Michele Flournoy, người được nhiều quan chức quân đội mến mộ, có thể trở thành nữ Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên trong lịch sử Mỹ.
Tháng 6/2016, phó tổng thống Mỹ Joe Biden được mời tới phát biểu tại một sự kiện của Trung tâm An ninh Mỹ Mới (CNAS), tổ chức tư vấn do Michele Flournoy thành lập và dẫn dắt. Khi giới thiệu Biden lên phát biểu, Flournoy ca ngợi ông là một "chuyên gia về an ninh quốc gia" và nhấn mạnh mối quan hệ giữa CNAS với các nhân viên của Biden tại Nhà Trắng.
Về phần mình, Biden tuyên bố rằng ông sẽ giới thiệu Flournoy làm bộ trưởng quốc phòng trong chính quyền Hillary Clinton. "Chà, bà bộ trưởng", Biden cười, trong khi khán phòng rộ tiếng vỗ tay. "Tôi sẽ viết thư giới thiệu bà".
Chính quyền Clinton sau đó đã không thành hình, khi Donald Trump chiến thắng và trở thành Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. Nhưng 4 năm sau, Tổng thống đắc cử Biden đang có cơ hội hiện thực hóa lời hứa của mình, biến Flournoy trở thành nữ Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên của Mỹ.
Flournoy được coi là lựa chọn tốt nhất của Biden vào thời điểm hiện tại, khi bà là người am hiểu hoạt động Lầu Năm Góc và nhận được nhiều sự ủng hộ từ giới chức quân sự.
Bà từng đảm nhận vai trò Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách Chiến lược dưới thời cựu tổng thống Bill Clinton, cũng như Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách Chính sách trong chính quyền Barack Obama. Bà cũng từng là cố vấn cho cựu bộ trưởng quốc phòng Robert Gates và Leon Panetta trong giai đoạn 2009-2012.
Flournoy trong cuộc điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ đầu năm 2019. Ảnh: AP. |
Sự hiện diện của Flournoy tại Lầu Năm Góc bắt đầu từ trước đó rất lâu. Năm 2002, bà rời Lầu Năm Góc và Đại học Quốc phòng Mỹ để chuyển tới Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), tổ chức nhận được nhiều kinh phí từ các tập đoàn quốc phòng và Lầu Năm Góc.
5 năm sau, bà đồng sáng lập CANS, tổ chức nghiên cứu được chính phủ tài trợ nhiều thứ hai ở thủ đô Washington. Động thái này giúp bà được trọng dụng trong chính quyền Obama.
Flournoy chuyển tới làm việc tại Công ty Tư vấn Boston trong giai đoạn 2013-2016, giúp doanh nghiệp này tăng đáng kể số lượng và giá trị hợp đồng quân sự được ký với Lầu Năm Góc, từ 1,6 triệu USD lên 32 triệu USD chỉ trong ba năm. Bà cũng trở thành thành viên hội đồng quản trị của Booz Allen Hamilton, một trong những công ty tư vấn hàng đầu trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng.
Năm 2017, Flournoy đồng sáng lập công ty West Exec Advisors cùng cựu thứ trưởng ngoại giao Antony Blinken, người vừa được Biden chọn làm Ngoại trưởng trong chính quyền tương lai. Công ty này chuyên hỗ trợ các tập đoàn quốc phòng quảng bá sản phẩm với Lầu Năm Góc và nhiều cơ quan chính phủ.
Trong thời gian làm việc cho chính quyền Clinton, bà là tác giả chính trong báo cáo Đánh giá Phòng thủ bốn năm một lần (QDR) được công bố tháng 5/1997, trong đó khẳng định Mỹ sẽ thực thi chiến lược phòng thủ mới, không chịu ràng buộc bởi điều khoản cấm sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong Hiến chương Liên Hợp Quốc.
"Khi các lợi ích thiết yếu bị đe dọa, chúng ta nên làm mọi thứ có thể để bảo vệ chúng, thậm chí là đơn phương sử dụng sức mạnh quân sự nếu cần thiết", tài liệu QDR có đoạn viết. Báo cáo này định nghĩa các lợi ích thiết yếu của Mỹ gồm "ngăn sự hình thành của liên minh thù địch trong khu vực" và "bảo đảm quyền tiếp cận không bị cản trở với các thị trường chủ chốt, nguồn cung năng lượng và các tài nguyên chiến lược".
Tháng 6/2002, sau khi tổng thống Mỹ khi đó là George W. Bush đe dọa tấn công Iraq, bà tuyên bố Mỹ "cần tấn công phủ đầu nhằm hủy diệt kho vũ khí của đối phương trước khi khủng hoảng bùng phát và họ có thể triển khai lực lượng bảo vệ hoặc phân tán chúng".
