Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) vừa kiến nghị giảm 50% phí trước bạ cho xe nhập khẩu từ EU như ôtô sản xuất trong nước để xóa bỏ phân biệt đối xử. Đánh giá về vấn đề này, chuyên gia kinh tế PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng khi giảm phí thì ngân sách nhà nước sẽ mất đi một nguồn thu. Tuy nhiên, khi chúng ta hội nhập thì cần phải xem xét, đánh giá kỹ để tránh phân biệt đối xử. Tất cả đều vì người tiêu dùng Việt Nam.
Xóa bỏ phân biệt đối xử trong áp dụng giảm thuế
Đề xuất trên được Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam đưa ra trong “Sách Trắng 2020” vừa công bố vào ngày cuối tháng 6. Theo EuroCham, những người mua ôtô nhập khẩu vẫn phải nộp lệ phí trước bạ 10%-12% tùy theo từng địa phương. Trong 19 thương hiệu ôtô nhập khẩu tại Việt Nam, chỉ có Mercedes và Peugeot nhận được hỗ trợ theo chính sách giảm 50% phí trước bạ mà Chính phủ vừa thông qua đối với các mẫu xe lắp ráp trong nước.
Hiệp hội này cho rằng, kích thích tiêu thụ trên thị trường ôtô là việc làm cần thiết trong bối cảnh khách hàng đang phải cố gắng để duy trì hoạt động và cần nhiều thời gian để khôi phục chuỗi cung ứng từ tình trạng gián đoạn. Tuy nhiên, việc ưu tiên sản phẩm sản xuất nội địa như một biện pháp tạm thời để vượt qua khủng hoảng trong nước là không phù hợp khi COVID-19 là một cuộc khủng hoảng toàn cầu.
“Sự phân biệt đối xử theo hướng ưu tiên xe lắp ráp trong nước không thể hiện động thái tích cực của Việt Nam với Liên minh Châu Âu khi EVFTA dự kiến sớm đi vào hiệu lực”, EuroCham nhận xét. Từ đó, EuroCham kiến nghị giảm 50% phí trước bạ cho tất cả doanh nghiệp nhập khẩu, lắp ráp và phân phối ôtô mới để xóa bỏ phân biệt đối xử trong áp dụng giảm thuế. Bên cạnh đó, hiệp hội này cũng đề xuất giảm 50% với thuế giá trị gia tăng.
Hồi đầu tháng 5, Bộ Tài chính cũng không đồng tình về đề xuất giảm 50% phí trước bạ với xe sản xuất trong nước vì cho rằng vi phạm cam kết quốc tế về không phân biệt đối xử giữa hàng hóa sản xuất trong nước với nhập khẩu.
Về vấn đề nhập khẩu xe nguyên chiếc, EuroCham cho biết các kho ngoại quan không được nhập để bán tại Việt Nam. Doanh nghiệp nhập khẩu xe nguyên chiếc phải nộp tất cả thuế (gồm nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, VAT) ngay khi thông quan. Tuy nhiên, do COVID-19, doanh số xe tại Việt Nam rất thấp, trong khi các chi phí thuê đất, nhân công không giảm. Các doanh nghiệp nhập khẩu và đại lý gặp tình trạng khan hiếm dòng tiền và sẽ kéo dài đến khi chuỗi cung ứng, thị trường toàn cầu phục hồi.
Vì vậy, EuroCham đề nghị Bộ Tài chính cho phép thông quan một phần bằng cách ủy quyền cho các kho ngoại quan với xe mới nhập khẩu nguyên chiếc cho đến tháng 12.2020. Việc hỗ trợ thông quan như vậy sẽ giúp các nhà nhập khẩu thêm thời gian để phục hồi khả năng tài chính, để nộp thuế dần dần trong quá trình bán hàng lưu kho khi nền kinh tế phục hồi.
Kích cầu nhưng không để ngân sách thâm hụt quá lớn
Trao đổi với Lao Động, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, việc giảm trước bạ 50% cho xe lắp ráp trong nước nhằm mục tiêu là khuyến khích người tiêu dùng sử dụng hàng nội địa trong nước. Nhưng khi Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam đưa ra kiến nghị thì mình nên cân đối vì hiện nay, ngân sách đang bị thâm hụt rất nhiều.
