Ông Trump đánh giá cao việc Nga ngừng bắn Ngày Chiến thắng, trong khi đó Ukraine chuẩn bị cho viễn cảnh Mỹ thay đổi chính sách và ngừng hỗ trợ.
Ngày 5/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đánh giá cao quyết định của Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc tuyên bố ngừng bắn tại Ukraine trong ba ngày (từ 8–10/5) nhân kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại. Phát biểu tại Nhà Trắng, ông Trump gọi đây là “một bước tiến quan trọng hướng tới hòa bình”, dù Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky chỉ trích lệnh ngừng bắn không thực chất.
Tổng thống Trump cũng nhấn mạnh rằng việc Nga đưa ra đề xuất ngừng bắn là dấu hiệu cho thấy cả hai bên đều mong muốn đạt được giải pháp hòa bình. Ông cho rằng nếu ông không trở thành Tổng thống, “sẽ không có ai giải quyết vấn đề này”, đồng thời cho biết các cuộc thảo luận liên quan đến tình hình Nga–Ukraine gần đây diễn ra “rất tích cực”.

Ukraine chuẩn bị cho viễn cảnh Mỹ thay đổi chính sách và ngừng hỗ trợ. (Ảnh minh họa: Getty)
Tuy nhiên, giữa những phát biểu lạc quan từ phía Washington, Ukraine đang âm thầm chuẩn bị cho viễn cảnh khó khăn hơn: khả năng Mỹ từ bỏ vai trò trung gian hòa giải hoặc cắt viện trợ quân sự. Theo báo chí khu vực, Kiev khởi động một kế hoạch dự phòng nhằm duy trì khả năng kháng cự ngay cả khi không còn nhận hỗ trợ trực tiếp từ Mỹ.
Sau những thất bại trên chiến trường trong năm 2023 và đầu 2024, Ukraine đẩy mạnh sản xuất khí tài trong nước, đặc biệt là máy bay không người lái (UAV). Trong năm nay, nước này sản xuất hơn hai triệu UAV FPV cùng hàng nghìn thiết bị tấn công khác, có khả năng tạo ra vùng sát thương rộng tới 14 km dọc theo chiến tuyến nhằm làm chậm bước tiến của quân Nga.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo các lỗ hổng nghiêm trọng vẫn tồn tại nếu thiếu vai trò của Mỹ, đặc biệt là trong lĩnh vực phòng không và chia sẻ tình báo. Việc thiếu hụt đạn dược tầm xa cũng khiến Ukraine khó thực hiện các chiến dịch phá hủy cơ sở hậu cần và chỉ huy của Nga sâu trong lãnh thổ đối phương. Hệ thống HIMARS của Mỹ hiện vẫn là yếu tố không thể thay thế.
Trong khi châu Âu tìm cách bù đắp sự thiếu hụt bằng việc hỗ trợ kỹ thuật, như chuyển giao các hệ thống phòng không của Pháp, Italy và mở rộng sản xuất quốc phòng tại Ukraine, thì bản thân Kiev cũng đang đẩy mạnh hợp tác với các tập đoàn quốc phòng nước ngoài như BAE Systems và Rheinmetall để duy trì khả năng chiến đấu.
Tổng thống Trump hiện chưa xác nhận khả năng gặp gỡ ông Putin trong chuyến công du Trung Đông sắp tới, nhưng khẳng định mọi kịch bản vẫn được cân nhắc. Trong lúc đó, Ukraine tiếp tục "đặt cược vào chính mình" trước tương lai còn nhiều bất định.
Ngày đăng: 10:45 | 06/05/2025
Phương Anh (Tổng hợp ) / VTC News