Nhiều doanh nhân trẻ có những quyết định táo bạo, những cú bứt phá ngàn tỷ và những tham vọng tỷ USD, nhóm lên nguồn cảm hứng lớn cho cộng đồng doanh nhân Việt Nam.
Bước ngoặt của ông lớn
Cổ đông của CTCP Thế giới Di động (MWG) vừa thông qua ngân sách 2,5 ngàn tỷ đồng để HĐQT, đại diện là chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Tài, thực hiện mục tiêu thâu tóm và mở rộng chuỗi cửa hàng điện máy, đồng thời xây dựng một chuỗi cửa hàng dược phẩm.
Như vậy, chỉ sau vài tháng, kế hoạch phát triển Thế giới Di động của ông Nguyễn Đức Tài đã vượt lên một tầm cao mới, khác hẳn so kế hoạch cũ vừa thông qua tại Đại hội đồng Cổ đông thường niên 2017.
Những đại gia Việt nhiều tham vọng. |
Kế hoạch thâu tóm này nhằm mở rộng hệ thống bán lẻ của Thế giới Di động, giờ đã lớn gấp 5 lần so với cách đây vài tháng.
Tốc độ triển khai cũng rất nhanh với thương vụ mua cổ phần của CTCP Thế giới số Trần Anh (TAG), đối thủ lớn của MWG tại miền Bắc Việt Nam. TAG vừa công khai xin ý kiến cổ đông “bán mình” cho Thế giới Di động và xin hủy niêm yết tự nguyện toàn bộ cổ phiếu trên sàn chứng khoán Hà Nội (HNX).
Với thương vụ này, tùy theo tỷ lệ mà MWG sở hữu Trần Anh, Thế giới Di động có thể bỏ ra số tiền từ vài trăm cho tới cả ngàn tỷ đồng. Nếu có trong tay TAG, MWG sẽ trở thành nhà bán lẻ công nghệ lớn nhất tại Việt Nam, cũng là DN có chuỗi bán lẻ hàng điện máy hàng đầu trên toàn quốc.
Gần đây, thị trường điện thoại di động cũng rúng động với thông tin BKAV của ông Nguyễn Tử Quảng đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng và ra mắt Bphone - sản phẩm điện thoại di động do người Việt Nam sản xuất, với giá cận cao cấp (gần 10 triệu đồng) nhằm cạnh tranh với thế giới.
Chưa biết độ thành công của Bphone sẽ như thế nào nhưng tham vọng của ông Nguyễn Tử Quảng là rất lớn. Đó là giấc mơ làm công nghệ của người Việt, là quyết tâm sánh vai với quốc tế, dám cạnh tranh sòng phẳng với các đối thủ lớn trên thế giới.
Ông Nguyễn Đức Tài, Thế giới Di động. |
Tham vọng ngang tầm quốc tế
Những quyết tâm của ông Nguyễn Tử Quảng nghe có vẻ xa vời khi dám đối mặt với cả những ông lớn như Samsung và Apple. Ông Quảng thậm chí còn khẳng định không ngại một hãng nào trên thế giới về phần mềm lẫn phần cứng, kể cả việc nghiên cứu (R&D) và việc sản xuất một chiếc smartphone. Đó là một khát vọng lớn lao, song thất bại cũng là điều mà phần lớn doanh nhân có chí tiến thủ chuẩn bị sẵn tâm lý đón nhận.
Một doanh nhân mà tham vọng luôn ở tầm khu vực cũng như thế giới và không thua kém ai là ông Phạm Nhật Vượng. Tuy tuổi còn khá trẻ nhưng ông Vượng là người giàu kinh nghiệm và thành công ở rất nhiều lĩnh vực, cả ngoài nước và trong nước.
Ông Vượng được biết đến là ông vua mì tôm ở Ukraine và một số nước Đông Âu trước khi mang khối tài sản có lẽ lên đến vài trăm triệu USD về nước để trở thành ông trùm trong lĩnh vực bất động sản và nghỉ dưỡng, và là tỷ phú USD đầu tiên, chính danh tại Việt Nam.
Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả. Tham vọng của ông Vượng còn rất lớn. Trong khi ông Nguyễn Đức Tài tập trung vào thế mạnh của mình thì tỷ phú đô la Phạm Nhật Vượng cũng tính tỷ USD cho bán lẻ với kỳ vọng về tầm nhìn dài hạn.
Ông Phạm Nhật Vượng. |
Theo Bloomberg, Tập đoàn Vingroup của doanh nhân Phạm Nhật Vượng cùng với cổ đông ngoại Warburg Pincus đang tính chào bán lượng cổ phiếu trị giá 600 triệu USD thông qua IPO tại thị trường trong nước để đẩy mạnh hoạt động kinh doanh cho mảng bán lẻ Vincom Retail.
Vincom Retail hiện đứng thứ 10 trong danh sách các ông lớn bán lẻ tại Việt Nam, hiện đang quản lý 40 trung tâm thương mại tại 21 tỉnh thành, chiếm khoảng 60% thị phần mặt bằng kênh bán lẻ hiện đại. Cùng với Coop Mart, đây là những tập đoàn có thể cạnh tranh được với các đại gia bán lẻ đến từ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc như Big C, Metro, Aeon, Lotte,..
Tham vọng của ông Dương Công Minh, chủ tịch Tập đoàn Him Lam, cũng rất lớn. Sở hữu khối lượng tài sản rất lớn, thành công và rất nổi tiếng trong lĩnh vực bất động sản và tài chính ngân hàng, nhưng doanh nhân gốc Bắc Ninh này gần đây quyết định dấn thân vào Sacombank để vực dậy ngân hàng từng đứng hàng đầu trong hệ thống.
Ông Dương Công Minh kỳ vọng 3 năm tái cơ cấu xong Sacombank thay vì 10 năm như đề án. Him Lam của doanh nhân gốc Bắc Ninh này là một "ông lớn" trong lĩnh vực địa ốc, với hơn 30 đơn vị thành viên và công ty liên kết hoạt động trong các lĩnh vực như kinh doanh bất động sản, tài chính ngân hàng, khu vui chơi giải trí, sân golf,... tập trung ở Hà Nội, TP.HCM và 1 số địa phương khác.
Hiện rất nhiều nhà đầu tư ngoại tin tưởng và đổ tiền vào doanh nghiệp của các doanh nhân Việt có tham vọng. Các quỹ ngoại thuộc công ty quản lý Dragon Capital đang dổ tiền mạnh vào cổ phiếu Thế giới Di động, bất chấp cổ phiếu này đang đứng ở vùng giá cao lịch sử. Các tổ chức lớn cũng đổ rất nhiều tiền vào Vingroup. Trong khi đó, Sacombank luôn thu hút sự chú ý của khối ngoại.
Chưa bao giờ khát vọng của doanh nhân Việt lại lớn lao và có tính khả thi cao như bây giờ. Chặng đường vươn lên của các doanh nghiệp tư nhân còn dài. Thành công và điều tốt đẹp nhất còn ở phía trước. Có thể nói, tham vọng của các doanh nhân lớn như ông Vượng, ông Tài, ông Quảng,... rõ ràng đang nhóm lên nguồn cảm hứng và hy vọng lớn cho cộng đồng doanh nhân Việt Nam.
(http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/doanh-nhan/ong-lon-but-pha-nghin-ty-doanh-nhan-tre-tham-vong-ty-usd-395146.html)
Ngày đăng: 06:28 | 02/09/2017
/ Theo M.Hà/Báo VietNamnet.vn