Nhiều cửa hàng cho biết, chiết khấu trên mỗi lít xăng dầu giảm xuống 0 đồng nhưng vẫn phải gồng mình hoạt động, nhưng một số khác lại "dọa" đóng cửa, nghỉ bán.

Thị trường xăng dầu trong nước những ngày gần đây nóng lên bởi câu chuyện “chiết khấu 0 đồng”, tức hoa hồng đại lý giảm về 0, khiến càng bán càng lỗ. Không những thế, nguồn hàng lại khó nhập, khiến nhiều đại lý xăng dầu khó chồng khó.

Cụ thể, trên diễn đàn về xăng dầu, nhiều cửa hàng, đại lý cho rằng, mức hoa hồng trên mỗi lít xăng dầu chỉ 0 đồng, thậm chí phải bỏ tiền để được mua dầu hàng. Trong khi đó, kỳ điều hành giá xăng dầu sắp tới sẽ rơi vào ngày 5/9, do trùng nghỉ lễ 2/9, nên mức lỗ sẽ nặng nề hơn.

Ồn ào xăng dầu 'chiết khấu 0 đồng': Hiểu sao cho đúng? - 1

Một số đại lý bán lẻ xăng dầu kêu lỗ nặng vì bị cắt hoa hồng, nhưng một số khác lại thể hiện thiện chí với nhà phân phối trong bối cảnh khó khăn hiện nay. (Ảnh minh họa)

Không những thế, quy định đại lý bán lẻ xăng dầu chỉ được lấy hàng của một nhà phân phối khiến các đại lý xăng dầu tư nhân bị động về nguồn cung. Do đó, doanh nghiệp bán lẻ cho rằng cơ quan quản lý cần cho phép đại lý bán lẻ được mở rộng quyền mua từ 2 nhà cung cấp trở lên, giúp đa dạng nguồn hàng, kho đầu mối này đứt nguồn họ có thể nhập kho đầu mối khác, tránh tình trạnh đứt nguồn buộc đóng cửa…

Trước thực trạng này, nhiều cửa hàng, đại lý kinh doanh bán lẻ xăng dầu "dọa" sẽ nghỉ bán hoặc bán cầm chừng để tránh rơi vào cảnh thua lỗ nặng.

Kinh doanh có lãi, có lỗ

Tuy nhiên, không phải cửa hàng, đại lý nào cũng có quan điểm như vậy. Chia sẻ với VTC News, ông Đ.V. Hậu (39 tuổi) chủ cửa hàng kinh doanh xăng dầu H.Petro, cho biết, đúng là có tình trạng mức chiết khấu giảm xuống còn 0 đồng. Mức chiết khấu là tiền mà doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối cắt lại các đại lý, cửa hàng bán lẻ tính trên mỗi lít xăng dầu. Với hoa hồng bằng 0, cửa hàng của ông H. đang chịu lỗ tiền mặt bằng, nhân công, khấu hao tài sản…

“Từ sau kỳ điều hành ngày 22/8, mức chiết khấu đã giảm xuống còn 0 đồng. Doanh nghiệp càng bán nhiều càng lỗ nhiều”, ông H. nói.

Tương tự, bà V.T. Xuyền (40 tuổi), chủ đại lý xăng dầu P.Oil, cũng cho hay, gần đây, mức chiết khấu giảm mạnh, từ 600 đồng, xuống 300 đồng, 200 đồng, 100 đồng rồi về 0 đồng/lít như hiện nay. Việc giá xăng lên xuống, biến động thất thường, chiết khấu lại về 0 khiến mỗi tháng cửa hàng của bà X. lỗ trên 10 triệu đồng, chưa tính tiền nhân công, vì tự đứng bán.

Thừa nhận việc hoa hồng giảm về 0 khiến kinh doanh lỗ nặng nhưng cả ông Hậu và và Xuyền đều cho rằng, kinh doanh khi lãi khi lỗ là bình thường, nên vẫn cố gắng đảm bảo đủ lượng cung ứng hằng ngày cho người dân.

“Lỗ thì vẫn phải bán, lúc này bù lúc kia chứ không thể đóng cửa nghỉ bán được. Nghỉ bán là bị thu hồi giấy phép ngay”, bà Xuyền nói.

Theo lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu, việc các doanh nghiệp đầu mối, nhà phân phối giảm chiết khấu xăng dầu xuống mức thấp, thậm chí hạ xuống 0 đồng, là chuyện bình thường trong kinh doanh. Theo báo cáo, hiện nay, giá xăng dầu tại thị trường Singapore cao hơn giá bán lẻ trong nước, khi nhập xăng dầu mới về, các doanh nghiệp đầu mối sẽ lỗ từ vài trăm đến 2.000 đồng/lít.

“Về mặt nguyên tắc, kinh doanh có thị trường, khi lãi cao, khi lãi thấp, thậm chí có khi lỗ. Bản thân doanh nghiệp đầu mối nhập về cũng đang lỗ thì chiết khấu cho đại lý 0 đồng là bình thường. Giá thế giới có thời điểm mua xuất kho còn âm. Những khi đại lý có lãi thì chả thấy kêu gì. Khi thị trường gặp khó, bán giá vốn, lỗ chi phí thì kêu cứu. Đã làm kinh doanh phải chấp nhận, doanh nghiệp đầu mối đang lỗ rất sâu, khó có thể gánh cả lỗ cho các đại lý, cửa hàng bán lẻ”, vị này cho biết.

