Người nghệ sĩ tài hoa bạc mệnh ấy là một tượng đài của làng nhạc Việt. Các bài hát của ông luôn nặng nỗi ưu tư về cuộc đời, tình yêu, nỗi cô đơn... Dù là một nhạc sĩ tài năng với khối “tài sản” khổng lồ để lại cho đời, nhưng ông lại trải qua nhiều bất hạnh, đau thương, nghèo khó. Đến tận lúc nhắm mắt xuôi tay người nhạc sĩ tài năng ấy vẫn nặng nỗi ưu tư về chữ tình, chữ nghèo.
Ông vua không ngai của làng nhạc
Cố nhạc sĩ Trúc Phương tên thật là Nguyễn Thiện Lộc, ông sinh năm 1933 tại Vĩnh Bình (cũ), nay là huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh. Sinh ra trong một gia đình nghèo, nên tuổi thơ của cậu bé Thiên Lộc không hồn nhiên như nhiều đứa trẻ khác. Cậu bé có dáng người nhỏ nhắn ấy mê nhạc từ nhỏ nên mày mò tự học guitar rồi tập tành sáng tác. Sau một thời gian tham gia sinh hoạt văn nghệ tại Ty thông tin tỉnh Vĩnh Bình, Thiên Lộc lên Sài Gòn mưu sinh và lấy nghệ danh là Trúc Phương để hoài nhớ về quê hương.
Nhạc của Trúc Phương có một giai điệu rất đặc biệt, khó lẫn với các nhạc sĩ khác. Mỗi ca từ, giai điệu trong nhạc phẩm của Trúc Phương đều thấm thía nỗi muộn phiền, nhức nhối tim gan của người viết. Trong các nhạc phẩm ấy, người ta thấy thấp thoáng những hy vọng và hiển hiện những chia ly, những mong ngóng, đứt gãy, những cuộc hẹn hò lãng đãng như sương, mỏng manh như khói, những cuộc tình dở dang, ngang trái.
Các sáng tác của Trúc Phương đã giúp nhiều cái tên nổi danh như Giao Linh, Chế Linh,... nhưng khi nhắc đến ông, người ta không thể không nói đến “tiếng hát liêu trai” Thanh Thúy. Các nhạc phẩm mang nặng nỗi niềm, ưu tư về tình duyên dang dở của Trúc Phương đã nâng bước cho Thanh Thúy và ngược lại, “tiếng hát liêu trai” của người con gái ấy cũng giúp cái tên Trúc Phương trở thành bất hủ.
Nhạc sĩ Trúc Phương ngày trẻ. |
Nhạc sĩ Trúc Phương đã sống qua thời vàng son, rực rỡ của nền văn nghệ miền Nam với các sáng tác được biết đến từ cuối những năm 50, phổ biến rộng rãi trong những năm 60. Những ca khúc ấy vẫn sống mãi đến ngày hôm nay. Với những ca khúc được công chúng đón nhận nồng nhiệt và số lượng sáng tác lớn, Trúc Phương được người ta gọi là “vua của dòng nhạc sầu”, nhưng người nhạc sĩ ấy lại không có “ngai vàng” dành riêng cho mình nên cuộc đời của ông nặng nỗi niềm.
Trong những ngày tháng ở Sài Gòn, ông làm thuê, làm mướn đủ nghề để kiếm sống. Nói về chuỗi ngày nhọc nhằn đó, ông đã từng buồn bã chia sẻ: “Nếu mà nói đói thì cũng không đói ngày nào, nhưng mà no thì chẳng có ngày nào gọi là no. Một năm như vậy, tôi ngủ ở xa cảng (bến xe Miền Tây - PV) hết 9 tháng. Khổ lắm! Hôm nào có tiền để đi xe lam, ra đó sớm khoảng chừng 5h, thuê được chiếc chiếu trải được cái chỗ lịch sự, tương đối vệ sinh một tí. Nhưng mà hôm nào ra trễ thì họ chiếm hết rồi, những chỗ sạch sẽ, người khác chiếm hết, tôi đành phải trải chiếu gần chỗ “thằng cha đi tiểu vỉa hè”, cũng phải nằm thôi”. Đến tận cuối đời, cái nghèo vẫn đeo bám ông, khiến cuộc sống của ông khốn cùng. Thế nhưng, hoàn cảnh cơ cực ấy lại trở thành tác nhân giúp Trúc Phương có được những dòng nhạc bất hủ.
