Sau cuộc bạo loạn tại đồi Capitol tuần trước, các thành viên Dân chủ đang nhanh chóng hành động tiến tới luận tội Tổng thống Trump. Cơ quan này dự kiến bỏ phiếu vào ngày 14/1 – đúng một tuần trước khi nhiệm kỳ của ông khép lại.
Sau cuộc bạo loạn của những người ủng hộ Tổng thống Donald Trump, ngày càng nhiều thành viên Đảng Dân chủ tại Hạ viện đang thúc đẩy việc luận tội tổng thống lần thứ hai. Lần này, họ không chỉ ngồi đó chờ đợi.
Các điều khoản luận tội đang được soạn thảo bởi các Hạ nghị sĩ Dân chủ David Cicilline, Ted Lieu và Jamie Raskin, và cho đến nay bao gồm việc luận tội ông Trump vì “lạm dụng quyền lực” và “kích động bạo loạn” – theo bản dự thảo được Nghị sĩ Cicilline công bố.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cũng cho biết các nhà lập pháp Hạ viện hy vọng Tổng thống Trump sẽ “từ chức ngay lập tức”. “Nhưng nếu ông ta không làm vậy, tôi đã chỉ thị cho Ủy ban Quy tắc chuẩn bị áp dụng Tu chính án thứ 25 và đề nghị luận tội của Nghị sĩ Jamie Raskin”, bà Pelosi bổ sung.
Ngày 13/1, với tỷ lệ 232 – 197, Hạ viện Mỹ thông qua các điều khoản luận tội Tổng thống Donald Trump. Với kết quả này, ông Trump trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên bị luận tội hai lần trong một nhiệm kỳ. Hồi đầu năm 2020, nhà lãnh đạo Mỹ bị luận tội với cáo buộc lạm dụng quyền lực và cản trở Quốc hội liên quan tới cuộc bầu cử năm 2016. Tuy nhiên, ông được Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát tha bổng.
Lần này, ông Trump bị cáo buộc kích động bạo loạn, liên quan tới bài phát biểu của ông trước hàng nghìn người ủng hộ trước khi Quốc hội kiểm phiếu đại cử tri và xác nhận chiến thắng của ông Biden. Điều khoản luận tội đưa ra cũng nhắc đến việc Tổng thống Mỹ gọi điện yêu cầu Tổng thư ký bang Georgia "tìm" phiếu để lật ngược chiến thắng Biden ở bang này
Có một lý do quan trọng cho nỗ lực luận tội Tổng thống Trump lần thứ hai. Ông Trump chỉ còn 10 ngày tại vị, nhưng nếu bị Hạ viện luận tội và Thượng viện kết tội, ông có thể bị cấm tranh cử trong tương lai.
Ngoài ra, việc luận tội Tổng thống Trump – một lần nữa – sẽ cho phép các nhà lập pháp gửi một thông điệp về sự cần thiết phải có trách nhiệm giải trình từ tổng thống về những hành động có khả năng gây ra những hậu quả lâu dài.
Do vai trò rõ ràng của ông Trump trong việc lôi kéo người ủng hộ tấn công Điện Capitol – gây ra bạo lực chết người sau đó, nhiều nhà lập pháp Hạ viện thấy đây là một trường hợp rõ ràng để luận tội.
Từng có tiền lệ với các thủ tục xét xử như vậy sau khi các quan chức rời nhiệm sở. Các quan chức luận tội cũng có thể bị truất quyền trong một cuộc bỏ phiếu riêng biệt và không thể trở lại cơ quan công quyền.
Dù chưa bao giờ nói ra miệng, nhưng nhiều nguồn tin cho biết ông Trump có thể sẽ tái tranh cử vào năm 2024. Mùa thu năm ngoái, chiến dịch tranh cử của ông Trump huy động được tới 495 triệu USD trong khoảng thời gian từ 15/10 đến 23/11.
Theo New York Times, không phải ai muốn chạy đua vào Nhà Trắng cũng có đủ tư cách làm điều đó. Các nhà soạn thảo Hiến pháp Mỹ đã công nhận điều đó khi thiết lập tư cách trao quyền cho Tổng thống.
"Việc cấm ông Trump Nhà Trắng là việc làm phù hợp và cần thiết để ngăn một số cử tri có thể muốn bỏ phiếu cho ông thêm một lần nữa", NYT bình luận.
Thượng viện Mỹ sẽ họp trở lại vào ngày 19/1, một ngày trước khi ông Biden tuyên thệ nhậm chức. Sớm nhất, Thượng viện có thể bắt đầu xem xét các điều khoản luận tội là lúc 13h chiều 19/1 hoặc vào ngày 20/1 - ngày Biden tuyên thệ nhậm chức, hoặc ngày 21/1 - một ngày sau khi ông Biden tuyên thệ nhậm chức.
Sẽ phải cần 2/3 phiếu bầu tại Thượng viện để kết tội Trump. Dù tiếng nói phản đối Trump đang lớn dần trong đảng Cộng hòa, các chuyên gia cho rằng khó xảy ra kịch bản Trump bị kết tội tại phiên xét xử sắp tới.
PV (th)
Khác biệt trong hai lần xem xét bãi nhiệm Trump |
Ông Trump nói gì sau khi bị Hạ viện luận tội lần hai? |
Nước Mỹ thức tỉnh sau "cuồng phong" Trump |
Ngày đăng: 08:55 | 14/01/2021
/ Nghề nghiệp và cuộc sống