Chia sẻ về con số 38% tài xế container sử dụng ma túy, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, Cục Cảnh sát giao thông chưa bao giờ công bố con số này.
Vài năm gần đây, nhìn vào con số tuyệt đối thì số vụ tai nạn giao thông, số người chết và bị thương đều giảm nhẹ tuy số phương tiện, số người tham gia giao thông tăng lên.
Nhưng tai nạn giao thông vẫn là vấn nạn đối với xã hội chúng ta. Riêng trong năm 2018 này, tính trung bình mỗi ngày cả nước xảy ra 52 vụ tai nạn giao thông khiến 23 người tử vong. 80% số vụ tai nạn giao thông xảy ra trên đường bộ. Không ít vụ tai nạn nghiêm trọng khiến cả chục người thiệt mạng và mới đây nhất là vụ tai nạn khiến bốn người chết, hàng chục người bị thương khi dừng đèn đỏ bị xe container đâm.
Những ngày cuối năm này khi nhu cầu đi lại tăng cao, lại càng ẩn chứa nhiều hơn nguy cơ tai nạn.
Góc nhìn thẳng có cuộc trao đổi với ông
Khuất Việt Hùng
- Phó Chủ tịch thường trực Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia để nhìn nhận lại thực trạng nhức nhối này và đặc biệt là các giải pháp kiềm chế tai nạn giao thông có thể thực hiện ngay trong thời gian tới.
Xin cảm ơn ông Khuất Việt Hùng đã nhận lời tham gia chương trình với chúng tôi.
Nhà báo Tư Giang:
Theo điều tra của Cảnh sát giao thông, có tới 38% tài xế container sử dụng ma túy, ông bình luận thế nào về điều này?
Ông Khuất Việt Hùng:
Thứ nhất, lần đầu tiên tôi được nghe con số 38% này và trong cuộc họp báo cách đây hai ngày tại Bộ Công an, lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông cũng thông tin tới cơ quan báo chí, Cục Cảnh sát giao thông chưa bao giờ công bố con số này. Chúng tôi không biết con số này đại diện cơ quan nào cung cấp.
Tuy nhiên, vừa rồi trong vụ tại nạn giao thông ở Long An, tôi có thông tin trực tiếp từ Bệnh viện Đa khoa Long An thì tài xế dương tính với heroin và sau 8 tiếng, nồng độ cồn trong máu của anh ấy là 0,59 là rất cao, bởi thông thường sau 8 tiếng chúng ta phải đào thải hết lượng cồn đã uống rồi. Như thế, chứng tỏ, tài xế này đã uống nhiều và gây ra vụ tai nạn giao thông này.
Tôi cũng nhắc lại, đây là vụ tai nạn giao thông đầu tiên tôi tiếp cận hồ sơ kiểm tra xét nghiệm có ma túy. Tôi cũng trao đổi với Đại tá Đỗ Thanh Bình – Cục phó Cục Cảnh sát giao thông, anh cho biết cũng mới chỉ tiếp cận 2 vụ việc.
Tôi không biết con số trên như thế nào nhưng phải khẳng định, luật pháp nghiêm cấm những người sử dụng ma túy, có dương tính với ma túy điều khiển phương tiện. Rõ ràng, vụ việc vừa rồi cho thấy, điều khiển phương tiện trong trạng thái cơ thể có ma túy, có chất kích thích, nó uy hiếp nghiệm trọng, dễ gây tai nạn giao thông nhất là tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng.
Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch thường trực Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia
Nhà báo Tư Giang:
Ông có thể nói một cách ngắn gọn nhất về thực trạng tai nạn giao thông Việt Nam, đặc biệt là tai nạn giao thông đường bộ trong năm 2018?
