Những cuốn học bạ toàn điểm 10 của học sinh dự tuyển vào lớp 6 Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam năm ngoái lại một lần nữa gây xôn xao cộng đồng mạng.
Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam được tuyển sinh lớp 6 trở lại vào năm 2019. Để đủ điều kiện dự thi vào trường, học sinh chỉ được phép có 1 điểm 9 trong suốt 5 năm tiểu học.
Thời điểm đó, tiêu chí này đã gây ra bao nhiêu tiếc nuối và tranh cãi trên mạng xã hội.
Khi kỳ tuyển sinh lớp 6 vào trường Ams năm nay đang đến gần, câu chuyện này một lần nữa lại trở nên ồn ào. Mặc dù đã giảm 2 điểm so với mức điểm sơ tuyển năm ngoái (từ 139 xuống 137 điểm), nhưng học sinh vẫn phải đạt kết quả kiểm tra định kỳ cuối năm là 10 điểm ở hầu hết môn mới có thể được vào vòng dự tuyển.
Sân chơi của nhà giàu?
Nhiều ý kiến cho rằng, với chương trình tiểu học hiện nay, việc đạt điểm 10 là không khó. Song, chị Hằng (Ba Đình, Hà Nội) thì hoài nghi về tính trung thực của những điểm 10 này.
"Có cháu hàng xóm hồ sơ toàn điểm 10 mà năm ngoái thi vào trường Ams chỉ đạt 3 điểm toán" - chị Hằng nghi ngờ.
"Tại sao lại phải đưa ra những yêu cầu cao để sàng lọc khắt khe như vậy?"
"Trường chuyên là trường đào tạo giỏi hay chỉ là nơi tập trung những cá nhân giỏi sẵn?", nhiều người bày tỏ sự băn khoăn trên mạng xã hội.
Phụ huynh thấp thỏm chờ con thi vào Trường THCS Ngoại ngữ (Ảnh: Thúy Nga) |
Có người cho rằng, yêu cầu về một bảng điểm đẹp như mơ chắc chắn sẽ khiến nhiều đứa trẻ phải gánh trên vai áp lực nặng nề. Đó còn là sự kỳ vọng và đầu tư của cha mẹ cả về công sức, thời gian lẫn tiền bạc.
“Cách thức tuyển sinh này sẽ tạo ra quá nhiều bất bình đẳng trong giáo dục. Chúng ta đều hiểu rằng để vượt qua được kỳ thi khốc liệt này, rất hiếm học sinh có đủ tự tin nếu chưa từng qua các lò luyện thi này, lớp học thêm khác.
Những đứa trẻ có điều kiện tốt sẽ lợi thế hơn rất nhiều so với những đứa trẻ kém điều kiện hơn. Xét cho cùng, với cách thức này, trường chuyên vẫn chỉ là sân chơi của những đứa trẻ nhà giàu”.
Không phủ nhận điều này, chị Hà My (Hoàng Mai, Hà Nội) cho rằng, kinh nghiệm của bạn bè, đồng nghiệp có con học ở các trường chất lượng cao cho thấy, không thể không đồng hành và rèn giũa con từ khi còn nhỏ. Vì vậy, cháu Hoàng Anh con chị bắt đầu đi học Tiếng Anh từ lúc 4,5 tuổi, ngoài ra còn học thêm toán bàn tính. Từ lớp 3, ngoài học tiếng Anh ở các trung tâm có giáo viên nước ngoài, Hoàng Anh còn học toán nâng cao, học thêm tiếng Anh nặng về ngữ pháp theo hướng thi chuyên - chọn.
Chị My tính nhanh, chi phí học tiếng Anh khoảng 5 triệu đồng cho một khóa 12 tuần, thì mỗi năm chị đã hết hơn 20 triệu. Trong 6 năm qua, gia đình chị đã đầu tư cho con trên 120 triệu đồng tiền học tiếng Anh.
"Ngoài ra, còn tiền học toán và tiếng Việt, nếu cộng vào thì chắc đã tốn khoảng hơn 200 triệu, chưa kể các chi phí khác" - chị My nói.
