Năm 1998, World Cup được tổ chức ở Pháp. Nhà báo Nguyễn Như Phong khi đó là phóng viên An ninh thế giới được sứ quán Pháp tài trợ cho một chuyến đi sang "xem" World Cup… Thoimoi.vn xin đăng lại phóng sự này để các bạn hình dung ra một kỳ World Cup cách đây 20 năm như thế nào ?
 
 

II

Đại tá Leupeu, được coi là người có quyền lực nhất trong việc bảo vệ an ninh cho World Cup. Mà cũng phải thôi vì ông là chỉ huy trưởng, trong tay ông có đến 20.000 cảnh sát, trong đó có cả những lực lượng đặc biệt như CRS, BAC, RAID… Ngoài ra, ông còn phải chỉ huy sự phối hợp giữa cảnh sát, quân đội, bảo vệ tư nhân, và là người nắm toàn bộ thông tin về những cổ động viên “nhiệt tình quá mức cần thiết” do các đồng nghiệp trong khối EU gửi đến, đó là chưa kể đến các phần tử Hồi giáo cực đoan từ Algérie, Iran mà không biết có bao nhiêu tên đã vào đất Pháp. Tháng 4 vừa qua, cảnh sát đã tóm được một nhóm khủng bố với đầy đủ vũ khí, vì thế có thể khẳng định rằng mối lo sợ bị khủng bố luôn thường trực trong những người được giao trách nhiệm bảo vệ.

Viên sĩ quan tùy tùng cho chúng tôi xem lịch làm việc của ông trong tuần và “hào phóng” nói:

- Chúng tôi sẵn sàng xếp lịch cho anh gặp, nhưng anh tìm được đại tá rảnh vào lúc nào?

Nhìn vào lịch, chúng tôi đành lắc đầu vì đúng là không còn “thở” được, mà nào chỉ riêng công việc ở Paris, ông còn phải đi Lyon, Marseille, Toulouse rồi sang London, Hà Lan và cả Algérie. Thấy nét mặt thất vọng của tôi, anh sĩ quan tùy tùng bèn mách nước:

- Tôi cho anh số điện thoại di động của đại tá, anh thử hỏi xem, may ra thì được.

Chúng tôi gọi cho ông và rất may là tối hôm trước, lá thư giới thiệu của Văn phòng Interpol Việt Nam đã đến tay ông, vì vậy ông cho tôi một cái hẹn theo kiểu “người đi câu”:

- Bây giờ tôi đang ở Lens, 14h anh gọi lại, nếu được, 4h30’ chúng ta gặp nhau và chỉ trong nửa giờ. 17h30’, tôi phải họp ở Stade de France. Nửa giờ đi từ Paris - 16 đến Saint Denis không phải là dễ đâu.

Buổi chiều, tôi gọi lại và ông đồng ý trao đổi với chúng tôi về tình hình an ninh của World Cup. Ông không đồng ý phỏng vấn vì: “Tôi chỉ là trưởng của một đoàn công tác (délégation) cho nên không được phép trả lời phỏng vấn. Nếu muốn phỏng vấn thì anh nên gặp Bộ trưởng Bộ Nội vụ”. Không phỏng vấn thì càng tốt, tôi nghĩ vậy và có mặt tại nhà số 1 đường Faisanderie. Đây là một đường phố cổ dẫn đến lâu đài Château de la Muette. Tòa nhà của Bộ Tư pháp cũng giống như một lâu dài, cánh cổng bằng gỗ dày cộp đóng im ỉm. Chả hiểu họ đặt camera chỗ nào nhưng mỗi khi du khách vứt vỏ chuối hay rác ra cửa là lại thấy một anh lính đầu trọc lông lốc cầm chuổi quét hắt xuống cống và mắt thì nhìn du khách, rõ ràng là không thể yêu quý họ được. Mà cũng lạ, tại trước cổng Bộ Tư pháp và Ban chỉ huy bảo vệ World Cup lại có tấm biển giới thiệu nhà bảo tàng đồ giả và nhà bảo tàng đó lại nằm ngay bên kia đường. Rất tiếc là không còn thời gian, nếu không tôi vào xem đồ giả được họ “bảo tàng” như thế nào.

paris du ky ky 2
Tác giả phỏng vấn ông Joao Havenange - Chủ tịch FIFA lúc đó

Khác với suy nghĩ của tôi là nơi đây sẽ nườm nượp cảnh sát, xe pháo nhốn nháo và dĩ nhiên là nét mặt ai cũng phải căng thẳng, trái lại yên tĩnh lạ thường, có thể nói là lặng như… chùa.

