Năm 1998, World Cup được tổ chức ở Pháp. Nhà báo Nguyễn Như Phong khi đó là phóng viên An ninh thế giới được sứ quán Pháp tài trợ cho một chuyến đi sang "xem" World Cup… 
Thoimoi.vn xin đăng lại phóng sự này để các bạn hình dung ra một kỳ World Cup cách đây 20 năm như thế nào ?
 

I

Có lẽ tôi là người may mắn khi biết rằng chuyến bay từ Hà Nội sang Paris vào ngày 30-5 là chuyến bay cuối cùng của Hãng Hàng không Pháp, bởi vì từ ngày 1-6, các phi công Pháp sẽ tiến hành cuộc tổng đình công và cuộc đình công này sẽ làm giảm 90% số chuyến bay. Người dân Paris thì vốn đã quá quen với đình công biểu tình nên cũng chẳng lấy đó làm ngạc nhiên và họ cho rằng vì trong France 98, các phi công thấy không “gặt” được nên đình công đòi tăng lương… có vậy thôi. Hóa ra cứ bảo nước Pháp tự hào về việc được tổ chức giải bóng đá cuối cùng của thế kỷ cũng là quá lời. Bằng chứng là cuộc đình công của các phi công, họ chỉ cần tiền, cần quái gì bóng với banh… Họ mà đình công cho một tuần thì đố ai đoán được hậu quả gì sẽ đến với World Cup và bàn dân thiên hạ nhìn về tháp Eiffel sẽ nghĩ thế nào.

Trên đường phố Paris, có hai điều dễ nhận thấy nhất đó là quảng cáo cho World Cup và quảng cáo cho thuốc chữa chứng bất lực của đàn ông. Cả nước Pháp đang sôi lên sùng sục về bóng đá và đến 25% đàn ông cũng đang “sôi máu” về cái thứ thuốc Viagra nhập khẩu từ Hoa Kỳ. Các tờ báo lá cải ở Pháp đua nhau đăng những tin đại loại như “Một vụ ly hôn của ông cụ gần 80 tuổi sau khi uống thuốc Viagra”. Và bài báo viết rằng do ông cụ hứng chí lên mua thuốc Viagra uống thử dăm viên, thế là… bỗng hồi xuân. Ông ta thấy trẻ lại đến 40 tuổi về cái “khoản kia” và dĩ nhiên, bà vợ già trông như đang “ngồi trên cán chổi” không còn hợp nữa, thế là ông xin ly dị để cưới cô vợ khác. Vậy đó, những đàn ông “yếu kém” thì mơ đến thuốc Viagra, còn những đệ tử của trái bóng tròn thì mơ gì? Dĩ nhiên là họ mong đợi Pháp - sẽ là con Gà trống Gô-loa vươn cổ gáy: “Cuộc đời chỉ có thế mà… thôi!”, chứ đừng thành mụ gà mái già kêu ca: “Vừa đau vừa… buốt”. Nhưng dù là người lạc quan đến mấy cũng không dám cả quyết rằng đội Pháp sẽ nâng cao chiếc cúp vô địch vì vậy ước mơ của cổ động viên là “mong Napoléon sống lại để làm… huấn luyện viên đội Pháp”. Tờ báo thể thao có tiếng của Pháp là tờ L’Équipe cũng đăng một bài với tít cực to là “Nếu còn sống đến hôm nay, Napoléon sẽ là huấn luyện viên đội Pháp”. Bài báo sau khi dẫn những chiến công của Napoléon và khẳng định rằng, nếu Người sống lại thì đội Pháp ắt sẽ vô địch. Tôi mò đến Tòa soạn báo L’Équipe và gặp một anh chàng phóng viên đã từng sang Việt Nam trao đổi với chúng tôi về kinh nghiệm viết về bóng đá và hỏi anh về đội tuyển Pháp, anh ta thở dài ngán ngẩm: “Ngày xưa có Platini còn không thắng được thì bây giờ khó khăn lắm”. Rồi anh ta giải thích cho tôi rằng đội Pháp sở dĩ chưa lần nào sờ được Cúp vô địch là vì đội Pháp “đờ-mi-noa, đờ-mi-blăng” (nửa đen, nửa trắng), tức là không có bản sắc riêng, lối chơi thiếu cá tính. Đội Brazil có lối chơi ngẫu hứng, nâng bóng đá lên hàng nghệ thuật, đội Italia thì quyết liệt, thực dụng, đội Đức chơi như chiếc xe tăng xông trận: lỳ lợm, kỷ cương, lạnh lùng… Vậy còn đội Pháp thì là gì? Đội Pháp có một chút hào hoa, nghệ sĩ trong lối chơi, nhưng không đủ lỳ lợm như đội Đức và đặc biệt là ý thức chấp hành kỷ luật “chiến trường” của đội Pháp rất xoàng. Như thế làm sao mà có chiến thắng.

