TP HCM đang tính đến chuyện cấm nuôi chim yến ở nhiều quận, huyện để tránh tình trạng nhà nuôi chim yến tự phát, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân
Theo khảo sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) TP HCM, đến cuối năm 2017, TP có 509 nhà nuôi chim yến tại 19 quận, huyện. Trong đó tập trung nhiều nhất ở Cần Giờ với 231 nhà, quận 9: 70 nhà, Củ Chi: 15 nhà; các quận, huyện còn lại đa số xây dựng tự phát. Năm 2009, Cần Giờ triển khai đề án thí điểm nuôi chim yến trong nhà với số lượng 10 căn nâng tổng số lên 27 căn được phép tồn tại (17 căn được xây dựng trước đó). Như vậy, những hộ dân về sau muốn đầu tư nhà yến phải đợi UBND TP thực hiện xong quy hoạch.
Lách luật
Trong lúc TP đang xây dựng quy hoạch tổng thể thì phong trào nuôi chim yến tại Cần Giờ tiếp tục nở rộ. Đến cuối năm 2017, số nhà nuôi yến toàn huyện này đã tăng 8,5 lần con số có trong đề án. Nhiều gia đình có tiền nhàn rỗi và mặt bằng đã đầu tư nhà yến nhằm sinh lời. Do không được cấp phép xây dựng nhà nuôi yến nên các hộ dân muốn nuôi phải lách luật bằng cách xin phép xây dựng nhà ở để gầy dựng đàn yến. Dọc đường Rừng Sác từ phà Bình Khánh về thị trấn Cần Thạnh, bằng mắt thường cũng có thể nhận ra nhiều nhà yến hai bên đường. Đặc điểm chung của những căn nhà này là đều có 4-5 tầng và có nhiều lỗ thông hơi bên ngoài, nằm trơ trọi giữa đồng, cách xa khu dân cư.
Tại quận 9, các nhà nuôi yến tập trung ở các phường Phước Bình, Phước Long B và Long Phước. Khu dân cư Nam Long (phường Phước Long B) có gần chục nhà nuôi chim yến. Nhiều nhà dạng biệt thự nhưng cũng mở loa dụ chim đến làm tổ ở trên nóc, bên dưới bày bán các sản phẩm yến sào. Một chủ nhà yến trên đường Đỗ Xuân Hợp cho biết do lúc khu dân cư mới hình thành xung quanh có nhiều bụi rậm, cây xanh nên chim yến bay về kiếm ăn. Từ đó ông cải tạo lại tầng trên cùng để dụ yến về làm tổ. Dọc đường Liên Phường cũng có nhiều nhà yến theo dạng "yến trên người dưới". Theo Sở NN-PTNT TP HCM, 68 nhà yến ở quận 9 là thuộc loại này.
Ngoài ra, yến còn được nuôi ở 17 quận, huyện khác ở TP như: Nhà Bè, Bình Chánh, Củ Chi, Bình Thạnh, Thủ Đức… Thậm chí, ngay tại trung tâm TP, một chung cư trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (phường 6, quận 3) cũng được cải tạo phần trên để dẫn dụ yến. Một địa chỉ nuôi chim yến khác là nhà ở đầu đường 270 Cao Lỗ (phường 4, quận 8) vốn là nhà ở nhưng chủ nhà cải tạo thành nhà nuôi yến. Vào cuối buổi chiều, chim yến bay lòng vòng trên nóc nhà rồi vào tổ. Trên nóc nhà, một máy phát dẫn dụ chim yến mở ra những âm thanh ríu rít lặp đi lặp lại khiến nhiều hộ dân xung quanh bức xúc. Anh Nguyễn Thanh Tuấn (ngụ đường Cao Lỗ) cho biết các hộ dân xung quanh đã phản ảnh việc nuôi yến ngay trong khu dân cư đến cơ quan chức năng nhưng vào mỗi buổi chiều yến vẫn cứ về tổ tại căn nhà trên. Chưa hết, trong khu dân cư này còn có 2 nhà khác được cải tạo làm nhà nuôi yến.
