Năm 1998, World Cup được tổ chức ở Pháp. Nhà báo Nguyễn Như Phong khi đó là phóng viên An ninh thế giới được sứ quán Pháp tài trợ cho một chuyến đi sang « xem » World Cup… Thoimoi.vn xin đăng lại phóng sự này để các bạn hình dung ra một kỳ World Cup cách đây 20 năm như thế nào?
 

III

Nước Pháp không mặn mà với World Cup và chuyện về các hooligan

Trước hết, xin bạn đọc hãy nhìn bức ảnh chiếc tháp Eiffel - một trong những biểu tượng của nước Pháp - được gắn trên mông cô gái mặc quần bò rách tướp. Sẽ có nhiều bạn đọc thắc mắc và khó chịu khi thấy có bức ảnh thực sự là khiếm nhã ấy và sẽ nghĩ rằng chúng tôi “xỏ” gì nước Pháp. Không, đó là một bức ảnh được bán công khai với giá 15 frăng tại rất nhiều các quầy bán đồ lưu niệm ở Paris. Mà đây còn là tấm ảnh được coi là “tử tế” so với nhiều ảnh khác tương tự. Đằng sau ảnh có chú thích “Paris - C’est fou” (Paris điên). Quả thực chúng tôi không hiểu nổi tại sao những nhà chức trách về văn hóa Pháp lại chi phép lưu hành một sản phẩm hoàn toàn không có chút văn hóa nào như vậy. Và sự tự do này phỏng có ích gì trong việc xây dựng một lối sống lành mạnh và văn hóa cao như ở nước Pháp? Thôi thì cũng đành coi là một thứ tự do phương Tây cũng như tại các quầy báo, tạp chí khiêu dâm có số lượng cao gấp nhiều lần so với các báo chí khác.

Các bậc thức giả khác của nước Pháp đang kêu gọi chống lại lối sống Mỹ, Quốc hội Pháp ban hành hẳn đạo luật cấm sử dụng những từ ngữ nước ngoài (tiếng Anh), nếu như từ đó ngôn ngữ Pháp không thiếu… Nhưng xem ra mọi cố gắng đã bất lực.

paris du ky ky 3 va het
Trò quái đản của CĐV Scotland

Những thanh niên Pháp mặc quần bò rách gấu, áo bu dông phanh ngực, tay cầm lon Coca-Cola, tay cầm bánh hamburger, vừa đi vừa nhai nhồm nhoàm là cảnh thường thấy trên đường. Các cửa hàng ăn nhanh McDonald mọc lên ngạo nghễ tại Paris, phim Mỹ “đánh” phim Pháp đến “bán thân bất toại”. Ngay trong những ngày World Cup đang hút hàng tỷ người trên hành tinh dán mắt vào màn ảnh vô tuyến thì từ Paris tôi được tin rằng hai “ông con” tôi mới hơn chục tuổi nhưng đã dám nốc nước chè để… thức đêm xem đá bóng. Còn Trại tạm giam Công an Hà Nội mua hẳn 2 tivi màn hình lớn cho phạm nhân lao động tự giác xem các buổi truyền hình trực tiếp các trận đá bóng lúc 22h (giờ Hà Nội), vậy mà tại Paris, người ta vẫn “rồng rắn lên mây” để xem Titanic… Điều đó chứng tỏ rằng, người Paris không mặn nồng gì lắm đối với World Cup.

Nước Pháp tổ chức giải bóng đá thế giới với những tính toán chính xác như máy tính điện tử. Từng chi tiết nhỏ nhất trong tổ chức cũng được CFO tính toán chi li, thậm chí như tính đến cả một quầy fast food với năm người phục vụ sẽ bán được bao nhiêu bánh hamburger và bao nhiêu hot dog (bánh mì kẹp xúc xích nóng) trong một giờ, vậy thì phải cần bao nhiêu quầy cho Stade de France… Nhưng có một việc mà rõ là không ai tính đến khiến hàng vạn người phải chịu “nỗi buồn khó tả” trong nhiều giờ và trở thành chuyện cười ra nước mắt và là giai thoại của World Cup kỳ này.

