Mong muốn nguyện vọng của học sinh được lắng nghe, Bí thư Thành ủy TP HCM gợi ý mô hình "cây mai - niềm vui của em" ở các trường.
Ngày 24/2, tại buổi lãnh đạo thành phố gặp gỡ thiếu nhi đầu xuân Mậu Tuất, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng các sở ngành, nhất là ngành giáo dục cần lắng nghe nhiều hơn ý kiến của học sinh.
Ông Nguyễn Thiện Nhân kể chuyện học thời đất nước còn chiến tranh. Ảnh: Mạnh Tùng. |
Ông kể, thời đang làm Bộ trưởng Giáo dục, đi tham quan các trường học ở nước ngoài, ông thấy học sinh viết những mơ ước của mình treo trên cây lớn dịp cuối năm. Ban giám hiệu nhờ đó đọc được những tâm tư của học trò.
Bí thư TP HCM gợi ý, trường học tại thành phố có thể học hỏi mô hình này, đặt một cây mai giữa sân. Học sinh ghi ra những niềm vui, nguyện vọng, quan điểm của mình về mọi vấn đề gửi đến thầy cô và treo lên cây mai.
"Nói rộng hơn, đây là sự dân chủ trong trường học, tiếng nói của học sinh phải được coi trọng. Những chia sẻ tuy nhỏ nhưng cụ thể, được gửi gắm trực tiếp đến thầy cô. Việc nào nhà trường, cấp quận huyện chưa giải quyết được sẽ trao đổi với thành phố", ông Nhân nói.
Ông cũng chia sẻ với học sinh thực trạng khó khăn của ngành giáo dục trước áp lực gia tăng dân số dẫn đến lượng học sinh tăng mạnh, gây quá tải trường lớp. Ở nhiều địa phương, chất lượng giáo dục giữa các trường chưa đồng đều.
Bí thư Thành uỷ TP HCM cũng kể với thiếu nhi nhiều câu chuyện học tập của các thế hệ đi trước thời đất nước còn khó khăn, học dưới ánh đèn dầu, hầm tránh bom.
"Có ý chí học sẽ học được, nhất là khi điều kiện của các em hiện đã tốt hơn nhiều. Tôi mong muốn các em cố gắng, nỗ lực hơn nữa", ông khích lệ.
Học sinh bày tỏ trăn trở về tình trạng giao thông thiếu an toàn, môi trường ô nhiễm. Ảnh: Mạnh Tùng. |
Trước đó, gần 20 học sinh tiểu học và THCS chia sẻ những trăn trở về nhiều lĩnh vực giao thông, môi trường, học đường, y tế gặp phải trong năm qua.
Nguyễn Duy Nguyên (Tiểu học Lương Thế Vinh, quận 2) phản ánh trên nhiều tuyến xe buýt, nhân viên quát tháo hành khách trong khi tài xế chạy rất ẩu. Em mong muốn họ được đào tạo bài bản để cư xử lịch sự với hành khách và chấp hành đúng luật giao thông.
Như Ngọc Quỳnh Như (THCS Nguyễn Hiền, quận 12) cho biết, nhà vệ sinh ở nhiều trường hiện xuống cấp, bẩn thỉu khiển học sinh ái ngại mỗi khi sử dụng. "Mong các cô chú lãnh đạo quan tâm để chúng em có nhà vệ sinh sạch sẽ, yên tâm học hành và đảm bảo sức khỏe", Như nói.
Nữ sinh cũng cho biết, ở khu vực gia đình bạn mình sống, gần khu phần mềm Quang Trung, đông người qua lại không có đèn đường, hoặc có một số đèn nhưng lại không hoạt động.
"Đoạn đường rất nhiều ổ gà, xe đi lại nhiều nhưng rất tối nên khá nguy hiểm. Bạn con từng bị té rất nhiều lần. Con mong các cô quan tâm cải thiện đường xá, lắp đèn đường ở đây", Như đề nghị.