Đại tá Leupeu cao lớn và có khuôn mặt rất phúc hậu, bỏ chiếc mũ hiến binh (gendarmerie) lên bàn và không cần rào đón, hỏi han xã giao, ông vào việc ngay:

- Cuối năm 1997, tôi được dự một buổi báo cáo của những sĩ quan cảnh sát sang Hà Nội dự Hội nghị cấp cao các nước sử dụng tiếng Pháp, chúng tôi đánh giá rất cao Cảnh sát Việt Nam. Chúng tôi cho rằng trong hoàn cảnh Việt Nam còn thiếu thốn phương tiện mà tổ chức bảo vệ an toàn tuyệt đối như vậy là quá sức tưởng tượng. Một số nước khác, khi tổ chức hội nghị lớn, thường phải mời chúng tôi sang giúp. Hiện nay, ngày khai mạc World Cup chỉ còn tính bằng giờ, nhưng có nhiều việc phức tạp quá.

- Xin đại tá cho ví dụ về sự phức tạp đó?

- Đó là chuyện người nhập cư trái phép từ các nước Arập đã gây ra rất nhiều vụ trộm cắp của người nước ngoài và bọn côn đồ hành hung du khách, thậm chí cướp giật công khai. Năm 1997, bọn chúng gây ra 35.000 vụ, nhưng chúng tôi cho rằng con số phải gấp hai lần như vậy vì rất nhiều du khách không khai báo. Vả lại, có khai báo cũng không có cơ hội tìm thấy. Trong tháng 5 và tháng 6, số vụ tăng nhanh và vẫn là tập trung vào bọn ăn cắp. Theo báo cáo của các trinh sát chống tội phạm hình sự, bọn này thường ở các khu vực quận 10, 11, các quảng trường và các ga lớn. Chúng giống như những con chuột, ban đêm chui xuống hệ thống ga xe điện ngầm, hệ thống cống của Paris để trú ẩn, ban ngày lại nhoi ra. Hiện nay, toàn Paris có gần 700 tổ trinh sát chuyên chống bọn tội phạm hình sự. Tuy nhiên, con số này là quá ít so với địa bàn thành phố và đặc biệt là khi tình hình tội phạm tăng rất nhanh.

- Sao vậy ông, ở Việt Nam, mỗi khi người nước ngoài bị mất cắp thì lực lượng cảnh sát tập trung mọi khả năng để truy lùng…

- Bởi vì đây là bọn tội phạm quốc tế, chúng không có chỗ ở, không có giấy tờ và mỗi khi kiếm được, chúng lập tức lên tàu điện ngầm đi nơi khác, thậm chí đi TGV xuống các thành phố khác “nghỉ ngơi”. Chúng tôi cũng bắt được một số nhưng rõ ràng là nhiều tên đang mong vào tù vì tại đó chúng có chỗ ngủ, được ăn và được to mồm đòi… quyền con người. Các nhà giam chật quá…

Nghe ông nói, tôi bật cười vì hóa ra trên thế giới nhiều nước tưởng là văn minh nhưng lại có quá nhiều các trại giam quá tải. Tôi kể cho ông nghe chuyện tôi bị bọn “rệp” Arập móc túi ở đường Odessa, ông bảo:

- Đó là thủ đoạn có tính truyền thống và được truyền từ đời này sang đời khác của bọn chúng - Ngừng một chút, ông nhún vai - Tiếc thật, sao người không may mắn lại là anh, tốt nhất là anh giấu tiền vào phía trong quần và nếu không cần thiết thì mang theo người ít thôi. Tôi biết người châu Á hay có thói quen cái gì quý thường cứ phải mang bên người, nhất là người Nhật. Bọn da xám, tóc xoăn thích theo người Nhật lắm. Mà anh cũng giống họ đấy chứ.

