Trong 24 giờ qua khu vực miền Trung hầu như không mưa, lũ đang rút, riêng Quảng Bình còn hơn 1.000 hộ dân bị ngập.
Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết như trên, chiều 23/10.
Số người chết do mưa lũ và sạt lở đất lên 117, mất tích 21. Hơn 37.500 ngôi nhà bị hư hỏng; khoảng 530 ha lúa ngập nước; gần 3.900 ha hoa màu hư hại; trên 6.100 gia súc, gần 740.800 gia cầm bị cuốn trôi.
Về giao thông, các tuyến đường còn ách tắc đến trưa nay (23/10) tập trung ở đường Hồ Chí Minh, với tổng số 21 điểm sạt lở. Ngoài ra, quốc lộ 12C, 12A qua huyện Tuyên Hóa (tỉnh Quảng Bình), quốc lộ 9B, 9C, 9E cũng trên địa bàn tỉnh này còn một số điểm ách tắc.
Nước rút, người dân xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) khiêng từng bì lúa ướt ra đường để đổ ra phơi. Ảnh: Đức Hùng |
Từ ngày 6/10 đến nay, mưa lũ đã gây ngập lụt 6 tỉnh, thành miền Trung từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam. Trong đó, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị có tới hơn 177.900 hộ dân bị ngập lụt, tính đến 17h ngày 19/10.
Cuối giờ chiều nay (23/10), Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Hà Tĩnh thông tin trên địa bàn còn hai huyện bị ngập là Cẩm Xuyên (5 xã) Thạch Hà (2 xã). Đây là những xã vùng trũng nước thoát chậm; với các vùng khác, nước rút nhanh do trời không còn mưa và hửng nắng.
Tại Quảng Bình, mực nước trên sông Kiến Giang thời điểm cao nhất từ 4,88 m đã rút xuống còn 2,6 m, dưới báo động 3. Toàn tỉnh còn 1.049 hộ dân bị ngập.
Tại Quảng Trị, nhà chức trách thông kê còn 6 xã ở vùng trũng huyện Hải Lăng bị ngập, chủ yếu ngoài đường; phần lớn nhà dân trên địa bàn tỉnh đã rút hết nước, chỉ còn một ít hộ ở vùng thấp trũng bị ngập.
Nước lũ rút, người dân Lệ Thuỷ (Quảng Bình) bắt đầu dọn dẹp nhà cửa. Ảnh: Hoàng Phương |
Tại Thừa Thiên Huế, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh cho biết, nước đã rút ở các huyện, xã vùng trũng, không còn gây ngập nhà dân. Một số xã thấp trũng như Phong Bình, Phong Chương ngập ở đường xóm.
"So với những ngày trước, nước lũ hôm nay (23/10) rút nhanh hơn. Biển không còn triều cường cao như các ngày trước", đại diện Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế nói.
Tại Quảng Nam, ông Trương Xuân Tý, Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, cho hay nước lũ cũng đã cơ bản rút hết, không còn nhà dân bị ngập.
Phát biểu trong cuộc họp ứng phó bão chiều 23/10, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhận định chưa bao giờ lịch sử ghi nhận tháng có 5 cơn bão và áp thấp nhiệt đới.
Đề cập đến bão Saudel, ông Cường nói dù khả năng suy yếu song bão tiếp tục đổ bộ vào miền Trung, khu vực vừa gánh chịu hậu quả bão, mưa lũ liên tiếp. "Thêm bất cứ tác động nào, gió mạnh, mưa to cũng dễ dàng gây tổn thất nặng nề. Các địa phương không được chủ quan với bão", ông lưu ý.
Cứu trợ đồng bào lũ lụt miền Trung: Phải biết dân cần gì, ở đâu, hỗ trợ thế nào
Các tổ chức, cá nhân cứu trợ đồng bào vùng lũ miền Trung nên biết người dân đang cần gì, ở đâu và hỗ trợ ... |
Quốc lộ 1A thông xe
Quốc lộ 1A qua Quảng Bình, Hà Tĩnh đã thông xe sau nhiều ngày ngập nước, đường Hồ Chí Minh vẫn ách tắc do nhiều ... |
Ngày đăng: 20:05 | 23/10/2020
/ vnexpress.net