Về câu chuyện đa dạng hóa nguồn hàng, người này cho hay, theo quy định hiện nay, đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu chỉ được nhập từ một nguồn hàng duy nhất. Nguyên nhân chính là do xăng dầu có đặc tính là chất lỏng, dễ trộn lẫn nên không xác định được nguồn cung cấp tại các cơ sở kinh doanh xăng dầu (kho, bể, cửa hàng...).

Thứ nữa, dầu là mặt hàng quan trọng và thiết yếu đối với đời sống kinh tế xã hội. Nhằm nâng cao hiệu quả trong việc kiểm soát chất lượng xăng dầu từ đầu nguồn tới người tiêu dùng, giúp truy xuất được nguồn gốc hàng hóa, xác định được trách nhiệm của thương nhân đầu mối… nên cần quy định đại lý và cửa hàng bán lẻ theo nguyên tắc chỉ lấy xăng dầu từ một nguồn cung cấp. Trường hợp đại lý, cửa hàng… lấy xăng dầu từ nhiều nguồn thì sẽ rất khó xác định được trách nhiệm của các bên khi xảy ra sự cố về chất lượng xăng dầu.

Bộ Công Thương nói gì?

Ngày 26/8, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì họp khẩn với các đơn vị liên quan điều hành xăng dầu. Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, thị trường xăng dầu của Việt Nam được đánh giá là ổn định hơn so với tất cả nước trong khu vực và thế giới, đặc biệt ngay cả trong lúc khó khăn nhất của thế giới cũng chưa khi nào thiếu nguồn cung.

Hiện giá xăng dầu cũng cơ bản giữ được mức ổn định và luôn thấp hơn so với khu vực và thế giới, nhờ sử dụng tốt các công cụ quản lý giá như điều tiết các khoản thuế phù hợp, điều chỉnh thuế về bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả quỹ Bình ổn xăng dầu (BOG).

Tuy vậy, ông Diên cho biết, mấy ngày gần đây, đặc biệt sau khi buộc phải tạm đình chỉ hoạt động xuất nhập khẩu xăng dầu của một số doanh nghiệp, lại xuất hiện những thông tin trên mạng xã hội, một số địa phương, thậm chí cả các cơ quan quản lý cho đến các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phản ánh bị thiếu hụt nguồn cung.

Lý do là một số doanh nghiệp vừa qua bị tạm thời tước giấy phép xuất nhập khẩu xăng dầu dẫn tới thiếu nguồn cung. Thêm nữa, các đơn vị kinh doanh cho rằng, do chiết khấu bằng 0 nên không có nguồn và người bán lẻ, người kinh doanh càng bán càng lỗ.

Ông Diên bói, đây là điều hết sức không bình thường vì giá có xu hướng giảm, do xu thế của thế giới giảm nhưng nguyên nhân chính là do Chính phủ và các bộ ngành đã chỉ đạo sử dụng các công cụ thuế và quỹ bình ổn để điều tiết giá xăng dầu.

Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), hiện hai nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn trong quý III dự kiến sản xuất 3,9 triệu m3 (chiếm 72% tổng nhu cầu), và sẽ tăng lên 4,4 triệu m3 trong quý IV.

Bộ Công Thương cũng chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu khoảng 500.000 m3/tháng. Với nguồn cung như trên, trong khi nhu cầu trong nước khoảng 1,6 - 1,7 triệu m3/tháng, hoàn toàn đáp ứng đủ.

Vụ Thị trường trong nước cũng có văn bản gửi thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối kinh doanh xăng dầu. Theo đó, Bộ Công Thương yêu cầu đầu mối và thương nhân phân phối chủ động nguồn hàng, có phương án nhập khẩu để bảo đảm cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước thời gian tới.

Không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh, duy trì hoạt động bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ của doanh nghiệp và cung cấp đủ hàng cho các cửa hàng bán lẻ.

Đặc biệt, cần chia sẻ nguồn cung, lợi nhuận trong hệ thống phân phối cho các khách hàng một cách hợp lý để bảo đảm không gián đoạn việc cung ứng xăng dầu.

Với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, Bộ Công Thương cho biết, hiện nay, vào giai đoạn cuối năm, nhu cầu sử dụng xăng dầu phục vụ việc đi lại, sinh hoạt của người dân và sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tăng cao (đặc biệt vào các dịp nghỉ lễ như lễ Quốc khánh 2-9, tết Trung Thu, Giáng sinh…).

Để bảo đảm nguồn cung xăng dầu đáp ứng đủ cho thị trường trong nước, Bộ Công Thương đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố chỉ đạo các doanh nghiệp trên địa bàn chủ động có phương án bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường.

Giám sát chặt chẽ việc bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn, không để xảy ra tình trạng ngừng bán hàng không có lý do chính đáng; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.

https://vtc.vn/on-ao-xang-dau-chiet-khau-0-dong-hieu-sao-cho-dung-ar697227.html

Ngày đăng: 14:38 | 28/08/2022

HÒA BÌNH / VTC News