Cơ quan ứng phó thiên tai Indonesia cho biết vụ phun trào mới đây của núi lửa Semeru đã khiến ít nhất 14 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương, Reuters đưa tin.

Núi lửa Indonesia phun trào, 14 người chết -0

Tro bụi từ núi lửa bao phủ mọi thứ. Ảnh Reuters.

Semeru, ngọn núi cao nhất ở đảo Java, đã hoạt động trở lại từ ngày 4/12 phun lên những cột mây tro bụi khổng lồ xám xịt, bao trùm các ngôi làng lân cận ở tỉnh Đông Java và khiến người dân địa phương hoảng loạn tìm nơi trú ẩn an toàn.

Vụ phun trào núi lửa này đã phá hủy nhiều ngôi nhà cũng như một cây cầu huyết mạch kết nối 2 khu vực tại huyện Lumajang và thành phố Malang, tỉnh Đông Java, theo các quan chức địa phương.

Giới chức địa phương xác nhận trong cuộc họp báo ngày 5/12 rằng ít nhất 14 người thiệt mạng, trong đó 9 người chưa được xác định danh tính, và 56 người khác bị thương, phần lớn là bị bỏng. Khoảng 1.300 người đã được sơ tán.

Hãng thông tấn Antara đưa tin, lực lượng cứu hộ ở làng Curah Kobokan, huyện Lumajang, đã tìm thấy thi thể của một người mẹ vẫn đang ôm con bị dung nham vùi lấp.

Một nhân chứng tại khu vực Sumberwuluh cho biết nhà cửa và xe cộ gần như bị nhấn chìm hoàn toàn bởi lớp tro dày, xám xịt, cây đổ chắn ngang đường, cảnh tượng không khác gì ngày tận thế.

Hosniya, một cư dân địa phương 31 tuổi đang cùng gia đình sơ tán, cho biết rằng vụ phun trào xảy ra rất đột ngột. “Ban đầu tôi tưởng đó là một vụ nổ bom, sau đó tất cả mọi thứ tối đen lại như thể trái đất đang bị hủy diệt”.

Núi lửa Indonesia phun trào, người mẹ vẫn ôm con dù bị dung nham vùi lấp -0

Nhà cửa bị phá hủy do núi lửa phun trào. Ảnh Reuters.

Theo dự báo, trong 3 ngày tới mưa lớn sẽ xuất hiện tại khu vực này, có thể cản trở các nỗ lực sơ tán và cứu nạn. Dung nham và các mảnh đá núi lửa cũng cản trở hoạt động của lực lượng cứu hộ.

Các chuyên gia cho biết ngọn núi lửa Semeru vẫn trong quá trình hoạt động trở lại từ năm 2014 và gần đây tiếp tục các đợt phun trào dung nham và khói bụi, khiến giới chức địa phương liên tục đưa ra cảnh báo với người dân.

Semeru, cao hơn 3.600 m, là một trong gần 130 núi lửa đang hoạt động tại Indonesia.

Indonesia nằm trên “Vành đai lửa Thái Bình Dương”, một khu vực hoạt động địa chấn mạnh, nơi các mảng kiến tạo khác nhau trên vỏ trái đất va vào và gây ra các trận động đất, núi lửa phun trào.

Tiến Dũng

Ngày đăng: 08:22 | 06/12/2021

/ cand.com.vn