Ngó ra ngoài cửa sổ, tôi thấy ba chiếc trực thăng đang bay thấp và có vẻ soi mói cái gì đó. Tôi thắc mắc, ông cười:

- Hơn 20.000 cảnh sát và 2.000 lính không quân, cộng với toàn bộ trực thăng của cảnh sát cùng với 600 lính đặc nhiệm của Bộ Quốc phòng đang được đặt trong tình trạng báo động cấp cao nhất. Đội đặc nhiệm của Bộ Quốc phòng cùng máy bay đóng tại Ile de France, đó là chưa kể đến 12.000 người bảo vệ tự nguyện trên sân (stadier), 3.000 lính cứu hóa và cấp cứu, 6.000 nhân viên bảo vệ của các công ty tư nhân… Rất nhiều quan chức tỏ ý không hài lòng vì thấy dưới đất thì nhan nhản lính đi tuần, trên trời lại có trực thăng giám sát các con đường, nhưng chúng tôi thì mặc kệ họ, ai sẽ chịu trách nhiệm nếu xảy ra sự hỗn loạn đây. Là người chịu trách nhiệm bảo vệ cho giải bóng đá và cho bộ mặt nước Pháp, chúng tôi chỉ làm theo những yêu cầu của công việc, còn không ai được phép can thiệp.

Ông đến tấm bản đồ Paris và giới thiệu với tôi:

- Lực lượng bảo vệ của chúng tôi phải giữ gìn an ninh trật tự ở 2.060 địa điểm như nhà ga, sân bay, các ga tàu điện ngầm, các sân vận động, các địa điểm tập trung đông người và nơi diễn ra các hoạt động quan trọng khác như khu Quảng trường Condorde, Quảng trường Trocadéro. Các đội bóng tập ở 45 khu vực trên toàn nước Pháp và những nơi này là tốn nhiều lính nhất vì các ông HLV luôn yêu cầu phải bảo vệ từ… thật xa. Các phóng viên nước ngoài ở tại 80 khu vực khác nhau, có 32 đoàn ngoại giao đến xem bóng đá và sẽ có 4,5 triệu du khách đến du lịch và cổ động viên đến trong tháng 6. Riêng ngày 1-6 vừa qua, có 300.000 người leo tháp Eiffel… cho nên anh thấy đấy, chúng tôi phải huy động tối đa phương tiện và số người. Đêm ngày 9-6 là khai mạc ngày hội bóng đá, chúng tôi cũng phải huy động tới 500 cảnh sát cho riêng Quảng trường Concorde.

- Nhưng tôi nghe nói là CFO (Ủy ban Tổ chức France 98) có lực lượng bảo vệ riêng?

- Đúng thế, chúng tôi chỉ lo bảo vệ ngoài sân, còn trong sân thì do lực lượng bảo vệ của các công ty tư nhân và các stadier đảm nhiệm. Cảnh sát chỉ can thiệp khi xảy ra sự hỗn loạn hay có vụ việc mà bảo vệ tư nhân không giải quyết được. CFO đã chi khoảng 100 triệu frăng vào việc bảo vệ.

- Thưa đại tá, ông có nắm được số lượng các hooligan của nước Anh, Hà Lan hay của các nước khác không?

- Chúng tôi hoàn toàn không lo ngại về các cổ động viên Brazil, Argentina, Hàn Quốc hay Nhật Bản… vì họ ở xa đến đây, họ phải ở lại cho nên nếu họ có “quá mức” thì cũng có giới hạn vì nếu bị tống về thì tốn kém lắm. Còn cổ động viên các nước “anh em” thì cũng lo đấy. Họ đi TGV đến đây, hò hét, đập phá chán rồi lại lên tàu trở về… Khó khăn đấy. Với các hooligan đã có tên tuổi thì trong ngày diễn ra trận đấu của đội bóng mà họ yêu điên cuồng, họ phải đến trình diện tại đồn cảnh sát. Sự vắng mặt tại đồn cảnh sát của họ với bất kể lý do gì ngoài việc vào bệnh viện đều được tính bằng 5.000 frăng và ba tháng tù. Tại các sân vận động, các thẩm phán của nước Pháp sẽ có phán quyết trong vòng nửa giờ với những trường hợp phải xét xử tại sân. Và mức án được nâng lên khá cao. Chúng tôi đánh giá cao sự hợp tác của cảnh sát Anh, Hà Lan, Bỉ và Đức trong việc quản lý các hooligan.

