Trải qua hơn 50 năm phát triển, ngành Dầu khí Việt Nam không chỉ trở thành một trong những ngành kinh tế trụ cột của đất nước, đóng góp cho việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển, mà còn là ngành kinh tế tiên phong trong hợp tác quốc tế, góp phần đưa Việt Nam nhanh chóng hội nhập kinh tế thế giới.

Ngay từ thập niên 50-60 của thế kỷ trước, ngay sau khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng, Chủ tịch Hồ Chí Minh với tầm nhìn chiến lược của một thiên tài đã hình dung và đặt mục tiêu phải xây dựng được ngành công nghiệp dầu khí mạnh để làm nền tảng, động lực cho công nghiệp hóa và phát triển kinh tế đất nước.

petrovietnam tien phong trong hop tac quoc te

Lãnh đạo Petrovietnam làm việc với lãnh đạo Gazprom

Trong những năm đầu tiên hình thành, những bước đi đầu tiên ngành Dầu khí Việt Nam luôn có sự hợp tác, giúp đỡ từ những người bạn Liên Xô. Đây có thể coi là dấu mốc đầu tiên trong quan hệ hợp tác quốc tế của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam). Sau khi đất nước thống nhất, Liên Xô vẫn là một trong những đối tác quan trọng, thân thiết của Petrovietnam. Mối quan hệ hợp tác dầu khí Việt Nam - Liên Xô được đánh dấu bằng việc ra đời của Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro năm 1981, mang lại hiệu quả to lớn cho cả hai quốc gia.

Sau năm 1975, khả năng hợp tác quốc tế đã được mở ra, với tinh thần thân thiện, hữu nghị, ngành Dầu khí tiếp tục thiết lập các mối quan hệ đối tác, hợp tác với các nước chủ yếu trong lĩnh vực đào tạo. Đội ngũ cán bộ kỹ thuật dầu khí đầu tiên của Việt Nam được đào tạo chính quy ở các trường đại học nổi tiếng của Liên Xô. Bên cạnh đó, các trường đại học nổi tiếng của Azerbaijan, Rumani, Hungary, Ba Lan, Pháp… cũng đào tạo nhiều cán bộ kỹ thuật chủ chốt cho ngành Dầu khí.

Năm 1986, tấn dầu thương mại đầu tiên được khai thác từ mỏ Bạch Hổ, đưa Việt Nam vào danh sách các nước sản xuất dầu khí trên thế giới, đánh dấu một bước tiến vững chắc, khẳng định một tương lai đầy hứa hẹn cho ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam. Kể từ thời điểm này, cùng với cả nước bước vào công cuộc “đổi mới”, ngành Dầu khí tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác với các tập đoàn, công ty dầu khí quốc tế nhằm xây dựng ngành Dầu khí phát triển đồng bộ và mở rộng lĩnh vực hoạt động, góp sức vào sự phát triển kinh tế đất nước.

petrovietnam tien phong trong hop tac quoc te

Hệ thống khai thác dầu khí tại mỏ Bir Seba (Algeria)

Chỉ trong 2 năm (1988-1990), Petrovietnam đã ký được 7 hợp đồng chia sản phẩm dầu khí (PSC) với các công ty dầu khí hàng đầu trên thế giới, tạo cơ hội cho nhiều hợp đồng được ký kết sau này.

Năm 1992, Petrovietnam ký được hàng chục hợp đồng thăm dò, khai thác dầu khí với các đối tác quốc tế. Việc triển khai các hoạt động hợp tác thăm dò khai thác dầu khí của Petrovietnam trong giai đoạn này thể hiện rõ đường lối đối ngoại rộng mở của Đảng và Nhà nước nhằm hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, hợp tác với các quốc gia trên thế giới trên nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, trên tinh thần hợp tác hai bên cùng có lợi. Có thể nói, ngành Dầu khí Việt Nam đã đóng vai trò quan trọng trong quan hệ quốc tế của Việt Nam ngay từ những ngày đầu hình thành.

Mối quan hệ hợp tác giữa Petrovietnam với các tập đoàn, công ty dầu khí quốc tế ban đầu chỉ dừng lại ở việc tham gia vào các dự án tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí. Cùng với việc mở rộng lĩnh vực hoạt động, Petrovietnam đã hợp tác với các tập đoàn, công ty dầu khí quốc tế trong nhiều lĩnh vực như xây dựng, chế biến dầu khí, dịch vụ dầu khí, khoa học công nghệ, năng lượng.

