Dù có vài trường hợp mắc COVID-19 của các đoàn tham gia nhưng Olympic Tokyo 2020 vẫn được xem là an toàn giữa một thành phố đang trong tình trạng khẩn cấp.
Sau hơn một năm nơi tuyến đầu chống dịch COVID-19 ở Nhật Bản, bác sĩ cấp cứu Shoji Yokobori đang trải qua những ngày bình yên ở Olympic Tokyo 2020. Anh phụ trách một điểm thi đấu của Thế vận hội, nơi được áp dụng quy trình phòng dịch nghiêm ngặt với tỉ lệ lây nhiễm thấp hơn hẳn so với những gì diễn ra bên ngoài.
Nhóm của Yokobori gồm 13 người là những tình nguyện viên của đội ngũ y tế hỗ trợ ban tổ chức Olympic Tokyo 2020 ở Trung tâm triển lãm Tokyo International Forum, nơi diễn ra môn cử tạ. Họ chưa gặp phải bất kỳ tính huống đáng ngại nào, kể cả là chấn thương chứ chưa nói đến việc bùng phát dịch COVID-19 ở đây.
Yokobori kiểm tra xe cấp cứu ở điểm thi đấu. |
Đó là một thế giới hoàn toàn khác biệt so với những gì Yokobori thường trải qua khi làm việc ở trung tâm điều trị đặc biệt (ICU) của bệnh viện Đại học Y Nippon, Tokyo. Các đồng nghiệp của anh vẫn ở lại tuyến đầu để chiến đấu với làn sóng dịch thứ năm, với sức ép ngày một lớn đè lên hệ thống y tế của thành phố.
"Tôi đang sống giữa hai thế giới hoàn toàn khác biệt", Yokobori chia sẻ. Công việc chính của vị bác sĩ 47 tuổi, ở bên ngoài lớp bong bóng bảo vệ Thế vận hội, là trưởng khoa cấp cứu và chăm sóc nguy kịch của bệnh viện.
Anh nói: "Khi chúng tôi trở lại với thế giới thực, trong bệnh viện chẳng hạn, có rất nhiều bệnh nhân COVID-19. Giống như từ thiên đường đến địa ngục vậy".
Hơn ai hết, Yokobori hiểu rõ được sự khác biệt giữa 2 thái cực của tình hình dịch bệnh ở Tokyo.
Nhóm tình nguyện viên y tế của Yokobori làm việc ở điểm thi đấu môn cử tạ. |
Những nhà tổ chức Thế vận hội đã tạo nên một ngôi làng dành riêng cho các vận động viên, huấn luyện viên. Đa số những người trú chân ở đó được tiêm vaccine COVID-19 đầy đủ, thực hiện xét nghiệm bắt buộc mỗi ngày và tuân thủ các quy trình phòng dịch nghiêm ngặt. Nhưng ở bên ngoài, Tokyo rộng lớn vẫn có tỉ lệ tiêm chủng ở mức thấp. Quy trình xét nghiệm và giãn cách xã hội có vẻ không được mạnh cho lắm.
Bệnh viện nơi Yokobori công tác được chọn để hỗ trợ Olympic Tokyo 2020. Vị bác sĩ hâm mộ Naomi Osaka tình nguyện đứng ra nhận việc. Nhiệm vụ của anh mỗi ngày là đi vòng quanh địa điểm thi đấu để nắm tình hình và chỉ đạo công việc của bộ phận y tế, kể cả lấy mẫu máu kiểm tra doping. Việc Olympic Tokyo diễn ra trong điều kiện không có khán giả làm giảm đáng kể khối lượng công việc của họ.
Nhưng Yokobori cũng không tách hẳn với công việc ở bệnh viện. Anh vẫn nhận những cuộc gọi báo cáo tình hình khẩn cấp và xin ý kiến từ đồng nghiệp và cấp dưới.
Yokobori trở lại khoa cấp cứu của bệnh viện vào cuối tuần trước, khi anh có một ngày nghỉ theo lịch phân công của nhóm tình nguyện. Hôm đó, chiếc giường trống cuối cùng của phòng chăm sóc đặc biệt đã có bệnh nhân.
Vị trưởng khoa cảm thấy lo lắng, vì ngày càng có nhiều hơn các bệnh nhân trẻ. Đó là những trường hợp mất nhiều thời gian điều trị hơn, đồng nghĩa với việc họ nằm viện lâu hơn. Điều đáng sợ là không biết khi nào Tokyo mới qua đỉnh dịch.
Yokobori và đồng nghiệp ở các nhóm tình nguyện phải sẵn sàng trở lại bệnh viện bất cứ lúc nào. |
Một đồng nghiệp của Yokobori ở nhóm tình nguyện khác đang cân nhắc dừng công việc ở Olympic Tokyo 2020 để trở lại bệnh viện. Đài NHK đưa tin cách đây 3 ngày rằng không chỉ có một trường hợp như vậy. Hệ thống y tế của thành phố đang đối mặt với nguy cơ quá tải rất cao, trong khi nhiều bác sĩ trong đội ngũ tình nguyện viên vốn là những người phụ trách đơn vị cấp cứu của các bệnh viện.
Yokobori và nhóm của anh vẫn tiếp tục làm việc ở nhà thi đấu môn cử tạ. Tuy nhiên, họ luôn ở trong trạng thái sẵn sàng rời Olympic trước ngày bế mạc nếu tình hình ở các bệnh viện trở nên tồi tệ.
"Tôi không muốn nói trước trong khi Olympic đang diễn ra. Nhưng nếu chuyện đó xảy ra, chúng tôi sẽ chia ca ra để tăng cường thêm nhân lực ở đó", Yokobori chia sẻ.
MINH NGỌC (Nguồn: Reuters)
Ngày đăng: 20:00 | 05/08/2021
/ vtc.vn