Cũng giống như 18.000 nhà báo đã có mặt ở nước Pháp trước ngày khai mạc một tuần (theo một quan chức của Trung tâm báo chí cho biết thì số nhà báo sẽ đến gấp hai lần so với đăng ký ban đầu - và như vậy sẽ là khoảng trên 24.000), tôi đến sân vận động hiện đại nhất nước Pháp và có lẽ của cả thế giới - Stade de France.

paris du ky ky 1
Tác giả ở SVĐ Stade de France

Từ trung tâm Paris đi đến Stade de France không xa lắm chỉ chừng khoảng 30 phút đi tàu điện ngầm và tàu hỏa. Sân nằm ở thành phố Saint Denis, một thành phố nổi tiếng về những tệ nạn xã hội. Đây là nơi có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất nước Pháp, là nơi tập trung gái mại dâm và bọn du thủ du thực quốc tế nhập cư trái phép. Thành phố này do bị “lẹt đẹt” mãi không ngóc đầu lên được, nhân dân chán những ông thị trưởng của các đảng cánh tả, cánh hữu quá bèn bầu một đảng viên đảng Cộng sản Pháp lên làm thị trưởng. Và việc đầu tiên khi ông lên nhậm chức là đồng ý cho chính phủ xây sân vận động. Tại các ga điện ngầm, cảnh sát đặc biệt BAC, rồi cảnh sát quốc gia CSR và GIGN đứng nhan nhản, súng tiểu liên lăm lăm trong tay…

Và trên tàu điện ngầm, thỉnh thoảng lại thấy có một người lao lên tàu, nói liến thoắng: “Tôi thất nghiệp, không có tiền thuê nhà, không còn tiền ăn tối, xin các ông các bà giúp đỡ”. Rồi không đợi mọi người bày tỏ thái độ, anh ta đi từ đầu tới cuối toa, mắt lừ lừ nhìn hành khách và lại nhảy xuống. Có gã còn tệ hơn, gào lên “Tôi cần một trăm frăng trả tiền nhà và ăn đêm nay, nhưng mới chỉ có bảy mươi, còn thiếu ba mươi nữa, hãy cho tôi đi rồi quý bà, quý ông sẽ có may mắn”. Rồi cũng chẳng cần ai, gã nhảy xuống tàu khi đến ga mới.

Ở những ga có các tuyến liên vận (correspondance), nhan nhản những kẻ đứng bán hê-rô-in hay cần sa và cũng không thiếu những gã nhập cư trái phép đứng gạ bán đồng hồ hay áo da. Một liều hít trung bình là 50 frăng và mua nó dễ như mua thuốc lá. Hôm trước khi sang Pháp tại Hà Nội đã khuyến cáo chúng tôi rằng hãy chuẩn bị đối phó với ba vấn đề khi đi sang viết về World Cup. Thứ nhất là bọn móc túi nhiều vô kể, nhất là trên xe buýt và ở các ga tàu điện ngầm. Thứ nhì là chỗ ở vì các khách sạn đã được giữ chỗ hết từ lâu rồi và cuối cùng là hãy chuẩn bị túi tiền vì giá cả đã tăng chóng mặt. Sang đây, tôi mới thấy những điều họ nói là đúng, nhất là về giá thực phẩm. Mọi thứ đều đắt hơn Việt Nam từ 5 đến 10 lần. Số tiền để trả cho một bát phở tại quán phở mang biển hiệu tàu bay - Lý Thái Tổ trên quận 13, Paris thì đủ cho tôi ăn sáng… một tháng ở Hà Nội với những bát phở ngon hơn nhiều.

