Chia sẻ với Dân Việt, PGS.TS.NGƯT Phạm Xanh - Khoa Lịch sử (Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng nên trả lại ngôi nhà số 34 Hoàng Diệu cho gia đình ông bà Trịnh Văn Bô vì Nhà nước đã trưng dụng ngôi nhà ở số 48 Hàng Ngang của ông bà.
Mới đây, TP.Hà Nội vừa lên kế hoạch đặt tên 20 đường phố, trong đó có tên ông Trịnh Văn Bô - người đã hiến hơn 5.000 lượng vàng cho Chính phủ.
Vậy ông Trịnh Văn Bô là ai? Ngôi nhà số 34 Hoàng Diệu có điều gì “bí ẩn” mà gia đình ông mất hàng chục năm yêu cầu trả lại. Dù có xác nhận của các lãnh đạo cấp cao như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Đỗ Mười, Nguyễn Văn Linh… nhưng gia đình vẫn chưa chính thức giữ "quyền sử dụng đất".
PGS.TS, Nhà giáo ưu tú Phạm Xanh. (Ảnh: I.T) |
Chia sẻ với phóng viên Dân Việt, PGS.TS.NGƯT Phạm Xanh - nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử Việt Nam cận hiện đại (Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, gia đình ông bà Trịnh Văn Bô không phải là nhà tư sản duy nhất hiến tặng các dinh thự, tòa nhà cho Chính phủ, mà còn có nhiều nhà tư sản khác ở Việt Nam đã làm điều đó, nên việc trả lại rất khó khăn.
Tuy nhiên, Đảng và Chính phủ đã trưng dụng ngôi nhà số 48 Hàng Ngang của ông bà để làm nơi tưởng niệm, lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về bản Tuyên ngôn Độc lập. Do vậy nên trả lại cho gia đình ông Trịnh Văn Bô ngôi nhà ở số 34 Hoàng Diệu bây giờ.
Nhà tư sản dân tộc yêu nước
Mới đây, ngày 5.11, cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ - vợ nhà tư sản Trịnh Văn Bô, người từng hiến hơn 5.000 lượng vàng cho Chính phủ năm 1945 - đã qua đời ở tuổi 104. Là người nghiên cứu lịch sử Việt Nam lâu năm, ông có thể cho biết quá trình hoạt động của ông bà Trịnh Văn Bô trước và sau khi Bác Hồ về Hà Nội có điểm gì nổi bật?
- Ông Trịnh Văn Bô sinh trưởng trong một gia đình giàu có ở Hà Nội. Ông là người con út, trên ông còn có một người anh và người chị. Người anh tên là Trịnh Văn Bính được học ở Pháp, Anh, tốt nghiệp tài chính trường Oxford, sau này trở thành Thứ trưởng Bộ Tài chính của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Ông Trịnh Văn Bô cũng được học tiếng Pháp và Anh nhưng hướng phấn đấu là kinh doanh, ông buôn bán tơ lụa rất lớn ở 48 Hàng Ngang và trở nên giàu nhất nhì Hà Nội thời bấy giờ. Năm 1932, ông lập gia đình với bà Hoàng Thị Minh Hồ. Cuộc đời kinh doanh của ông có không ít công sức của bà.
Dù giàu có nhưng ông vẫn là một người Việt Nam có tấm lòng yêu nước, ghét Tây, muốn cho đất nước được phồn vinh độc lập. Chúng ta coi là nhà tư sản dân tộc.
Nhà tư sản Trịnh Văn Bô và vợ - bà Hoàng Thị Minh Hồ. (Ảnh: I.T) |
Khi mặt trận Việt Minh được thành lập ở trên Pắc Bó - Cao Bằng vào ngày 19.5.1941, sau hội nghị T.Ư lần thứ 8 của Đảng Cộng sản Đông Dương, những người yêu nước đều gia nhập tổ chức ấy. Trong đó có những người tư sản dân tộc có tấm lòng yêu nước thiết tha cũng đứng dưới ngọn cờ Việt Minh, đó là gia đình ông Trịnh Văn Bô. Ông Trịnh Văn Bô vào mặt trận Việt Minh năm 1944 và hoạt động rất sôi nổi.
