Những người Afghanistan đang sống có ít kí ức về những ngày yên bình, bởi nửa thế kỉ qua, đất nước của họ đã trải qua quá nhiều đau thương, đói nghèo và xung đột bởi những cuộc chiến chống lại các thế lực nước ngoài, xen lẫn nội chiến giành quyền lực của phe phái.
"Quân cờ" Afghanistan
Diện tích nhỏ, địa hình hiểm trở với phần lớn lãnh thổ là thung lũng và đồi núi, tài nguyên không đáng kể, dân số ít, nhưng Afghanistan nằm tại vị trí chiến lược bậc nhất khu vực, nơi giao thoa giữa Nam Á và Trung Á – vùng đất đa sắc tộc với lợi ích và mâu thuẫn đan cài, khiến nước này luôn nằm trên “bàn cờ” cạnh tranh của các cường quốc trong nhiều thế kỉ.
Từ nửa đầu thế kỉ 19 đến sau Thế chiến thứ I, Afghanistan, khi đó là một vương quốc với hàng ngàn bộ tộc sinh sống tách biệt nhau, đã trở thành nơi tranh giành ảnh hưởng giữa đế chế Nga hùng mạnh ở phương Bắc, đang nuôi khát vọng mở rộng lãnh thổ về châu Á và đế quốc Anh, khi đó cai trị Ấn Độ, ở phương Nam.
Nỗi lo Afghanistan có thể trở thành bàn đạp để Nga phát động tấn công tới Ấn Độ đã khiến Anh đem quân vào quốc gia Nam Á này hai lần (1839-1842 và 1878-1880), nhưng cuối cùng đều phải rút lui sớm, dù London từng áp đặt được chính sách đối ngoại của Kabul trong 40 năm (từ 1880 đến 1919, khi Tiểu vương Amanullah lãnh đạo Afghanistan giành lại quyền tự quyết ngoại giao từ Anh).
Trong nửa thế kỷ tiếp đó, Afghanistan theo chế độ quân chủ. Đã xảy ra một số cuộc xung đột và binh biến tranh giành quyền lực trong nước, nhưng Afghanistan cơ bản giữ được sự ổn định bên trong và thái độ tương đối trung lập xuyên suốt Thế chiến II, cũng như gia nhập Liên Hợp Quốc từ rất sớm, tháng 11/1946.
Năm 1973, nhóm sĩ quan do tướng Mohammad Daud, em họ vua Zahir Shah, lật đổ ngai vàng khi vua Shad đang đi nghỉ ở Italy và khai sinh nền cộng hòa ở Afghanistan, trong đó ông Daud đảm nhận vai trò Tổng thống. Tuy nhiên, bất đồng trong cách lãnh đạo đất nước khiến nhiều đảng phái đứng lên chống Daud.
Năm 1978, Daud bị lật đổ trong cuộc Cách mạng Saur do Đảng Dân chủ Nhân dân (PDPA) của Noor Mohammed Taraki, tiến hành. Ông Taraki, một trong số ít chính trị gia của phong trào dân chủ được đào tạo tại Liên Xô, đã theo đuổi con đường cải cách và thiết lập quan hệ chặt chẽ hơn với Moscow. Afghanistan trở thành Cộng hòa Dân chủ Afghanistan (DRA).
Tuy nhiên, những cải cách về đất đai, kinh tế có phần nóng vội thời bấy giờ đã kéo theo sự chống đối quyết liệt của các bộ lạc, các nhóm du kích. Bản thân PDPA cũng phân nhánh thành hai phe Khalq, tức “Nhân dân”, do Taraki đứng đầu và Parcham, tức “Lá cờ”, mang quan điểm ôn hòa hơn, do Babrak Karmal lãnh đạo.
Một năm sau, năm 1979, cuộc đấu đá quyền lực giữa hai chính trị gia nhánh Khalq là Taraki và Hafizullah Amin (một số nguồn tin cho rằng Amin có quan hệ mật thiết với Cục Tình báo Trung ương (CIA) Mỹ) nổ ra ở Kabul. Cuối cùng, Taraki bị sát hại khi đang say giấc, quyền hành ở Afghanistan rơi vào tay Amin.