Hôm 9-6, Paris tổ chức đêm dạ hội chào mừng khai mạc Giải bóng đá ở Quảng trường Concorde và chứng kiến buổi diễu hành của 4 chàng khổng lồ đại diện cho 4 châu lục. Số lượng quan chức và du khách là trên dưới 100.000 người tại quảng trường, chưa kể hàng trăm ngàn người đứng dọc các tuyến đường diễu hành. Số lượng người đông như vậy và được tập trung từ lúc 16h cho đến gần 23h. Các loại nước giải khát được bán rất nhiều và dĩ nhiên dưới trời nắng khô hanh, ai mà chả khát. Khát thì phải uống. Uống nhiều thì phải thải… Nhưng thải ra đâu bây giờ? Cả khu vực quảng trường không có lấy một toilet tự động với giá vào cửa 2 frăng. Những người có đầu óc thực tế thì lẳng lặng đánh bài chuồn đi xa để kiếm chỗ “xả”. Vậy còn nhiều quý ông, quý bà đáng kính thì làm thế nào bây giờ. Và cuối cùng, theo sự chứng kiến của PV Thông tấn xã Việt Nam (cũng bị nhốt trong khu vực đó) thì các quý ông nghĩ ra sáng kiến “vĩ đại” là mua chai nước Evian… để giải quyết “nỗi buồn” vào đó rồi đút chai… túi quần. Vậy còn quý bà? Họ cũng giải quyết được vấn đề nan giải đó, bằng cách nào thì xin bạn đọc thử đoán xem?

Giải khai mạc được 3 ngày thì người dân Pháp bắt đầu khó chịu về sự xáo trộn trong cuộc sống của họ, đặc biệt là chuyện giá cả và chuyện cổ động viên.

Nói về các cổ động viên thì đúng là có nhiều chuyện không thể tưởng tượng nổi.

Hôm khai mạc, chúng tôi đến sân vận động Stade de France từ buổi trưa, đến ga Nation thì chuyển tàu sang tuyến đi Saint Denis. Tôi bị một cơn lũ người gồm các cổ động viên Brazil cuốn đi không cách gì cưỡng lại được. Cơn lũ đó màu vàng chanh với đủ loại âm thanh. Tiếng hò hét, tiếng hát, tiếng trống uỳnh uỳnh tức ngực, tiếng kèn trompet chói tai, tiếng kèn tuba ùm ùm, tiếng toe toe của các loại kèn cổ động… họ nhảy nhót, họ múa may quay cuồng, họ gào lên những Ronaldo, những Carlos, họ muôn năm ông Zagalo. Con gái thì mặc áo ngắn cũn, phơi ngực trần mơn mởn, đàn ông thì vẽ mặt vằn vện và đội đủ thứ mũ bằng lông chim, bằng dạ, bằng cói… Cảm giác thật sự của tôi lúc đó là sợ hãi và lo cho số phận của mình, nếu như mình vấp chân mà ngã xuống, hẳn dòng người đó sẽ giẫm bẹp ngay. Nhưng cũng may là khi thấy cảnh sát Pháp đứng giăng hàng, chia đôi dòng người thì họ đi chậm lại và trật tự hơn tý chút.

Cổ động viên Brazil sang Pháp được tổ chức thành từng đội và rất nhiều người trong số họ không có được một vé vào xem đội nhà thi đấu. Họ đi theo đội bóng với một tình yêu mãnh liệt. Thiếu tiền ư, họ đem những chiếc mũ in chữ Brazil, những con rối, những con thú bằng bông ra bán tại sân vận động, họ uống nước tại vòi, ăn bánh mỳ “không người lái” và ban đêm, họ ngủ vạ vật trong các cánh rừng ngoại ô Paris trong những chiếc lều nilon. Nghe nói rằng, có nhiều cô gái Brazil xinh đẹp cực kỳ tuyên bố sẵn sàng “làm vợ một tháng” cho ai đó nếu cho cô một vé vào sân. Sau khi đội Brazil thắng Scotland, chúng tôi lên phố Pigale, nơi tập trung những hộp đêm nổi tiếng nhất Paris và được chứng kiến cảnh các cổ động viên “đập phá” tại các Sex Shop. Rượu bia chảy như suối và có chỗ họ “túm cổ” các cô gái nhảy còn trần như nhộng ra đường chụp ảnh. Nhưng như vậy các cổ động viên này vẫn được coi là dễ chịu và không làm các nhà chức trách bận tâm.