Khi nói về các hooligan, tôi nhớ lại cảnh một đoàn cổ động viên của Anh “đổ bộ” vào Paris bằng TGV tại Gare du Nord - một nhà ga tàu hỏa lớn nhất châu Âu. Đó là những người đàn ông mặc… váy sặc sỡ, người thổi kèn, người đánh trống và có hàng chục người hát hành khúc. Cả nhà ga nhốn nháo hẳn lên và ngay lập tức, hàng chục cảnh sát CRS vây quanh những cổ động viên đó. Họ vẫn hát, vẫn đánh trống thùng thùng và lắc những chùm lục lạc treo trước bụng rồi kéo cả đoàn ra ngoài đường, họ hoàn toàn không để ý đến những cảnh sát mặc đồ đen đang muốn “lùa” họ vào chỗ nào đó.

Vậy là trong những ngày diễn ra World Cup, tại nước Pháp, cái gì cũng “cao”: Giá khách sạn tăng từ 25% - 41%, giá thực phẩm từ 15 đến 20%; tỷ lệ tội phạm cũng tăng cao 30% so với cùng thời gian năm trước và mức án xử cũng… tăng cao.

Tôi thắc mắc với ông là tại sao phòng làm việc của ông lại đơn giản quá mức và thậm chí hình như đây không phải là nơi chỉ huy, nhưng hóa ra cảnh sát Pháp có cách làm việc rất khoa học và người chỉ huy không cần phải biết tất cả.

Mỗi loại vụ việc được giao cho từng loại cảnh sát khác nhau và từng cấp chủ động giải quyết trong quyền hạn của mình, không cần báo cáo lên cấp trên xin ý kiến ý cò gì cả. Họ chỉ báo cáo khi cần tăng viện hay cần có sự phối hợp của các lực lượng khác. Ngay đại tá Leupeu cũng vậy, ông là người chỉ huy sự phối hợp chứ không trực tiếp can thiệp vào công việc của từng đơn vị cụ thể.

Đã quá giờ đi họp, ông phải gọi điện thoại báo chậm giờ. Ông rủ tôi đi Marseille với ông vào tuần tới, nhưng với điều kiện tôi phải tự lo nơi nghỉ, mà việc đó, theo ông là không đơn giản, vì “không còn một nhà trọ nào chứ đừng nói đến khách sạn”. Tôi tỏ ý hăng hái sẵn sàng ngủ tại một đồn nào đó theo kiểu ở… Việt Nam, ông bảo không được. Ông mời tôi đến trung tâm chỉ huy, nơi đó tôi sẽ thấy sự căng thẳng như thế nào và công việc của cảnh sát là những gì cụ thể. Tôi tặng đại tá ông Phật Di Lặc bằng gỗ phưỡn rốn cười hết cỡ. Đại tá Leupeu cười phá lên, cười đến chảy nước mắt. Ông hỏi:

- Anh tặng tôi tượng này là có ý gì?

- Đây là ông Phật tượng trưng cho sự vui vẻ, may mắn và… không lo lắng.

Nghe tôi nói “xăng xu-xi” (sans souci - không lo lắng), ông vội vàng hỏi:

- Tôi nghe nói rằng, bên Việt Nam có rất nhiều xích lô kẻ chữ “xăng xu-xi” có đúng không?

Tôi gật đầu, ông nói vẻ khoái chí:

- Thế thì nếu có dịp sang Việt Nam, tôi sẽ đi xích lô “xăng xu-xi”.

Trước khi chia tay, tôi hỏi ông về thâm niên của ông trong nghề cảnh sát, ông nói là đã hơn 30 năm rồi, nhưng thật tiếc là con trai và con gái của ông không đứa nào thích nghiệp của bố cả.

Được đằng chân lân đằng đầu - chúng tôi theo lời các cụ nhà ta dạy - xin đi theo Đại tá Leupeu đến Trung tâm Chỉ huy sân Stade de France. Ngần ngừ một lúc rồi ông đồng ý nhưng dặn là chỉ xem chứ đừng hỏi ai cả.

