Kết quả sơ bộ của cuộc bầu cử Tổng thống Nga do Ủy ban Bầu cử Trung ương nước này (CEC) công bố ngày 18/3 cho thấy, ứng cử viên độc lập Vladimir Putin giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử với hơn 87% số phiếu ủng hộ, lần thứ năm đắc cử một nhiệm kỳ Tổng thống.
Sau khi công tác kiểm phiếu sơ bộ được hoàn tất, ông Putin được xác định là đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Nga nhiệm kỳ 2024-2030 với 87,67% số phiếu bầu, vượt qua mọi kỷ lục của nước Nga hiện đại. Ông Putin giành hơn 90% số phiếu tại một loạt khu vực, bao gồm bán đảo Crimea (93,6%) cũng như tại các khu vực mà Moscow mới tuyên bố sáp nhập là Donetsk (95,23%), Lugansk (94,12%) và Zaporizhzhia (92,83%).
Tại Kherson thấp hơn một chút, ở mức 88,12%. Các ứng cử viên còn lại bao gồm ông Nikolai Kharitonov của Đảng Cộng sản Liên bang Nga (KPRF), ông Vladislav Davankov của Đảng Nhân dân Mới và ông Leonid Slutsky của Đảng Dân chủ Tự do (LDPR) lần lượt giành được 4,3%, 3,8% và 3,2% số phiếu bầu. Theo Bộ ngoại giao Nga, hơn 372.000 công dân Nga ở nước ngoài đã tham gia bỏ phiếu.
Theo hãng tin TASS, phát biểu tại trụ sở chiến dịch tranh cử của mình ngày 18/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhấn mạnh đến những ưu tiên trong nhiệm kỳ mới. Bên cạnh các nhiệm vụ chính cho sự phát triển đất nước đã được nêu ra trong Thông điệp liên bang gần đây, ông Putin cũng nhấn mạnh lại rằng trước hết nước Nga cần giải quyết các vấn đề trong khuôn khổ chiến dịch quân sự đặc biệt, tăng cường khả năng phòng thủ và củng cố lực lượng vũ trang của đất nước.
Ông hy vọng về một nước Nga hùng mạnh, độc lập, có chủ quyền và kết quả bầu cử sẽ cho phép ông cùng người dân Nga đạt được tất cả các mục tiêu đó. Về quan hệ với phương Tây và nguy cơ xảy ra xung đột trực tiếp giữa Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), ông Putin cảnh báo “thực tế cho thấy sẽ chỉ còn một bước nữa là có thể xảy ra chiến tranh thế giới thứ ba toàn diện”. “Tôi nghĩ rằng mọi thứ đều có thể xảy ra trong thế giới hiện đại”, ông Putin khẳng định, tuy nhiên, sẽ không có ai mong muốn kịch bản như vậy.
Kết quả của cuộc bầu cử không có quá nhiều bất ngờ. Giới chuyên gia đã đưa ra các nhận định về hướng đi của nước Nga trong nhiều lĩnh vực trong 6 năm tới. Về quân sự, nhà phân tích quân sự Alexey Leonkov của Nga nhấn mạnh: “Chiến thắng của Tổng thống Putin là yếu tố quan trọng bởi dưới sự lãnh đạo của ông, nước Nga đã xây dựng dây chuyền công nghệ, từ khâu nghiên cứu và phát triển đến cung cấp vũ khí và thiết bị quân sự hiện đại cho Lực lượng Vũ trang Nga”. Trong phát biểu trước Quốc hội Liên bang vào ngày 29/2, ông Putin đã chỉ trích phương Tây vì cố gắng lôi kéo Nga vào một cuộc chạy đua vũ trang, nhấn mạnh rằng những thủ đoạn tương tự đã được sử dụng để chống lại Liên Xô vào những năm 1980 và dẫn đến việc Liên Xô sụp đổ.
Theo ông Leonkov, Nga sẽ không rơi vào cái bẫy này nữa, thay vì tham gia vào “cuộc chạy đua vũ trang”, nước này đã tham gia vào cuộc “cạnh tranh công nghệ” với phương Tây, vượt xa phương Tây trên một số lĩnh vực. Ông đặc biệt đề cập đến các loại vũ khí siêu thanh của Nga hiện đang được sử dụng trong chiến dịch quân sự đặc biệt cùng với các dàn máy bay không người lái mới và thiết bị tác chiến điện tử (EW) do Nga sản xuất.
Việc hiện đại hóa công nghệ quân sự của Nga có thể thực hiện được nhờ những thay đổi sâu rộng trong chiến lược kinh tế của đất nước dưới thời ông Putin. Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã phần nào tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình công nghiệp hóa và đa dạng hóa quan hệ thương mại của Nga. “Nga đã vượt qua Đức về sức mua tương đương và thay thế nước này trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới”, ông Putin nhấn mạnh trong cuộc phỏng vấn mới đây với Sputnik. Ngoài ra, Moscow và các đối tác đã đẩy nhanh quá trình thoát khỏi đồng USD, vốn từ lâu đã trở thành công cụ trừng phạt trong thương mại toàn cầu, theo Paul Goncharoff, chủ sở hữu của Công ty tư vấn Goncharoff.
“Nga hiện nay không chỉ nổi lên là nền kinh tế lớn nhất ở châu Âu mà còn là thành viên quan trọng rõ ràng của nhóm các quốc gia đang phát triển nhanh chóng và phù hợp hơn về mặt kinh tế. Một cách nhìn khác về vấn đề này là Nga đã liên kết với các nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới và những nền kinh tế này đã chiếm phần lớn động lực tăng trưởng toàn cầu”. Ông cũng lưu ý đến khối BRICS, nhóm các nền kinh tế mới nổi là một tổ chức quốc tế bao gồm các nước thành viên như Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi, vừa tăng gấp đôi từ 5 lên 10 quốc gia thành viên vào tháng 1/2024, và Tổng thống Putin có vai trò quan trọng trong thúc đẩy khối này.
Theo Dmitry Evstafiev, nhà khoa học chính trị và giáo sư tại Trường Kinh tế Cao cấp thuộc Đại học Nghiên cứu Quốc gia Nga, các ưu tiên về chính sách đối ngoại của Nga đã được ông Putin nêu rõ trong Thông điệp liên bang. Chuyên gia này cũng đưa ra 4 hướng chính trong chiến lược đối ngoại của Nga trong nhiệm kỳ 6 năm tiếp, bao gồm: Duy trì đối thoại với các đối tác của Nga trong không gian hậu Xô Viết và Á-Âu nói chung; tổ chức đàm phán với phương Tây và với Mỹ về các vấn đề an ninh lớn của thế giới sẽ diễn ra sau khi có kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024; làm sâu sắc hơn mối quan hệ của Nga với Nam bán cầu và tạo ra một không gian địa kinh tế mới và một hệ thống thanh toán mới không cần đồng USD.
Ông Evstafiev không mong đợi những thay đổi chiến lược đối ngoại đột ngột trong nhiệm kỳ tiếp theo của ông Putin. “Ông Putin không phải là người thực hiện những bước chuyển biến sắc bén và mang tính quyết định như vậy. Ông ấy thực hiện những bước chuyển biến mang tính quyết định dần dần”.
Ngày đăng: 08:51 | 19/03/2024
Duy Tiến / cand.com.vn