Cổ động viên của đội Hàn Quốc tổ chức rất chặt chẽ và từng nhóm có người chỉ huy hẳn hoi. Đối với họ, một chuyến đi sang Pháp cũng là dịp để họ tuyên truyền cho văn hóa của dân tộc. Họ tổ chức hát múa tại các quảng trường, phân phát những lá cờ Hàn Quốc có gắn kèm trong cán cờ, hay những huy hiệu cho người đứng xem. Người Nhật cũng vậy, việc đội tuyển Nhật có mặt tại World Cup đối với họ thế là quá đủ vinh quang rồi. Họ hoàn toàn xác định được rằng không hề có ảo tưởng về một chiến thắng nào của đội Nhật, cho nên lúc nào họ cũng vui vẻ và tiêu pha hào phóng.

Đội bóng có ít cổ động viên nhất là Arập Xêút chỉ có 100 cổ động viên. Nhưng đó là những cổ động viên được giới thương gia Paris kính trọng nhất bởi lẽ họ hầu hết là những tỷ phú tới từ đất nước dầu mỏ. Họ đi thành đoàn người ngoài đường trong quần áo lụng thụng và vành khăn đen quấn trên đầu. Khi họ vào cửa hàng nào là lập tức nơi đó trở thành niềm mơ ước của các hàng bên cạnh. Với họ, chiếc đồng hồ Rolex trị giá 1,5 triệu frăng là chuyện vặt, sợi dây chuyền của hãng Christian Dior 2 triệu frăng không phải là khó khăn, còn lọ nước hoa Coco Chanel có mùi ngầy ngậy của socola khiến ai dùng nước hoa này là người khác muốn… xơi thì giá 50.000 frăng chỉ là cái… đinh gỉ.

Nhưng có một loại cổ động viên gây kinh ngạc nhiều nhất ở Pháp đó là những cổ động viên Scotland. Hình ảnh những người đàn ông mặc váy màu mè sặc sỡ đi trên đường phố Paris và làm những trò quái đản không ai dám nghĩ tới trở nên “quen thuộc” với nhiều người Pháp.

Họ hát, múa, họ đánh trống thổi kèn bằng những nhạc cụ dân tộc và khi hứng chí lên, họ… tốc váy. Chúng tôi phát hoảng khi thấy những cổ động viên này quay mông trắng hếu về các ống kính máy ảnh, camera và lại tỏ ra khoái chí khi làm những hành động kỳ quặc này. Nhưng hình như thấy mới chỉ quay mông còn chưa đủ “đô”, các cổ động viên còn ưỡn ngực, tốc váy, phơi cả những “của quí” ra. Năm 1974, trong một trận đấu giữa đội Pháp và đội Anh, một cổ động viên Anh đã lột tuột áo quần để trở lại thời nguyên thủy của tổ tiên và chạy ra giữa sân, cảnh sát Anh tóm lại rồi phải dùng mũ úp lên “cái quý” của anh ta và dẫn đi. Nhưng đấy chỉ là một người, còn nay thì lại có từng nhóm dăm ba người, thậm chí có khi hàng chục người làm cái việc ấy thì xem ra là không bình thường rồi.

Còn cổ động viên làm sỉ nhục quốc thể thì lại là của nước Anh. Mặc dù những hooligan có máu mặt đã được nhốt lại ở nhà nhưng những cổ động viên đến Pháp đã gây ra ở Marseille những hành động côn đồ, đánh nhau với cổ động viên Tunisie, đập phá các cửa hàng. Thủ tướng Anh - ông Tony Blair - phải lên tiếng vì xấu hổ với những công dân của mình và họ đã làm tiêu tan giấc mơ nước Anh được đăng cai World Cup năm 2006. Báo chí Pháp cũng như báo chí Anh gọi họ bằng những từ không chút thương tiếc: đó là những kẻ côn đồ ngu xuẩn.