Từ Paris đi đến Stade de France chỉ chừng ba chục cây số. Đường liên tục bị tắc. Ông gọi điện yêu cầu trung tâm chỉ huy giao thông giúp đỡ và họ liên lạc với máy bay trực thăng. Từ trên trực thăng, các phi công gọi xuống bảo ông nên đi đường nào cho nhanh và họ chủ động báo cho CSGT cấm một số ngả đường khi xe của đại ca sắp tới. Nhờ thế mà chỉ gần 20 phút, chúng tôi đã tới được Stade de France.

Trung tâm chỉ huy ở sân vận động lớn nhất nước Pháp và hiện đại nhất thế giới này nằm trong ba buồng của tầng hầm sâu dưới 12m. Một buồng dành cho các sĩ quan chỉ huy, một buồng lớn đặt 30 màn hình theo dõi toàn bộ trong và ngoài sân. Cũng tại đây có hệ thống Internet và chỉ trong vài ba phút họ có thể biết rằng vào ngày này, giờ này, tại nước Anh chẳng hạn, các “cổ động viên quá mức cần thiết” đang ở tại đâu, cảnh sát của đồn nào đang “chăm sóc” họ. Cảnh sát cũng có thể biết ngay lập tức rằng, trên chuyến bay mới tới từ châu Phi, có những hành khách nào được Interpol thông báo cho biết “hình như anh ta đến Pháp không phải là đi xem bóng đá hay vào một sòng bạc ở Monaco, nên phải biết được anh ta sẽ ngủ ở đâu…”. Rồi từ 9 sân cỏ khác trên toàn nước Pháp, tất cả các thông tin về trật tự trị an cũng đều lấy được từ đây. Vì thế, những sĩ quan chỉ huy có thể đến bất cứ sân vận động nào và biến những phòng bảo vệ nơi đó thành trung tâm chỉ huy toàn quốc. Vì tò mò, tôi hỏi ông rằng có thể biết được những thông tin như sẽ có bao nhiêu người Việt Nam đến sân Stade de France vào ngày khai mạc, giá vé chợ đen đã là bao nhiêu cho trận khai mạc và trận chung kết… Năm phút sau, ông cho biết ngay: có 37 người Việt Nam đến buổi khai mạc, nhiều hơn người Ấn Độ - 31 người. Còn giá vé chợ đen tại dãy ghế H, I, J, K thuộc các cửa đông và tây là 5.000 đến 7.000 USD. Còn một vé hạng nhất cho ngày chung kết là trên 20.000 USD. Nói chung giá vé chợ đen cao cấp gấp 30 đến 50 lần giá gốc, tùy theo loại và tùy theo trận.

***

Nước Pháp đã bỏ ra hàng tỷ quan để tổ chức World Cup cuối cùng của thế kỷ và cũng mơ rằng đó là giải bóng đá đẹp nhất, ấn tượng nhất từ trước tới nay. Trong cuộc họp báo ngày 2-6, Michel Platini, đồng Chủ tịch CFO đã nở nụ cười mãn nguyện và tuyên bố: “Nhiệm vụ của tôi đã hoàn thành”. Đúng là nhiệm vụ của Platini đã hoàn thành vì suốt 4 năm qua, người cầu thủ vĩ đại nhất nước Pháp và cũng được coi là cầu thủ có tri thức cao nhất trong hơn 2 triệu cầu thủ bóng đá nước Pháp đã lao động không biết mệt mỏi để thực hiện những ý tưởng tốt đẹp của mình với giải bóng đá thế giới. Nhưng tình hình kinh tế xã hội nước Pháp bây giờ rõ ràng là có những điều không ổn. Tỷ lệ người thất nghiệp vào loại cao nhất châu Âu, một loạt nước thân Pháp ở châu Phi sụp đổ trong năm qua, người Nhật đã xâm chiếm Paris bằng việc mua rất nhiều tòa nhà đẹp cực kỳ ở ven sông Seine… những cái đó khiến nước Pháp đang có nhiều lo lắng. World Cup lần này là dịp để nước Pháp tân trang (rénovation) lại “dung nhan” của mình trước khi bước sang thế kỷ mới. Nhưng hình như những người lao động không cần đến hình ảnh nước Pháp trên trường quốc tế trong tương lai mà là bánh mì của ngày mai.