“Chúng ta đang có rất nhiều khoản, nếu giảm thì lại càng thêm khó khăn cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, ở góc độ là người tiêu dùng việc giảm lệ phí trước bạ cho xe nhập hay xe lắp ráp trong nước thì người tiêu dùng đều có lợi. Bởi lẽ cả hai bên đều giảm thì tôi mua bên nào cũng giảm”, ông Long nhấn mạnh.
Cũng theo vị chuyên gia này, nguồn lực trước mắt của nước ta đang khó khăn thì nên cân nhắc làm sao để ưu tiên vấn đề nào trước, vấn đề nào sau. Làm sao để không thâm hụt ngân sách nhưng cũng để cho việc cạnh tranh phải công bằng.
Cùng về vấn đề này, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh (Giảng viên cao cấp Học viện Chính trị) cho rằng, đây là bài toán khó. Khi đưa ra Nghị định ưu tiên giảm lệ phí cho xe lắp ráp trong nước chúng ta phân tích rất cụ thể, rõ ràng. “Chúng ta là một quốc gia đang hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, toàn diện nên phải thực thi bình đẳng trong việc cạnh tranh tiếp cận thị trường. Việc chúng ta mong muốn để ưu tiên hàng hóa sản xuất nội địa là phải khéo léo, kỳ công và giải thích phù hợp thì lúc đó chúng ta mới có ưu tiên riêng. Nếu không họ có thể đòi hỏi thậm chí kiện đến tòa án”, ông Thịnh nêu.
Cũng theo vị chuyên gia này, trong trường hợp này cần phải xem xét và tính toán kỹ. Tuy nhiên, nếu chúng ta mà giảm thì không khuyến khích được người tiêu dùng khi mua xe lắp ráp trong nước. Về nguyên tắc chúng ta không được phân biệt đối xử trong mọi tình huống.
Ngày 28.6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký Nghị định 70 quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất lắp ráp trong nước đến hết ngày 31.12. Theo đó, mức lệ phí trước bạ lần đầu đối với ôtô, rơ moóc hoặc sơmi rơ moóc được kéo bởi ôtô và các loại xe tương tự lắp ráp, sản xuất trong nước sẽ được giảm 50%. Từ 1.1.2021, mức thu lệ phí trước bạ trở về mức cũ. Ngay sau đó, Tổng cục Thuế cũng vừa có công điện yêu cầu các Chi cục Thuế địa phương kịp thời triển khai áp dụng mức thu lệ phí mới theo NĐ 70 của Chính phủ.
Ngày 28.6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký Nghị định 70 quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất lắp ráp trong nước đến hết ngày 31.12. Theo đó, mức lệ phí trước bạ lần đầu đối với ôtô, rơ moóc hoặc sơmi rơ moóc được kéo bởi ôtô và các loại xe tương tự lắp ráp, sản xuất trong nước sẽ được giảm 50%. Từ 1.1.2021, mức thu lệ phí trước bạ trở về mức cũ. Ngay sau đó, Tổng cục Thuế cũng vừa có công điện yêu cầu các Chi cục Thuế địa phương kịp thời triển khai áp dụng mức thu lệ phí mới theo NĐ 70 của Chính phủ.
Cao Nguyên
Mua ôtô nhưng chậm đăng kí để chờ giảm 50% phí trước bạ bị xử phạt thế nào?
Rất nhiều khách hàng mới mua xe cố đợi cho đến khi Nghị định giảm phí trước bạ có hiệu lực mới mang xe đi ... |
Một số sản phẩm lốp xe ôtô Việt Nam bị Hoa Kỳ khởi xướng chống trợ cấp
Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã chính thức khởi xướng điều tra chống trợ cấp đối với một số sản phẩm lốp xe ôtô có ... |
Ngày đăng: 09:52 | 02/07/2020
/ laodong.vn