Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Bùi Hòa An cho hay TP HCM nằm trong số thành phố ô nhiễm không khí cao nhất thế giới, nguyên nhân chủ yếu từ khí thải xe máy.
Đề án thí điểm kiểm soát khí thải môtô, xe máy ở TP HCM đang được Sở Giao thông Vận tải phối hợp Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam, Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) xây dựng nhằm giảm ô nhiễm trên địa bàn. VnExpress phỏng vấn ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM xoay quanh lộ trình triển khai đề án.
Ông Bùi Hoà An, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải nói về chương trình thí điểm kiểm soát khí thải xe máy tại TP HCM hôm 27/1. Ảnh: Gia Minh. |
- Tại sao TP HCM xây dựng đề án thí điểm kiểm soát khí thải xe máy, thưa ông?
- Nhiều nghiên cứu cho thấy ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn của Việt Nam vượt mức cho phép, trong đó tác nhân chính do hoạt động giao thông, chiếm 60-70%. TP HCM hiện có 7,4 triệu xe máy, trong đó xe dùng trên 10 năm chiếm gần 68%, cao hơn Hà Nội. Trong khi khí CO (cacbon monoxit) và HC (hydrocarbon) có hại sức khỏe phát ra từ xe máy chiếm 90% tổng các loại xe cơ giới tại thành phố. So sánh như vậy để thấy mức độ ô nhiễm do khí thải xe máy đáng báo động. TP HCM là một trong 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới.
Năm 2010, Đề án kiểm soát khí thải môtô, xe máy tại các tỉnh, thành phố được Thủ tướng phê duyệt. Đề án ban đầu dự tính làm ở Hà Nội và TP HCM giai đoạn 2010-2013, sau đó mở rộng qua các địa phương khác. Tuy nhiên sau hơn 10 năm chưa nơi nào thực hiện được, chủ yếu do hành lang pháp lý chưa đủ. Quy định về kiểm định khí thải định kỳ đối với môtô, xe máy ở Luật Giao thông đường bộ không có nên chưa đủ cơ sở triển khai.
Trong bối cảnh đó, Sở Giao thông Vận tải phối hợp các bên xây dựng đề án kiểm soát khí thải xe máy nhằm đánh giá thực trạng và mức độ phát thải của loại xe này. Việc này làm cơ sở đưa ra các kịch bản, giải pháp và lộ trình triển khai trên địa bàn, góp phần giảm ô nhiễm môi trường cũng như nâng chất lượng sống người dân. Nếu thực hiện kiểm soát khí thải xe máy, mỗi năm thành phố sẽ giảm hơn 56.000 tấn khí CO và gần 5.000 tấn khí HC.
- Đề án kiểm soát khí thải xe máy ở TP HCM đang được thực hiện ra sao?
- Để có cơ sở xây dựng đề án, từ tháng 5 đến tháng 9/2020, Sở Giao thông Vận tải phối hợp các bên thực hiện chương trình kiểm tra, đo khí thải miễn phí cho xe máy tại 8 đại lý sửa chữa, bảo dưỡng thuộc quận 1, 3, Phú Nhuận và Tân Bình. Hơn 10.600 xe được kiểm tra và phần lớn xe sau 5 năm sử dụng có mức độ phát thải rất cao. Hơn 1.800 xe không đạt chuẩn, trong số này sau đó được sửa, bảo dưỡng, giúp giảm mức phát thải nhưng chi phí không cao.
Sau thời gian thực hiện, các bên xây dựng đề án chi tiết hơn, trong đó xác định lộ trình kiểm soát khí thải tại thành phố có 4 giai đoạn. Trước tiên làm ở khu trung tâm, sau đó mới mở rộng toàn thành phố. Từ nay đến năm 2022, thành phố sẽ xây dựng các khung chính sách, pháp lý liên quan và tuyên truyền cho người dân... Hai năm sau đó, thành phố đầu tư 88 trạm kiểm định khí thải toàn bộ xe máy để xây dựng cơ sở dữ liệu. Phí kiểm định mỗi xe được tính 50.000 đồng một năm, người nghèo được miễn phí. Thời gian này, xe không đạt chuẩn khí thải khi chạy vào quận 1, 3, 5 sẽ bị phạt tiền.
Giai đoạn 2025-2026, xe máy sau khi xuất xưởng, bán ra phải được dán tem khí thải. Lúc này thành phố đầu tư thêm 78 trạm kiểm định, mở rộng kiểm soát tại quận 1, 3, 5, 10 và Tân Bình. Những xe dưới 5 năm sử dụng không phải kiểm tra. Từ năm 2027 đến 2030, khu vực cần đạt chuẩn khí thải mở rộng ở 13 quận: 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Tân Bình, Tân Phú, Bình Thạnh, Phú Nhuận và Gò Vấp. Các xe không đạt chuẩn khí thải không được chạy vào khu vực đã được khoanh vùng.