Trong khi đó, chị Thu Hương, hiện đang sống và làm việc ở Hà Nội, cho biết chị cũng là dân trường chuyên ở một tỉnh miền núi phía Bắc. Trước cuộc đua vào các trường top đang diễn ra, chị nhìn nhận ở Hà Nội kỳ thi này dù gay cấn nhưng có lẽ còn “sòng phẳng”, chỉ là bé nào được đầu tư sớm, hay nổi trội hơn thì có lợi thế hơn.
“Trường tôi từng học trước đây là nơi nhiều con cái quan chức được “gửi gắm”. Dĩ nhiên có bạn học tốt, nhưng cũng có bạn chỉ học làng nhàng, thậm chí là kém” - chị Hương kể.
Cần đổi mới thay vì xoá bỏ
Từ câu chuyện chạy đua vào lớp 6 các trường top ở Hà Nội đã nảy ra những tranh cãi về mô hình trường chuyên, trường chất lượng cao ở các cấp học.
Trước ý kiến xóa bỏ trường chuyên, nhiều giáo viên và các cựu học sinh trường chuyên lại cho rằng việc phải có một hệ thống đào tạo học sinh tài năng, tinh hoa để “ươm mầm” đội ngũ dẫn dắt xã hội là cần thiết ở bất cứ hệ thống giáo dục nào.
Là cựu học sinh chuyên Hoá, Trường THPT Chuyên Hà Nội-Amsterdam, chị Lê Hải Anh cho rằng việc tồn tại trường chuyên là phù hợp.
“Giáo dục tài năng không phải là một đặc ân cho một bộ phận mà là việc đáp ứng nhu cầu được phát triển theo khả năng của những học sinh có năng lực và cố gắng vượt trội. Thực tế cho thấy, trường chuyên đào tạo người có tỷ lệ thành công cao hơn hẳn so với các trường học khác”.
Nụ cười của học sinh trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam |
Có con từng học tại Trường THPT Lê Hồng Phong (Nam Định), chị Lê Thị Tuyết cho rằng, từ bao nhiêu năm nay các tỉnh/thành trong cả nước đều có trường chuyên. Chính những mái trường này đã đào tạo ra rất nhiều nhân lực chất lượng cao cho xã hội.
“Hãy để cho những trò giỏi có cơ hội phát triển”, chị Tuyết nói.
Trong khi đó, chị Mai Hồng (cựu học sinh chuyên Bắc Giang), có con học lớp 8 ở một trường chất lượng cao của Hà Nội cho hay: "Thực tế là giờ các cháu giỏi được như thế thì đa số đi học thêm ở bên ngoài, trừ những lớp đội tuyển hoặc chuẩn bị cho các kì thi, chương trình học ở các trường chuyên, trường chất lượng cao không có gì đặc biệt. Ở lớp học thêm của những thầy cô nổi tiếng, thì đa số học sinh là của các trường chuyên, trường chất lượng cao".
Còn anh Trường Hùng, một cựu học sinh Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam cho rằng quan điểm bỏ trường chuyên không có nghĩa là khiến trường chuyên ấy biến mất như dư luận đang lo lắng. Nó chỉ có nghĩa là “xóa” đi mô hình mỗi lớp học tập trung sâu, nghiêng lệch vào một môn. Thay vào đó, các lớp sẽ học đồng đều như nhau và đồng đều ở các môn.
“Tóm lại, trường vẫn là trường, thầy trò vẫn như thế, chỉ có cách tổ chức dạy và học là thay đổi theo hướng cân đối hơn giữa các môn học” - anh Hùng đề xuất.
Một lớp có 24 học sinh đỗ trường chuyên ở Hà Nội |
Hơn 8 điểm/môn mới trúng tuyển vào lớp 10 không chuyên ở TP.HCM |
Trường chuyên - ước mơ hay khủng hoảng? |
Ngày đăng: 22:16 | 22/06/2020
/ vietnamnet.vn