Sau khi Hà Nội giành được chính quyền (19.8.1945), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc quyết định nhanh chóng về Hà Nội.
Tháng 8.1945, lúc đó miền Bắc đang lụt, một trận lụt lịch sử, tất cả cánh đồng vùng đồng bằng ngập nước, Bác Hồ bắt đầu từ Tuyên Quang về Hà Nội.
Ngày 23.8.1945, Bác Hồ về đến Hà Nội nhưng ở khu vực ngoại thành (làng Gạ, phía trên cầu Nhật Tân), sau đó gặp ông Võ Nguyên Giáp, ông Trần Đăng Ninh để nghe báo cáo tình hình Hà Nội. Chiều 25.8.1945, ông Trường Chinh lên đón Bác, đưa Bác về sống với gia đình ông Trịnh Văn Bô ở 48 Hàng Ngang.
Vì lúc đó, do yêu cầu giữ bí mật, Bác Hồ không công khai danh tính với gia đình ông Trịnh Văn Bô, chỉ giới thiệu là nhà lão thành về đây sống với gia đình. Bác được gia đình bố trí sống trên gác 2 và gác 3 của tòa nhà đó. Trên gác hai của căn nhà đó, Bác bắt đầu soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập.
Ngày tổ chức lễ Tuyên ngôn Độc lập (chiều 2.9.1945), ở Quảng trường Ba Đình, Bác thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn Độc lập đó và khai sinh Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, lịch sử Việt Nam sang một trang mới. Trang đầu tiên đó là trang mà Bác Hồ viết tuyên ngôn tại căn nhà 48 Hàng Ngang - Hà Nội tại gia đình ông Trịnh Văn Bô.
Sau này ông Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ đều chia sẻ rằng, được đón Bác Hồ về sống và Bác viết Tuyên ngôn Độc lập tại chính căn nhà của mình là cả sự vinh dự vô cùng to lớn và niềm tự hào đối với gia đình.
Thưa PGS.TS, tại sao Bác Hồ lại chọn căn nhà 48 Hàng Ngang là nơi để ở sau khi về Hà Nội?
- Đó là ngôi nhà của gia đình người Việt Nam. Gia đình của một nhà tư sản - một nhà tư sản yêu nước, giàu có, theo cách mạng từ nhiều năm trước, nơi giữ được tung tích, bí mật cho Bác Hồ. Cho nên, có thể nói đây là nơi rất thích hợp để Bác Hồ sống và làm việc vào những ngày đầu tiên của nền độc lập non trẻ.
Ngôi nhà 48 Hàng Ngang thuộc sở hữu của ông Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ. Hiện tại, ngôi nhà đã được gia đình hiến tặng cho Nhà nước và trở thành một di tích lịch sử quan trọng. (Ảnh: Thành An) |
Được biết, sau khi giành chính quyền, Chính phủ ta gặp phải tình hình khó khăn, ngân khố trống rỗng, trụ sở làm việc sơ khai. PGS.TS có thể chia sẻ chuyện gia đình ông Trịnh Văn Bô đã ủng hộ Chính phủ ta thời điểm đó như thế nào?
- Có thể nói gia đình ông bà Trịnh Văn Bô thời điểm đó giúp đỡ, ủng hộ cách mạng rất nhiệt liệt với tinh thần tự nguyện cao.
Trước đó, khi Bác Hồ chưa về Hà Nội, gia đình ông đã ủng hộ tiền bạc cho Chính phủ để mua sắm trang thiết bị phục vụ cho những hoạt động của Đảng thời kỳ trước khi giành được chính quyền.
Khi giành được chính quyền, chúng ta không chiếm được ngân hàng, không giành được tự chủ về mặt tài chính. Thời điểm đó, chỉ có khoảng 2 triệu tiền giấy bạc Đông Dương, nhưng những tiền giấy bạc đã rách, người Pháp chuẩn bị đổi tiền mới.
Lúc đó với tư cách là Chủ tịch Chính phủ lâm thời, Bác Hồ đã phát động những phong trào trong đó có phong trào “Tuần lễ Vàng”, “Quỹ Độc lập”… để người dân ủng hộ thóc, lúa, gạo, tiền, vàng bạc cho Nhà nước.