Thay vì tiếp tục cải cách đất nước, Amin lựa chọn con đường đẩy mạnh thanh trừng các lực lượng tiến bộ, trước hết là những người thân Liên Xô do ông Babrak Karmal đứng đầu. Làn sóng bất bình với Amin tăng lên. Nhiều nhà hoạt động của Afghanistan kêu gọi Liên Xô giúp đỡ. Tháng 12/1979, các đơn vị đặc nhiệm Liên Xô tiến thẳng vào Kabul, Amin bị xử tử, còn Karmal, lúc này đang lưu vong ở nước ngoài, về nắm quyền.
Với sự trợ giúp của Liên Xô, Afghanistan đạt được một số thành tựu trong phát triển đất nước. Tuy nhiên, những thứ tiến bộ nhất chỉ có ở thủ đô và các thành phố lớn. Tại vùng nông thôn và miền núi, nơi quyền kiểm soát thuộc về các lãnh chúa của các bộ tộc, những người luôn đề cao giáo lý Hồi giáo nguyên thủy, họ không được hưởng lợi từ công cuộc cải cách. Sự hiện diện của Liên Xô bị các lãnh chúa của các bộ lạc ở vùng núi và các nhóm chiến binh Mujahideen của người Hồi giáo ở Afghanistan phản đối. Phong trào du kích thánh chiến sau đó bùng lên lẻ tẻ ở nhiều nơi chống lại lực lượng Liên Xô và DRA.
Nhìn thấy cơ hội bào mòn tiềm lực của Liên Xô ở Afghanistan, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan thời đó đề ra chiến lược "ba trụ cột" giúp phe đối lập chống Liên Xô và từng bước đẩy Moscow vào thế sa lầy.
Nơi Mỹ- Liên Xô trực tiếp cạnh tranh
Giai đoạn 1979-1986, trong khi Liên Xô tiêu tốn nhiều triệu USD và đưa hàng trăm ngàn binh sĩ, khí tài cơ giới tới trợ giúp chính quyền Karmal thì Mỹ cùng Pakistan, Arab Saudi và nhiều nước khác trực tiếp hoặc gián tiếp tuồn tiền bạc, vũ khí để quân nổi dậy Hồi giáo Mujahideen chống chính quyền ở Kabul.
Bắt đầu trong hỗn loạn, nhưng nhờ sự trợ giúp đắc lực từ bên ngoài, các nhóm Mujahideen nhanh chóng lớn mạnh, tập hợp thành khối chính trị có tên gọi là Thống nhất Hồi giáo Afghanistan Mujahideen. Dù không chịu sự chỉ huy duy nhất và có sự khác biệt về ý thức hệ, nhưng các tay súng Mujahideen lại rất thiện chiến. Mujahideen trở thành ác mộng của Liên Xô và DRA.
Tình hình trong nước bất ổn, kinh tế ngày càng đi xuống, cộng với việc cuộc chiến sa lầy sang năm thứ 10 ở Afghanistan không mang lại gì ngoài thiệt hại khổng lồ về người và của, Liên Xô buộc phải đưa ra quyết định rút quân. Năm 1988, binh sĩ Liên Xô bắt đầu rời đi, hoàn tất vào năm 1989. Theo số liệu của The Atlantic, cuộc chiến này cướp đi một triệu mạng sống dân thường Afghanistan, 90.000 chiến binh Mujahideen, 18.000 lính Afghanistan và 14.500 quân nhân Liên Xô.
Với mục tiêu ban đầu được xác định là nhằm cạnh tranh và bào mòn sức mạnh của Liên Xô, Mỹ gần như buông bỏ Afghanistan ngay khi Liên Xô rút lui. Dù rằng vẫn có những báo cáo Liên Xô và Mỹ tiếp tục hỗ trợ ngầm cho hai phe xung đột, thì cuộc chiến ở Afghanistan từ lúc này chỉ còn là nội chiến của người Afghanistan, giữa chính phủ ở Kabul và Mujahideen.
