Nếu như Mỹ có thể coi là có nút hạt nhân thực sự thì ngược lại, nút hạt nhân trên bàn làm việc của nhà lãnh đạo Triều Tiên vẫn là dấu hỏi.
Cặp hạt nhân luôn theo sát Tổng thống Mỹ mọi nơi mọi lúc.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump trong tuần này vừa có màn đối đáp về khả năng khởi động vũ khí hạt nhân chỉ bằng một nút nhấn.
Trong bài phát biểu đầu năm, nhà lãnh đạo Triều Tiên nói rằng “nút hạt nhân luôn sẵn sàng trên bàn làm việc” và cảnh báo Mỹ sẽ không thể phát động một cuộc chiến tranh chống lại nước này.
Đáp trả lại, Tổng thống Trump tự tin cho biết, nút hạt nhân của ông “to hơn”, “mạnh hơn” và nó có khả năng “hoạt động”.
Nhiều người đã tò mò về sự tồn tại nút hạt nhân của Mỹ và Triều Tiên và so sánh xem của nước nào “to hơn”, nhưng theo các chuyên gia, trong khi “nút bấm” của Tổng thống Trump có thể coi là có thật thì “nút bấm” mà nhà lãnh đạo Kim Jong-un nói trong bài phát biểu vài ngày trước có thể chỉ mang tính biểu tượng.
Bí mật về nút bấm hạt nhân của Tổng thống Trump
Theo USA Today, Tổng thống Mỹ có thể khởi động vũ khí hạt nhân gần như ngay tức thì trong Phòng Bầu dục đơn giản như việc bấm một cái nút.
“Chúng tôi có thể khởi động trong vòng 15 phút khoảng 800 đầu đạn hạt nhân”, Bruce Blair, học giả nghiên cứu tại Chương trình Khoa học và An ninh Toàn cầu tại Đại học Princeton nói.
Tuy nhiên, quy trình phát động một cuộc tấn công hạt nhân được thiết kế bằng chu trình kiểm soát và cân bằng để tránh sơ suất hoặc trong trường hợp lệnh phát động sai.
Các quy trình này được tuân thủ theo các quy tắc phức tạp và chặt chẽ.
Tướng John Hyten, người đứng đầu trung tâm Chỉ huy Chiến lược của Mỹ cho biết, họ thường xuyên xem xét một cách kỹ càng các vấn đề liên quan trước khi khởi động một cuộc tấn công hạt nhân do những hệ quả kéo theo rất lớn.
“Chúng tôi sẽ thảo luận một loạt những khả năng để ứng phó trước mọi phát sinh xảy ra và đảm bảo nó hoạt động đúng cách”, quan chức quân sự này cho hay.
Tướng Hyten nói, công việc của mình là cung cấp tư vấn cho Tổng thống, giúp ông đảm bảo mọi phản ứng đưa ra phải phù hợp với luật pháp quốc tế.
Mặc dù thông qua khá nhiều thủ tục khác nhau, quy trình này vẫn được sắp xếp một cách tối ưu nhất để làm sao cho tên lửa hạt nhân có thể sẵn sàng triển khai ngay khi quyết định được đưa ra.
Nút hạt nhân ông Kim Jong-un nhắc đến được cho là biểu tượng cảnh báo Mỹ.
Nếu dự tính tấn công, Tổng thống sẽ thảo luận với các cố vấn ở trung tâm hoạt động khẩn cấp, hầm an toàn dưới khu phía Đông của Nhà Trắng, hoặc triệu tập một cuộc gọi hội nghị nếu không có mặt ở Washington.
Cuộc họp sẽ bao gồm khoảng 15 người, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng và các cố vấn an ninh quốc gia. Người tóm tắt tình hình cho Tổng thống sẽ là người đứng đầu của Bộ Tư Lệnh Chiến Lược.
Chiếc cặp hạt nhân cho phép ra lệnh tấn công được mang theo bởi một phụ tá quân sự luôn ở bên cạnh Tổng thống, trong đó chứa các tài liệu mô tả các lựa chọn kích hoạt khác nhau.
Mặc dù được coi là vật dụng đầy quyền lực và được cho là chứa đầy thứ công nghệ tinh vi trong đó, cặp hạt nhân không phải là thiết bị truyền tín hiệu.
Trong đó sẽ có mã hạt nhân dùng để xác thực trong việc ra lệnh tấn công. Mã số này cũng thường được ghi trong một chiếc thẻ và được Tổng thống mang theo người.
Theo một số báo cáo trước đây, Tổng thống Bill Clinton từng đánh mất chiếc thẻ này trong quá khứ.
Sau khi quyết định được đưa ra, trung tâm chỉ huy đặc biệt trong Lầu Năm Góc sẽ phát lệnh trực tiếp để máy bay hoặc tàu ngầm có thể phóng tên lửa hạt nhân.
Quá trình tấn công hạt nhân là nhanh hơn nhiều so với các hoạt động tấn công thông thường khác, vốn có thể mất nhiều ngày hoặc nhiều tuần.
Ra lệnh tấn công hạt nhân là đặc quyền và được thiết lập làm sao cho có thể phục vụ Tổng thống một cách dễ dàng nhất.
Bí ẩn "nút hạt nhân" của Triều Tiên
Có khá ít thông tin về quy trình ra quyết định tấn công hạt nhân của Triều Tiên. Điều này khiến cho các chuyên gia tin rằng quốc gia này dường như không có hệ thống và quy trình triển khai nhanh dạng “một nút bấm” giống như của Mỹ.
Triều Tiên chỉ mới đạt được những tiến bộ đáng kể về chương trình vũ khí hạt nhân trong vài năm gần đây và năng lực thật sự của quốc gia này vẫn còn là dấu hỏi.
“Giao thức đó dù có tồn tại, nhưng sẽ không có tính năng đầy đủ”, Michael Elleman, một nhà phân tích tại viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế nói. “Quy trình ra lệnh sẽ chuyển giao từ nhà lãnh đạo Kim Jong-un đến một nhân vật đáng tin cậy khác để thực hiện”.
“Tôi chưa bao giờ nhìn thấy bàn của ông ấy, nhưng tôi đoán rằng đó chỉ là biểu tượng để hùng biện”, Jeffrey Feltman, quan chức cấp cao Liên Hợp Quốc vừa có chuyến thăm Triều Tiên tháng trước cho hay: “Ông ấy không có nút hạt nhân”.
“Ông ấy chỉ muốn nói với thế giới và đặc biệt là nước Mỹ rằng, Triều Tiên đủ khả năng làm tổn thương họ", Feltman nói.
Quan chức Liên Hợp Quốc này cho rằng, dù nút hạt nhân của Triều Tiên chỉ là biểu tượng, nhưng nguy cơ xung đột lại là điều có thật.
Hiểm họa từ dòng tweet \'khoe\' nút kích hoạt hạt nhân của Trump
Việc Trump "khoe" về nút hạt nhân trên Twitter bị nhận xét là "hành động trẻ con" và có thể khiến ông đánh mất lòng ... |
TT Trump khoe có nút hạt nhân to - thực tế ông không có nút nào cả
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa đáp trả lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un rằng ông có "nút bấm hạt nhân" lớn hơn và ... |
Ngày đăng: 22:14 | 04/01/2018
/ nguoiduatin.vn