paris du ky ky 2
Trò quái đản của CĐV Scotland

Chúng tôi tìm gặp ông Jean Tiberi, Thị trưởng thành phố Paris. Không có thời gian làm việc tại tòa thị chính thành phố, ông hẹn chúng tôi tại quảng trường trước sân Công viên các hoàng tử - nơi đó được đặt tên là Quảng trường Rimet - người sáng lập ra Cup bóng đá thế giới. Khi chúng tôi tới đó thì đã có mặt khoảng gần 100 phóng viên của nhiều tờ báo Pháp. Tranh thủ lúc rảnh rỗi, tôi hỏi một số nhà báo Pháp về các hoạt động của họ, về người Paris đối với World Cup và thật bất ngờ, khi một phóng viên Tạp chí Le Figaro cho hay rằng, hầu hết các báo đều giảm số lượng phát hành, riêng các báo hướng dẫn làm vườn và trang trí nội thất thì vẫn giữ nguyên hoặc tăng. Và cũng kỳ quặc là có những tờ báo lại quay lưng với World Cup và chỉ rình cơ hội để chê bai các cầu thủ, thậm chí còn gán cho một vài cầu thủ da màu với những hình ảnh con vật khác như tờ Newlook, một tờ báo nổi tiếng về sự nhảm nhí trong việc tạo dựng ảnh giả. Số gần đây nhất đã đăng ảnh phu nhân của Tổng thống Bill Clinton đang làm tình với một người khác, thậm chí nhảm nhí hơn còn đăng bức ảnh một phụ nữ có 6… “ti”. Một phóng viên chuyên theo dõi thể thao của tờ Le Parisien cho chúng tôi biết một con số đáng buồn rằng có đến 70% phụ nữ Pháp hoàn toàn không hay biết gì về World Cup diễn ra ở đất nước mình. Họ cũng tỏ ý không tin rằng, ông thị trưởng lại cho chúng tôi một cuộc gặp ngay tại quảng trường và thế là ngay lập tức chúng tôi trở thành những kẻ có “máu mặt” ở đấy. Một nữ phóng viên truyền hình của TF1 xinh như mộng, muốn chúng tôi phóng viên ông thật nhanh và sau đó rút ngay để dành “khoảng trống” cho họ. Chúng tôi chẳng hiểu cần phải như thế nào đành hỏi bà thư ký và bà nhún vai rồi chỉ vào những nhân viên an ninh: “Họ mới là người quyết định ai là người được phỏng vấn”. Chúng tôi không tin lắm lời bà vì thấy phóng viên Tây có vẻ “liều mình như chẳng có” hơn phóng viên ta. Nhưng hóa ra với họ, việc được các quan chức trả lời phỏng vấn có tính chất chính thống là hết sức khó khăn và thủ tục cực kỳ nhiêu khê. Có khi phải đăng ký trước hàng tháng và gửi câu hỏi trước.

(Còn nữa)

Nguyễn Như Phong

paris du ky ky 2 Paris… du ký (kỳ 1)

Năm 1998, World Cup được tổ chức ở Pháp. Nhà báo Nguyễn Như Phong khi đó là phóng viên An ninh thế giới được sứ ...

paris du ky ky 2 Nữ điệp viên gợi cảm nhất Paris: Từ đỉnh cao chói lọi đến kết cục đau thương

Sinh ra với cái tên Margaretha Geertruida MacLeod, điệp viên kỳ cựu người Hà Lan giấu mình trong vỏ bọc của vũ nữ Mata Hari. ...

paris du ky ky 2 Paris chới với trong nước lũ sông Seine

Thủ đô Paris của Pháp hôm 27-1 tiếp tục được đặt trong tình trạng báo động lũ lụt sau khi nước sông Seine tràn bờ ...

paris du ky ky 2 Kiều bào ở Pháp sẵn sàng \'nhuộm đỏ Paris\' vì U23 Việt Nam

Cộng đồng người Việt tại Paris đang đếm ngược từng giây đến trận chung kết giữa tuyển U23 Việt Nam và Uzbekistan.

Ngày đăng: 06:00 | 03/07/2018

/