“Dưới sự lãnh đạo của Pyotr Đại đế, nước Nga đã có được vị thế một cường quốc hàng hải, giành được uy tín và ảnh hưởng trên thế giới”, ngày 31-7, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh trước khi bắt đầu lễ duyệt binh trọng thể kỷ niệm Ngày Hải quân Nga.
Trước đó, tại thành phố Saint Petersburg, địa danh gắn liền với những vinh quang của bậc “đệ nhất minh quân” nước Nga, trên cương vị Tổng thống, đồng thời cũng là Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Nga, ông ký các văn bản quy định hoạt động của Hải quân Nga, bao gồm Học thuyết Hải quân mới và Điều lệ tàu của Hải quân Nga.
Tấm gương Pyotr
Đây có thể xem là cơ sở lý luận đóng vai trò nền tảng cho những thay đổi chắc chắn sẽ xảy đến trong thực tiễn, khi cục diện địa chính trị thế giới đang chuyển biến rất nhanh sang một thời kỳ mới. Một giai đoạn mà những võ công hiển hách của Pyotr Đại đế đã và đang trở thành ngọn hải đăng rọi đường, cho đương kim chủ nhân Điện Krelin.
Pyotr Đại đế, với sự đánh giá thống nhất của giới nghiên cứu lịch sử quốc tế, chính là người định hình và xác lập vị thế đại cường của đế quốc Nga Sa hoàng tại châu Âu trong thế kỷ XVII. Ông không chỉ là một nhà cải cách kiệt xuất - người mang đến cho xã hội trì trệ của nước Nga thời ấy những động lực mạnh mẽ, mà còn là cha đẻ của Hải quân Nga.
Dưới sự lãnh đạo của ông, quân đội Nga trở nên thực sự hùng mạnh, để đánh bại các kình địch là Thụy Điển trong cuộc Đại chiến phương Bắc cũng như Đế quốc Ottoman ở phía Nam, lấy lại những vùng lãnh thổ đã mất trước đó, mở thông đường ra các đại dương, gia tăng ảnh hưởng đáng kể cho Moscow ở cựu lục địa.
Một cách ngắn gọn, trong triều đại của Pyotr Đại đế, Nga trở thành một trong những đế quốc cường thịnh nhất thế giới, và chính là đại cường số 1 ở khu vực vắt từ Đông Âu sang châu Á - điều không bao giờ thay đổi kể từ đó.
Còn hiện tại, Tổng thống Vladimir Putin từng không ít lần nhấn mạnh: Những gì nước Nga thực hiện, cụ thể là thông qua chiến dịch quân sự đặc biệt ở miền Đông Ukraine, có mục đích tối thượng là thay đổi trật tự thế giới đơn cực cũ (với sự thống trị của các giá trị phương Tây), nhằm tái xác lập một trật tự thế giới đa cực mới. Trong đó, hiển nhiên, Liên bang Nga - quốc gia rộng lớn nhất thế giới - xứng đáng với vị thế là một cực, đối trọng với Mỹ cũng như Liên minh châu Âu (EU).
Moscow “không đặt thời hạn cuối cùng” cho những cuộc giao tranh ở Ukraine. Không chỉ vậy, với học thuyết hải quân mới (cũng có thể là điểm khởi đầu của một loạt các học thuyết quân sự - địa chính trị mới), nói như chính ông chủ Điện Kremlin, nước Nga đang phác thảo các đường biên giới của mình, kể cả Bắc Cực lẫn Biển Đen và thể hiện ý chí sẵn sang “bảo vệ vững chắc và bằng mọi cách” các đường biên giới này.
Có gì mới trong học thuyết hải quân?
“Để đảm bảo thực hiện chính sách hàng hải quốc gia của Liên bang Nga, tôi quyết định phê chuẩn Học thuyết Hàng hải của Liên bang Nga kèm theo đây. Xác nhận Học thuyết Hàng hải của Liên bang Nga số Pr-1210, được Tổng thống Liên bang Nga phê duyệt ngày 17-6- 2015, không còn hiệu lực” - một đoạn trong văn kiện mà Điện Kremlin công bố, ngày 31-7.
Như vậy là sau 7 năm, nước Nga đã lại sửa đổi Học thuyết Hải quân của họ - một bước tiến thực sự gấp gáp. Lần gần nhất văn bản này được điều chỉnh là khi Nga sáp nhập trở lại bán đảo Crimea.
Học thuyết Hải quân mới được thông qua trong bối cảnh diễn ra song song “cuộc chiến tổng lực lồng ghép của tập thể phương Tây” chống lại Nga, khi nước Nga đang đối diện áp lực chưa từng có từ các nước phương Tây, thông qua hàng loạt lệnh trừng phạt, vì chiến dịch quân sự ở Ukraine. Truyền thông nhà nước Nga cho biết Nga đang chịu khoảng 10.000 hạn chế, trở thành quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất trên thế giới. “Nước Nga ngày nay không thể tồn tại nếu không có một hạm đội mạnh... và sẽ bảo vệ lợi ích của mình trên các đại dương khắp thế giới”, học thuyết nhấn mạnh.
Theo cựu Phó Thủ tướng Nga Yuri Borisov, người phụ trách tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga, cho biết từ tháng 5-2022, việc điều chỉnh Học thuyết Hải quân có tính đến sự thay đổi của tình hình địa chính trị và chiến lược quân sự trên thế giới, tuy nhiên nội dung của học thuyết không nhằm đối đầu, mà nhằm củng cố an ninh quốc gia của Nga.
Trên cổng thông tin điện tử của Chính phủ Nga, Học thuyết Hải quân mới được diễn giải tương đối cặn kẽ, với việc chỉ rõ các đối tượng cụ thể mà nó hướng đến.
