Theo chuyên gia, nền kinh tế Trung Quốc đang phát triển nên dù quy mô nợ lớn nhưng chưa đến mức nguy cấp.
Tin ở sức mạnh kinh tế Trung Quốc
Tổng nợ của Trung Quốc hiện nay gấp 3 lần kích thước nền kinh tế, trong đó các doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm lớn nhất về số nợ khổng lồ này, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, chưa chắc đã có một cuộc khủng hoảng tài chính nếu xem xét kỹ bức tranh nợ của Trung Quốc.
Theo PGS.TS Bùi Quang Bình, Đại học Kinh tế Đà Nẵng cho rằng, cần làm rõ Trung Quốc nợ trong nước hay nợ nước ngoài là chính.
Công nhân tại một mỏ than của Trung Quốc. Ảnh: Reuters |
"Nợ nước ngoài của Trung Quốc không phải là lớn, vì thế đây có lẽ là nợ trong nước và nợ xấu của hệ thống ngân hàng chiếm tỷ lệ lớn.
Bởi nợ của Trung Quốc được hỗ trợ bởi một chỗ dựa khổng lồ của tiền gửi trong nước và với sức mạnh của nền kinh tế nước này, dù các ngân hàng nợ nhiều thì họ vẫn đủ sức để giải quyết.
Trung Quốc hiện có dự trữ ngoại hối rất lớn, hơn 3.000 tỷ USD, lại đang là chủ nợ lớn nhất của Mỹ với hơn 1.100 tỷ USD.
Do đó, dù nợ công luôn là căn bệnh của các nền kinh tế nhưng phải xem xét khả năng của nền kinh tế như thế nào.
Nền kinh tế Trung Quốc đang phát triển nên dù có nhiều yếu tố để bàn nhưng nợ của nước này chưa nguy hiểm đến mức báo động đỏ. Hơn nữa, nguyên tắc của cảnh báo là để chữa bệnh", PGS.TS Bùi Quang Bình phân tích.
Theo vị chuyên gia, trong trường hợp xấu, nếu xảy ra rủi ro đối với kinh tế Trung Quốc chắc chắn kinh tế thế giới sẽ bị ảnh hưởng bởi các quốc gia, khu vực đang phụ thuộc nhiều vào kinh tế Trung Quốc. Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhiều nước bán hàng, nguyên liệu cho Trung Quốc và ngược lại, do đó nếu Trung Quốc liêu xiêu thì các nước khác cũng bị tổn thương.
Trong khi đó, bàn sâu hơn về nợ của DNNN Trung Quốc, TS Nguyễn Thạc Hoát, khoa Tài chính-Tiền tệ, Học viện Chính sách và Phát triển nhấn mạnh, trong kinh tế tài chính, con số nợ so với GDP chưa nói lên điều gì. Đối với nợ của doanh nghiệp, muốn xem nợ đó có lành mạnh hay không phải xem nợ vay để làm gì, đầu tư vào đâu và hiệu quả sử dụng đồng vốn thế nào.
"Nợ của DNNN phải so với vốn chủ sở hữu, ngân sách quốc gia. Về nguyên tắc, khi dư nợ đòn bẩy càng cao thì tính an toàn càng yếu và ngược lại. Khi ấy có hai cách bù đắp: bù đắp bằng vốn chủ sở hữu khi rủi ro xảy ra và bù đắp bằng dự phòng hàng hóa hóa tồn kho.
Chính vì thế, về chất lượng nợ của doanh nghiệp, phải xem nợ đó sử dụng vào mục đích nào, dự án có nguy cơ rủi ro không; nếu hàng hóa có nguy cơ rủi ro thì doanh nghiệp đã tích phòng rủi ro chưa.
Chẳng hạn, nếu DNNN vay đầu tư vào các "thành phố ma" thì chết, nhưng nếu vay đầu tư vào các dự án sinh lời như BOT, kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp mà trong khu đó kinh tế đang phát triển thì không sao.
Đối với DNNN Trung Quốc, nếu họ được kinh doanh những lĩnh vực độc quyền, làm theo đơn đặt hàng của nhà nước thì làm sao vỡ nợ được? Trong kinh doanh, doanh nghiệp Trung Quốc nói chung và DNNN Trung Quốc nói riêng rất khôn", TS Nguyễn Thạc Hoát đánh giá.
Tăng trưởng nhờ đầu tư
Cả hai vị chuyên gia đều cho rằng, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng một trong thời gian dài một phần là nhờ bơm tín dụng để kích thích đầu tư và tiêu dùng. Tuy nhiên, gánh nặng nợ của Trung Quốc hiện nay không hẳn là hệ quả của quá trình này.
PGS.TS Bùi Quang Bình nhận định, tăng trưởng tín dụng là một cú hích, nhưng không phải tất cả tăng trưởng kinh tế là do tăng trưởng tín dụng.
"Tăng trưởng tín dụng nhiều quá, nhanh quá thì xấu vì kéo theo nợ xấu và nhiều vấn đề khác, nhưng cũng có mặt tích cực là nhờ nguồn tín dụng đó doanh nghiệp phát triển được, đặc biệt là doanh nghiệp có trình độ công nghệ cao, tiếp cận dần với công nghệ hiện đại. Nó thay đổi dần cấu trúc kinh tế hoặc đi vào những lĩnh vực có thế mạnh thì chưa chắc đã xấu", ông nói.
Thời gian qua Trung Quốc tăng trưởng nhờ đầu tư nhưng hiện nay nước này đã điều chỉnh. Dù vậy, việc điều chỉnh này cần từ từ, nếu nhanh quá nền kinh tế sẽ bị sốc.
Giải thích thêm, TS Nguyễn Thạc Hoát cho biết, khi bơm tín dụng có 2 chính sách: chính sách tiền tệ mở rộng và tiền tệ thu hẹp. Chính sách tiền tệ mở rộng khuyến khích tăng trưởng tín dụng, còn chính sách tiền tệ thu hẹp bóp tín dụng lại.
Tuy nhiên, chính sách tiền tệ mở rộng tức cho vay ra không có nghĩa là bơm ồ ạt, mà quan trọng là khả năng hấp thụ của nền kinh tế.
"Không ai dại gì làm mà không có hiệu quả, không có phương án mà đi vay ngân hàng. Nền kinh tế phải có khả năng hấp thụ thì mới bơm.
Khi tín dụng tăng và bơm tiền ra, trước mắt nó sẽ kích thích sản xuất lưu thông, kích thích tăng trưởng GDP, kích thích tiêu dùng. Chỉ khi tín dụng bơm ra nhiều quá, liên tục thì dẫn đến lạm phát.
Nhưng thực tế, đối với ngân hàng, cho vay là nghề của họ, cho vay phải thu hồi được nợ họ mới dám cho vay, ngân hàng thời kỳ này là ngân hàng kinh doanh.
Chỉ có nguy cơ khi khủng hoảng kinh tế, ngân hàng cho vay dư nợ cao, sản xuất đình đốn thì nợ xấu ngân hàng tăng lên.", TS Nguyễn Thạc Hoát phân tích.
Trở lại việc Trung Quốc dùng tín dụng để kích thích đầu tư và tiêu dùng, vị chuyên gia đánh giá là có hiệu quả. Bởi về lý thuyết, tăng trưởng tín dụng là tăng vốn đầu tư cho nền kinh tế, vốn đầu tư đó được sử dụng có hiệu quả thì nó cũng thúc đẩy trưởng kinh tế.
Ngày đăng: 10:06 | 24/08/2017
/ Thanh Luân/baodatviet.vn