Trong lúc tác phẩm của các họa sĩ Việt Nam thời tiền chiến ngày càng được săn đón trên thị trường quốc tế, các nhà sưu tầm đang đối mặt với vấn nạn tranh giả tràn lan.
Cuộc triển lãm ở Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM năm ngoái được ngợi ca là chuyến "hồi hương" của một số tác phẩm được vẽ bởi những nghệ sĩ ảnh hưởng bậc nhất Việt Nam một thời.
Thành Chương, cũng là một họa sĩ nổi tiếng, đến xem triển lãm chỉ để thấy bức tranh của mình được treo trên tường dưới tên của một họa sĩ khác, Tạ Tỵ, người đã qua đời năm 2004. Ông Chương khẳng định bức chân dung theo phong cách lập thể này do ông vẽ vào đầu thập niên 1970, trong khi tác phẩm trong triển lãm được chú thích vào năm 1952 với tác giả là một họa sĩ nổi tiếng không kém.
"Tôi không thể tin vào mắt mình. Nó làm tôi dựng cả tóc gáy", hoạ sĩ Thành Chương nói với New York Times.
Thành Chương đứng trước bức tranh của mình nhưng lại được ghi tên của họa sĩ Tạ Tỵ. Ảnh: New York Times. |
Thị trường đang lên
Theo New York Times, phát hiện của Thành Chương đã kéo theo vụ bê bối làm rung chuyển giới mỹ thuật Việt Nam và phơi bày một sự thật "mất mặt": Thị trường tranh Việt Nam, nơi những tác phẩm tiền chiến được bán với giá hàng triệu USD, đầy rẫy những vụ lừa đảo.
"Chuyện đó vẫn là thách thức lớn nhất cho thị trường nghệ thuật Việt Nam. Làm sao mọi người biết được đâu là tranh thật, đâu là giả?", Suzanne Lecht, một người Mỹ sở hữu phòng tranh Art Vietnam Gallery tại Hà Nội, cho biết.
Ngay cả những cơ sở nghệ thuật danh tiếng của Việt Nam, bao gồm các bảo tàng quốc gia, cũng từng trưng bày những bức tranh mà họ biết không phải là hàng thật. Các nhà đấu giá lớn của thế giới như Christie\'s và Sotheby\'s hay những cố vấn từng làm việc cho họ cũng từng rao bán những tác phẩm sau này bị phát hiện là giả.
Các họa sĩ Việt Nam, đặc biệt là những người học tại Trường Mỹ thuật Đông Dương trước Thế chiến thứ 2, đang nhận được sự chú ý ngày càng lớn từ giới chuyên môn quốc tế. Những tác phẩm xuất sắc nhất là sự tổng hòa của trường phái hậu ấn tượng châu Âu với phong cách cổ điển châu Á. Chúng thường được mua với giá rất cao trên thị trường.
Hồi tháng 4 năm nay, một bức tranh vẽ vào cuối thập niên 1930 của họa sĩ Lê Phổ đã được bán ra với giá 1,2 triệu USD tại buổi đấu giá của Sotheby\'s tại Hong Kong, phá vỡ kỷ lục 840.000 USD hồi năm 2014 của một bức tranh khác cũng do Lê Phổ vẽ.
Người xem đứng trước tác phẩm được cho là "Vườn chuối" của họa sĩ Nguyễn Sáng. Bức họa nằm trong số 17 tác phẩm sau đó bị Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM tuyên bố là giả. Ảnh: New York Times. |
\'Thật giả bất phân\'
Dù vậy, các họa sĩ và người buôn tranh đang than phiền rằng việc kiếm lời từ tranh giả đang làm giảm giá trị của tranh Việt Nam.
Giới đại gia mới nổi ở Việt Nam, những người đang bắt đầu trả giá cao cho tranh của các họa sĩ trong nước, là đối tượng chính được bọn lừa đảo nhắm đến. Một nhóm "dễ lừa" khác là những nhà sưu tầm quốc tế mang niềm tin rằng họ đang mua tranh thật được các cơ sở mỹ thuật bảo chứng.
Bức tranh được họa sĩ Thành Chương nhận là của mình được trưng bày tại cuộc triển lãm "Những bức tranh từ châu Âu trở về". 17 bức tranh trong triển lãm này thuộc sở hữu của nhà môi giới tranh Vũ Xuân Chung, ông cho biết đã trả cho bảo tàng 1.300 USD để tổ chức sự kiện kéo dài 12 ngày này.
"Bảo tàng là \'thánh đường\' tối thượng để bảo chứng cho một tác phẩm nghệ thuật", New York Times dẫn lời Colette Loll, người sáng lập và giám đốc của Art Fraud Insights, một cơ sở tư vấn tại Washington.