Taliban hình thành
Quá trình can dự của Mỹ trong giai đoạn Liên Xô sa lầy ở Afghanistan được thừa nhận rộng rãi là một trong những nguyên nhân giúp Mujahideen ngày càng mạnh mẽ, quyết liệt. Liên Xô rút quân được 3 năm, năm 1992, chính phủ Afghanistan do Moscow hậu thuẫn bị lật đổ. Những vũ khí mà Mỹ bỏ lại lúc này trở thành công cụ để những nhóm chiến binh thắng trận quay ra đấu đá nhau tranh giành quyền lực. Chính tình trạng đó đã tạo điều kiện để Taliban – có nguồn gốc chính là các tay súng thuộc phe Mujahideen ra đời.
Theo BBC, hầu hết thành viên của Taliban là người Pashtun, dân tộc đông dân nhất Afghanistan. Tên Taliban có nghĩa là “những giáo sinh Pashto”. Khởi đầu với khoảng 50 cá nhân có tham vọng thiết lập lại trật tự dựa trên sự nghiêm khắc của Hồi giáo nguyên thủy năm 1994, Taliban nhanh chóng lớn mạnh về quân số mở rộng ảnh hưởng ở Kandahar, sau đó là toàn vùng Tây Nam Afghanistan nhờ lời hứa mang lại ổn định và công bằng thông qua luật Sharia, trong bối cảnh các nhóm quyền lực khác chỉ tập trung bắn giết.
Tuy nhiên, mặt trái của sự ổn định của Taliban chính là sự tàn khốc đáng sợ. Năm 1996, Taliban tiến vào Kabul, lật đổ chế độ của Tổng thống Burhanuddin Rabbani - một trong những cha đẻ của tổ chức Mujahideen, buộc Rabbani ra nước ngoài sống lưu vong.
Taliban sau đó toàn quyền điều hành đất nước và nhanh chóng áp đặt luật Hồi giáo nghiêm khắc, cấm các chương trình truyền hình và cả âm nhạc. Đàn ông buộc phải để râu, phụ nữ ra đường phải dùng trang phục burqua che mặt mũi, chỉ được nhìn qua một lớp vải đan thưa. Đa số trẻ em gái không được học tập. Mọi tiến bộ của nhân loại dường như đều bị loại bỏ ở Afghanistan. Đến 1999, không một bé gái nào được đăng ký học ở trường trung học và chỉ 4% (9.000 người) trong số những người đủ điều kiện học ở trường tiểu học.
Ngoài ra, nền kinh tế Afghanistan giai đoạn 1996-2000 kém phát triển, GDP trên dưới 3 tỷ USD mỗi năm. Phần lớn người dân lâm vào cảnh nghèo khó, thiếu thốn. Các bãi trồng thuốc phiện mọc lên khắp nơi. Một số nguồn tin khẳng định, Taliban kiểm soát 96% số cánh đồng thuốc phiện ở Afghanistan và biến thuốc phiện thành nguồn thu lớn, bên cạnh thuế, lợi nhuận từ hoạt động buôn bán dầu khí và các mỏ khoáng sản. Nhóm được cho là cũng có nguồn viện trợ từ những người ủng hộ ở Pakistan và Vùng Vịnh. Sự tàn khốc của mình khiến chính quyền Taliban nhiều lần bị thế giới lên án.
Sự trở lại của người Mỹ
Thế nhưng không phải nội chiến, cũng không phải sự tàn bạo của Taliban khiến Mỹ quay lại nơi đây. Mỹ trở lại Afghanistan từ tháng 10/2001 để trả đũa việc Taliban từ chối giao nộp trùm khủng bố Al-Qaeda, Osama bin Laden, kẻ được xác nhận là đã chỉ đạo vụ tấn công kinh hoàng ở Mỹ ngày 11/9 năm đó.