Hôm trao đổi với Đại tá Leupeu về tình hình an ninh tại World Cup, ông tỏ ra lo lắng cho các trận đấu giữa Hà Lan - Bỉ, Mỹ - Iran, bởi vì theo ông những trận đấu này, tính chất chính trị đã xen vào tính chất thể thao.

Trận Hà Lan - Bỉ được coi là “trận đấu của những thùng thuốc súng” bởi lẽ giữa Hà Lan và Bỉ đang có những mối bất hòa về lãnh thổ và dân cư. Số là tại Hà Lan có một vùng dân cư nói tiếng Pháp đang muốn tách ra để trở về với Bỉ, dĩ nhiên là Hà Lan không chịu và mâu thuẫn ngày một tăng. Đã thế trong lịch sử World Cup, lần nào hai đội có mặt là số phận đưa đẩy họ phải gặp nhau trong vòng đấu đầu tiên. Các cổ động viên Hà Lan cũng nổi tiếng “gấu” từ xưa. Trận đấu được tổ chức vào ngày 13-6 tại sân Stade de France. Từ sáng, cổ động viên hai đội đã có mặt và dàn thành trận tuyến hai bên đường rồi “đấu khẩu” bằng cách phá đám. Ví dụ bên Hà Lan hát thì bên Bỉ gióng trống thật lực và hò reo, còn khi bên Bỉ nhảy múa thì bên Hà Lan chĩa các loại nhạc cụ sang và thổi thật lực để áp đảo đối phương, mặc cho cảnh sát CRS giăng hàng đứng canh. Chỉ khổ đàn chó bécgiê bất lực đứng sủa khan cả tiếng. May mắn thay, trận đấu hòa nên cả hai bên cổ động viên đều lấy làm mãn nguyện, thỏa lòng cay cú và họ vui tươi trống dong cờ mở ra về.

Còn trận đấu giữa Mỹ và Iran thì được nâng lên “vị trí mới”. Hai quốc gia này vốn đã có sẵn mối bất hòa và trong con mắt của Mỹ thì Iran là kẻ gây ra khá nhiều chuyện trên trường quốc tế và đặc biệt là không coi vai trò của Mỹ ra gì. Tuy nhiên vào thời gian gần đây, quan hệ giữa hai nước có dấu hiệu ấm dần lên nhưng xem ra với người Iran, nước Mỹ không thể trở thành bạn của họ được. Trong trận này, mục tiêu giành chiến thắng không phải chỉ là kiếm ba điểm nữa mà là sự trả thù quốc hận.

Trong những ngày ở Paris, có một chuyện khiến tôi không sao quên được, đó là vào một buổi chúng tôi đến Stade de France. Lúc đó trên tàu điện ngầm còn khá vắng. Trên tàu có hai người đang chơi đàn Accordion và thấy họ toàn chơi những bài nhạc Nga. Rồi trong lúc một người kéo đàn thì một người cầm chiếc vỏ bao thuốc lá đi xin tiền. Tôi bỏ vào vỏ bao thuốc 2 frăng và hỏi: “Các anh ở nước nào”, anh ta trả lời: “Tôi ở Nga”. Nghe anh nói vậy, tôi sững người… Liên Xô, nước Nga, vâng nước Nga đối với chúng tôi thân thiết bao nhiêu. Tôi bỗng nhớ lại hồi những năm 80, khi ấy những đội bóng của Liên Xô như Dinamo Kiev, Spartak Moskva, Dinamo Tbilixi, Dinamo Minskh… là niềm tự hào của chúng tôi và có lẽ là rất nhiều người Việt Nam không thể quên được những danh thủ như Rinat Fayzrakhmanovich Dasayev, Igor Ivanovich Belanov, Oeksandr Zavarov… Những trận đấu của các đội bóng Liên Xô được mọi người chăm chú theo dõi với tất cả nỗi vui buồn. Năm 1990, khi đội tuyển Liên Xô thua ngay từ vòng đầu của Italia’90, nhiều tờ báo của ta đã đăng những bức thư đầy những lời lẽ đau buồn của nhiều người Việt Nam và trong đó có không ít các cháu thiếu niên. Tranh thủ lúc hai anh nghỉ, tôi hỏi chuyện họ và biết họ vốn là sinh viên Piano của Nhạc viện Tchaikovsky. Không còn có tiền để học và cuộc sống của thời kỳ “cải cách” của nước “đại Nga” đã đẩy họ phiêu bạt sang Paris… Khi biết tôi là người Việt Nam, hai anh vui hẳn lên và họ kể chuyện về một số sinh viên Việt Nam mà họ nhớ tên. Tôi hỏi họ về bóng đá Nga, nét mặt họ buồn hơn hẳn, một anh nói:

- Ngày xưa, khi họ ra sân là họ nghĩ đến Tổ quốc, còn bây giờ, họ nghĩ đến tiền, vì thế họ phải thua vì tiền không phải là tất cả.

- Anh nghĩ rằng bao giờ đội tuyển Nga lại có mặt ở World Cup?

- Tôi hy vọng rằng lần sau. Nước Nga chưa bao giờ cúi đầu.

Rồi anh nhắc đi nhắc lại: “La Russie ne baissai jamais sa tête” (nước Nga chưa bao giờ cúi đầu).

Tính cách Nga là vậy đó. Tôi tin điều anh khẳng định nếu nước Nga có được luồng gió mới.

Cuộc chiến tranh báo chí và nỗi khổ của các nhà báo Việt Nam trên đất Pháp

World Cup khai mạc mới chỉ ngày hôm trước thì hôm sau đã có một cuộc đấu nữa giữa Pháp và Mỹ. Lần này thì không phải là những cầu thủ đá bóng và chiến trường của họ không phải trên sân cỏ - đó là cuộc đấu của các nhà báo. Đọc báo Pháp, anh em chúng tôi gọi đây là cuộc “tỷ thí võ mồm” giữa hai cường quốc về Multimedia (truyền thông đa phương tiện).

Báo chí Mỹ mà khởi xướng là tờ Time và Newsweek nhất loạt lên tiếng chê bai CFO là gian lận trong phân phối vé, rằng người Pháp dành nhiều đặc quyền đặc lợi cho mình, nhất là trong việc chia vé, và cách tổ chức lộn xộn thiếu khoa học của một World Cup cỡ quốc tế; rằng sao mà người Pháp lại huy động nhiều cảnh sát đến như vậy và tại sao ở một đất nước có truyền thống văn hóa như Pháp lại có nhiều cảnh khám xét, bắt bớ… Với báo chí Pháp thì đầu tiên là Liberation, Le Monde và Le Figaro đã không tiếc từ ngữ đập lại bộ máy tuyên truyền của người Mỹ và không quên nhắc đến sự kiện của thế vận hội Atlanta là bom của bọn khủng bố đã nổ ở trung tâm của “Thế giới tự do”, chứng tỏ sự bất lực của Nhà nước Mỹ, đặc biệt là hai con ngáo ộp của ngành tình báo, nội vụ là FBI và CIA. World Cup là ngày hội của cả hành tinh vậy thì phải làm bằng mọi giá để giữ cho ngày hội được trọn vẹn. Báo chí Pháp cũng cảnh báo Mỹ là không nên “chõ mũi” vào việc của nước khác và đừng có lên mặt dạy đời. Và có lẽ cũng chính vì các báo của hai nước lớn đánh nhau cho nên việc chụp ảnh các lực lượng cảnh sát Pháp làm nhiệm vụ là rất khó khăn, đặc biệt là cho những nhà báo mà không có thẻ hành nghề của CFO tại World Cup như các nhà báo Việt Nam.

paris du ky ky 3 va het
Cùng anh em phóng viên TTX Việt Nam uống bia vỉa hè Paris

Lần đầu tiên trong lịch sử World Cup, Việt Nam có một đoàn nhà báo đi với vai trò thông tấn. Có được chuyến đi này, phải nói công đầu thuộc về Hội Nhà báo Việt Nam và có sự giúp đỡ tận tình của Đại sứ Pháp tại Việt Nam cũng như của Trường báo chí Line.

