Theo PGS.TS Lê Cao Đoàn, việc nối kết, hợp tác phải dựa trên quy tắc ngang giá của kinh tế thị trường.
Cần thiết
Trước đề xuất của Bộ Xây dựng về việc thu hút nhà đầu tư nước ngoài, tăng cường sự tham gia của các tư vấn quốc tế vào dự án BOT, PGS.TS Lê Cao Đoàn, nguyên cán bộ Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, về nguyên tắc việc mời tư vấn quốc tế là cần thiết và phù hợp với yêu cầu của sự phát triển.
Ông phân tích, BOT là hình thức liên kết kinh tế trong lĩnh vực hạ tầng. Lâu nay, hạ tầng là một vấn đề bức xúc của Việt Nam, bởi hạ tầng của nền kinh tế tiểu nông không đáp ứng được kéo theo sự phát triển ì ạch.
Tuy nhiên, phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông đòi hỏi đầu tư cơ bản rất lớn, độ bền cao và hiệu quả sử dụng phụ thuộc rất nhiều vào điều đó. Nếu làm kém thì nguy cơ đối với sự phát triển dài hạn và bền vững rất lớn.
Do đó, đối với câu chuyện phát triển hạ tầng phải tìm ra cách thức làm sao để có đủ vốn để làm, làm với chất lượng cao và được sử dụng một cách có hiệu quả.
Kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài vào các dự án BOT của Việt Nam là điều cần thiết |
"Thế nhưng, Việt Nam xây dựng hạ tầng bằng những thứ lạc hậu, kể cả con người. Xây dựng hạ tầng đòi hỏi vốn lớn và nó có ý nghĩa rất cao đối với sự phát triển, nhưng cái cao ấy phải trên cơ sở chất lượng của sản phẩm và hiệu quả sử dụng của nó.
Đối với phương thức BOT, cần có nhà đầu tư cao cấp với các phương tiện và tri thức cao để đáp ứng những yêu cầu trên.
Việc nối kết, hợp tác với nhau phải trên quy tắc ngang giá của kinh tế thị trường. Những người tham gia hợp đồng phải rành mạch, rõ ràng và phải có một trình độ nhất định thì ngay từ đầu mới có thể thiết lập được mối quan hệ hợp tác. Làm sao mối quan hệ này phải thể hiện được trình độ của hai bên. Nếu trình độ hai bên ngang bằng nhau thì không lừa được nhau, còn nếu bên kém, bên giỏi thì bên kém rất dễ bị lừa.
Nếu không đáp ứng được các yêu cầu này, khi ký kết xong vẫn còn rất nhiều lỗ hổng trong đó.
Ở các nước phát triển, người ta rất rành các lỗ hổng ấy và lợi dụng nó. Như nhà đầu tư Trung Quốc, họ đưa ra những điều khoản ban đầu rất hời, đối tác ký kết không tỉnh táo và không đủ trình độ sẽ mắc phải và cuối cùng không thể thoát ra được.
Bởi thế, việc mời tư vấn quốc tế về nguyên tắc là rất cần thiết và hy vọng họ hỗ trợ Việt Nam về trình độ để khi ký kết hợp đồng, trình độ hai bên có thể ngang bằng nhau, từ đó tránh thiệt cho Việt Nam.
Cái thiệt ở đây không phải liên quan đến tính toán mà là chuyện bị rút ruột. Chẳng hạn, cũng là xây cầu qua sông nhưng cầu của nước ngoài được 100 năm, nhưng cầu ở Việt Nam có thể chỉ được 20 năm", PGS.TS Lê Cao Đoàn phân tích.
Ông cũng chỉ rõ, đầu tư hạ tầng rất tốn kém nên chỉ cần "phết phẩy" 1-2% đã là con số lớn. Chính vì vậy, phải có một trình độ tương xứng thì mới có thể tương xứng trong việc ký hợp đồng và kiểm tra việc thực hiện hợp đồng.
Điều khó nhất
Dù vậy, vị chuyên gia cho rằng, trình độ vẫn chưa phải là vấn đề khó nhất đối với Việt Nam, cái khó nhất là làm sao tránh được sự bắt tay, chia chác bên trong.
PGS.TS Lê Cao Đoàn dẫn lại vụ đưa và nhận hối lộ trong dự án Đại lộ Đông Tây trước đây. Bởi thể chế Việt Nam còn nhiều vấn đề yếu kém nên người Nhật Bản, xưa nay vốn rất quy tắc, cuối cùng cũng phá vỡ quy tắc và đưa hối lộ.
"Hạ tầng của Việt Nam rất kém nên mời gọi tư vấn quốc tế, nhà đầu tư nước ngoài tham gia dự án BOT là một giải pháp hay. Như đã phân tích ở trên, nó sẽ giúp cho trình độ của Việt Nam tương đương với phía bên kia, để hai bên làm việc đạt kết quả tốt hơn, hiệu quả cao hơn.
Nhưng đó là khi giả định rằng hai bên đều làm việc rất tốt. Còn khi hai bên cùng "diễn", bắt tay nhau để chia chác thì lúc đó chẳng có cách gì giải quyết được", PGS.TS Lê Cao Đoàn lưu ý.
Ngày đăng: 17:24 | 29/07/2017
/ Thành Luân/baodatviet.vn