Đã có rất nhiều nhà tư sản hưởng ứng phong trào một cách rất nhiệt liệt. Đặc biệt trong đó, gia đình ông Trịnh Văn Bô đã ủng hộ hơn 5.000 lượng vàng, nếu tính ra tiền đó là một con số rất lớn.
Gia đình ông bà Trịnh Văn Bô hiến hơn 5.000 lượng vàng trong "Tuần lễ Vàng" năm 1945. (Ảnh: Thành An) |
Hàng nghìn dinh thự, tòa nhà được hiến tặng cho Chính phủ
Được biết, rất nhiều nhà tư sản thời bấy giờ không chỉ hiến tặng tiền, vàng, bạc mà còn cho mượn thậm chí hiến tặng rất nhiều ngôi nhà, dinh thự cho Chính phủ?
- Đúng vậy. Đó là trong thời kỳ chúng ta tiến hành cải tạo tư sản (1958-1960). Chính sách của ta lúc đó gọi là “Cải tạo tư bản tư doanh”.
Trong quá trình cải tạo đó, những nhà tư sản của Hà Nội đã hiến của cải của họ cho Chính phủ, đặc biệt là những tòa nhà họ đang sở hữu cho Chính phủ, trong đó có gia đình ông Trịnh Văn Bô. Đặc biệt, ngoài việc hiến căn nhà số 48 Hàng Ngang, gia đình ông Trịnh Văn Bô trước đó còn cho Chính phủ mượn căn nhà số 34 Hoàng Diệu để phục vụ công tác, cụ thể là làm nhà ở cho tướng Hoàng Văn Thái.
Các biệt thự này là của Pháp hay của các nhà tư sản dân tộc ?
- Những dinh thự này được các nhà tư sản dân tộc của chúng ta tự bỏ tiền thuê kiến trúc sư người Pháp về xây dựng và thuộc sở hữu của chính các nhà tư sản dân tộc.
Tôi xin nhắc lại, đó là thời kỳ mà chúng ta gọi là “Cải tạo tư bản tư doanh”. Đấy là chính sách của Đảng chúng ta thời kỳ bấy giờ. Các nhà tư bản dân tộc lúc đó chính xác là họ đã hiến tặng những tòa nhà, cao ốc mà họ đang sở hữu cho Chính phủ chúng ta, một Chính phủ thời điểm còn mới, còn non trẻ.
Vậy ông có thể cho biết, nguyên do từ đâu mà có cuộc cải tạo này? Bài học nào chúng ta có được sau sự kiện này, thưa PGS?
- Bởi vì chúng ta muốn xóa đi tính giai cấp của họ, biến họ trở thành người lao động, thành lập những công ty hợp doanh chứ không phải những người bóc lột.
Còn về những bài học lịch sử từ cuộc "cải tạo tư bản tư doanh"? Cái này đã được đúc kết trong lịch sử, tôi không muốn nhắc lại. Nhưng chúng ta cũng có những sai lầm, không những thế còn mắc phải, lặp lại ở miền Nam sau đó.
"Nên trả lại ngôi nhà 34 Hoàng Diệu cho gia đình"
Gần đây dư luận quan tâm đến chuyện gia đình ông bà Trịnh Văn Bô àng chục năm qua đi đòi lại căn nhà số 34 Hoàng Diệu đã cho Chính phủ mượn năm 1954, nhất là sau khi cụ Hoàng Thị Minh Hồ qua đời. Ý kiến của ông về vấn đề này ra sao?
- Thời điểm đó, gia đình ông Trịnh Văn Bô không phải là một trường hợp duy nhất mà có hàng nghìn, hàng vạn người như ông Trịnh Văn Bô đã hiến tặng cho Nhà nước của chúng ta. Cho nên trả lại cho gia đình ông Trịnh Văn Bô sẽ kéo theo hàng loạt các nhà tư sản đòi lại những thứ họ đã hiến tặng nên rất phức tạp.
Ngôi nhà số 34 Hoàng Diệu (Hà Nội). |
Vậy theo quan điểm cá nhân của ông, Đảng, Chính phủ chúng ta không thể trả lại những ngôi nhà này?