Ông Khuất Việt Hùng:
Năm 2018, tai nạn giao thông tiếp tục giảm cả 3 tiêu chí: số vụ, số người chết, số người bị thương. Trong đó, số vụ và bị thương giảm số vụ trên 5% chúng ta đạt mục tiêu. Tuy nhiên, số người chết chỉ giảm 0,4%, tức giảm tổng số trên 40 người. Chúng ta đạt được tiêu chí rất quan trong cho mục tiêu của năm an toàn giao thông 2018 – năm an toàn giao thông trẻ em, con số thương vong trẻ em giảm 11,85%, tức đạt vượt mục tiêu đề ra giảm tối thiểu 10%.
Tuy nhiên trong năm 2018, vẫn xảy ra những vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe kinh doanh vận tải, cụ thể là xe ô tô chở khách làm chết nhiều người. Trong đó, có 4 vụ đặc biệt nghiêm trọng ở Quảng Nam, Lai Châu, Cao Bằng, ... làm bình quân mỗi vụ có 8 người chết. Năm nay số vụ tai nạn gây chết người nhiều, tạo ra tâm lý rất bất bình, không yên trong dư luận xã hội.
Nhà báo Tư Giang:
Tai nạn giao thông
vẫn xảy ra rất đáng quan ngại, số người chết vẫn nhiều. Nhiều nguyên nhân đã được xác định như câu chuyện lỗi tài xế, lỗi vi phạm tốc độ, uống rượu… đây quả thực là vấn nạn đã được nói đến nhiều, đã có nhiều giải pháp nhưng sự chuyển biến thì dường như không đáng kể. Câu chuyện này có khắc phục được không và trên thực tế, ông thấy đâu là điểm cần xử lý?
Ông Khuất Việt Hùng:
Nguyên nhân dẫn dẫn đến tai nạn giao thông thì nguyên nhân trực tiếp đều liên quan đến hành vi của con người, trong đó có những người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, những người làm công tác quản lý, khai thác bảo đảm điều kiện an toàn cho kết cấu hạ tầng giao thông. Ngoài ra còn có những người sử dụng đất đai, không gian dọc tuyến đường vào hoạt động kinh tế xã hội khác nhau, gây ra mất an toàn giao thông, kể cả người làm công tác quản lý nhà nước và lực lượng chức năng.
Tuy nhiên, khi xét nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông, tức hành vi của người điều khiển phương tiện, chúng ta thấy nguyên nhân này không chỉ ở Việt Nam mà có ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Vi phạm nồng độ cồn dẫn đến mất khả năng kiểm soát, điều khiển phương tiện vi phạm gây tai nạn.
Ở các quốc gia hát triển, nguyên nhân nồng độ cồn không phải là nguyên nhân chính mà lái xe mất tập trung bởi sử dụng điện thoại, tin nhắn trong quá trình điều khiển phương tiện, tham gia giao thông, điều kiện hạn chết kết cấu hạ tầng giao thông.
Những nguyên nhân trên có khắc phục được không? Hay có người hỏi tại sao bao nhiêu năm nay vẫn nói nguyên nhân đó. Tôi cho rằng, ở nước nào làm công tác an toàn giao thông bao nhiêu năm nay người ta vẫn nói đến những nguyên nhân đó. Hỏi rằng chúng ta có làm gì không và làm được gì không, tôi chỉ nêu 2 con số để chúng ta so sánh.
Nếu năm 2011, chúng ta có khoảng 11.400 người tử vong vì tai nạn giao thông thì năm nay 8.428 người.
Trong khi năm 2011, toàn bộ phương tiên chúng ta có bao gồm ô tô, mô tô, xe máy chưa đầy 40 triệu, năm nay đã vượt qua 62 triệu, chưa kể 1 triệu xe máy điện và xe đạp điện tham gia giao thông.