Tháng 12/2001, chế độ Taliban sụp đổ, thủ lĩnh lúc đó của nhóm là Mullah Mohammad Omar và các nhân vật cộm cán khác, bao gồm cả bin Laden, trốn thoát. Năm 2004, một chính quyền thân Mỹ được dựng lên ở Kabul. Nhiều người tưởng chừng như với nguồn lực từ Washington, chính quyền này có thể tự họ duy trì đất nước, nhưng Taliban không để điều đó xảy ra. Nhóm đã tái tập hợp và liên tiếp tấn công, gây tổn thất nghiêm trọng cho quân đội chính phủ cũng như lực lượng Mỹ và các đồng minh NATO ở Afghanistan.
Dưới thời Tổng thống Barack Obama, Mỹ quyết định trao lại việc đảm bảo an ninh cho quân đội Afghanistan và lên kế hoạch rút quân. Ngày 15/8 vừa qua, hơn một năm sau thỏa thuận giữa Mỹ và Taliban đạt được dưới thời Tổng thống Donald Trump, Đại sứ quán Mỹ sạch bóng người, chính quyền do Mỹ hậu thuẫn ở Afghanistan tan tác, còn Taliban giành lấy Kabul mà không gặp phải kháng cự đáng kể nào, giống như cách họ tiến vào thành phố năm 1996.
Liệu còn ai sẽ can thiệp Afghanistan?
Trong nửa thế kỉ, Liên Xô phải tay trắng ra về sau 10 năm, chế độ thân Liên Xô sụp đổ. Người Mỹ duy trì lực lượng ở Afghanistan lâu gấp đôi Liên Xô, nhưng cuối cùng vẫn cay đắng rút quân, chế độ mà Mỹ lập ra ở Afghanistan tan rã. Không còn nghi ngờ về việc Taliban sẽ sớm lập Vương quốc Hồi giáo ở Afghanistan như tuyên bố hôm 15/8.
Không xe tăng hay thiết giáp, lực lượng Taliban vào Kabul trên xe bán tải và xe máy, cùng những khẩu súng AK và ống phóng lựu đạn thô sơ. Họ không mặc quân phục giống những đội quân chính quy và hành xử ngẫu hứng, nên rất khó phân biệt ai là chỉ huy, ai là cấp dưới. Hình ảnh này được nhiều hãng tin mô tả là sự đối lập, cũng là nỗi xấu hổ của quân đội 300.000 lính của Afghanistan, vốn được Mỹ chi hàng tỷ USD để huấn luyện và trang bị “tận răng”.
Vài ngày qua, nhiều nguyên nhân đã được nêu ra để giải thích cho sự trỗi dậy mạnh mẽ của Taliban. Cánh truyền thông phương Tây cho rằng, chính quyền Kabul tham nhũng và thiếu năng lực, thiếu chiến lược, lại thiếu nhuệ khí nên Mỹ không thể trông mong gì và quân đội Afghanistan gần như tự tan rã.
Tờ Washington Post dẫn lời một vài quan chức Mỹ và Afghanistan tiết lộ, các quan chức cấp thấp của Afghanistan hơn một năm qua đã “đổi chác” với Taliban để đầu hàng, giao nộp vũ khí đổi lấy tiền. Từ thời điểm Taliban đạt thỏa thuận với Mỹ về việc Washington rút quân hồi tháng 2/2020, Taliban đã tận dụng thành công bầu không khí mơ hồ chính trị để chia rẽ quân đội Afghanistan từ trong.
Khi ông Biden lên nắm quyền và kiên quyết rút quân, Taliban nhanh chóng nâng cấp các cuộc “đổi chác” này lên cấp quận, rồi từ quận lên tỉnh, khi quân đội Afghanistan hoang mang về số phận của họ. Nhiều quan chức Afghanistan coi sự rút lui của Mỹ là chỉ dấu Taliban sẽ trở lại. Họ muốn đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình, cũng như vai trò trong chính quyền mới.
