Tòa án ở Canada ngày 11-12 đã chấp nhận yêu cầu tại ngoại của Giám đốc tài chính Huawei Meng Wanzhou trong khoảng thời gian bà đợi một phiên tòa về việc dẫn độ sang Mỹ.
Quyết định cho bảo lãnh tại ngoại đối với "nữ tướng" của công ty công nghệ Huawei của Trung Quốc này khép lại phiên tòa kéo dài 3 ngày và mở ra một hành trình có thể là một cuộc chiến pháp lý lâu dài giữa lúc bà Meng phải đấu tranh với nỗ lực dẫn độ bà sang Mỹ.
Gám đốc tài chính Huawei Meng Wanzhou. Ảnh: Reuters
Quyết định nói trên của tòa án ở Vancouver đưa ra giữa lúc Tổng thống Mỹ Donald Trump nói với Reuters rằng ông sẽ can thiệp vào vụ này nếu nó gây ảnh hưởng tới lợi ích an ninh quốc gia hoặc giúp tiến gần tới thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.
Trong khi đó, nổi lên thông tin cựu quan chức ngoại giao của Canada Michael Kovrig đã bị bắt giữ ở Trung Quốc. Ông Kovrig từng là người đứng đầu bộ phận chính trị cho chuyến thăm năm 2016 tới Hồng Kông của Thủ tướng Canada Justin Trudeau.
Theo Guardian, ông Trudeau nói với báo giới rằng chính phủ Canada coi việc bắt giữ nói trên là một vấn đề nghiêm trọng. Các cựu quan chức ngoại giao cũng như giới phân tích trước đó đã cảnh báo Trung Quốc có thể thực hiện các biện pháp trừng phạt để trả đũa vụ bắt giữ bà Meng.
"Vụ bắt giữ đã gởi một tín hiệu tới các nhà ngoại giao đương nhiệm về sự nghiêm trọng với những vấn đề mà Trung Quốc đang quan tâm" - GS về quan hệ quốc tế Stephanie Carvin tại ĐH Carleton nhận định, dù ông cho rằng vẫn còn quá sơm để khẳng định hai vụ việc có liên quan tới nhau.
Bà Meng bị giới chức trách Canada bắt giữ ngày 1-12 ở Vancouver khi đang chờ chuyến bay theo yêu cầu của Mỹ với cáo buộc "âm mưu lừa đảo các tổ chức tài chính", nghi vấn lách lệnh trừng phạt của Washington áp dụng lên Iran.
Nếu bị dẫn độ sang Mỹ và bị tuyên có tội, bà có thể đối diện với án 30 năm tù.
Trước khi tại ngoại, bà Meng đã bị giam giữ hơn 1 tuần và việc bà được tại ngoại một phần do các yếu tố về sức khỏe, bao gồm cuộc phẫu thuật ung thư trước đó và vấn đề về ăn uống.
Bà Meng phải đáp ứng 15 yêu cầu để tại ngoại, bao gồm việc đeo thiết bị theo dõi GPS, giao nộp cả hai hội chiếu và nộp 7,5 triệu USD. Bà phải tự chi trả toàn bộ chi phí giám sát và theo dõi GPS.
Về phía Mỹ - nước đã yêu cầu Canada bắt giữ bà Meng, tới nay họ vẫn chưa gởi yêu cầu chính thức về việc dẫn độ. Nếu yêu cầu này không được đưa ra trong vòng 60 ngày, bà Meng sẽ được thả.
Sự phối hợp giữa Mỹ và Canada trong vụ bắt giám đốc Huawei
Bộ Tư pháp Mỹ phát hiện cơ hội hiếm hoi để bắt Mạnh Vãn Chu hôm 1/12 và họ phải trông cậy hoàn toàn vào ... |
Mỹ cân nhắc ban hành cảnh báo mới cho công dân đến Trung Quốc
Mỹ từng khuyến cáo người dân "tăng cường cảnh giác" khi tới Trung Quốc, nhưng lo ngại dường như gia tăng sau vụ bắt giám ... |
Đỗ Quyên (Theo Guardian)
Ngày đăng: 14:32 | 12/12/2018
/ https://nld.com.vn