Nhiều bệnh nhân sau khi thăm khám tại bệnh viện Bạch Mai , Hà Nội, được các bác sĩ kê cho Đơn tư vấn và yêu cầu tìm mua các loại đã kê trong đơn. Tuy nhiên trên thực tế, rất ít người trong số họ được giải thích thế nào là Đơn tư vấn. Tâm lý người mang bệnh, họ đơn giản là nghe lời. Mua bằng đủ, bằng được, đắt mấy cũng mua.
Nhan nhản “đơn thuốc con”
Theo tìm hiểu, một quy trình khám chữa tại Bệnh viện Bạch Mai thường diễn ra thực tế như sau:
Bệnh nhân đến trước cửa phòng khám, trình sổ khám bệnh và chờ đến lượt. Khám xong, bác sĩ sẽ trực tiếp (hoặc đọc cho y tá) ghi/đánh máy các loại thuốc ra giấy. Sau đó bác sĩ sẽ ký tên rồi yêu cầu bệnh nhân đi mua về sử dụng theo liều lượng ghi sẵn trong đơn. Với trường hợp bệnh nhân không đủ sức khỏe để tự đi mua, y tá sẽ là người mang đơn thuốc ra đưa cho người nhà. Và trong cả 2 trường hợp, hiếm khi bác sĩ, y tá giải thích gì thêm.
Nhóm phóng viên Báo Lao Động dành ra hơn 2 tháng để thu thập nhiều nhất có thể các “đơn thuốc” được kê bởi đội ngũ này, rồi tìm cách cách gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với người bệnh.
Song song với đó, quá trình khảo sát hệ thống 9 nhà thuốc của Bệnh viện Bạch Mai cũng mang đến cái nhìn tổng quát về sự phổ biến của các loại đơn/phiếu tư vấn. Tại đây, chúng xuất hiện nhan nhản trên tay người bệnh, được đính kèm khéo léo dưới mỗi đơn thuốc. Vấn đề ở chỗ, không nhiều bệnh phân biệt được sự khác biệt giữa 2 loại đơn. Họ đều gọi chung là “đơn thuốc”, là “thuốc”.
Các bệnh nhân đang chờ lấy thuốc tại một Nhà thuốc thuộc Bệnh viện Bạch Mai. |
Vậy đơn tư vấn là gì? Liệu có phải một dạng “đơn thuốc con”? Dưới đây là một số cuộc trao đổi đã được chúng tôi thực hiện trong tháng 12.2019:
Ngày 9.12.2019, hai mẹ con quê Khoái Châu, Hưng Yên đi ra từ Nhà thuốc số 3 Bệnh viện Bạch Mai. Người mẹ ngoài 40 tuổi cho biết cần phải bắt xe ôm về gấp nhà một người họ hàng ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) để mượn thêm tiền mua thuốc cho cậu con trai là cháu Lê Văn B. (9 tuổi) bị dị ứng. Chị cho biết: “Lúc tính tiền được báo là hơn 10 triệu đồng. Tôi không cầm đủ nên đành gửi lại để đi xoay sở”.
Chúng tôi đề nghị được xem tận mắt thì thấy, ngoài tờ giấy ghi đơn thuốc kê 8 loại thuốc thì tờ giấy ghi đơn tư vấn cũng kê 4 sản phẩm. Cả 2 đều có chữ ký người khám là một bác sĩ thuộc biên chế Trung tâm dị ứng – Bệnh viện Bạch Mai. Đáng chú ý, trong khi cả 8 loại thuốc được kê trong đơn thuốc chỉ có giá 3,4 triệu đồng thì 4 sản phẩm trong đơn tư vấn có giá gấp đôi, gần 7 triệu đồng.
Nhan nhản các đơn tư vấn trong Bệnh viện Bạch Mai. |
Khi được hỏi có biết thế nào là đơn tư vấn không, người phụ nữ cho hay: “Sau khi khám bác sĩ chỉ đưa cho 2 tờ giấy này (tay chìa “đơn thuốc”) bảo là đi lấy thuốc về uống chứ không tư vấn gì”.
Chứng kiến toàn bộ cuộc trò chuyện, một vị khách đứng gần đó động lòng giải thích: Đơn tư vấn chủ yếu là thực phẩm chức năng (TPCN), có tiền mua uống thêm thì tốt, không mua cũng không sao. Còn thuốc mới bắt buộc phải mua.
Chị nghe xong, ngẩn người: “Làm gì biết đâu là thuốc, đâu là TPCN đâu. Cứ nghĩ bác sĩ đưa cho và nói thế thì đều là thuốc cả chứ. Đợt trước đã hơn 6 triệu rồi, đợt này lại hơn 10 triệu nữa thì đào đâu ra tiền”.
