Theo Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí, người tham nhũng thường không tự đứng tên tài sản của họ, do vậy cần phải ban hành được luật đăng ký tài sản để phòng, chống tham nhũng…
Viện trưởng Viện KSND TC Lê Minh Trí báo cáo tại phiên họp |
Sáng 12-1, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 52, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Tòa án nhân dân Tối cao (TAND TC), Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao (VKSND TC).
Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí cho biết, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, ngành Kiểm sát đã thực hành quyền công tố, kiểm sát khởi tố mới 375.884 vụ, tăng 1,2% so với nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII.
Đáng chú ý, toàn ngành đã ban hành hơn 220.000 văn bản yêu cầu kiểm tra, xác minh việc giải quyết tin báo tố giác tội phạm, qua đó góp phần hạn chế các trường hợp khởi tố oan và bỏ lọt tội phạm.
Những trường hợp bị khởi tố, điều tra oan chiếm tỷ lệ rất nhỏ, giảm dần theo từng năm và giảm 52,7% so với nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII.
Đặc biệt, Viện trưởng VKSND TC nhấn mạnh, ngành Kiểm sát đã kịp thời phát hiện, điều tra, truy tố và phục vụ xét xử nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp; bảo đảm việc xử lý, giải quyết vừa có tính pháp lý, vừa có tính chính trị sâu sắc; tổng số tài sản thu hồi trong các vụ án tham nhũng đạt gần 80.000 tỷ đồng.
Còn với ngành TAND, Chánh án TAND TC Nguyễn Hòa Bình cho biết, thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống tham nhũng, các tòa án đã đưa ra xét xử nghiêm 7.463 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp với 14.540 bị cáo và áp dụng hình phạt tương xứng.
Đồng thời, ngành Tòa án đã áp dụng các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản để thu hồi hàng chục nghìn tỷ đồng theo quy định của pháp luật….
Phát biểu thêm trong quá trình thảo luận tại phiên họp, Viện trưởng VKSND TC Lê Minh Trí cho biết, về vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng, trước đây thường sau khi có bản án mới thực hiện và làm được đến đâu hay đến đó. Tuy nhiên, nhiệm kỳ này, có một tinh thần mới đó là thực hiện tích cực ngay từ khâu điều tra, truy tố, xét xử.
Tuy nhiên, việc thu hồi tài sản tham nhũng vẫn khó khăn. Theo ông Trí, hiện kê khai tài sản mới chỉ áp dụng với cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị. Trong khi đó, người tham nhũng thường không tự đứng tên tài sản mà là “người ngoài xã hội”.
“Có người hai mấy, ba mươi tuổi đứng tên tài sản vài trăm tỷ, nghìn tỷ là có. Chúng ta biết hết nhưng không “đụng” vào được vì liên quan quyền sở hữu của công dân” – ông Lê Minh Trí dẫn chứng.
Từ thực tế đó, Viện trưởng VKSND TC đề nghị cần phải ban hành được Luật đăng ký tài sản nhằm góp phần phòng, chống tham nhũng cũng như thu hồi tài sản tham nhũng.
“Nếu có luật trên, anh đăng ký tài sản mà không chứng minh được thì bị “thăm hỏi” ngay và có cơ sở pháp lý để xử lý. Và chắc rằng khi đó không còn chỗ ẩn nấp cho tài sản tham nhũng” – ông Trí nói.
Tham nhũng bằng cấp
Việc đầu tiên mỗi sáng của tôi là truy cập 10 tạp chí y tế hàng đầu để xem khoa học đã đạt được tiến ... |
Phòng chống tham nhũng: Tập trung hoàn thành xét xử sơ thẩm 9 vụ án trọng điểm trong những tháng cuối năm
Ngày 25/7, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo) đã họp phiên thứ 18 dưới sự ... |
Ngày đăng: 19:37 | 12/01/2021
/ anninhthudo.vn