Trong khi đó, Nguyễn Lê Minh Khuê (THCS Nguyễn Gia Thiều, quận 3) lại quan tâm đến việc nhiều người hút thuốc ở những nơi công cộng, ảnh hưởng đến sức khỏe người xung quanh. Khuê đề xuất thành phố xây nhiều nơi riêng biệt cho người hút thuốc.
Nữ sinh này cũng muốn thành phố lắp đặt thêm nhiều thùng rác công cộng ở dọc các tuyến đường kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè bởi đang xuất hiện nhiều rác mỗi buổi sáng.
Nhiều học sinh khác nêu nguyện vọng ngành giáo dục sắp xếp lại thời khóa biểu để các em có thêm thời gian di chuyển đến trường đúng giờ, tham gia các hoạt động vui chơi, rèn luyện thân thể. Bạo lực học đường, bạo hành trẻ em tại các trường mầm non, trình trạng học sinh béo phì... cũng được nhiều đại biểu nhỏ tuổi quan tâm, nêu ý kiến.
Hoàng Lân (học sinh trường THCS Nguyễn Gia Thiều) góp ý trong lĩnh vực giáo dục. Ảnh: Mạnh Tùng. |
Tiếp thu ý kiến của học sinh, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong chỉ đạo các sở ngành giải quyết rốt ráo những tồn động này. Ông nói muốn nhận được sự góp sức của thiếu nhi trong những chủ đề trọng tâm của thành phố năm 2018.
Ông Phong cho biết đây là năm an toàn giao thông cho trẻ em, lấy trẻ em là mục tiêu và động lực xây dựng văn hoá giao thông cho toàn xã hội. Do đó, ông mong học sinh chấp hành tốt luật lệ giao thông, đảm bảo được sự an toàn cho chính mình.
"Ngoài ra, mong các em giúp cho việc tuyên truyền, nhắc nhở bạn bè, cha mẹ và những người xung quanh ý thức chấp hành luật giao thông. Tôi đã thấy nhiều mô hình tuyên truyền của các em rất hiệu quả, mong các em phát huy", ông nói.
Đề nghị này được ông Phong nhắc lại khi nói về câu chuyện bảo vệ môi trường, nhất là ý thức giữ gìn cảnh quan đô thị, vứt rác đúng nơi quy định. Chủ tịch TP HCM liên hệ những hình ảnh rác tràn ngập ở trung tâm thành phố sau màn pháo hoa đêm giao thừa, trong đó nguyên nhân chính từ sự thiếu ý thức của nhiều người trẻ.
Với chương trình xây dựng đô thị thông minh, ông Phong muốn học sinh tích cực trau dồi kiến thức bằng việc nâng cao văn hóa đọc, tiếp thu công nghệ mới. Tuy nhiên, ông cũng khuyên họ không quá lệ thuộc vào các thiết bị công nghệ để có thời gian học hỏi, trải nghiệm nhiều hơn từ đời sống thực tế.
"Các em cần nắm vững các kiến thức về khoa học xã hội nhân văn, nhất là lịch sử, văn hóa. Những nhà lãnh đạo tài ba, những nhà quản lý giỏi trên thế giới họ rất am hiểu lịch sử, các môn nghệ thuật... Học giỏi Toán là tốt nhưng cần học đều các môn", ông Phong nhắn nhủ thêm.
Người đứng đầu chính quyền TP HCM cũng nhắc nhở học sinh nên tích cực rèn luyện kỹ năng sống, tham gia nhiều hoạt động xã hội, đoàn thể bởi đây là môi trường tốt để các em trưởng thành.
Tự ý cho 658 học sinh nghỉ học để giáo viên gặp mặt sau Tết: Yêu cầu lãnh đạo trường làm kiểm điểm Liên quan đến việc Trường Tiểu học Dương Nổ tự ý cho học sinh nghỉ học để gặp mặt sau Tết, lãnh đạo Phòng Giáo ... |
Học sinh uể oải trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết dài Uể oải, chưa muốn đến trường, ngại đi học… là tâm trạng của nhiều học sinh, sinh viên trong ngày đầu tiên trở lại trường ... |
Ngày đăng: 16:54 | 24/02/2018
/ vnexpress.net