Ông Bê kinh qua hiều lĩnh vực, giàu lên nhanh chóng, tiêu tiền hơn người... Rất khó tin lại là người thiếu hiểu biết...
Cứ thiếu hiểu biết là được vi phạm?
Tại phiên xử ông Trầm Bê (cựu phó Chủ tịch HĐQT Sacombank) và 44 đồng phạm về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng diễn ra ngày 31/7.
Ông Trầm Bê từng sở hữu sừng tê giác tiền tỉ, xương voi ma mút vô giá. Ảnh: Báo Phụ nữ
Trong phần tranh luận, ông Trầm Bê đề nghị tòa xem xét lại mức án 4-5 năm vì cho rằng mức án đó quá nặng nề. Tự bào chữa trước tòa, ông Trầm Bê giải thích là do "suy nghĩ đơn giản, thiếu hiểu biết pháp luật chứ không cố ý làm sai".
Không hài lòng với phần biện minh trên, TS Cao Sỹ Kiêm - nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói thẳng "phạm pháp thì phải chịu trách nhiệm, không thể dùng một từ thiếu hiểu biết pháp luật để biện minh cho sai phạm được".
Ông Kiêm đặt câu hỏi: "Thiếu hiểu biết pháp luật thì có thể sai phạm được hay sao"?
Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, nếu nhìn vào con đường công danh của ông Trầm Bê, không ai có thể tin được một con người thiếu hiểu biết pháp luật mà có thể gây dựng sự nghiệp, tiến thân nhanh như vậy.
"Ông Trầm Bê là người từng kinh qua rất nhiều lĩnh vực, ở lĩnh vực nào ông cũng nắm giữ những vị trí lãnh đạo quan trọng như: Giám đốc Công ty Chế biến Lâm sản Đông Anh sau 4 năm trở thành Chủ tịch HĐQT tại công ty này. Tiếp đến ông Trầm Bê tiếp tục lấn sân vào các lĩnh vực BĐS, chế biến thủy sản... ở lĩnh vực nào ông Bê cũng giàu lên rất nhanh chóng.
Trong lĩnh vực ngân hàng, cái tên Trầm Bê lần đầu xuất hiện vào năm 2004, khi đầu tư vào Ngân hàng TMCP Phương Nam (SouthernBank) và là thành viên HĐQT. Sau khi xây dựng quyền lực tại SouthernBank, ông Trầm Bê lên kế hoạch thâu tóm một ngân hàng thuộc top trên, là Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - STB), rồi từng bước trở thành phó Chủ tịch HĐQT Sacombank...
Ông Bê cũng nổi tiếng là người giàu có nhanh chóng, sở hữu khối tài sản không hề nhỏ. Ông Bê cũng được biết đến là một đại gia chi tiêu hơn người, thích sưu tập những thứ đắt đỏ, hiếm hoi... Với tất cả những gì đang thấy thì thật khó tin thành quả đó đến từ một con người thiếu hiểu biết", ông Kiêm đặt nghi vấn.
Do đó, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng về phía cơ quan điều tra cần phải xem xét dựa trên nhiều yếu tố, không thể nghe một phía, khai thế nào thì tin như vậy được.
"Cần phải có đánh giá dựa trên những chứng cứ thực tiễn, không thể phán xét cảm tính, vội vàng", ông Kiêm lưu ý.
Truy trách nhiệm công tác bổ nhiệm
Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đặc biệt lưu ý, lập luận thiếu hiểu biết pháp luật, thiếu kinh nghiệm, kiến thức kinh tế đang được các bị cáo trong các vụ án kinh tế sử dụng một cách thuần thục.
Điển hình tại phiên xử các bị cáo trong vụ án Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) góp 800 tỷ đồng trái luật vào Ngân hàng Cổ phần Đại Dương (Oceanbank), khi được nói lời sau cùng, nhiều bị cáo đều biện hộ rằng "không cố ý làm sai", "không tham ô", hành vi phạm tội là do yếu kém chuyên môn, do trình độ có hạn... Bây giờ lại đến nguyên phó Chủ tịch HĐQT Sacombank giải thích là do thiếu hiểu biết pháp luật. Đây là một hiện tượng rất kỳ lạ.
"Không thể chấp nhận hiện tượng cứ làm sai, gây hậu quả nghiêm trọng, bị truy tố rồi lại lấy lý do là thiếu hiểu biết, trình độ kém được.
Tất cả đều là những cong người nắm giữ các chức vụ quan trọng trong các tổng công ty, các doanh nghiệp nhà nước, một người thiếu hiểu biết, trình độ kém thì làm sao có thể dẫn dắt doanh nghiệp, làm sao làm kinh tế thị trường được?
Nếu thật sự đó là những con người yếu kém, thiếu hiểu biết thì thật nguy hiểm cho sự phát triển của nền kinh tế. Việc này cần phải được xem xét, nhìn nhận trách nhiệm ở góc độ khác nữa", TS Cao Sỹ Kiêm chỉ rõ.
Cụ thể hơn, TS Kiêm cho rằng, ngoài việc phải xem xét sai phạm của các cá nhân trên, cũng cần phải xem xét lại quy trình bổ nhiệm và xem xét trách nhiệm của những người lựa chọn, quy hoạch các cá nhân nói trên vào những vị trí quan trọng, gây hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế, cho đất nước.
Ông Kiêm nói: "Việc bổ nhiệm những cán bộ yếu kém, thiếu hiểu biết cho thấy quá trình tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, lãnh đạo có nhiều kẻ hở.
Cùng với đó, trình độ quản lý công tác cán bộ, quá trình kiểm tra, giám sát lỏng lẻo, tạo lỗ hổng cho những sai phạm hình thành, phát triển. Đây là trách nhiệm của công tác tuyển dụng, bổ nhiệm và phải chịu trách nhiệm về việc này".
Hoài An
Triệu tập Trần Bắc Hà đến phiên xử Phạm Công Danh - Trầm Bê
TAND TP.HCM triệu tập gần 200 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, trong đó có các đại gia như Trần Bắc Hà, ... |
Lập khống hàng trăm bệnh án, trục lợi hơn nửa tỷ đồng bảo hiểm
Lập khống hàng trăm bệnh án để trục lợi tiền bảo hiểm, vụ việc được phát hiện ở BV phục hồi chức năng Nghệ An mới ... |
Số phận pháp lý của ông Trầm Bê hiện ra sao?
Sau hơn 3 tháng điều tra bổ sung, VKSND Tối cao giữ nguyên quan điểm truy tố ông Trầm Bê, Phạm Công Danh... trong đại ... |
Ngày đăng: 15:34 | 02/08/2018
/ http://baodatviet.vn