Stade de France nằm trên khu đất rộng hơn 70 héc-ta. Bao quanh bên ngoài là những khu hàng ăn nhanh McDonald, khu bán hàng thể dục thể thao với giá cả đắt hơn các nơi khác từ 10 đến 20%, khu để ôtô có thể chứa được 15.000 xe. Nếu trong các bức ảnh sân vận động đẹp và choáng lộn bao nhiêu thì ban ngày, nhìn bên ngoài nó khô khan và hết sức lằng nhằng với những cách kiến trúc “đường ống” của nó. Đứng ngoài trông vào, Stade de France nom cứ như một xí nghiệp dầu khí nào đó và hệ thống cổng ra vào nom hệt chuồng nuôi… hổ báo. Để xây dựng Stade de France phải sử dụng đến 91.000 tấn sắt, 340 tấn tôn phủ mái, 160.000 tấn bê tông, đào đi 800.000m khối đất và hai ngàn công nhân với những phương tiện tốt nhất làm trong 31 tháng trời. Các thiết bị ánh sáng, âm thanh, hệ thống phòng chữa cháy, hệ thống nhà hàng, mỹ viện, phòng phục hồi sức khỏe cho vận động viên… đều trang bị cực kỳ hiện đại và có thể nói là không chê vào đâu được. Để theo dõi trận đấu có 17 camera, còn quan sát những “vui buồn” của các hooligan thì có 120 camera. Sân có sức chứa 80.000 khán giả và đặc biệt còn có 250 chỗ dành cho những người “thừa tiền”. Những người này đến sân không phải là coi bóng đá mà là tiêu tiền vì họ có chỗ ngồi riêng, có kẻ hầu người hạ và ăn uống theo sở thích. Giá vé của một chỗ ngồi loại này chỉ có 4.500 USD, còn dùng thứ gì thì thanh toán thứ đó với giá cả cao gấp… ba lần. Quả là không thể hiểu nổi có những người lại đến vừa xem bóng đá vừa nhậu. Nhưng biết làm thế nào, khối người thừa tiền mà lại thiếu chữ đấy.

Hôm chúng tôi đến thì lực lượng cảnh sát chống khủng bố RAID của Pháp đang tập luyện và để đảm bảo bí mật, họ thu hết máy ảnh của những người ngoài sân. Tôi cũng bị thu máy ảnh mặc dù đã nằn nì đủ cách. Những cảnh sát trang bị đến tận răng, mũ vải bịt mặt đổ bộ từ trực thăng xuống, rồi từ ôtô đang chạy với tốc độ gần 100km lao ra và tấn công bọn khủng bố… Họ thực hiện những công việc đó bằng động tác nhanh, chính xác và hết sức quyết liệt. Hôm ở khu tháp Eiffel, tôi thấy cảnh sát túm cổ một gã thanh niên chả hiểu gã kia nói gì mà bị ăn ngay một trận dùi cui rồi bị khóa tay tống lên xe. Chờ cho họ làm xong, tôi hỏi anh thiếu úy tổ trưởng về những công việc thường ngày của họ, anh ta nói: “Việc của chúng tôi là phải đảm bảo an ninh trật tự ở khu vực được giao. Hầu như ngày nào cũng có những vụ trộm cắp ở đây và dĩ nhiên ngày nào chúng tôi cũng tóm được chúng”. Rồi anh ta phàn nàn về việc Chính phủ Pháp không làm kiên quyết với những người nhập cư trái phép vì chính nhiều người trong số này là nguyên nhân gây ra những tệ nạn.

