Những ngày này, số người mắc sốt xuất huyết (SXH) trên cả nước vẫn gia tăng nhanh chóng tới hơn 80.000 người. Ở Hà Nội, số ca mắc đã vượt qua 14.000 người và số bệnh nhân đang phải điều trị tại các bệnh viện là gần 2.000 trường hợp.
Hiện tại còn gần 300 ổ dịch chưa kết thúc, chủ yếu ở Đống Đa và Hoàng Mai. Quận Đống Đa vẫn đang giữ ngôi vị “quán quân” về số người mắc SXH, tiếp đến là Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông v.v…
Phát hiện ổ bọ gậy ở quận Hoàng Mai |
Sau gần 2 tuần kể từ ngày Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trực tiếp kiểm tra việc phòng, chống dịch SXH tại công trường xây dựng tòa nhà căn hộ cao cấp Hồng Kông Tower ở 243 Đê La Thành, Hà Nội, chúng tôi quay trở lại nơi này. Dĩ nhiên, vào công trường lúc này không dễ vì cửa đóng then cài, bảo vệ không cho vào nếu không được phép. Chúng tôi phải “trở thành” khách tìm mua căn hộ mới lọt qua được cánh cổng sắt luôn đóng kín với những người bảo vệ 24/24h.
Giữa trưa nắng như đổ lửa của ngày cuối tuần, tầng hầm hôm trước Phó Thủ tướng đến kiểm tra vẫn ẩm thấp, tối tăm như cũ. Nếu hôm trước còn khô ráo, được rắc vôi bột, phun thuốc diệt muỗi thì nay lênh láng nước. Những vũng nước đọng khắp tầng hầm. Chưa kể, các cầu thang lên các tầng đầy rác rưởi, là điều kiện cho nhiều bệnh mùa hè phát sinh. Có thể thấy sau đợt kiểm tra, tình hình phòng dịch bệnh đây gần như không thay đổi. Tình hình ở một số ổ dịch khá hơn.
Dường như vụ dịch nào, ổ dịch ở ngõ Văn Hương, phường Hàng Bột cũng có người mắc và phải đi cấp cứu, điều trị ở BV. Các vụ trước, khi nhân viên y tế đến phun hóa chất diệt muỗi để xử lý ổ dịch thì nhiều nhà – thậm chí chính gia đình có người bị SXH - không cho phun. Song năm nay, Tổ dân phố đến từng gia đình yêu cầu ký cam kết phòng chống SXH, khiến người dân dù muốn hay không cũng biết được khu vực đang ở có dịch.
Trước ngày phun hóa chất, cán bộ y tế phát loa đến từng ngõ ngách, thông báo tình hình dịch và giờ phun hóa chất. Việc phun thuốc muỗi năm nay cũng được làm triệt để hơn khi Tổ trưởng, Tổ phó dân phố trực tiếp đi cùng nhân viên y tế để gõ cửa từng nhà, nhất là các nhà trọ của sinh viên, người lao động, đảm bảo 100% gia đình đều được phun thuốc, tránh tình trạng nhà này phun, nhà bên cạnh không phun khiến hiệu quả phòng dịch không như mong muốn.
Tuy nhiên, ở các khu dân cư trong các ngõ nhỏ trên địa bàn quận Đống Đa như bờ hồ Linh Quang và khu giáp chợ Văn Chương, vẫn còn nhiều bụi cây dại làm bờ rào, hay cây cảnh rậm rạp, ẩm thấp ngay trước cửa nhiều gia đình – nơi trú ngụ của muỗi truyền bệnh.
Ở quận Hoàng Mai - “á quân” về số người mắc SXH với 2.483 bệnh nhân và 2 người tử vong, nhưng công tác phòng chống dịch còn nhiều gian truân. Ở đây có nhiều hồ, đầm, bụi rậm và nhiều công trình đang xây dựng, nên phế liệu, phế thải chứa nước đọng, nước mưa cũng nhiều, là điều kiện cho loăng quăng, bọ gậy phát triển. Đây cũng là địa bàn có nhiều nhà trọ, đa số là học sinh, sinh viên, người lao động nên ý thức vệ sinh môi trường chưa tốt.
Nhân viên y tế phun hóa chất để diệt muỗi |
Nhiều người dân cũng chưa nhận thức được mức độ nguy hiểm của dịch bệnh nên chưa tự ý thức diệt muỗi, diệt loăng quăng, bọ gậy, thậm chí còn thờ ơ như thể dịch diễn ra ở đâu đó chứ không liên quan đến họ. Nhiều gia đình, cơ quan, xí nghiệp chưa hợp tác trong công tác phòng chống dịch. Vẫn còn nhiều nguồn phát sinh dịch SXH như một số công trình xây dựng trên địa bàn, khu vực trồng rau bằng hộp xốp, khu tập kết lốp xe ôtô cũ tại phường Hoàng Liệt, Trần Phú, Yên Sở…
Chúng tôi trao đổi với chị Trần Thị Trà, một người lao động ngoại tỉnh trọ ở Tân Mai, chị cho biết, do bận mưu sinh tối ngày nên cũng chỉ nghe nhiều người mắc SXH phải đi viện, nhưng cũng không rõ ra sao. Bà Nguyễn Thị Ngà – người làm rau ở Yên Sở cho hay, lâu nay vẫn biết có bệnh SXH, nhưng bà nghĩ đó là bệnh không quan trọng lắm và chẳng thể chết người. Vài ngày trước, đã phát hiện 3 ổ dịch bọ gây đang lưu hành tại gia đình anh A ở tổ 15, làm nghề rửa xe ôtô, trong khi cả 2 vợ chồng anh đều đã bị SXH nhưng vẫn không biết xử lý nguồn lây bệnh.
Thanh Xuân cũng là quận nằm trong top đầu có số mắc SXH cao nhất. Những phường có số ca mắc cao là Khương Đình, Hạ Đình, Khương Trung, Nhân Chính, Phương Liệt, Khương Mai, Thanh Xuân Trung... Thế nhưng, ở các công trường xây dựng trên các phường này vẫn còn nhiều ổ bọ gậy do vệ sinh môi trường kém, vì chủ đầu tư không chú ý đến công tác phòng dịch. Nhiều nơi người dân vẫn thờ ơ với việc phòng dịch.
Đáng nói là, không chỉ người dân, mà ý thức của một số người làm nhiệm vụ chống dịch cũng chưa tốt. Ông Nguyễn Văn Tân, ở tổ 67, Tân Mai kể, nhà ông nằm cạnh mương Nước Vàng ẩm thấp nên vài tuần trước, khi nhân viên y tế đi phun hóa chất, ông đã chủ động nhờ phun cả khu trọ và trên các tầng nhà, nhưng nhân viên không làm, mà chỉ phun ở tầng 1 và phía trước cửa. Vì sợ bệnh dịch nên sau đó gia đình ông phải tự đi mua hóa chất về phun toàn bộ nhà và khu trọ.
Trong bối cảnh nhiều người dân chưa hợp tác phòng dịch thì những gia đình chủ động hợp tác là đáng hoan nghênh. Nhưng thái độ làm việc không đúng của một số nhân viên sẽ ảnh hưởng đến công tác phòng dịch. Vì thế, địa phương cần kiểm tra và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, tránh tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” khiến hiệu quả chống dịch không như mong muốn.
Ngày đăng: 10:48 | 14/08/2017
Thanh Hằng / Theo CAND