rất hữu hạn
Mới đây nhất, trong lễ khai giảng năm học 2017 – 2018, diễn văn khai giảng của thầy hiệu trưởng Văn Như Cương đề cập đến một căn bệnh mà thầy cho là ít nhiều chúng ta đều mắc phải. Căn bệnh này tuy không làm chết người ngay lập tức, nhưng nguy hiểm vì nếu người bệnh không quyết tâm chạy chữa thì họ sẽ trở thành người vô dụng. Nguy hiểm hơn nữa, nếu một xã hội có nhiều người mắc bệnh này thì xã hội ấy trở thành nghèo nàn, lạc hậu, không bao giờ tiến bộ được.
Căn bệnh này làm cho con bệnh dần dần trở thành ngưới có nhân cách thấp kém, sống theo kiểu bầy đàn, và không giúp ích gì cho xã hội. Đó là bệnh lười, một căn bệnh có nguy cơ lan rộng nhanh chóng..
“Bệnh này có những biểu hiện về triệu chúng như sau: Lười học, lười nghe giảng, lười làm bài tập, lười suy nghĩ, lười phản biện, lười đặt câu hỏi “tại sao như vậy?”, Lười đọc sách, hoặc chỉ đọc những cuốn sách nhảm nhí, lười đọc kiến thức tham khảo… Lười lao động, lười làm việc chân tay, kể cả làm những việc phục vụ cho bản thân mình. Lười tập thể dục thể thao , rèn luyện thân thể… Kể ra thì còn nhiều triệu chứng, chắc rằng mỗi em đều cảm thấy mình đang mắc phải một triệu chứng nào đó.
Mỗi một người đều có một thời gian sống rất hữu hạn. Nếu họ mắc phải bệnh lười biếng thì khoảng thời gian sống đó càng trở nên rất ngắn ngủi. Con bệnh sống một cách uể oải, họ không suy nghĩ gì và không làm được một việc gì mặc cho thời gian vẫn trôi đi giờ này sang giờ khác, ngày này qua ngày khác, thậm chí năm này qua năm khác…” – thầy Văn Như Cương nhắn gửi.
Nói về cách chữa bệnh lười, hiệu trưởng Trường Lương Thế Vinh cho rằng, trước hết mỗi người cần biết rằng mình có mắc bệnh lười hay không và mức độ ở giai đoạn nào: mới chớm bệnh hay là đã đến mức độ mà người ta thường gọi là “lười chảy thây”.
Khi biết mình có bệnh thì ai cũng mong muốn chữa bệnh. Nhưng căn bệnh này không có thuốc đặc trị, mà chủ yếu là sự quyết tâm của con bệnh. Đã là con người, ai cũng có chí hướng, chí hướng là lòng mong muốn và quyết tâm đạt tới một mục tiêu tốt đẹp trong tương lai. Từ “CHÍ” trong khẩu hiệu của trường ta “CÓ CHÍ THÌ NÊN” có nghĩa là như vậy.
http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/pgs-van-nhu-cuong-va-nhung-tam-thu-ngay-khai-giang-3897180-t.html
PGS Văn Như Cương qua đời ở tuổi 80
Rạng sáng nay 9.10, PGS Văn Như Cương - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường THPT Lương Thế Vinh - đã qua đời sau ... |
Chuyện tình nắm tay nhau đi qua 60 mùa khai giảng
Gần 60 năm kể từ ngày khai giảng đầu tiên bên nhau, PGS Văn Như Cương và vợ vẫn gọi nhau là anh, xưng em, ... |
Ngày đăng: 09:28 | 09/10/2017
/ Theo Hải Bình/Giáo dục và Thời đại