Đến ngày thi đấu thứ 5, thể thao Việt Nam chỉ còn 7 VĐV có khả năng cạnh tranh huy chương Olympic, với trọng tâm dồn vào cử tạ, bơi và điền kinh.

Hơn một nửa trong số 18 VĐV Việt Nam dự Olympic Tokyo đã không còn khả năng tranh chấp huy chương sau 4 ngày tranh tài căng thẳng. Hiện thể thao Việt Nam chỉ còn 7 VĐV đang cạnh tranh ở 5 bộ môn, trong đó niềm hy vọng lớn nhất được đặt vào môn cử tạ và bơi, nơi các VĐV Việt Nam có thể tạo bất ngờ.

Kỳ vọng ở Hoàng Thị Duyên

Sau thất bại của Thạch Kim Tuấn ở hạng cân 61kg nam, kỳ vọng ở bộ môn cử tạ được đặt lên đôi vai của Hoàng Thị Duyên - đương kim vô địch SEA Games hạng cân 59kg nữ.

Hoàng Thị Duyên mới có lần đầu dự đấu trường Olympic, nhưng niềm tin đặt vào nữ VĐV gốc Lào Cai là có cơ sở. Duyên từng là hiện tượng của cử tạ Việt Nam khi về nhì giải vô địch thế giới 2018, tổ chức tại Ashgabat, Turkmenistan.

Olympic Tokyo: Thể thao Việt Nam còn bao nhiêu VĐV cạnh tranh huy chương? - 1
Hoàng Thị Duyên chinh phục huy chương vàng SEA Games 30 trong lần đầu tham dự.

Ở giải đấu này, VĐV Việt Nam được xếp ở nhóm B - nhóm được đánh giá là không có cơ hội huy chương. Dù vậy, Hoàng Thị Duyên đã thi đấu ấn tượng và tạo nên địa chấn ở nội dung cử giật với thành tích 103kg, qua đó giành tấm huy chương bạc lịch sử.

Tiếp đà chiến thắng, Hoàng Thị Duyên đăng quang thuyết phục ở sân chơi SEA Games 30, cũng ở hạng cân 59kg nữ. Duyên đạt thành tích tổng cử 210kg, xuất sắc giành huy chương vàng, bỏ xa VĐV của nước chủ nhà Philippines đến 21kg.

Ở nội dung 59kg tại Olympic Tokyo chiều nay, Hoàng Thị Duyên sẽ cạnh tranh huy chương với Kuo Hsing-chun (Đài Loan, 247kg), Andoh Mikiko (Nhật Bản, 225kg). Ngoài ra, các VĐV Dora Meiriama (Pháp, 210kg), Maria Alexandra (Ecuador, 220kg) hay Guryeva Polina (Turkmenistan, 211kg) cũng là những đối thủ đáng gờm.

Với mức tổng cử tốt nhất từng đạt được là 223kg, Hoàng Thị Duyên được dự báo có khả năng giành huy chương đồng. Dù vậy, màn thể hiện của Thạch Kim Tuấn trong ngày thi đấu 25/7 cho thấy sân chơi Olympic rất khắc nghiệt. Đây là nơi quy tụ của những VĐV hàng đầu thế giới, đòi hỏi sự tập trung và bản lĩnh cao độ.

Olympic Tokyo: Thể thao Việt Nam còn bao nhiêu VĐV cạnh tranh huy chương? - 2
Hoàng Thị Duyên chỉ đăng ký mức tổng cử 218kg, xếp thứ 8/9 VĐV tranh tài.

Muốn chinh phục huy chương cho đoàn thể thao Việt Nam, Hoàng Thị Duyên cần thi đấu rất bình tĩnh và có chiến lược nâng tạ hợp lý. Hiện cô cùng ban huấn luyện lựa chọn mức cử tổng cộng 218kg, chỉ cao hơn VĐV Smith Roe của Vương quốc Anh trong danh sách các VĐV dự thi chung kết.

Nguyễn Huy Hoàng, Quách Thị Lan đợi kỳ tích

Ở nội dung bơi, Nguyễn Huy Hoàng được chờ đợi sẽ vượt qua vòng loại để có mặt ở top 8 tranh huy chương Olympic 2020. Huy Hoàng đạt hai chuẩn A Olympic ở các nội dung 800m tự do nam (thi đấu vòng loại vào chiều nay 27/7) và 1.500m nam (thi đấu chiều 30/7).

Ở vòng loại nội dung 800m nam, 32 VĐV được chia thành 5 nhóm đấu để chọn lấy 8 cái tên dự chung kết (không có bán kết). Huy Hoàng được bố trí ở đường bơi số 5 nhóm thi đấu số 2. Thành tích tốt nhất VĐV Việt Nam từng đạt được là 7 phút 52 giây 74, lập được vào tháng 7/2019.