Để bảo vệ an toàn cho những trận đấu, tại sân thường có ba lực lượng bảo vệ. Bên trong là các nhân viên bảo vệ bán chuyên nghiệp của CFO, bên ngoài sân trong khoảng cách 100m là của lực lượng cảnh sát địa phương, còn vòng ngoài cùng là của lực lượng cảnh sát quốc gia. Lực lượng quân đội cũng có mặt tại các sân vận động và họ cùng với cảnh sát quốc gia sẵn sàng túm cổ các hooligan cũng như những kẻ có âm mưu khủng bố. Mỗi sân thi đấu đều có các nhân viên của tòa án, kiểm sát và họ xét xử ngay tại chỗ những kẻ gây rối. Có thể nói đảm bảo an ninh cho World Cup là vấn đề quan trọng bậc nhất hiện nay của nước Pháp. Theo thống kê của Ban tổ chức thì sẽ có khoảng gần một triệu cổ động viên từ các nước kéo đến Pháp. Hùng mạnh nhất là các cổ động viên của Brazil. Đội nhà thi đấu ở đâu, họ thuê TGV (tàu tốc hành) nguyên cả chuyến chạy theo tới đó. Tại khu vực ngoại ô Paris vùng Ozoir la ferrière nơi đội Brazil tập luyện, các cổ động viên Brazil có mặt suốt ngày đêm. Đối với họ bây giờ, tháp Eiffel cũng chỉ là đống sắt, cầu Alecxandri chỉ là đống gạch nối hai bờ sông… Trong trái tim họ là những Ronaldo, là Carlos… và trong mắt họ chỉ có trái bóng. Muốn vào xem các cầu thủ Brazil tập luyện, xin bạn hãy chi ra có… 500 frăng. Chúng tôi đến lâu đài Grande Romanie nơi đội Brazil tập luyện khi trời bắt đầu về chiều. Nhưng khi còn cách lâu đài chừng 10km thì đã bị các cảnh binh Pháp chặn lại và hỏi giấy tờ. Đến trạm thứ hai thì bị tịch thu tất cả máy ảnh, máy ghi âm, các loại túi xách. Đến trạm thứ ba, sau khi qua cổng từ là công đoạn khám người, không có chỗ nào họ không sờ nắn và lôi ra từ cái bật lửa, từ chiếc bút máy… Quanh sân lúc này đã có hàng ngàn phóng viên và cổ động viên đang đứng chờ những thần tượng của họ xuất hiện. Đúng 15h, các vận động viên ra sân tập. Họ chạy một vòng quanh sân để chào các khán giả. Các nhà báo thì cay như ăn phải ớt vì thấy tận mắt những “người ở hành tinh khác” mà không làm gì được. Ngay các nhà báo là đồng bào của các cầu thủ cũng bị thu máy. Và nghe nói rằng, các tay săn ảnh của Italia và Pháp đang đố nhau làm thế nào để có một bức ảnh của đội Brazil nhưng quả là khó khi mà họ lập vành đai bảo vệ cách xa cả chục cây số. Huấn luyện viên Zagalo thì chỉ nói vắn tắt rằng bí quyết giành chiến thắng của đội Brazil là bí mật…! Trước khi vào giải được vài ngày, một tin đau buồn đối với cả đất nước Brazil, cầu thủ xuất sắc nhất World Cup 1994 là Romanio không tham gia thi đấu được vì những vết thương ở chân. Trong buổi họp báo sáng ngày 2-6, trước 300 nhà báo anh khóc rưng rức như đứa trẻ. Một cầu thủ vĩ đại như anh mà không được tham gia thi đấu thì thật là đau đớn. Tôi bỗng nhớ lại hôm đội tuyển Việt Nam thi đấu với đội Bogatha của Brazil, cầu thủ tiền đạo xuất sắc Văn Sĩ Hùng không thi đấu được vì bị đồng đội là Thiện Quang chơi cho một nhát vào chân, làm rạn xương, mà lại “chơi” nhau trong lúc tập mới ác chứ. Xem các đội nước ngoài đá bóng mới thấy chúng ta chơi bóng thô thiển, hung dữ làm sao và lắm võ bẩn. Trong giải vô địch quốc gia, một cầu thủ hậu vệ được giao kèm tiền đạo đội bạn. Thấy kèm không nổi, anh ta giở võ mồm là cứ chạy sau tiền đạo đó và réo bố anh ta ra chửi. Tiền đạo đó chịu không nổi bèn cho hậu vệ kia một cái bạt tai, trọng tài nhìn thấy, rút thẻ đỏ đuổi thẳng cánh, còn hậu vệ kia thì cười khoái chí… Bóng đá là một môn thể thao đã trở thành vua và được đặt lên hàng nghệ thuật, vậy thì vấn đề quan trọng là các cầu thủ phải là những người có văn hóa. Không có văn hóa thì làm sao mà biến cái gì thành nghệ thuật được.