Trước khi đi, đoàn nhà báo Việt Nam đi Pháp, Trường Line đã cử một nhóm phóng viên chuyên viết về thể thao của những tờ báo lớn của Pháp sang “trao đổi nghề nghiệp” với anh em nhà báo Việt Nam. Những vấn đề mà các phóng viên báo Pháp trao đổi rất bổ ích và lý thú và cũng nhờ những thông tin nắm được qua lớp này nên chúng tôi đã phần nào bớt ngỡ ngàng khi sang đến Paris. Chúng tôi càng ngạc nhiên hơn khi nghe thông báo rằng, FIFA đã gửi công văn cho Liên đoàn Bóng đá Việt Nam nói về việc phân phối vé và cử nhà báo đi sang Pháp viết về World Cup thì tháng… 11-1997. Chả hiểu công văn có đến Liên đoàn Bóng đá Việt Nam hay không mà Hội Nhà báo Việt Nam không ai biết gì về việc này.

Không thể nói hết nỗi vui mừng cũng như sự lo lắng của các nhà báo Việt Nam được đi lần này. Vui là vì thấy rằng mình được chứng kiến một ngày hội của môn “thể thao vua” toàn cầu - một sự kiện lớn nhất của 4 năm. Còn lo là viết lách thế nào đây, ảnh chụp sao đây trong khi hầu hết các nhà báo đi World Cup chỉ dùng những máy ảnh lạc hậu đến thảm hại.

Nhưng sự thực là mọi dự tính, mọi kế hoạch đều bị đảo lộn khi sang đến Pháp.

Chúng tôi cùng mấy anh em phóng viên TTX thường trú tại Pháp đến Trung tâm báo chí tại Port de Vessei. Tại đây chúng tôi mới biết rằng, các nhà báo Việt Nam không có tên trong danh sách đội quân báo chí được tham dự World Cup’98, kể cả các phóng viên TTX và Báo Nhân dân thường trú tại Pháp. Và cũng đến lúc này anh em mới biết thêm về thủ tục cấp thẻ cho các nhà báo đi hành nghề tại World Cup. FIFA phân phối thẻ hành nghề cho các nhà báo nhiều hay ít là theo đẳng cấp bóng đá của quốc gia đó và cũng ưu tiên các nước có đội bóng tham dự giải. Vì vậy, những cường quốc bóng đá như Brazil, Đức, Italia… được cử đến hàng trăm phóng viên, Nhật Bản có gần 2.000 phóng viên đến Pháp thì chỉ có khoảng 300 là có thẻ của FIFA, còn như Ấn Độ thì chỉ được 10 thẻ… như vậy ta được 2 thẻ cũng là “oách” lắm rồi. Nhưng có thẻ cũng không có nghĩa là được vào sân vận động mà phải có đăng ký riêng và phải mua chỗ còn nếu không thì cũng chỉ được vào Trung tâm báo chí. Các nhà báo có thẻ và được đi theo đội bóng hay có đăng ký chỗ tại các sân được nhiều quyền lợi như được giảm giá cước điện thoại, fax, được ưu tiên đỗ ôtô ở các sân vận động, được tạo điều kiện về nơi ăn nghỉ và có nơi phục vụ ăn uống, làm việc tại các sân vận động và quay phim chụp ảnh… vô tư. Dĩ nhiên các nhà báo phải đặt trước những yêu cầu về nghiệp vụ và phải trả tiền cho FIFA về những trang thiết bị được đặt tại các sân vận động diễn ra các trận thi đấu. Hôm ở Trung tâm báo chí, chúng tôi gặp một nhà báo nữ của Brazil, chị cho biết gần 100 nhà báo có “máu mặt” nhất của Brazil đã đến Pháp từ trước đó hàng tháng để tìm hiểu tình hình và cũng là để làm quen với nước Pháp. Nói chung các nước có đội bóng tham dự giải, họ đều chuẩn bị cho đội quân báo chí của nước họ rất chu đáo, đặc biệt là về kinh phí.