Một số tờ báo thì mô tả, không khí hoảng loạn ở Kabul khi Taliban tiến vào được tạo ra bởi thiểu số những người lo bị Taliban trả thù. Phần lớn thường dân và các bộ tộc ở Afghanistan đã quá chán nản với chính quyền của Tổng thống Ashraf Ghani. Mỹ ra đi, nếu quân đội và Taliban cứ giao tranh, tình hình sẽ chỉ bất ổn hơn. Nhiều người thà rằng chấp nhận Taliban nắm quyền, thì ít nhất họ cũng được sống trong hòa bình, dù có thể chỉ là hòa bình nhất thời.
Nhiều ý kiến lạc quan nhận định, Taliban nay đã trưởng thành hơn giai đoạn 1996-2001. Bản thân nhóm cũng tuyên bố sẽ xây dựng một chính phủ với nhiều thành phần và không trở thành mối đe dọa với phương Tây. Phát ngôn viên Taliban cam đoan sẽ không trả thù những người từng phục vụ quân đội và các chính quyền trước đây của Afghanistan, đồng thời đảm bảo quyền được học tập và làm việc của phụ nữ. Tuy nhiên, thực tế ra sao còn phải chờ diễn biến.
Một góc độ nào đó, sự ra đi của Mỹ và sụp đổ của chính quyền Kabul được nhìn nhận là đã cho thấy sự lỗi thời và phản tác dụng của chủ nghĩa can thiệp quốc tế, ít nhất là ở Afghanistan. Ngoại trừ một chính phủ quân quản, Afghanistan một thế kỉ qua trải qua hầu hết các hệ thống chính phủ, từ quân chủ, cộng hòa, chính trị thần quyền..., có hoặc không có sự can dự từ bên ngoài, nhưng chưa chính quyền nào đủ mạnh để bảo vệ người dân khỏi đói nghèo và chiến tranh.
Trong bài đăng trên trang RT của Nga, chuyên gia Ấn Độ Sreeram Chaulia viết, phần lớn lịch sử Afghanistan dưới sự điều hành của các nhà nước là phi tập trung và lỏng lẻo, với các khoảng trống quyền lực thường được lấp đầy bởi các thành phần phi nhà nước. Một nhà nước do Taliban điều hành sẽ phải đối mặt với cấu trúc thực tế này.
Chaulia chỉ ra rằng, có sự mâu thuẫn sâu sắc giữa các sắc tộc và thành phần xã hội về việc Afghanistan nên xây dựng một nhà nước kiểu gì. Đánh bại một chính quyền phụ thuộc vào Mỹ là phần dễ dàng với Taliban, nhưng câu chuyện quản lý đất nước sẽ mang đến một loạt thách thức hoàn toàn khác, đòi hỏi phải có sự thỏa hiệp chứ không phải chỉ đơn thuần áp đặt quan điểm của kẻ mạnh.
Để khắc phục tất cả bất cập đó, một cuộc đối thoại hòa giải dân tộc giữa các bên ở Afghanistan, trên cơ sở đặt lợi ích của người dân lên trên hết, là điều quan trọng nhất. Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến vai trò của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các cường quốc trong khu vực. Tuy nhiên, nếu Taliban giữ thái độ cứng rắn, liệu ai đủ tầm ảnh hưởng để thúc ép họ hay sẽ lại có một thế lực, một quốc gia nào đó sẽ đưa quân đến Afghanistan với hi vọng khuất phục được Taliban? Đây là câu hỏi mà chỉ thời gian mới có thể trả lời.
Thiện Nhân
Máy bay Đức tới Afghanistan sơ tán công dân nhưng mãi không thể hạ cánh |
Nga, Mỹ, Trung Quốc thảo luận về khủng hoảng Afghanistan |
Quân đội Mỹ nổ súng tiêu diệt những kẻ quá khích tại sân bay Kabul |
Ngày đăng: 11:01 | 17/08/2021
/ cand.com.vn