Năm 1995, việc Việt Nam gia nhập ASEAN, đồng thời thiết lập quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ đã mở ra một thời kỳ phát triển hợp tác mới giữa Petrovietnam với các nước trong khu vực cũng như các tập đoàn, công ty dầu khí Hoa Kỳ. Đây cũng là thời kỳ đánh dấu sự vươn lên của Petrovietnam trong tìm kiếm các cơ hội và đầu tư thăm dò, khai thác dầu khí ở nước ngoài như: Liên bang Nga, Malaysia, Algeria… bên cạnh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào phát triển các lĩnh vực hoạt động của ngành Dầu khí Việt Nam.

Tháng 9-2006, Việt Nam có tấn dầu thô đầu tiên được khai thác tại Malaysia. Sự kiện này có ý nghĩa rất quan trọng với ngành Dầu khí Việt Nam, đánh dấu sự thành công của việc đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí của Petrovietnam, góp phần gia tăng sản lượng khai thác dầu khí của toàn ngành Dầu khí, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia

Trong giai đoạn 2006-2007, Petrovietnam đã hoàn thành xây dựng chiến lược đầu tư ra nước ngoài, cũng như tạo lập nền ngoại giao dầu khí. Việc triển khai hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Petrovietnam trong giai đoạn đầu còn gặp nhiều khó khăn, nhưng với quyết tâm cao và sự tháo gỡ kịp thời của Chính phủ và sự hỗ trợ tích cực của các bộ, ngành, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Petrovietnam ngày càng phát triển và gặt hái được nhiều thành công.

Bên cạnh đó, Petrovietnam còn tích cực tham gia, có nhiều tham luận, nghiên cứu được trình bày tại các hội nghị, hội thảo, diễn đàn về năng lượng, dầu khí do các nước, các tổ chức năng lượng, tập đoàn, công ty dầu khí trên thế giới tổ chức. Sau khi Việt Nam gia nhập ASEAN năm 1995, được sự đồng ý của Chính phủ Việt Nam, Petrovietnam đã gia nhập Hội đồng Dầu khí các quốc gia Đông Nam Á (ASCOPE) từ năm 1996. Kế từ khi gia nhập, Petrovietnam luôn tham gia tích cực các hoạt động của ASCOPE thông qua các tiểu ban. Ngoài ra, Petrovietnam cũng tổ chức thành công các kỳ họp luân phiên của ASCOPE, các hội nghị, triển lãm ASCOPE, giao lưu thể thao ASCOPE Games. Đặc biệt, trong thời gian tới, Petrovietnam sẽ đảm nhận vị trí Tổng thư ký ASCOPE nhiệm kỳ 2019-2024.

Có thể khẳng định, Petrovietnam là tập đoàn kinh tế tiên phong trong hợp tác quốc tế và mở rộng đầu tư ra nước ngoài. Hiện nay, Petrovietnam đang triển khai 11 hợp đồng dầu khí tại 9 quốc gia, vùng lãnh thổ. Petrovietnam đã xây dựng được thương hiệu uy tín trong nước và quốc tế với trình độ khoa học công nghệ tương đồng với các nước phát triển, có quy mô lớn và năng lực cạnh tranh cao, là doanh nghiệp Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng nhất, có đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật công nghệ và quản lý, công nhân kỹ thuật có tay nghề cao và đặc thù, không ngừng lớn mạnh cả về chất và lượng.

Những bước phát triển của Petrovietnam nói riêng và ngành Dầu khí nói chung đã góp phần tạo chuyển biến tích cực cho nền kinh tế đất nước. Trong định hướng tầm nhìn chiến lược của ngành Dầu khí đến năm 2035, chủ động tích cực hội nhập quốc tế là một trong những nhiệm vụ, trách nhiệm chính của Petrovietnam trong việc xây dựng, phát triển ngành Dầu khí Việt Nam thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, có tiềm lực mạnh về tài chính và khoa học công nghệ, có sức cạnh tranh cao, dẫn dắt các lĩnh vực kinh tế khác phát triển, đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hiện nay, Petrovietnam đang triển khai 11 hợp đồng dầu khí tại 9 quốc gia, vùng lãnh thổ. Petrovietnam đã xây dựng được thương hiệu uy tín trong nước và quốc tế với trình độ khoa học công nghệ tương đồng với các nước phát triển, có quy mô lớn và năng lực cạnh tranh cao.a
petrovietnam tien phong trong hop tac quoc te Petrovietnam tăng cường hợp tác với Mubadala Petroleum
petrovietnam tien phong trong hop tac quoc te Đoàn công tác của Petrovietnam thăm và làm việc với các đối tác của Australia
petrovietnam tien phong trong hop tac quoc te Petrovietnam tăng cường hợp tác với JCCP

Ngày đăng: 15:14 | 12/11/2019

/ pvn.vn