Vậy là nỗi buồn trong cộng đồng báo chí quốc tế có mặt tại World Cup’98 lần này duy nhất “dành” cho Đoàn nhà báo Việt Nam (trừ hai người có thẻ vào Trung tâm báo chí) còn lại tất cả phóng viên báo lớn, báo nhỏ và của các hãng thông tấn, truyền hình Việt Nam từ nước nhà qua Pháp đều không có một thứ giấy tờ gì ngoài mảnh giấy của Đại sứ quán Pháp cấp cho với dòng ghi chú: “Nếu bị tai nạn thì báo cho bà… số điện thoại…”.

Phóng viên TTX Việt Nam và báo Nhân dân thường trú tại Pháp cũng chẳng hơn gì phóng viên từ “nội địa” sang. Nghĩa là không có một thứ giấy tờ gì để hành nghề tại World Cup. Đã thế, khi đi, mặc dù đã có quyết định của lãnh đạo Bộ Nội vụ là cử đi viết bài về công tác bảo vệ World Cup nhưng Bộ Ngoại giao Việt Nam coi “cánh nhà báo” này là đi “chơi” cho nên chỉ cấp hộ chiếu phổ thông.

Một lần tôi đi xuống ga tàu điện ngầm và thấy các hiến binh (gendarmerie) đi tuần. Tôi xin phép viên chỉ huy cho tôi chụp kiểu ảnh. Anh ta yêu cầu tôi xuất trình thẻ nhà báo… Nghe nói vậy, tôi ngẩn người ra chưa biết giải thích thế nào và thế là họ sinh nghi và yêu cầu tôi xuất trình giấy tờ. Phải mất một lúc lâu trình bày họ mới để yên cho đi.

Không có thẻ hành nghề, không có hộ chiếu công vụ, còn thị thực nhập cảnh thì ghi rõ ràng rằng sang Pháp dự World Cup vậy thì… vé đâu! Thế là chết rồi. Vì quá ớn những kẻ nhập cư trái phép cho nên cứ thấy dân châu Á hay Arập là cảnh sát hỏi và mỗi lần như thế, anh nào nói tiếng Pháp kém là khốn khổ. Cũng may, cảnh sát Pháp nể người Việt nên khi nói là nhà báo Việt Nam thì họ cho đi ngay.

Không biết trước kia như thế nào, nhưng trong thời gian World Cup thì tôi thấy cảnh sát Pháp rất thoải mái trong việc kiểm tra giấy tờ tùy thân và khám xét hành lý của mọi người. Một nhóm người đang đi, cảnh sát gọi lại, kiểm tra giấy tờ rồi bắt mở túi, balô ra kiểm tra… Không ai phản ứng và mọi người coi đó là chuyện bình thường. Với tôi, điều đó thật lạ bởi lẽ tôi biết ở Việt Nam ta, việc kiểm tra như kiểu thế này là khó được chấp nhận và gây phản ứng tức khắc. Khi tôi thắc mắc điều này với Đại tá Leupeu, ông bảo: “Bổn phận của người công dân lương thiện là phải giúp nhà chức trách làm tròn nhiệm vụ. Còn việc kiểm tra giấy tờ hay hành lý đó là nhiệm vụ của cảnh sát. Và nếu anh ta là công dân lương thiện thì chẳng có cớ gì mà lại sợ cảnh sát cả?”. Tại Stade de France, tôi thấy chỉ trừ những quan chức của Liên đoàn Bóng đá chính phủ đi theo đoàn là không phải khám, còn tất cả mọi người, kể cả những quan chức cao cấp khi vào sân vận động đều phải giơ cao hai tay cho cảnh sát kiểm tra. Một chai nước, một lá cờ có cán, một tập sách vở nào đó như kiểu tài liệu hay dao, gậy… đều phải bỏ lại, kể cả mũ đi xe máy. Vi phạm những điều này, phải chịu phạt 100.000 frăng và nếu đánh nhau trong sân thì phạt thêm 3 năm tù.