Sau khi nghi vấn dấy lên, bảo tàng nhanh chóng kết luận rằng không có bức tranh nào trong số 17 tác phẩm trưng bày được vẽ bởi họa sĩ có tên cạnh tác phẩm. Các quan chức bảo tàng xin lỗi công chúng và cho biết sẽ tiến hành điều tra. Dù vậy, New York Times nói không hề có cuộc điều tra nào được mở. Các bức tranh nhanh chóng được trả về cho ông Chung, người nói rằng các bức tranh là tranh thật.
Hiện ông đang rao bán các tác phẩm và 1 bức tranh đã có người mua với giá 66.000 USD.
Cả 17 bức tranh trên đều được chuyên gia nghệ thuật Jean-François Hubert, nhà tư vấn cấp cao của Christie\'s, xác nhận là tranh thật. Dù vậy, bản thân Hubert có mâu thuẫn lợi ích trong việc này khi ông là chủ sở hữu của 17 bức tranh và sau đó bán chúng cho người bạn thân lâu năm là ông Chung.
Hãng đấu giá Christie\'s tuyên bố họ không liên quan đến cuộc triển lãm tại TP.HCM. Trong khi đó, ông Hubert từ chối bình luận và chỉ nói rằng ông đã tuân thủ các nguyên tắc "nghiêm ngặt" nhất.
Ông Vũ Xuân Chung. Ảnh: New York Times. |
Christie\'s và ông Hubert cũng là tâm điểm của vụ lùm xùm khi các chuyên gia nghệ thuật Việt Nam nghi ngờ về tính xác thực của một bức tranh mà Christie\'s bán ra hồi tháng 5. Trong một bài viết giới thiệu do Hubert chắp bút, Christie\'s nói rằng bức tranh "Mơ về một ngày mai", vẽ năm 1940, là một tác phẩm "đầy cảm xúc và cảm hứng" của danh họa quá cố Tô Ngọc Vân.
Họa sĩ Tô Ngọc Thành, con trai Tô Ngọc Vân, tuyên bố rằng bức tranh Christie\'s "mới phát hiện" là giả.
Trong khi đó, Christie\'s nói rằng bức tranh đã trải qua quá trình giám định kỹ lưỡng và không có căn cứ nào để nói đó là tranh giả.
Thẩm định tranh - Nhiệm vụ \'bất khả thi\'
Ngay tại bảo tàng danh giá nhất nước, Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội, các quan chức cũng không thể chắc chắn trong những tác phẩm họ đang giữ, đâu là tranh thật và đâu là tranh chép.
Trong thời chiến, hàng trăm bức tranh đã được đưa khỏi bảo tàng để phòng trường hợp Hà Nội bị ném bom, những bức tranh được giữ lại là tranh chép. Sau đó, những bức tranh thật biến mất mãi mãi, tranh chép lại trở thành thật và không còn ai phân biệt được đâu là thật, đâu là giả.
Như thể mọi chuyện chưa đủ rắc rối, người thân của một số nghệ sĩ nổi tiếng được cho đã chấp nhận những bức tranh giả là thật để bán chúng với giá cao trên thị trường.
Trong một cuộc triển lãm ở Hong Kong năm 2016, Christie\'s đã bán ra bức tranh "Thuyền trên sông Hương" của Tô Ngọc Vân với giá 57.000 USD và bức tranh "Lady of Hue" của Lê Văn Đệ với giá 89.000 USD. Tác phẩm y hệt 2 bức tranh trên hiện vẫn được treo ở Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội. Quan chức bảo tàng cho biết họ có được 2 bức tranh này lần lượt vào các năm 1965 và 1976.
Để xác thực một bức tranh, các chuyên gia có thể xem xét bề ngoài của nó, truy vết về lịch sử những người sở hữu hoặc sử dụng công nghệ để kiểm tra thời gian hoặc vật liệu có bức tranh có phù hợp với thời đại của người nghệ sĩ đó hay không.
Trong khi đó, tại Việt Nam, tài liệu về tác phẩm không được lưu trữ trong khi vẫn chưa có phòng thí nghiệm nào để phân tích các tác phẩm. Người ta cũng không có dữ liệu lưu trữ về các vật liệu được nghệ sĩ sử dụng để vẽ tranh trong thời chiến.
Cuối cùng, gánh nặng được dồn hết lên mắt nhìn của người thẩm định. "Tất cả những gì tôi biết là tôi tin Hubert", ông Chung nói. "Tôi muốn những bức tranh từ Hubert, Hubert đã chứng nhận chúng".
Trong những bức thư xác nhận tính chân thật của 17 bức tranh trên, ông Hubert nhận là tư vấn viên của Christie\'s và xác nhận các bức tranh mà không nêu rõ chúng được mua từ đâu ở châu Âu trước khi trở về Việt Nam.
Trong khi đó, về phía Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, dù nói rằng những bức tranh trên là giả, họ cũng không có bằng chứng rõ ràng cho tuyên bố đó.
"Ở Việt Nam, việc điều tra (để xác thực một bức tranh) là điều bất khả thi", ông Chung nói.
Phương Thảo
Ngày đăng: 17:06 | 12/08/2017
/ Theo Zing