Dòng xe đổ về TP HCM tại bến phà Cát Lái sau Tết Dương lịch 2021. Ảnh: Quỳnh Trần. |
- Đề án tính tới tác động người dân như thế nào khi việc kiểm soát khí thải xe máy dự tính làm trên quy mô thành phố?
- Khi xây dựng đề án, chúng tôi thu thập thông tin từ nhiều phía, cơ quan chuyên ngành, chuyên gia. Toàn bộ các vấn đề sau đó đều được phân tích, đánh giá tích cực, tiêu cực nhằm xây dựng chính sách, lộ trình phù hợp. Việc này để giúp đề án đạt hiệu quả, chất lượng không khí ở thành phố được cải thiện và ít ảnh hưởng người dân,
Ngoài giảm ô nhiễm, nhiều lợi ích khác có thể thấy như nếu việc bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ giúp xe an toàn khi đi đường. Phân vùng kiểm soát khí thải cũng góp phần giảm ùn tắc giao thông, nhất là khu trung tâm do chỉ xe đạt chuẩn mới được đi vào. Kết quả ở chương trình thí điểm vừa qua nhận được nhiều sự hưởng ứng của người dân. Số lượng xe được đưa đi kiểm tra đạt gần gấp đôi kế hoạch.
Đề án cũng tính tới xây dựng các chính sách hỗ trợ như miễn phí kiểm tra cho người nghèo, thu nhập thấp. Những xe cũ nát được khuyến khích loại bỏ với các chính sách hỗ trợ thay xe mới cho người dân.
- Nguồn thu từ kiểm soát khí thải xe máy dự tính sử dụng thế nào?
- Tổng đầu tư hệ thống, chi phí nhân lực để kiểm soát khí thải xe máy tại thành phố dự kiến cần hơn 553 tỷ đồng. Dựa trên các số liệu khảo sát và đánh giá khả thi, giai đoạn 2023-2024 dự tính mỗi năm gần 7 triệu xe máy cần kiểm tra và mức thu ước tính 348 tỷ đồng. Từ năm 2025 đến 2030, mỗi năm gần 6 triệu xe kiểm định, tương ứng mức thu khoảng 300 tỷ đồng. Đến năm 2030, nguồn thu từ kiểm soát khí thải xe máy dự kiến gần 2.200 tỷ đồng.
Một số ý kiến cho rằng phí bảo vệ môi trường đã tính trong giá xăng dầu, khi thêm phí kiểm định khí thải xe máy dẫn đến "phí chồng phí", điều này là chưa đúng. Thực tế thu phí kiểm định xe máy cũng như ôtô. Mục đích việc thu phí nhằm cải thiện môi trường, hạn chế ô nhiễm từ khí thải xe máy chứ không phải tạo nguồn thu.
Một xe máy xả khói đen chạy trên cầu Bình Triệu, quận Bình Thạnh, tháng 1/2021. Ảnh: Gia Minh. |
- Đề án gặp những khó khăn và trở ngại nào khi thực hiện?
- Khó khăn chủ yếu do hành lang pháp lý hiện chưa cụ thể. Do đó TP HCM cần được Chính phủ đồng ý chủ trương cho thí điểm kiểm soát. Kế đến, các quy chuẩn, lộ trình kiểm tra, cơ chế quản lý; mức thu và chế độ thu phí... cũng phải cụ thể. Điều quan trọng khác là việc xử phạt vi phạm cũng như nhiệm vụ, quyền của đơn vị thực hiện kiểm soát khí thải xe máy phải được xây dựng hoàn chỉnh... Khi có những hành lang pháp lý, thành phố mới có thể thực hiện được.
Hồi tháng 12/2020, Thủ tướng phê duyệt Chiến lược Quốc gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó mục tiêu đến năm 2030 loại bỏ toàn bộ xe hết hạn và tự chế. Để thực hiện, Bộ Giao thông Vận tải được giao phối hợp các bộ ngành và địa phương triển khai kiểm soát khí thải định kỳ cho xe máy từ nay đến năm 2025. Đây là điều kiện quan trọng để sớm xây dựng khung pháp lý, thực hiện kiểm soát khí thải xe máy ở TP HCM.
Gia Minh
Bắc Kinh ô nhiễm nặng dịp Tết |
Sa thải 24 bộ trưởng và thứ trưởng, quân đội Myanmar bổ nhiệm loạt nhân sự mới |
Tổng thống Mexico nhiễm nCoV |
Ngày đăng: 14:45 | 18/02/2021
/ vnexpress.net