Duyên kiếp long đong
Giống như nhiều nghệ sĩ khác, cuộc đời của Trúc Phương gắn liền với các người đẹp, đó có thể là mối duyên tình ám ảnh đến cuối đời cũng có khi là nhịp đập loạn của con tim ở một thời khắc. Những cuộc tình đến rồi đi để lại cho người nhạc sĩ ấy những vết thương lòng. Nỗi đau yêu đã được ông chuyển thành giai điệu, ca từ và dâng hiến cho đời những tuyệt phẩm.
Trong những ngày đầu lên Sài Gòn mưu sinh, Trúc Phương nhận dạy nhạc cho cô con gái của một gia đình giàu. Ngưỡng mộ tài năng của chàng nhạc sĩ nghèo, trái tim cô con gái của chủ nhà đã rung động và họ yêu nhau. Thế nhưng, mối tình vừa chớm nở đã tàn lụi vì bị gia đình cô gái phản đối quyết liệt. Chia tay mối tình thơ, Trúc Phương ôm nỗi đau, ngậm ngùi cho một kiếp nổi trôi. Bao nhiêu tâm tư, bao nhiêu đau đớn, bao nhiêu tủi sầu ông gửi hết vào những ca khúc.
Sau vết thương đầu đời chí tử, trái tim đa sầu, đa cảm của Trúc Phương đã không ít lần loạn nhịp vì các giai nhân. Con tim ấy có thể loạn nhịp chỉ bằng một ánh mắt, một câu chuyện, một lời hẹn. Những lần lỗi nhịp ấy đủ để trái tim nhạy cảm ngần ngật đập, ngần ngật sống và không nguôi hy vọng.
Trước đây, cố nhạc sĩ Thanh Sơn từng kể rằng: “Trong một chuyến đi Phan Thiết, mua vé ở ga xe lửa Sài Gòn, vô tình trên tàu, Trúc Phương gặp cô Trần Thị Thắm, 22 tuổi. Chuyện trò qua lại, hai người hợp lòng nhau. Đến Phan Thiết, họ chia tay và hẹn 3 hôm sau ra ga trở lại Sài Gòn. Anh đến ga đợi mãi đến 9h tối, Thắm không đến, bèn trở về một mình. Không thể nào quên mối tình ngắn ngủi, anh đã viết bài Hai chuyến tàu đêm”.
Thanh Thúy, người con gái khiến nhạc sĩ Trúc Phương nặng nỗi ưu tư đến tận cuối đời.
Mối tình của nhạc sĩ - ca sĩ khá phổ biến ở Sài Gòn, bở sự “cộng sinh” nâng bước cho nhau. Trúc Phương yêu Thanh Thúy bằng một tình yêu trọn vẹn, nhưng có lẽ hai người chỉ có duyên mà không có phận. Hình ảnh của Thanh Thúy xuất hiện trong nhiều nhạc phẩm của Trúc Phương như Chuyện chúng mình, Bóng nhỏ đường chiều, Tàu đêm năm cũ... Mối tình đau thương và tuyệt vọng mà Trúc Phương dành cho Thanh Thúy đã ám ảnh ông suốt cuộc đời. Những dòng nhạc cuối đời của Trúc Phương vẫn ẩn hiện bóng dáng của bà: “Gửi người xưa bỏ ta để đôi mắt lại, giọt vắn giọt dài mãi đọng vũng bùn nhỏ, ta và em trót đã thiên thu nhầm lỡ, khóc mình khóc người, đỏ hoe suốt đời”.