Flournoy luôn duy trì quan điểm kêu gọi tăng chi tiêu quốc phòng và được mô tả là một trong những cố vấn có quan điểm diều hâu trong chính quyền Obama.
Việc cân nhắc Flournoy diễn ra khi Lầu Năm Góc trải qua nhiều biến động, nhất là sau khi cựu bộ trưởng quốc phòng Mark Esper bị Tổng thống Trump sa thải. Bà Flournoy đang nhận được sự ủng hộ từ hàng loạt nghị sĩ theo quan điểm tiến bộ.
"Chúng tôi hiểu rõ nhu cầu thiết yếu về một lãnh đạo có trình độ chuyên môn trong những vấn đề an ninh quốc gia phức tạp như Flournoy. Kinh nghiệm chính sách của bà sẽ rất quan trọng nhằm bảo đảm khả năng giám sát chặt chẽ của dân sự với quân đội, cũng như tính chuyên nghiệp và đạo đức của các lực lượng đặc biệt, đa dạng hóa lực lượng và duy trì những hoạt động củng cố lợi thế công nghệ thông qua tiến bộ khoa học", nghị sĩ Jim Langevin và Jackie Speier, chủ tịch hai tiểu ban thuộc Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ, ra thông cáo chung cho hay.
Nghị sĩ Seth Moulton, cựu binh từng tham chiến ở Iraq, cho rằng Flournoy có hiểu biết sâu rộng về bộ máy điều hành của Lầu Năm Góc và tương lai của nền quốc phòng Mỹ. "Đó là sự kết hợp rất hiếm gặp. Tôi rất mong chờ bà ấy được đề cử làm Bộ trưởng Quốc phòng", nghị sĩ Moulton cho hay.
Flournoy được hàng loạt cựu quan chức quốc phòng và ngoại giao cấp cao, các chuyên gia kiểm soát vũ khí ca ngợi do luôn đề cao các hiệp ước quốc tế, cũng như nỗ lực cắt giảm số lượng và vai trò của vũ khí hạt nhân trong những kịch bản chiến tranh.
"Bà ấy hiểu rằng ưu tiên hàng đầu của chính quyền Biden sẽ là khôi phục vị trí lãnh đạo của Mỹ trong hàng loạt vấn đề, bao gồm cắt giảm nguy cơ hạt nhân", cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ William Perry và cựu thứ trưởng ngoại giao phụ trách kiểm soát vũ khí và phó tổng thư ký NATO Rose Gottemoeller cho biết trong bức thư ngỏ được đăng hôm 25/11.
Flournoy (phải) thăm một căn cứ của Mỹ tại Afghanistan năm 2011. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ. |
"Flournoy thường bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ việc gia hạn Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Tấn công Chiến lược Mới (New START) với Nga, đồng thời đặt ra nhiều câu hỏi quan trọng về nhu cầu và mức đầu tư cho các kế hoạch hiện đại hóa lực lượng hạt nhân hiện nay. Flournoy từng chỉ trích chính quyền Trump vì hạ ngưỡng cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân", bức thư có đoạn.
Hai cựu quan chức Mỹ cho rằng Flournoy là lựa chọn tốt nhất để ngăn Lầu Năm Góc đầu tư quá mức vào những hệ thống lạc hậu và nguy hiểm, bao gồm vũ khí hạt nhân, vốn không phù hợp để giải quyết những vấn đề hiện nay và trong tương lai gần.
Tuy nhiên, một số chính trị gia tỏ ra ngờ vực lựa chọn của Biden, cho rằng Flournoy có quan điểm quá diều hâu và đang duy trì quan hệ quá thân thiết với các tập đoàn quốc phòng Mỹ như Lockheed Martin, Boeing, General Dynamics, Northrop Grumman và Raytheon.
Nhiều ứng viên khác cho vị trí bộ trưởng quốc phòng cũng được nhắc tới như cựu bộ trưởng An ninh Nội địa Jeh Johnson, song việc chọn Flournoy làm lãnh đạo Lầu Năm Góc dường như sẽ phù hợp hơn với cam kết của Biden về "nội các đa dạng".
Vũ Anh (Theo Politico)
Trung Quốc lo Biden đề cử lãnh đạo Lầu Năm Góc "ít thiện cảm" với Bắc Kinh |
Mỹ bổ sung 4 công ty Trung Quốc vào danh sách đen của Lầu Năm Góc |
Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ suýt ngã trước Lầu Năm Góc |
Ngày đăng: 10:27 | 28/11/2020
/ vnexpress.net