Nguyên ĐBQH Khóa 13 cho rằng, sai phạm chấm thi chấn động ở Hà Giang có đường dây đứng sau, cần phải phanh phui người chỉ đạo đường dây này.

Liên quan đến sai phạm chấm điểm thi chấn động ở Hà Giang, trả lời PV VTC News, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nguyên ĐBQH Khóa 13 cho rằng đây là sự việc rất nghiêm trọng, có đường dây đứng sau và cần phải phanh phui người chỉ đạo đường dây này.

"Riêng đối với tỉnh Hà Giang phải điều tra đến cùng, phải đưa ra ánh sáng những ai sai phạm. Không thể có chuyện toàn con cái quan chức lãnh đạo tỉnh này được nâng điểm mà lại chỉ có một mình anh công chức Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh này làm từ đầu đến cuối. Tôi cho rằng vụ việc trên phải có đường dây đứng sau. Bởi vậy cần phải phanh phui là ai đứng sau và ai chỉ đạo đường dây này”, nguyên ĐBQH Khóa 13 khẳng định.

ong le nhu tien sai pham cham thi o ha giang co duong day dung sau can phai phanh phui

Ông Lê Như Tiến cho rằng, sai phạm chấm thi chấn động ở Hà Giang có đường dây đứng sau, cần phải phanh phui người chỉ đạo đường dây này.

“Khi mới nghe thông tin thì tôi thực sự rất bất ngờ. Bất ngờ bởi vì tại sao những thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM mà kết quả thi THPT Quốc gia 2018 lại không cao như Hà Giang. Mà chúng ta biết rồi, Hà Giang là một tỉnh nghèo, còn rất nhiều khó khăn, việc học tập của các em học sinh ở đây cũng còn rất nhiều gian khổ, vậy tại sao lại có tỉ lệ học sinh được điểm cao như thế được? Rõ ràng ngay từ đầu tôi đã thấy có sự phi lí”, ông Tiến nói.

Ông Lê Như Tiến cho biết, qua các năm phụ trách lĩnh vực giáo dục của Quốc hội, ông được biết quy trình của kì thi THPT Quốc gia làm rất chặt chẽ. Việc xem xét kết quả một bài thi của một thí sinh nào đó là rất phức tạp. Điều này phải qua nhiều bước khác nhau như thí sinh phải gửi đơn phúc tra lên hội đồng chấm thi, hội đồng lại phải lập ban để xem xét, chấm lại bài thi cho thí sinh đó ra sao... Do vậy, không thể có chuyện “con voi chui qua lỗ kim” như trường hợp ở tỉnh Hà Giang được.

“Tôi được biết quy trình chấm thi rất là chặt chẽ, có cả hội đồng hẳn hoi, vậy mà có thông tin là chỉ một vị trong ngành giáo dục của tỉnh Hà Giang can thiệp tới hàng trăm bài thi, nâng lên hàng chục điểm thi như vậy thì thật nguy hiểm. Đặc biệt là những thí sinh được nâng điểm lại toàn là con em quan chức tỉnh này, rõ ràng là có vấn đề”, ông Tiến nói.

Theo ông Lê Như Tiến, không chỉ riêng trường hợp tỉnh Hà Giang, mà đối với các tỉnh thành mà dư luận cho rằng có hiện tượng điểm thi THPT Quốc gia cao bất thường như Sơn La, Lạng Sơn, cơ quan chức năng đều phải có trách nhiệm vào cuộc điều tra, làm rõ.

“Tôi cho rằng những sai phạm này không chỉ có riêng Hà Giang thôi đâu mà còn rất nhiều nơi khác nữa. Đối với các địa phương như Sơn La, Lạng Sơn hay tỉnh nào đó mà dư luận nêu nghi vấn đề điểm thi THPT Quốc gia cao bất thường thì các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc để điều tra làm rõ", nguyên ĐBQH Khóa 13 đề nghị.

Ông Lê Như Tiến cũng cho rằng hành vi của người cố ý nâng điểm thi, làm sai lệch kết quả thi của thí sinh đã vi phạm điều lệ Đảng, Luật Cán bộ công chức và Luật Giáo dục, do đó cần phải xử lý nghiêm khắc đối với trường hợp này.

Cũng về những sai phạm nghiêm trọng trong việc chấm điểm thi tại Hà Giang và một số tỉnh thành khác, ông Lê Thanh Vân, đại biểu Quốc hội Khóa 14 cho rằng cần phải làm rõ thế lực đứng sau chỉ đạo việc cố ý làm sai lệch kết quả điểm thi.

Vị đại biểu Cà Mau nêu ý kiến: “Ở đây, không loại trừ khả năng kẻ trực tiếp thực hiện hành vi sai phạm này muốn lấy lòng, lập công với cấp trên. Cũng không loại trừ việc làm này còn vì những động cơ khác như tiền bạc. Việc này cơ quan điều tra đang làm và sẽ sớm có kết quả. Tôi cho rằng, việc này thì phải làm thật nghiêm. Hệ thống giáo dục của ta hiện đã có những hạn chế, tiêu cực, đây là cơ hội để chúng ta chỉnh đốn lại. Phải xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm để làm gương răn đe những nơi khác”.

Về thông tin cho rằng trong số 114 thí sinh được nâng điểm ở Hà Giang, nhiều thí sinh là con quan chức tỉnh này, đặc biệt là nhiều thí sinh đã đăng ký nguyện vọng học các trường an ninh, cảnh sát, đại biểu Lê Thanh Vân nhận xét: “An ninh và cảnh sát là các ngành mà học viên được nuôi bằng ngân sách nhà nước, do đó, người ta có động cơ vào đấy rõ ràng là có tính toán từ trước.

Khi học ở các trường đào tạo an ninh, cảnh sát, học viên sẽ được bao cấp toàn bộ, sau đó lại được bố trí công ăn việc làm sau khi ra trường. Đó là tôi còn chưa nói đến những điều kiện có thể phát sinh tiêu cực khi mà họ ra trường và làm việc sau này”.

Ông Vân cũng lo lắng đầu vào mà quá kém như vậy thì đương nhiên đầu ra không thể tốt được: "Đặc biệt, đầu ra của những thí sinh này trở thành cán bộ thì quá nguy hiểm cho xã hội”.

ong le nhu tien sai pham cham thi o ha giang co duong day dung sau can phai phanh phui Từ vụ nâng điểm thi rúng động: Kỳ thi 2 trong 1 đã hết sứ mệnh?

Sau sự cố gian lận điểm thi tại Hà Giang, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng kỳ thi “2 trong 1” đã thực sự ...

ong le nhu tien sai pham cham thi o ha giang co duong day dung sau can phai phanh phui "Lãnh đạo ngành giáo dục phải nhận trách nhiệm về sai phạm ở Hà Giang"

GS.TS Phạm Tất Dong cho rằng người đứng đầu ngành giáo dục phải nhận trách nhiệm trong gian lận điểm thi ở Hà Giang cùng ...

Ngày đăng: 08:14 | 20/07/2018

/ https://vtc.vn