Một người phụ nữ khác, có vị trí vô cùng quan trọng trong cuộc đời của Trúc Phương chính là vợ của ông. Khoảng năm 1970, nhạc sĩ Trúc Phương lập gia đình với một thiếu nữ vô cùng xinh đẹp, cao sang đài các. Khi ấy cuộc sống của họ khó khăn, nhưng lại rất hạnh phúc. Tình yêu là thứ cảm xúc khó tả thành lời, nó khiến người ta lâng lâng trong niềm hân hoan, nụ cười luôn nở trên môi và nghịch cảnh dù có tàn khốc cỡ nào cũng trở nên nhẹ tênh. Vì vậy mà, cuộc sống của nhạc sĩ Trúc Phương khi ấy có lẽ là những ngày tháng hạnh phúc nhất. Thế nhưng, ngày vui lại ngắn chẳng tày gang, tình cảm của họ dần phai nhạt theo thời gian và rồi lặng lẽ chia tay. Hạnh phúc vỡ tan khiến Trúc Phương chìm đắm trong đau khổ, ông tìm đến men rượu để quên đi nỗi đau. Khi ấy, bạn bè thường gặp ông ngồi yên lặng bên những ly rượu nơi quán nhỏ ở đường Tô Hiến Thành, quận 10.
Trúc Phương nhiều lần đau khổ vì các người đẹp. Trong mỗi nhạc phẩm của ông đều có hình bóng của một giai nhân. Trúc Phương đa tình, yêu nhiều nhưng chúng đều đến rồi đi thật nhanh giống như loài hoa phù dung sớm nở tối tàn. Đến cuối cuộc đời, chữ tình vẫn là điều khiến ông trăn trở, tiếc nuối.
Trúc Phương là một tượng đài của làng nhạc. Ông đã ra đi, nhưng ngày này các nhạc phẩm của ông vẫn vang lên, người ta vẫn gọi ông là “vua”. Bởi, với những gì đã cống hiến, ông xứng đáng với cái danh xưng ấy. Nhưng, trái ngược với khối “tài sản” khổng lồ, cuộc sống của ông lại nặng nỗi nhọc nhằn, u sầu.
Hơn 40 năm sáng tác, nhạc sĩ Trúc Phương đã cho ra đời hàng trăm tác phẩm có giá trị như: Nửa đêm ngoài phố, Thói đời, Ai cho tôi tình yêu, Đôi mắt người xưa, Hai lối mộng, Đêm tâm sự, Tình thắm duyên quê, Tàu đêm năm cũ, Buồn trong kỷ niệm... Ông là nhạc sĩ nổi đình nổi đám nhất trong những năm của thập niên 60. Tất cả các tác phẩm của ông đều thấm đẫm tình đời, tình người. Đến tận bây giờ các nhạc phẩm của Trúc Phương vẫn được công chúng đón nhận.
Lê Anh (T/h)
Hà Tăng, Đặng Thu Thảo, Tâm Tít "đổi đời” sau khi kết hôn với đại gia
Những người đẹp trong showbiz Việt “đổi đời” sau khi kết hôn với đại gia đều xuất thân từ gia đình bình thường nhưng lại ... |
\'Phạm Anh Khoa hãy là rocker bản lĩnh, lên tiếng đi, đừng im lặng\'
Việc Phạm Anh Khoa bị Phạm Lịch tố quấy rối tình dục chưa được phân xử rõ ràng. Tuy nhiên nhiều người khẳng định đã ... |
Góc khuất đẫm nước mắt của những bà mẹ đơn thân trong showbiz Việt
Nữ diễn viên Mai Phương, người mẫu Xuân Lan...từng không ít lần nghẹn ngào rơi nước mắt khi kể lại chuyện làm mẹ đơn thân. |
Ngày đăng: 15:04 | 07/05/2018
/ Đời sống Pháp luật