Sự bùng phát của ổ dịch mới Itaewon được ghi nhận trong tuần đầu tháng Năm đã khiến thành công của Hàn Quốc trong cuộc chiến ngăn chặn virus SARS-CoV-2 trở nên mong manh.
Phun thuốc khử trùng tại khu phố Itaewon. (Nguồn: Yonhap/Reuters)
Tình hình ổ dịch lây nhiễm tập thể mới bùng phát ở \\"khu phố Tây\\" Itaewon, trung tâm thủ đô Seoul, Hàn Quốc đến ngày 19/5 đã cơ bản được kiểm soát và tình hình dần đi vào ổn định, mặc dù số ca mắc COVID-19 đã lên tới 170 người.
Tuy nhiên, câu chuyện Itaewon và vụ lây nhiễm tập thể virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bắt nguồn từ các hộp đêm tại đây đã trở thành bài học chống dịch của Hàn Quốc.
Sự bùng phát của ổ dịch mới Itaewon với hơn 10 ca nhiễm COVID-19 có cùng nguồn lây từ ca nhiễm trong cộng đồng được ghi nhận trong tuần đầu tháng Năm, ngay sau khi lệnh giãn cách xã hội được nới lỏng tại Hàn Quốc, đã khiến thành công của Hàn Quốc trong cuộc chiến ngăn chặn virus SARS-CoV-2 trở nên mong manh.
Không chỉ làm bùng lên những lo ngại về nguy cơ xuất hiện làn sóng lây nhiễm thứ hai, ổ dịch Itaewon còn buộc Chính phủ Hàn Quốc phải quyết định lùi thêm một tuần lịch đến trường của học sinh các cấp (vốn dự kiến từ ngày 13/5 vừa qua, bắt đầu là học sinh khối 12).
Một số trường đại học đã quyết định hoặc đang xem xét trở lại hình thức học trực tuyến.
Vụ lây nhiễm tập thể Itaewon bắt nguồn từ bệnh nhân thứ 66 của thành phố Yongin, ở tỉnh Gyeonggi, được ghi nhận dương tính với virus SARS-CoV-2 vào ngày 6/5.
Kết quả điều tra dịch tễ của cơ quan phòng dịch cho thấy trong vòng một tuần từ ngày 30/4 (hai ngày trước khi xuất hiện triệu chứng sốt và tiêu chảy), bệnh nhân này đã di chuyển tới 4 khu vực là thành phố Yongin, Seongnam, Suwon, của tỉnh Gyeonggi và thủ đô Seoul.
Trong rất nhiều địa điểm ghé qua, \\"tâm chấn\\" của vụ lây nhiễm tập thể chính là các hộp đêm ở khu \\"phố Tây\\" Itaewon.
Chỉ trong một đêm, bệnh nhân thứ 66 ở Yongin đã tới 5 vũ trường khác nhau tại Itaewon khiến số ca lây nhiễm tăng vọt, kéo theo nhiều trường hợp lây nhiễm thứ phát gồm những người có mặt tại các sàn nhảy này vào thời điểm đó và đồng nghiệp, các thành viên gia đình họ... đưa Itaewon trở thành ổ lây nhiễm có quy mô lớn trong cộng đồng.
Sau vụ việc Itaewon, Cơ quan phòng dịch Hàn Quốc một lần nữa rơi vào tình trạng báo động sau tuần nghỉ lễ Vàng (từ ngày 30/4 đến 5/5).
Nhân dịp này, số người ghé thăm các hộp đêm ở Itaewon đã lên tới hơn 7.000 người.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 đã được chữa khỏi tại một bệnh viện ở Seoul, Hàn Quốc ngày 15/5/2020. (Nguồn: Yonhap/TTXVN)
Công tác điều tra toàn diện gặp khó khăn do nhiều người khai không đúng thông tin cá nhân, nhiều người nước ngoài không biết hoặc không thành thạo tiếng Hàn.
Đặc biệt, một số hộp đêm nằm trong ổ dịch còn là nơi tập trung đông người đồng tính, nhiều người sợ lộ danh tính nên đã không phối hợp với công tác điều tra của cơ quan chức năng.
Ngoài ra, đại đa số những người \\"có liên quan\\" đến ổ dịch Itaewon ở lứa tuổi từ 20-30, quy mô di chuyển rộng, tâm lý chủ quan và hầu như không xuất hiện triệu chứng hoặc nếu có cũng rất chậm.
Bên cạnh đó, trong số những người cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 sau khi tới các vũ trường ở Itaewon, có nhiều người xuất hiện triệu chứng cùng ngày với bệnh nhân số 66 ở Yongin.
Điều này làm dấy lên những lo ngại ổ lây nhiễm cộng đồng này có thể xuất phát từ một nguồn lây khác.
