Chủ tịch Trung Quốc cho rằng các quốc gia nên hợp tác phát triển Internet, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm tỉnh Giang Tây tuần trước. Ảnh: Xinhua.
"Trung Quốc rất coi trọng phát triển ngành dữ liệu lớn, muốn cùng các quốc gia chia sẻ cơ hội phát triển kinh tế số, thông qua nghiên cứu kỹ thuật mới, mô hình mới để cùng tìm ra lộ trình phát triển và động lực tăng trưởng", Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình viết trong thư gửi Triển lãm Công nghiệp Dữ liệu lớn Quốc tế tổ chức ở thành phố Quý Dương, tỉnh Quý Châu hôm qua.
Ông Tập cho rằng Internet, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo đang là đại diện cho sự phát triển của khoa học thông tin thời đại mới, có ảnh hưởng sâu sắc và to lớn tới phát triển kinh tế, tiến bộ xã hội, đời sống của các quốc gia. "Các nước cần cùng nhau nắm bắt cơ hội phát triển kỹ thuật số hóa, Internet hóa, trí tuệ hóa, xử lý tốt những thách thức về mặt pháp luật, an toàn, quản lý chính phủ trong quá trình phát triển dữ liệu lớn", ông viết.
Triển lãm Công nghiệp Dữ liệu lớn Quốc tế diễn ra từ ngày 26/5 tới 29/5, quy tụ nhiều hãng công nghệ lớn nhất Trung Quốc như tập đoàn Alibaba, Tencent và Huawei cùng một số công ty quốc tế như Dell, Google chi nhánh Trung Quốc, NTT Docomo của Nhật Bản và Tập đoàn Kinh tế Kỹ thuật số Malaysia. Các chủ đề chính của triển lãm là bảo mật dữ liệu, kinh tế kỹ thuật số và đổi mới kỹ thuật.
Tuyên bố của ông Tập được đưa ra trong bối cảnh chính phủ Mỹ vừa thông báo lệnh cấm xuất khẩu với Huawei và ngăn chặn tập đoàn Trung Quốc này mua thiết bị công nghệ của các công ty Mỹ. Chính quyền Tổng thống Donald Trump còn đe dọa sẽ "cấm cửa" 5 công ty Trung Quốc khác trong lĩnh vực camera giám sát.
Vương Chí Quân, thứ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc, cho rằng lệnh cấm các công ty Mỹ sử dụng thiết bị viễn thông của Huawei gây biến động thị trường, kêu gọi Washington chấm dứt "đàn áp vô lý" các công ty điện tử và mạch tích hợp Trung Quốc.
Tổng thống Trump ngày 15/5 ký sắc lệnh hành pháp cấm các công ty Mỹ sử dụng thiết bị viễn thông mà Bộ Thương mại coi là rủi ro với an ninh quốc gia, động thái được cho là "đòn giáng trực tiếp" nhắm vào Huawei.
Bộ Thương mại Mỹ sau đó cũng đưa Huawei và khoảng 68 chi nhánh vào danh sách cấm mua các bộ phận và linh kiện từ Mỹ. Sau lệnh cấm này, nhiều công ty Mỹ đã dừng hợp tác với Huawei, khiến tập đoàn hàng đầu Trung Quốc này đứng trước nguy cơ bị cô lập về công nghệ.
Các biện pháp nhắm vào Huawei được Mỹ tung ra trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa Washington và Bắc Kinh tiếp tục tăng nhiệt. Cuộc đối đầu thương mại giữa hai nước nổ ra từ tháng 7/2018, sau khi Mỹ áp thuế nhập khẩu lên 34 tỷ USD hàng Trung Quốc, cáo buộc nước này vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và có các hoạt động thương mại không công bằng. Qua nhiều vòng, Mỹ đã áp thuế lên tổng cộng 250 tỷ USD hàng Trung Quốc và Trung Quốc trả đũa với 110 tỷ USD.
Đầu tháng 5, Mỹ nâng thuế từ 10% lên 25% với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc vì cho rằng Bắc Kinh đã thay đổi các cam kết. Sau đó, Trung Quốc cũng trả đũa bằng việc nâng thuế với phần lớn trong nhóm 60 tỷ USD hàng Mỹ đã chịu thuế từ năm ngoái.
Tổng thống Mỹ đe dọa tiếp tục đánh thuế 25% với khoảng 300 tỷ USD hàng hóa còn lại của Bắc Kinh. Mỹ có thể công bố biện pháp áp thuế này với Trung Quốc đúng thời điểm cuộc gặp Trump - Tập bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 tổ chức tại Nhật Bản vào ngày 28 và 29/6.
Hồng Hạnh (Theo Bloomberg)
Điều Huawei sợ nhất đã đến, người dùng bắt đầu 'quay lưng'
Các chuyên gia dự đoán lượng máy xuất xưởng của Huawei có thể giảm một phần tư trong năm 2019. Thậm chí, smartphone của hãng ... |
Nhà sáng lập Huawei không muốn Trung Quốc trừng phạt công ty Mỹ
Người sáng lập Tập đoàn Huawei Nhậm Chính Phi tuyên bố ông sẽ là người đầu tiên phản đối nếu Trung Quốc muốn trả đũa ... |
Ngày đăng: 14:17 | 27/05/2019
/