Nhà báo Tư Giang:
Thưa ông, có vẻ như sự chủ động của các ngành, các cấp trong việc tổ chức thực hiện các biện pháp nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật cũng như xử lý nghiêm khắc đối với người điều khiển phương tiện vi phạm pháp luật còn chưa được triệt để nên có tình trạng thường là sau mỗi vụ tai nạn lớn xảy ra thì những quy định cũ lại được đem ra "hâm nóng"... đây cũng là nguyên nhân quan trọng khiến cho tai nạn giao thông chưa giảm như chúng ta mong muốn?
Nhà báo Tư Giang.
Ông Khuất Việt Hùng:
Khi chúng ta phân tích nguyên nhân trực tiếp, chúng ta hay nói đến người điều khiển phương tiện hay những vi phạm cụ thể liên quan đến việc sử dụng đường…nhưng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia và Chính phủ chưa bao giờ không khẳng định, an toàn của hệ thống giao thông vận tải hay bất kỳ hệ thống nào thì thuộc vào người thiết kế và quản lý hệ thống.
Tất cả những vụ tai nạn giao thông và khi phân tích những vụ tai nạn giao thông đó, chúng ta đều xem xét, đầu tiên là nền tảng tức là chuẩn tắc về an toàn bao gồm những quy tắc tham giao giao thông và những quy tắc thiết kế môi trường, những quy tắc bảo đảm an toàn cho phương tiện... Những cái gọi là quy tắc này thuộc trách nhiệm của Nhà nước, chỗ nào hổng, không hổng.
Khi chúng ta đã có quy tắc, chúng ta phổ biến, hướng dẫn, rèn luyện cho những người tham gia giao thông những quy tắc này để trở thành hành vi an toàn của họ chúng ta làm tốt chưa?.
Thứ ba, chúng ta duy trì trật tự, bảo vệ những quy tắc này trong quá trình người tham gia hoạt động giao thông trên đường làm tốt hay chưa thì đều có sự kiểm điểm.
Ở đây phải khẳng định, chưa bao giờ chúng ta lơi lỏng và rõ ràng sự kiểm điểm này rất nghiêm khắc. Tuy nhiên, việc chúng ta chưa chưa làm được triệt để, sòng phẳng bởi chúng ta chưa có quy định mang tính pháp lý ràng buộc trách nhiệm về mặt hành chính, pháp luật kể cả về chính trị của những cá nhân, tổ chức có liên quan đến quá trình thiết kế, bảo vệ pháp luật được thực thi trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Nhà báo Tư Giang:
Hiện nay, nhiều ý kiến tranh cãi quyết liệt về vai trò của phương tiện giao thông cá nhân, nhất là xe máy. Việc chúng ta sử dụng quá nhiều xe máy là nguyên nhân trực tiếp của tai nạn giao thông, ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này?
Ông Khuất Việt Hùng:
Tất cả những phương tiện mà khi người tham gia giao thông sử dụng mà không có điều kiện bảo vệ khách quan, ví dụ xe máy, xe đạp, người đi bộ. Điều khiện khách quan giống như chiếc ô tô có vỏ sắt bên ngoài. Rõ ràng, những điều kiện tham gia giao thông đó mất an toàn hơn các phương tiện khác.
Ở đây rõ ràng mô tô, xe máy có khoảng trên 58 triệu xe, cộng với 1 triệu xe máy điện, chiếm khoảng 94% tổng số phương tiện cơ giới đường bộ đang lưu thông.
Những người tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy gây ra khoảng 66% số vụ tai nạn giao thông. Những người tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy, xe đạp điện, thương vong mà họ phải chịu chiếm 87% trong tổng số những nạn nhân.
Có người cho rằng xe máy hay gây tai nạn nên cấm, dẫn đến chúng ta có cấm người đi bộ không vì họ không được bảo vệ dễ gây tai nạn.
Tôi cho rằng phương tiện không có lỗi, lỗi ở đây là chúng ta thiết kế hệ thống để bảo đảm an toàn cho những người tham gia giao thông bằng một phương tiện chiếm 95% số lượng phương tiện tham gia giao thông trên đường thì chúng ta chưa làm tốt được. Có lẽ, đến lúc cần suy nghĩ nghiêm túc về việc phải thiết kế lại môi trường tham gia giao thông đảm bảo an toàn cho những người nhạy cảm, dễ bị tổn thương trong quá trình tham gia giao thông.