- Về mặt lịch sử mà nói chúng ta đã hiến tặng rồi thì thôi. Còn trường hợp của gia đình ông bà Trịnh Văn Bô là trường hợp khác.
Với những đóng góp và “có giấy tờ cho mượn nhà”, có cách nào hợp tình hợp lý nhất để hợp thức hóa việc trả lại cho gia đình ông bà Trịnh Văn Bô?
- Tôi cho rằng cái hợp thức nhất là việc mình đã trưng dụng ngôi nhà 48 Hàng Ngang của ông bà Trịnh Văn Bô để làm nơi tưởng niệm, lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về bản Tuyên ngôn Độc lập thì phải trả lại cho gia đình ông Trịnh Văn Bô một ngôi nhà tương tự như vậy.
Mà hay nhất, theo tôi là trả lại chính tòa nhà ông bà Trịnh Văn Bô đã sinh sống và sử dụng trước đây. Chính là tòa nhà ở số 34 Hoàng Diệu bây giờ.
Mới đây, TP.Hà Nội vừa lên kế hoạch đặt tên 20 đường phố, trong đó có tên ông Trịnh Văn Bô. Theo ông, có nên đặt cả tên đường, phố cho bà Hoàng Thị Minh Hồ - vợ ông Trịnh Văn Bô?
- Ông Trịnh Văn Bô hay những nhà tư sản có tấm lòng yêu nước như ông đều phải được ghi nhận. Không phải vì việc chúng ta đã tiến hành cải tạo tư bản tư doanh những năm 1958-1960 mà chúng ta lãng quên những đóng góp của họ.
Một lần nữa chúng ta phải khẳng định việc giành được thắng lợi ở cuộc cách mạng tháng 8.1945 là công sức của người yêu nước Việt Nam nói chung, không phân biệt giai cấp, tôn giáo, dân tộc… Cho nên một tấm gương như vậy, tôi cho rằng lịch sử cần phải ghi tặng để xứng với đóng góp của ông.
Xin cảm ơn ông!
PGS.TS.NGƯT Phạm Xanh sinh năm 1943 tại Quảng Bình. Năm 1963, tốt nghiệp Trường Trung cấp Ngoại ngữ chuyên ngành tiếng Nga; năm 1977 tốt nghiệp đại học ngành Lịch sử tại Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội; năm 1989 nhận bằng tiến sĩ chuyên ngành Lịch sử Việt Nam cận đại và hiện đại tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội; năm 1996 được công nhận chức danh Phó Giáo sư; năm 2008 được tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú. Ông từng làm Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử Việt Nam cận hiện đại (1996-2008); Ủy viên Hội Khoa học lịch sử Việt Nam. Bốn thập kỷ qua kể từ khi bén duyên với lịch sử, trở thành người dạy sử và viết sử chuyên nghiệp, ông đã có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu khoa học. Ông để lại dấu ấn rất riêng trong những bộ sách lớn mà ông tham gia viết chung, tiêu biểu như bộ Tiểu sử Hồ Chí Minh, Lịch sử Thăng Long - Hà Nội (2 tập), Lịch sử Việt Nam, Phong trào giải phóng dân tộc ở Hà Nội cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX… Năm 2014, cuốn sách Khám phá lịch sử Việt Nam của PGS.TS Phạm Xanh ra mắt bạn đọc. Ông đã xác lập được dấu ấn của mình - dấu ấn Phạm Xanh - trong làng sử. |
Bí thư HN nói về biệt thự 34 Hoàng Diệu của gia đình cụ Trịnh Văn Bô
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, sau khi lo lễ tang cụ Hoàng Thị Minh Hồ (vợ nhà tư sản ... |
Sẽ giải quyết vướng mắc căn biệt thự của người hiến 5000 lượng vàng
Ngày 10.11, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, ông Hoàng Trung Hải - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ... |
http://danviet.vn/tin-tuc/pgs-pham-xanh-nen-tra-lai-nha-cho-gia-dinh-ong-ba-trinh-van-bo-821213.html
Ngày đăng: 09:37 | 11/11/2017
/ Thành An / Dân Việt