Đây là thông tin được Sở GD&ĐT TP.HCM nêu tại công văn gửi Ban Tôn giáo Chính phủ liên quan xác minh bằng tốt nghiệp cấp 3 bổ túc văn hóa của ông Vương Tấn Việt.

Theo nội dung văn bản số 4811 ngày 7/8 của Sở GD&ĐT TP.HCM, Sở này làm việc với đoàn kiểm tra của Ban Tôn giáo Chính phủ - Bộ Nội vụ về việc xác minh quá trình học tập ông Vương Tấn Việt vào ngày 30/7.

Ông Thích Chân Quang (tên thật Vương Tấn Việt).

Ông Thích Chân Quang (tên thật Vương Tấn Việt).

Qua buổi làm việc, Sở GD&ĐT TP.HCM đã phối hợp đoàn kiểm tra rà soát toàn bộ hồ sơ gồm danh sách thí sinh tốt nghiệp bổ túc THPT và danh sách ghi tên của các thí sinh dự thi khóa ngày 6/6/1989.

Kết thúc quá trình kiểm tra, Sở GD&ĐT TP.HCM xác nhận kết quả rà soát hồ sơ thi tốt nghiệp THPT của ông Vương Tấn Việt sinh năm 1959 như sau:

Một là, không có tên trong danh sách dự thi và bảng ghi tên ghi điểm trong kỳ thi tốt nghiệp bổ túc văn hóa cấp ba năm 1989 của Sở GD&ĐT TP.HCM.

Hai là, không có tên trong danh sách cấp bằng tốt nghiệp cấp ba bổ túc văn hóa khóa ngày 6/6/1989 của Sở GD&ĐT TP.HCM.

Trước đó, dư luận xôn xao việc ông Thích Chân Quang (tên thật Vương Tấn Việt) nhận bằng tiến sĩ trường ĐH Luật Hà Nội trong vòng 2 năm.

Liên quan về bằng tiến sĩ của ông Thích Chân Quang, đại diện trường Đại học Luật Hà Nội cho biết, theo quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ của Bộ GD&ĐT, đối tượng học lên tiến sĩ gồm cử nhân, thạc sĩ. Trong đó, cử nhân phải tốt nghiệp loại giỏi trở lên thì được học thẳng lên tiến sĩ.

"Ông Thích Chân Quang (tên thật Vương Tấn Việt) tốt nghiệp cử nhân loại giỏi, đủ điều kiện học thẳng lên trình độ tiến sĩ ngành Luật hiến pháp - hành chính", ông Tô Văn Hòa, Phó hiệu trưởng trường Đại học Luật Hà Nội nói.

Theo ông Hòa, khi học lên trình độ tiến sĩ, ông Thích Chân Quang phải học thêm các môn học của chương trình thạc sĩ thuộc chuyên ngành tương ứng, làm luận án và bảo vệ luận án tốt nghiệp. 

Lý giải việc ông Thích Chân Quang nhận bằng tốt nghiệp tiến sĩ sớm, ông Hòa nói có hai lý do. Thứ nhất, ông Thích Chân Quang học thẳng từ cử nhân lên tiến sĩ. Thứ hai, làm xong sớm luận án và bảo vệ luận án tiến sĩ sớm.

Ông Thích Chân Quang đáp ứng được những điều kiện về thời gian đào tạo nên được bảo vệ luận án sớm. Tất cả các quy trình đều đầy đủ các bước theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Liên quan vấn đề này, Bộ GD&ĐT đã gửi công văn yêu cầu trường Đại học Luật Hà Nội báo cáo về quá trình tuyển sinh, đào tạo (gồm cả việc nộp hồ sơ phản biện, bảo vệ luận án...) và có minh chứng kèm theo liên quan vụ nghiên cứu sinh Thích Chân Quang nhận bằng tiến sĩ chỉ trong 2 năm đang gây xôn xao dư luận.

Ngoài bằng tiến sĩ, thời gian qua ông Thích Chân Quang cũng gây "bão" mạng với nhiều phát ngôn có nội dung gây hoang mang dư luận.

Tháng 6/2024, Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, Ban thường trực Hội đồng trị sự vừa có văn bản kết luận việc xử lý kỷ luật Thượng tọa Thích Chân Quang - Trụ trì chùa Thiền Tôn Phật Quang (TX Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). 

Văn bản ghi rõ, sau khi họp, xem xét và thẩm tra báo cáo về các nội dung thuyết giảng của Thượng tọa Thích Chân Quang, Hội đồng trị sự đưa ra quyết định kỷ luật: Không được thuyết giảng dưới mọi hình thức, không chủ trì tổ chức các sự kiện tập trung đông người tại Thiền tôn Phật Quang và các địa điểm khác trong thời gian 2 năm.

https://vtcnews.vn/ong-vuong-tan-viet-khong-co-ten-trong-danh-sach-cap-bang-bo-tuc-van-hoa-cap-3-ar889046.html

Ngày đăng: 10:55 | 13/08/2024

Phương Nam / VTC News