Hôm ở sân Stade de France, nhìn những nhà báo nước ngoài đeo thẻ trước ngực nghênh ngang đi vào sân, mấy anh em chúng tôi và “quân” TTX cay mũi. Nhà báo Đỗ Chuyên đã từng ở Pháp nhiều năm kêu trời vì tức giận, nhất là khi cứ giơ máy ảnh lên là bị cảnh sát CRS giơ dùi cui và quát “Interdit” (Cấm). Tại World Cup, khá nhiều nhà báo đã bị cảnh sát tịch thu máy ảnh, tháo lấy phim vì họ cố tình vi phạm quy định của cảnh sát Pháp, khi họ đã không cho phép chụp ảnh thì chớ có dại vì dễ ăn dùi cui ngay. Đối với Đoàn nhà báo Việt Nam sang Pháp vì không thể tổ chức được thành đoàn cho nên khi sang Pháp mỗi người ở một nơi, “anh” thì thuê khách sạn bình dân, “anh” thì ăn nhờ ở đậu Việt kiều và hầu hết là đi trên đường phố Paris, xem truyền hình, đọc báo Pháp… và viết bài, dịch bài gửi về, có vậy thôi.

Trong những ngày này, trừ một số rất ít anh em nhà báo có người quen ở Pháp còn loại “thân cô thế cô” như tôi và vài anh nữa thì thật là gian nan khốn khổ. Chúng tôi ở trong một khách sạn giống như nhà trọ ở Việt Nam. Không được nấu ăn, không có tivi còn vệ sinh thì công cộng tất. Có muốn thuê khách sạn khá hơn thì cũng không có chỗ. Tán tỉnh mãi, ông chủ khách sạn mới cho nấu… mì ăn liền ở khách sạn nhưng với điều kiện đừng có nấu những thứ có mùi, kẻo khách Tây họ phản ứng. Mấy anh có máy tính xách tay thì do sơ suất nhỏ là quên không mang theo phích nối (ở Pháp các ở cắm đều dùng phích tròn) cũng phải đi lùng mãi mới mua được. Máy tính của tôi đã gài sẵn chương trình fax, nhưng khi fax về mới ngã ngửa ra rằng từ nước ngoài không gọi được về mạng của Bộ Nội vụ. Thế là cứ viết bài xong lại coppy vào đĩa, lóc cóc đi bộ sang TTX nhờ in ra rồi fax về một nơi khác và tòa soạn cho người đến lấy… nhưng tất cả khó khăn ấy chỉ là chuyện vặt và hầu hết anh em đều bươn chải vượt qua được.

Cũng không sao, vạn sự khởi đầu nan, đến giải năm 2002, hy vọng rằng các nhà báo Việt Nam sẽ có thể hành nghề một cách “hợp pháp” tại Hàn Quốc và Nhật Bản, và việc chuẩn bị có lẽ phải bắt đầu ngay từ bây giờ. Làm được điều này, ngoài vai trò chủ đạo của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam còn phải có sự cộng tác nhiều mặt, đặc biệt là về vật chất của các tờ báo có ý định cử phóng viên đi./.

Nguyễn Như Phong (1998)

paris du ky ky 3 va het Paris du ký (Kỳ 2)

Năm 1998, World Cup được tổ chức ở Pháp. Nhà báo Nguyễn Như Phong khi đó là phóng viên An ninh thế giới được sứ ...

paris du ky ky 3 va het Paris… du ký (kỳ 1)

Năm 1998, World Cup được tổ chức ở Pháp. Nhà báo Nguyễn Như Phong khi đó là phóng viên An ninh thế giới được sứ ...

Ngày đăng: 06:00 | 04/07/2018

/