Một tiền gà, ba tiền thóc
Ngày 16.12 tại Nhà thuốc số 9 Bệnh viện Bạch Mai, đơn thuốc của chị Hoàng Thị Kh. (43 tuổi, Việt Yên, Bắc Giang) bao gồm 5 loại lần lượt là: Sporacid 100mg (12 viên), Chimitol 500mg (6 viên), Jetry 1% (1 tube), Inti feme (1 lọ) và Gynoflor vaginal viên đặt B/6 (12 viên). Trong khi đó với đơn tư vấn, chị Kh. được kê 1 sản phẩm TPCN có tên Emmats Pregnenolone 12,5mg, Isofalavone 10mg; Cao Đương Q (số lượng 180 viên).
Khi được hỏi về việc bác sĩ có tư vấn cụ thể với đơn tư vấn không, và có biết đơn tư vấn gồm những gì không, chị Hoàng Thị Kh. khẳng định: “Tôi không biết. Bác sĩ khám xong chỉ dặn mang 2 tờ đơn này xuống nhà thuốc của bệnh viện để mua”.
Điều đáng nói, trong tổng hóa đơn hơn 2,5 triệu đồng thì giá thành hộp TPCN có tên Emmats đã gần 1,5 triệu đồng. Cầm trên tay “đơn thuốc” cùng các sản phẩm do bác sĩ kê, chị Kh. tỏ ra ngỡ ngàng và liên tục khẳng định bản thân không được bác sĩ dặn dò về điều này.
Một nhân viên Nhà thuốc chuẩn bị giao TPCN cho bệnh nhân. |
Tương tự, ngày 25.12, tại Nhà thuốc số 2 Bệnh viện Bạch Mai, trường hợp của chị Trần Thị H. (46 tuổi, Văn Giang, Hưng Yên) được bác sĩ ở bệnh viện Bạch Mai chẩn đoán mắc viêm cổ tử cung/ TMK – Không thai – Nang vú. Sau khi đi khám, ngoài đơn thuốc gồm 2 loại Inti feme (1 lọ) và Silnozigyn (10 viên), bác sĩ còn kê đơn tư vấn gồm Prevenka (Trinh nữ hoàng cung, 360 viên) và Omega-3 Melkhoff (90 viên), vốn đều là TPCN. Chị H. thanh toán 2 đơn hết 3.509.000 đồng, trong đó tiền thuốc chỉ 628.500 đồng.
Và chị H cũng không có bất cứ ý niệm nào về đơn tư vấn hay đơn thuốc. “Lúc kê đơn không thấy bác sĩ nói gì, chỉ dặn mình xuống mua theo đơn. Mong khỏi bệnh, nên mình cũng “bấm bụng” mua thuốc. Nhưng nếu biết đó là TPCN và có giá đắt như vậy có lẽ mình sẽ không mua”, chị H. than thở.
Đã thế, sự mập mờ ngay trong các đơn tư vấn cũng dễ khiến bệnh nhân hiểu nhầm TPCN là thuốc.
Đơn tư vấn dễ gây nhầm lẫn của bệnh nhân B. |
Ví dụ trong đơn tư vấn được cấp ngày 9.12.2020 bởi TS.BS Nguyễn Hoàng Phương, Giám đốc Trung tâm dị ứng MDLS – Bệnh viện Bạch Mai có ghi rõ 4 loại sản phẩm là Glutabest, Livaform, Latopic và Gokiny.
Tuy vậy, đơn này không hề có bất cứ nội dung nào thể hiện các sản phẩm trên đều là TPCN. Đã vậy, những nội dung ghi chú còn khiến người đọc hiểu lầm đây là thuốc như: “Dùng theo đúng chỉ dẫn, khám lại sau khi uống hết thuốc…" hoặc "Đề nghị cấp bán thuốc theo đúng biệt dược trên đơn, không được thay thế bằng biệt được khác…"
Ngày 1.5.2016, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 05/2016/TT-BYT quy định: Cấm người kê đơn kê vào đơn thuốc các thuốc, chất không nhằm Mục đích phòng bệnh, chữa bệnh; các thuốc chưa được phép lưu hành hợp pháp tại Việt Nam; thực phẩm chức năng; mỹ phẩm.
Ngày 1.5.2016, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 05/2016/TT-BYT quy định: Cấm người kê đơn kê vào đơn thuốc các thuốc, chất không nhằm Mục đích phòng bệnh, chữa bệnh; các thuốc chưa được phép lưu hành hợp pháp tại Việt Nam; thực phẩm chức năng; mỹ phẩm.
Bệnh viện Bạch Mai: Nhiều trường hợp mắc cúm trong tình trạng nặng
4 tuần gần đây nhiều bệnh nhân mắc bệnh cúm nhập viện trong tình trạng nặng. Đặc biệt, có bệnh nhân nữ, 31 tuổi (ở ... |
Nhóm Phóng Viên
Ngày đăng: 13:41 | 02/03/2020
/ laodong.vn