“Những thách thức và mối đe dọa lớn đối với an ninh quốc gia và sự phát triển bền vững của Nga liên quan đến biển bao gồm: Chiến lược của Mỹ hướng tới địa vị thống trị ở các đại dương; ảnh hưởng toàn cầu của Washington đối với các hoạt động liên quan đến việc sử dụng những tuyến đường giao thông hàng hải; và các nguồn năng lượng trên biển”, học thuyết nêu rõ.
Học thuyết mới cũng chỉ ra: Việc mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự của NATO tới biên giới Nga, cũng như chuyện ngày càng có nhiều cuộc tập trận của khối quân sự này ở các vùng biển tiếp giáp với lãnh thổ Nga là những mối đe dọa an ninh lớn.
Học thuyết mới làm rõ những nỗ lực của Mỹ và các đồng minh nhằm hạn chế Nga tiếp cận các nguồn tài nguyên và các tuyến vận tải biển huyết mạch, bên cạnh việc Washington muốn có ưu thế áp đảo về hải quân trên phạm vi toàn cầu.
Do đó, Học thuyết Hải quân mới của Nga hướng đến đẩy mạnh các hoạt động ở Bắc Cực, cụ thể là đa dạng hóa và tăng cường hoạt động hàng hải trên các quần đảo Spitsbergen, Franz Josef Land và Novaya Zemlya và đảo Wrangel. Nga sẽ tăng cường khả năng hoạt động của hải quân để đảm bảo an ninh quốc gia và bảo vệ các lợi ích của nước này ở các vùng biển, đồng thời nâng cao hiệu quả phòng thủ và bảo vệ biên giới biển của Nga.
Không chỉ vậy, “Phát triển ngành đóng tàu công nghệ cao, hiện đại ở Viễn Đông để đóng các tàu có trọng tải lớn (đặc biệt là cho sự phát triển ở Bắc Cực) và các tàu sân bay tiên tiến cho hải quân” được xác định là một nhiệm vụ quan trọng.
Cũng theo học thuyết mới, Hải quân Nga nhận thức rõ những khó khăn và bất lợi của việc không có những căn cứ quân sự ở nước ngoài, vốn là yếu tố quan trọng để duy trì sức ảnh hưởng và mở rộng phạm vi hoạt động. Để giải quyết vấn đề này, học thuyết đã đề cập tới kế hoạch xây dựng căn cứ hải quân ở Biển Đỏ.
Lời đáp trả dành cho NATO
“Chúng ta sẽ bảo vệ vững chắc đất nước bằng mọi cách. Điều quan trọng ở đây là năng lực của lực lượng hải quân chúng ta. Lực lượng này có thể phản ứng với tốc độ cực nhanh đối với tất cả những ai xâm phạm chủ quyền và tự do của chúng ta, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chiến lược trên biên giới của đất nước cũng như ở bất kỳ khu vực nào trên đại dương thế giới. Đồng thời, luôn sẵn sang cao độ cho các hoạt động tích cực của các lực lượng và phương tiện ven biển, trên mặt đất, trên không, dưới tàu ngầm.
Liên quan đến hệ thống tên lửa siêu thanh Zircon tân tiến, bất khả chiến bại, hải quân sẽ sớm nhận được trong những tháng tới”, Tổng thống Putin nhấn mạnh, trong bài phát biểu tại lễ duyệt binh. Sẽ không có gì đáng ngạc nhiên nếu những “ý tứ” này bị truyền thông phương Tây trích dẫn để chứng minh cho các luận điểm của họ về một nước Nga “hiếu chiến”. Tuy vậy, sẽ là không công bằng nếu không lật lại vấn đề.
Vào ngày 29-6, Tuyên bố chung bế mạc Hội nghị thượng đỉnh khối Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) xác định “Khái niệm Chiến lược mới”, theo đó Nga và Trung Quốc bị coi là những mối đe dọa địa chính trị lớn. Và, thực ra, việc nước Nga bị xem là đối tượng chính mà NATO hướng đến đã được chính thức đề cập từ tháng 10-2021, tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng của 30 quốc gia thành viên NATO.
Điều đó có nghĩa là gì? Là việc nước Nga không thể không cảm thấy mình hiển nhiên là đang bị bao vây, kìm hãm hoặc bị cố gắng khống chế. Bởi vậy, để bảo vệ vị thế đại cường mà Pyotr Đại đế đã xác lập, Moscow phải cố gắng đáp trả tương xứng. Do đó, nước Nga đang sẵn sàng sử dụng lực lượng quân sự tại các đại dương trên thế giới trong trường hợp các quyền lực mềm khác, chẳng hạn như các công cụ ngoại giao và kinh tế, không hiệu quả.
Không bất ngờ khi Học thuyết Hải quân mới đặt mục tiêu ”tăng cường toàn diện vị thế địa chính trị của Nga” ở Biển Đen và Azov, vốn là hai vùng biển nằm gần Nga và vùng ảnh hưởng của Nga.
Học thuyết cũng khẳng định Bắc Băng Dương, nơi mà Mỹ nhiều lần cáo buộc Nga đang cố gắng quân sự hóa, là một khu vực có tầm quan trọng đặc biệt đối với Nga (theo Reuters).
Những phòng tuyến, cả hữu hình lẫn vô hình, đang hình thành một cách càng lúc càng rõ nét hơn. Trên tất cả, các vận động này dường như là điều không thể tránh khỏi trong tiến trình tái định hình một trật tự thế giới mới.
Ngày đăng: 08:17 | 05/08/2022
Mây Linh / CAND