Ở đây, có một số người đang có suy nghĩ không đúng với logic, đạo đức ứng xử trong xã hội giao thông mà chúng ta cần có.
Nhà báo Tư Giang:
Ông cho biết, những biện pháp căn bản nào cả về hạ tầng, phương tiện, lẫn tác động vào ý thức người tham gia giao thông có thể được thực hiện ngay trong thời gian ngắn tới đây, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán sắp tới nhằm hạn chế tai nạn giao thông?
Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch thường trực Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia và nhà báo Tư Giang trao đổi trong chương trình.
Ông Khuất Việt Hùng:
Việc đầu tiên, chúng ta vẫn phải tuyên truyền. Hiện nay, chúng ta vẫn phải đề nghị tất cả mọi người tham gia giao thông thực hiện hai việc.
Thứ nhất, đã uống rượu bia thì không lái xe.
Thứ hai, đã tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy, xe đạp điện thì phải đội mũ bảo hiểm.
Còn những giải pháp có thể làm ngay như ngồi trên xe ô tô phải thắt dây an toàn, đặc biệt là khi đi ra khỏi khu vực đô thị. Bởi vừa qua có một số vụ tai nạn giao thông xảy ra liên quan đến xe ô tô khách khiến nạn nhân bị thương vong rất nặng vì không thắt dây an toàn.
Bên cạnh đó, việc quan trọng nữa là tuần tra, kiểm soát. Tôi cho rằng, lực lượng làm việc trong dịp Tết, dịp cao điểm rất áp lực, nhưng chúng ta vẫn phải đòi hỏi tuần tra kiểm soát.
Trong tuần tra kiểm soát, việc đầu tiên phải hướng dẫn người dân đi lại an toàn, chống ùn tắc.
Thứ hai, những hành vi gây nguy cơ mất an toàn cao thì phải được phát hiện, ngăn chăn, xử lý nghiêm. Trọng tâm, tôi mong muốn các lực lượng chức năng phải tăng cường tuần tra, phát hiện, xử lý nghiêm hành vi vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ, hành vi không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy. Nếu chúng ta ngăn chặn vi phạm nồng độ cồn sẽ ít nhất giảm số vụ tai nạn giao thông. Nếu chúng ta ngăn chặn hành vi không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy sẽ giảm được con số thương vong nếu không may xảy ra tai nạn giao thông.
Hai hành vi này chúng tôi mong muốn lực lượng chức năng ở tất cả mọi địa bàn từ nông thông đến thành thị tập trung nhắc nhở người dân, nếu thấy có hành vi vi phạm phải xử lý.
Giảm tài xế "xe điên" gây tai nạn thảm khốc: 5 việc làm ngay
Cựu sỹ quan cao cấp công an Nguyễn Thành Lập góp kiến, để hạn chế số người lái xe “ô tô điên”cần quan tâm đội ... |
Tài xế ôtô chở 20 sinh viên lao xuống vực khai "xe mất phanh"
Nhà chức trách địa phương nói xe chở sinh viên lao xuống vực ở đèo Hải Vân đã mắc vào cây rừng nên "phần nào ... |
Tài xế xe chở sinh viên cố vượt ôtô chở dầu trước khi lao xuống vực
Các sinh viên đang nói chuyện vui vẻ trên ôtô thì bất ngờ xe lao xuống vực đèo Hải Vân, lăn nhiều vòng rồi nằm ... |
Tài xế Uber Mỹ thừa nhận giết 6 người
Jason Dalton nhận tội giết người sau khi đổ lỗi cho ứng dụng Uber khiến y gây ra 6 vụ xả súng. |
Ngày đăng: 14:30 | 09/01/2019
/