Nhiều ý kiến chỉ ra rằng vụ lây nhiễm tập thể ở Itaewon là do người dân bắt đầu cảm thấy an tâm, lơ là ý thức phòng dịch sau khi chính phủ chuyển sang cơ chế \\"phòng dịch trong đời sống\\" (tức là vừa giãn cách xã hội vừa duy trì nhịp sống thường ngày) và công bố lịch tới trường của học sinh các cấp.
Một số ý kiến khác thì cho rằng việc chính phủ chuyển đổi cơ chế phòng dịch ngay sau \\"kỳ nghỉ lễ Vàng\\" là quá vội vàng và cần phải quay lại cơ chế \\"giãn cách xã hội\\" chặt chẽ như trước.
Vụ việc ở Itaewon cũng cho thấy nguy cơ lây nhiễm ở các tụ điểm giải trí luôn rất cao.
Tuy nhiên, ổ dịch lây nhiễm tập thể ở Itaewon không phải là mối lo duy nhất.
Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc sau đó cũng phát hiện một số ca mắc mới ở thành phố Incheon và một số nơi không xác định được nguồn lây nhiễm, cho thấy ổ dịch không hẳn chỉ phát sinh từ các cơ sở giải trí đơn thuần như quán bar, câu lạc bộ... mà nhiều khả năng \\"cơn sóng” lây nhiễm âm thầm diễn ra trong cộng đồng và bùng nổ vào \\"kỳ nghỉ lễ Vàng.\\"
Với việc phát hiện ổ dịch ở Itaewon, Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun nhận định vụ lây nhiễm tập thể lần này ở thủ đô Seoul cho thấy những điểm thiếu sót trong công tác phòng dịch.
Chính phủ Hàn Quốc cũng yêu cầu siết chặt công tác quản lý, giám sát, nâng cao hiệu quả thiết thực của công tác lập danh sách khách ra vào các cơ sở tập trung đông người, đồng thời yêu cầu các bộ, ban, ngành hữu quan lập phương án tận dụng công nghệ thông tin để kiểm tra an toàn tại những nơi thường tập trung đông người.
Trong khi đó, chính quyền thành phố Seoul và khu vực lân cận đã lập tức ban hành các mệnh lệnh hành chính nghiêm khắc nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan rộng, từ dừng mọi hoạt động vui chơi giải trí tụ tập đông người về đêm, áp dụng xử phạt nặng với người vi phạm biện pháp cách ly, đến tăng cường giám sát phòng dịch tại những nơi công cộng, bắt buộc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách 2m, cho phép sử dụng khoa học công nghệ hiện đại để truy tìm dấu vết...
Một loạt biện pháp quyết liệt đã góp phần giúp Hàn Quốc kiểm soát được ổ dịch Itaewon nói riêng cũng như tình hình dịch bệnh trên toàn quốc nói chung.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng việc chưa có vắcxin phòng bệnh hoặc miễn dịch hiệu quả trong cộng đồng sẽ khiến khả năng một làn sóng COVID-19 thứ hai bùng phát vào mùa Thu tới ở Hàn Quốc là rất cao, bởi khi thời tiết trở nên lạnh hơn, nguy cơ sẽ gia tăng.
Trong khi đó, Chính phủ Hàn Quốc cũng nhận định cần sẵn sàng cho việc đối mặt với làn sóng COVID-19 thứ hai vào bất kỳ thời điểm nào bởi đây là kịch bản nhiều khả năng xảy ra.
Vấn đề quan trọng đặt ra là phải ngăn chặn làn sóng COVID-19 thứ hai hiệu quả hơn.
Trên thực tế, Hàn Quốc từng được đánh giá cao về cách tiếp cận chủ động trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus từ đợt bùng phát dịch đầu tiên, cũng đã khống chế thành công ổ dịch phát sinh từ nhà thờ giáo phái Shincheonji (Tân Thiên Địa).
Sự bùng phát của ổ dịch Itaewon cũng được coi là một bài học nữa cho Hàn Quốc trong giai đoạn trở lại trạng thái \\"bình thường mới”./.
Cụm dịch mới ở phố đêm Itaewon liên quan tới quán karaoke
Một số người nhiễm nCoV ở phố đêm Itaewon tại Seoul từng tới các quán karaoke lân cận, gây lo ngại về nguy cơ lây nhiễm. |
Hàn Quốc vẫn mất dấu hàng nghìn người liên quan ổ dịch Itaewon
Theo ước tính, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc vẫn đang bị \\"mất liên lạc\\" với hơn 2.500 người được ... |
Cụm lây nhiễm COVID-19 ở khu nhà giàu Itaewon lan khắp Hàn Quốc
Cụm lây nhiễm COVID-19 mới nhất ở Itaewon đã lan rộng khắp Hàn Quốc trong tuần qua, làm dấy lên lo ngại rằng dịch bệnh ... |
Ngày đăng: 20:15 | 19/05/2020
/ www.vietnamplus.vn