Đi trên đường phố Paris, thỉnh thoảng lại gặp một nhóm cổ động viên của Anh với lá cờ Anh vẽ trên trán. Cảnh sát Pháp và Anh đặc biệt quan tâm đến những hooligan của Anh và họ cố gắng để không cho những tay này sang Pháp. Với các hooligan của Anh, họ lấy làm tự hào khi vạch cho người khác thấy những vết sẹo trên người, có thể nói mỗi vết sẹo là một “huân chương” tặng cho vì những cuộc ẩu đả và kẻ nào càng bị cảnh sát bắt nhiều thì kẻ đó càng… có giá. Về lý thuyết thì các lực lượng an ninh của Pháp sẽ không để xảy ra những vụ cổ động viên xô xát. Nhưng ai mà biết được điều gì khi trái bóng tròn bắt đầu lăn.

Có lẽ vào những ngày này, ở nước Pháp, cái gì cũng là được coi như bí mật quốc gia, ngay kể cả chuyện họ làm 4 chàng người máy khổng lồ, cũng không một ai được phép mang máy ảnh vào nơi chế tạo. Vào ngày 9-6, nước Pháp sẽ khai mạc ngày hội bóng đá… Tại Quảng trường Concorde, chiếc cột Obelisque của Ai Cập do Napoléon mang về được hóa trang thành chiếc cúp của FIFA. Từ bốn hướng, bốn người máy cao 20m nặng không dưới 30 tấn sẽ tiến vào quảng trường. Một người máy đại diện cho châu Á mang tên là… Hà sẽ đi từ cầu Mới, qua Bảo tàng Louvre, qua Hoàng Cung, qua Quảng trường Kim Tự Tháp tiến vào (chẳng hiểu sao họ lại đặt tên người máy là Hà, chúng tôi gặp nhiều người để hỏi lý do sao lại đặt tên vậy nhưng không ai giải thích nổi). Một người máy đại diện cho châu Phi mang tên Mousa đi từ Champ de Mars qua Quảng trường Vauban, qua Invalides, qua cầu Alecxandri, nhà Quốc hội. Người máy Pablo đại diện cho châu Mỹ đi từ Quảng trường Ngôi sao qua Khải hoàn môn và cuối cùng là anh chàng người máy đa tình Roméo, đại diện cho châu Âu già nua đi từ Quảng trường nhà hát Opéra qua nhà thờ Madeleine… tiến vào. Bốn anh chàng này sẽ vây quanh chiếc cúp dưới ánh sáng của hàng ngàn ngọn đèn đủ màu sắc và cùng đêm hôm đó, 12 băng nhạc nổi tiếng nhất thế giới cũng sẽ bắt đầu chương trình biểu diễn của mình. Nước Pháp bắt đầu một cuộc đời mới kéo dài 33 ngày.

(Còn tiếp)

Nguyễn Như Phong

paris du ky ky 1 Bên trong vụ khủng bố Paris (Kỳ 1): Bí mật 3 chiếc xe thuê

Bọn khủng bố đã lập âm mưu thảm sát người dân Paris ra sao? Quá trình điều tra phá án diễn ra như thế nào? ...

paris du ky ky 1 8/3, hãy đưa nàng tới thành phố lãng mạn nhất thế giới này

Thành phố Paris là một trong những điểm đến lãng mạn nhất thế giới, với nhiều bảo tàng đẹp, kiến trúc độc đáo và ẩm ...

paris du ky ky 1 Paris tráng lệ với đợt tuyết rơi kỷ lục trong ba thập kỷ

Lớp tuyết gần 16 cm đổ xuống Paris kìm chân du khách, làm đình trệ hệ thống xe bus, trì hoãn các chuyến tàu và ...

paris du ky ky 1 Paris chới với trong nước lũ sông Seine

Thủ đô Paris của Pháp hôm 27-1 tiếp tục được đặt trong tình trạng báo động lũ lụt sau khi nước sông Seine tràn bờ ...

Ngày đăng: 11:34 | 02/07/2018

/ Theo Tuyển tập Nguyễn Như Phong