Chim yến được nuôi tự phát trong khu dân cư Đồng Diều, phường 4, quận 8, TP HCM
Đóng cửa hàng loạt nhà nuôi yến
Theo ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở NN-PTNT TP, trong số các nhà yến đang tồn tại ở TP chỉ có 54,6% nhà yến hoạt động hiệu quả. Theo tổng hợp ý kiến các địa phương về quy hoạch vùng nuôi chim yến do Sở NN-PTNT TP tổ chức, đa số muốn giữ nguyên hiện trạng, không tăng số lượng, đề nghị được hướng dẫn để nâng cao hiệu quả khai thác; chỉ có quận 9, Cần Giờ và Củ Chi đề xuất tiếp tục phát triển do có điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng và sông nước, nhất là huyện Cần Giờ có khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn cung cấp nguồn thức ăn dồi dào cho chim yến.
Theo quy hoạch, huyện Cần Giờ sẽ tập trung nuôi chim yến quy mô lớn ở 4 xã Bình Khánh, Tam Thôn Hiệp, An Thới Đông và Lý Nhơn với tổng diện tích nuôi lên đến 5.607 ha. Đến năm 2025, số lượng đàn tăng lên 1,2 triệu con, cung cấp 8,1 tấn yến cho thị trường. Ở huyện Củ Chi, đến năm 2025 có 55 nhà yến với gần 42.000 con, cung cấp sản lượng 287 kg yến. Quận 9 chỉ nuôi ở phường Long Phước trên diện tích hơn 500 ha ước tính gần 36.000 chim yến cho sản lượng 241 kg.
Với phương án quy hoạch này thì nhiều nhà yến ở các địa phương còn lại sẽ bị đóng cửa. Sở NN-PTNT TP đưa ra lộ trình đến năm 2020 sẽ ngưng nuôi đối với cơ sở nuôi chim yến xây dựng trước năm 2011 và hoạt động không hiệu quả, cho sản lượng tổ yến dưới 1 kg/tháng. Các cơ sở không bảo đảm các điều theo quy định tại Thông tư 35/2013 của Bộ NN-PTNT nhưng không có biện pháp khắc phục trước năm 2016 phải chấm dứt hoạt động. Đến năm 2025, căn cứ vào tình hình thực tế chỉ cho phép tồn tại những nhà yến thực sự hiệu quả, cách biệt các công trình dân sinh, bảo đảm vệ sinh môi trường và không bị cộng đồng cư dân xung quanh khiếu nại. Theo phương án Sở NN-PTNT đưa ra, năm 2025 chỉ còn 10 nhà nuôi chim yến hiện hữu ở 6 quận, huyện với tổng đàn 32.750 con.
Không phù hợp quy hoạch Ông Nguyễn Phước Trung nhận định việc xây dựng các nhà nuôi chim yến nằm xen cài trong khu dân cư là không phù hợp về quy hoạch đô thị. Bên cạnh đó, trong quá trình nuôi phát sinh các vấn đề về ô nhiễm môi trường, tiếng ồn, gây khó khăn trong việc kiểm soát dịch bệnh. Ngoài ra, nhiều nhà yến không được cấp phép xây dựng mà cải tạo từ nhà ở hoặc cơi nới thêm để nuôi chim yến một cách tự phát. Trong số 509 nhà yến hiện hữu chỉ có 120 nhà yến chuyên dụng, còn lại là dạng kết hợp. Việc dùng máy phát âm thanh dẫn dụ để phát triển đàn làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của cộng đồng, nhất là khu vực nội thành và các khu dân cư tập trung. |
Nuôi yến tự phát, coi chừng trắng tay
Mỗi kg yến thô từ 20-30 triệu đồng nên rất nhiều người đầu tư nhà nuôi yến nhưng hiệu quả lại phụ thuộc vào "chim ... |
Bài và ảnh: SỸ ĐÔNG
Ngày đăng: 08:42 | 10/04/2018
/ https://nld.com.vn