Olympic Tokyo: Thể thao Việt Nam còn bao nhiêu VĐV cạnh tranh huy chương? - 3
Huy Hoàng vượt vòng loại 800m nam?

Ở nhóm 2, Huy Hoàng phải cạnh tranh với những VĐV đáng gờm như Jose Lopez (Bồ Đào Nha, 7 phút 52 giây 68) hay Dimitros Markos (Hy Lạp, 7 phút 53 giây 07). Nhìn chung, đây là nhóm đấu vừa sức với đại diện Việt Nam. Để vào chung kết, Huy Hoàng buộc phải về nhất hoặc nhì ở nhóm này.

Ở nội dung 1.500m nam, có 29 VĐV chia thành 4 nhóm, lấy 8 VĐV vào chung kết. Cơ hội của Huy Hoàng ở nội dung này là không lớn. Do đó, hy vọng của VĐV Việt Nam sẽ được dồn ở lượt thi vòng loại tối nay.

Quách Thị Lan cũng được trông đợi tạo ra bất ngờ ở nội dung 400m rào nữ. Quách Thị Lan là VĐV gốc Á duy nhất có tên trong số 40 VĐV tranh tài ở vòng loại. VĐV sẽ chia các VĐV thành 8 lượt chạy (mỗi lượt 5 VĐV) để chọn 24 cái tên góp mặt tại bán kết.

Olympic Tokyo: Thể thao Việt Nam còn bao nhiêu VĐV cạnh tranh huy chương? - 4
Quách Thị Lan là hy vọng vàng của điền kinh Việt Nam.

Mục tiêu của Quách Thị Lan là giúp điền kinh Việt Nam có lần đầu trong lịch sử có đại diện góp mặt tại bán kết Olympic.

Khó cho boxing, bắn cung

Ở nội dung boxing, võ sĩ Nguyễn Văn Đương đã có mặt ở vòng 1/16 sau chiến thắng bằng loạt tính điểm trước đối thủ Aliyev Tayfur (Azerbaijan) ở hạng cân 57kg.

Đối thủ của VĐV Việt Nam ở vòng đấu này là đương kim vô địch ASIAD Erdenebat Tsendbaatar (Mông Cổ). Nếu thắng Tsendbaatar, Nguyễn Văn Đương sẽ góp mặt ở vòng 16 võ sĩ mạnh nhất.

Lần đầu tiên boxing Việt Nam có đại diện đi sâu tại Olympic sau 33 năm chờ đợi. Do đó, mục tiêu của Nguyễn Văn Đương ở giải này là tiến càng xa càng tốt và tích lũy thêm kinh nghiệm.

Ở môn bắn cung (nội dung cung 1 dây), Đỗ Thị Ánh Nguyệt phải chạm trán cung thủ Harakawa Ren của chủ nhà Nhật Bản ở vòng 1/32. Ánh Nguyệt xếp hạng 45 sau 12 lượt bắn (72 mũi tên) với 628 điểm, kém cung thủ dẫn đầu An San (Hàn Quốc) tới 52 điểm.

Olympic Tokyo: Thể thao Việt Nam còn bao nhiêu VĐV cạnh tranh huy chương? - 5
Ánh Nguyệt khó tạo bất ngờ ở vòng 1/32 cung một dây nữ.

Trong khi đó, Nguyễn Hoàng Phi Vũ sẽ so tài với cung thủ đứng thứ 12 trong loạt bắn phân hạng, đó là Tang Chih Chun (Đài Bắc Trung Quốc) ở vòng 1/32. Ở vòng phân hạng, Tang Chih Chun đạt 668 điểm, hơn Phi Vũ 21 điểm.

Cả hai VĐV Việt Nam đều lần đầu dự Olympic và chỉ tham gia với mục tiêu cọ xát, học hỏi. Khó trông chờ hy vọng lấy huy chương của bắn cung Việt Nam, ở hạng mục tranh tài mà các VĐV Hàn Quốc như An San, Yang Min Hee (nữ) hay Kim Woo Jin, Kim Je Deok (nam) tỏ ra quá mạnh so với phần còn lại.

Thể thao Việt Nam ở Olympic: Thiếu cả lượng và chất Thể thao Việt Nam ở Olympic: Thiếu cả lượng và chất
Thể thao Việt Nam đau đáu huy chương vàng ở Olympic Thể thao Việt Nam đau đáu huy chương vàng ở Olympic

HỒNG NAM

Ngày đăng: 13:02 | 27/07/2021

/ vtc.vn