Trưởng ban Tổ chức Trung ương đề nghị Mặt trận tổ quốc và các tổ chức cùng tham gia giám sát cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Phát biểu tại Hội nghị giao ban công tác dân vận khối Mặt trận tổ quốc sáng 25/12, ông Phạm Minh Chính - Trưởng ban Tổ chức Trung ương, đã đề cập đến vấn đề kiểm soát quyền lực.
Theo ông, thời gian qua, quyền lực giao cho nhiều lãnh đạo rất lớn nhưng không được kiểm soát tốt nênđã xảy ra một số vụ việc tiêu cực. Do đó, các cấp quản lý cán bộ cần xây dựng được hệ thống quy định, quy chế liên quan đến vấn đề này.
Ông Chính cho hay, dưới sự chỉ đạo của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Tổ chức Trung ương đã xây dựng được 8 quy định mới thay thế cho nội dung cũ về công tác cán bộ. Gần đây nhất là quy định 105 của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, trong đó xác định rõ trách nhiệm của cơ quan tham mưu, cơ quan thẩm định và cấp ra quyết định về công tác cán bộ; khắc phục tình trạng trước đây khi có vụ việc vi phạm thì không tìm ra địa chỉ trách nhiệm hoặc trách nhiệm không rõ.
"Chúng tôi mong muốn Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội cùng tham gia thực hiện tốt việc kiểm soát quyền lực. Không để cán bộ lãnh đạo, quản lý sử dụng quyền lực được Nhà nước giao như là tài sản riêng của bản thân", ông Chính nói.
Ông Phạm Minh Chính cảnh báo tình trạng "nhiều người cứ coi quyền lực là của mình rồi ban phát, xin cho". Ảnh: Xuân Hoa.
"Nhiều người cứ coi quyền lực là của mình rồi ban phát, xin cho"
Trưởng ban Tổ chức Trung ương cho rằng, một trong những biện pháp quan trọng để kiểm soát quyền lực là tăng cường minh bạch trong hoạt động của các cơ quan công quyền.
"Khi một cá nhân được giao quyền lực, đó không phải của bản thân mà là chức vụ thay mặt nhà nước, tổ chức để làm việc. Nhiều người cứ coi quyền lực là của mình rồi ban phát, xin cho, đưa người nhà, người thân vào. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức cần mạnh dạn giám sát việc này", ông Chính nhấn mạnh.
Lãnh đạo ngành tổ chức cũng đề cập đến phân cấp quản lý cán bộ. Trước đây, Ban Tổ chức Trung ương phải xem xét 12.000 cán bộ cấp tỉnh ủy viên và hơn 2.000 cán bộ thường vụ cấp ủy. Ông Chính nói: "Số lượng cán bộ nhiều như vậy thì cấp trung ương không nắm hết được, có khi chỉ là hợp thức hóa hồ sơ. Đúng thì không sao nhưng nếu có sai sót, sẽ là hợp thức hóa cho cái sai".
Đề cập đến việc quy trình công tác cán bộ vừa qua được thay đổi theo hướng 5 bước chặt chẽ hơn, ông Chính cho hay, có ý kiến nêu vấn đề là qua nhiều bước như vậy thì "vai trò của người đứng đầu ở đâu?". Tuy nhiên, theo ông Chính, "Nếu người đứng đầu mà tốt thì không cần quy định gì cả, người ta tự suy nghĩ để có cách làm đúng đắn. Nhưng vì còn có nhiều người không tốt nên chúng ta phải xây dựng quy định để giám sát".
"Với người có ý thức tốt thì giao bao nhiêu quyền lực đi nữa người ta cũng thận trọng khi sử dụng. Công tác cán bộ cũng thế, cứ không ra bàn bạc mà tự mình quyết là có vấn đề ngay", ông Chính nói.
"Từ 7 cấp phó, giảm xuống 3 cũng thấy ổn"
Lãnh đạo ngành tổ chức cũng đề cập đến việc ngân sách đang phải dành một khoản lớn để trả lương, chi thường xuyên do bộ máy và biên chế quá cồng kềnh, khiến phần còn lại chi cho đầu tư phát triển rất khiêm tốn.
"Chúng ta cứ bàn tăng lương mãi, nếu không giảm chi thường xuyên xuống thì không có nguồn để cải cách tiền lương, chẳng lẽ lại đi vay, ông Chính nói và cho rằng, cần phải quyết liệt đẩy mạnh tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy.
Theo ông, trước đây Ban Tổ chức Trung ương có 7 phó ban, giờ chỉ có 3 phó ban "cũng thấy ổn". Vừa qua có nhiều trường hợp nghỉ hưu nhưng Ban Tổ chức Trung ương chưa tuyển thêm ai để cơ cấu lại.
Tại Hội nghị, báo cáo kết quả công tác dân vận năm 2017, ông Nguyễn Văn Hùng - Phó trưởng Ban dân vận Trung ương cho biết, ghi nhận của cơ quan này cho thấy người dân quan tâm, đánh giá cao kết quả phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua; tuy nhiên kết quả thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp...
Ngoài ra, người dân lo ngại một số vấn đề khác như nợ công cao, việc cơ cấu lại nền kinh tế còn chậm; nhiều dự án do doanh nghiệp nhà nước đầu tư kém hiệu quả, gây thất thoát lớn; việc bổ nhiệm cán bộ còn thiếu hoặc không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành và địa phương.
Dẹp nạn “lấy miền xuôi nuôi miền ngược”
Nghiêm cấm việc biếu, tặng quà tết cho lãnh đạo cấp trên, cấp trên “tranh thủ” cấp dưới với mọi hình thức; nghiêm cấm sử ... |
Vũ “nhôm” là ai, làm gì ở Đà Nẵng?
Câu hỏi này không chỉ được đông đảo cử tri, quan chức hưu trí, người dân Đà Nẵng quan tâm, chất vấn Đoàn đại biểu ... |
Ngày đăng: 18:30 | 25/12/2017
/ https://vnexpress.net